Cơ sở pháp lý

Một phần của tài liệu Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 24 - 28)

CHƯƠNG I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI

1.1 Một số vấn đề lý luận về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác

1.1.4 Cơ sở của việc quy định chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác trong TTHS Việt Nam

1.1.4.2 Cơ sở pháp lý

Ở bình diện quốc tế, Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền 1948, Tuyên ngôn về những Nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử đối với nạn nhân của của tội phạm và nạn nhân của sự lạm dụng quyền lực do Liên hợp quốc ban hành ngày 29 11 1985, Công ước chống tham những của Liên hợp quốc, Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc dùng nhục hình năm 1984, cùng hai Công ước quốc tế về quyền con người (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966) ghi nhận những nội dung liên quan đến bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của người bị tố giác, người làm chứng, người bị hại trong tố tụng hình sự nói riêng. Các văn bản pháp lý quốc tế này được xem như khuôn mẫu chung cho các quốc gia trong sự nghiệp bảo vệ quyền con người của mình, là tiếng nói chung cho toàn thể nhân loại trên thế giới.

Ở Việt Nam, trải qua các bản Hiến pháp của Việt Nam, nội dung về bảo vệ quyền con người luôn được chú trọng, cụ thể hóa một cách rõ ràng. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 là một bước đột phá, thể hiện sự tiến bộ trong tư duy pháp lý của một nhà nước pháp quyền. Theo đó, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi người có quyền bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật

cá nhân, bí mật gia đình; bí mật thư tín, điện thoại [4]... Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cũng như bảo vệ các quyền đó trên thực tiễn. Do đó, hơn bao giờ hết cần phải có những cơ chế bảo vệ thích đáng xuất phát từ chính yêu cầu khách quan của đời sống pháp luật về bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung và bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại nói riêng, Việt Nam cần phải nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại.

Trong pháp luật TTHS, lần đầu tiên Bộ luật TTHS năm 2003 đã bổ sung một nội dung mới, quan trọng, mang tính nguyên tắc là người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật [1]. Nội dung của nguyên tắc này không chỉ khẳng định quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà còn xác định rõ trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích của người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án. Quy định này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ các chủ thể này trên thực tiễn.

Để cụ thể hơn các quy định của Bộ luật TTHS năm 2003, ngày 26 12 2013, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 13 2013 TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người làm chứng, người tố giác tội phạm, người bị hại trong vụ án hình sự. Thông tư đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ những chủ thể trên với quy định về đối tượng được bảo vệ; phạm vi bảo vệ; quyền của người được bảo vệ;

nghĩa vụ của người được bảo vệ; các biện pháp bảo vệ; cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; cơ quan có trách nhiệm bảo vệ; trình

tự, thủ tục quyết định áp dụng và thực hiện các biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của các cơ quan; hồ sơ bảo vệ; kinh phí thực hiện và điều khoản thi hành.

Bên cạnh các quy định của BLTTHS năm 2003 và văn bản hướng dẫn về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại như đã phân tích ở trên thì trong hệ thống pháp luật Việt Nam các quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại còn được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật chuyên ngành khác như:

Trong lĩnh vực bảo vệ An ninh quốc gia, Luật An ninh quốc gia quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24: các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có trách nhiệm “áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia” [6].

Nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật An ninh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151 2005 NĐ-CP ngày 14 12 2005 về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan và cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó quy định tương đối chi tiết, cụ thể về công tác bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ án khác do cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thụ lý [12].

Lĩnh vực phòng, chống ma tuý là nơi mà người tố giác, người làm chứng, người bị hại có nguy cơ bị tấn công hoặc bị xâm hại đặc biệt lớn. Chính vì vậy, tại điểm e khoản 1 Điều 13 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 đã quy định: cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý trong Công an nhân dân được “áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác, người làm chứng và người bị hại trong các vụ án về ma tuý” [7]. Ngày 27/11/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99 2002 NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc Công an nhân dân và đã dành riêng Chương VII để quy định về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại [13]. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số

09/2004/TT-BCA(V19) ngày 16 6 2004 hướng dẫn áp dụng một số biện pháp bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án về ma tuý [14].

Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 chỉ mới đề cập tới trách nhiệm của “Người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lí theo thẩm quyền, giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng đồng thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu;

thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu” [8] quy định tại khoản 2 Điều 65.

Ngoài ra, trong Luật Công an nhân dân năm 2005, khi quy định về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân cũng đã khẳng định: “Nhà nước bảo vệ, giữ bí mật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội” [9], theo khoản 1 Điều 13.

Trong Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 cũng quy định việc bảo vệ nạn nhân và người thân thích của nạn nhân. Theo quy định tại Điều 29 của luật này thì khi có căn cứ để cho rằng một người bị mua bán thì cơ quan, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 21 của Luật này có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu; trường hợp người đó bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản thì áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Đồng thời, tại Điều 30 của Luật Phòng, chống mua bán người cũng quy định các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của nạn nhân [10]. Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.

Như vậy, các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại và người thân của họ được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhưng tựu trung lại là đều xác định quyền được bảo vệ của họ và nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, hầu hết các quy

định chỉ mới dừng lại ở nguyên tắc, thiếu hướng dẫn cụ thể, nhất là về các biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, lực lượng tiến hành bảo vệ, kinh phí để bảo vệ; đồng thời, cũng như chưa có quy định trong những trường hợp cụ thể nào thì người tố giác, người làm chứng, người bị hại và những người thân thích của họ được bảo vệ…

Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định cụ thể về chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác thành một chương độc lập. Trong đó có quy định về đối tượng được bảo vệ, chủ thể có thẩm quyền bảo vệ, các biện pháp bảo vệ cũng như trình tự, thủ tục tiến hành. Tuy nhiên, các quy định chỉ mới dừng lại ở quy định chung, chưa cụ thể, rõ ràng, một số vấn đề bị bỏ ngõ, bất cập. Điều này dẫn đến tính khả thi trên thực tế bị hạn chế, không hiệu quả.

Tóm lại, để bảo vệ quyền con người trong TTHS được hoàn thiện chúng ta cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người thân thích của họ. Làm tốt vấn đề này sẽ góp phần giúp quá trình xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đồng thời bảo vệ mục tiêu xây dựng nhà nước ta, đó là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)