CHƯƠNG I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI
CHƯƠNG 2. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG KHÁC VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN
2.1 Thực trạng áp dụng các quy định của BLTTHS về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác
2.1.3 Nguyên nhân của những hạn chế trong việc bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác trong TTHSVN
Theo quan điểm của triết học duy vật biện chứng Mác-Lênin: “Không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới khách quan lại không có nguyên nhân của nó”.
Con người muốn tác động vào một sự vật, hiện tượng và cải biến nó thì phải tìm ra nguyên nhân nảy sinh sự vật, hiện tượng và tư duy để giải thích được những nguyên nhân đó [23-tr.83]. Và những hạn chế trong việc thực hiện bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người thân của họ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân sau:
Nguyên nhân từ các quy định của pháp luật TTHS:
Bộ luật TTHS năm 2003 chưa xây dựng tư cách tố tụng cho người tố giác tội phạm cũng như quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác.
Đối với người làm chứng, mặc dù khoản 3 Điều 55 có quy định người làm chứng được quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS 2003 của nước ta mới chỉ dừng lại ở việc thừa nhận cho người làm chứng quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng,
không quy định quyền của người làm chứng được yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ người thân thích của họ [38-tr.42]. Trong khi trên thực tế, đối tượng mà phía người phạm tội hướng tới xâm hại có thể là người thân trong gia đình của họ - những người có vai trò, vị trí quan trọng đối với người làm chứng nhằm mục đích gây sức ép, trả thù… Sự bất cập này dẫn đến những hệ quả đáng buồn.
Đối với người bị hại - là chủ thể tham gia tố tụng rất quan tâm về kết cục của vụ án. Lý do tham gia của họ trong vụ án hình sự ngoài lý do vì lợi ích chung của xã hội còn có lý do là vì lợi ích cá nhân của họ. Đối với Nhà nước, người bị hại chính là người cộng tác với nhà nước, với cơ quan THTT. Nhà nước cần đến sự hợp tác đó. Theo logic này thì pháp luật phải có quy định bảo vệ đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ để khuyến khích họ tham gia vào quá trình chứng minh vụ án. Nhưng khi phân tích các quy định của BLTTHS 2003 thì chúng ta sẽ thấy không có sự tương đồng giữa các quy định chung mang tính nguyên tắc với các quy định cụ thể.
BLTTHS 2003 chưa tạo ra được cơ sở pháp lý đầy đủ và phù hợp cho người bị hại được chủ động và quyết định đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Giống như vai trò của người làm chứng, người bị hại cung cấp thông tin về vụ án giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Thế nhưng chỉ có người làm chứng được quyền
“yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản cho họ khi bị đe dọa trong quá trình tham gia tố tụng”. Trong quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị hại ở Điều 51 BLTTHS năm 2003 không quy định cho họ được quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự bảo vệ tính mạng sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản cho họ và người thân thích của họ khi bị đe dọa trong quá trình tham gia tố tụng.
Người bị hại, người làm chứng tích cực thực hiện nghĩa vụ công dân của mình – hợp tác với nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chỉ xét riêng ở khía cạnh kinh tế, sự vắng mặt của họ tại phiên tòa có thể Tòa án phải hoãn phiên tòa xét xử vụ án cũng đã làm thiệt hại đáng kể cho ngân sách nhà nước. Không có thông tin, tài liệu, lời khai của người làm chứng, người bị hại hoặc họ thay đổi lời khai ban đầu làm cho hoạt động xét xử bị khó khăn, thậm chí bế tắc, người phạm tội vẫn
tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhiệm vụ của TTHS không hoàn thành, chân lý khách quan của vụ án không xác định được.
Mặt khác, BLTTH năm 2003 chưa quy định cụ thể về đối tượng được bảo vệ, căn cứ bảo vệ, các biện pháp bảo vệ cụ thể, thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ, trình tự thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ như thế nào và những bảo đảm kèm theo nên dẫn đến việc không thống nhất trong quá trình bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác, tính hiện thực trên thực tiễn không cao.
Nguyên nhân từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng:
Pháp luật tố tụng hình sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ để làm căn cứ ra phán quyết đối với một tội phạm. Theo đó, những người THTT có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án. Nhưng không phải lúc nào vị trí, vai trò của người làm chứng, người tố giác, người bị hại cũng được xác định và đánh giá một cách đúng mức bởi vì pháp luật quy định việc xác định tội phạm có thể căn cứ trên nhiều nguồn chứng cứ khác nhau. Trong BLTTHS năm 2003 cũng không có những quy định cụ thể về trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bảo vệ các quyền luật định cho người tố giác, người làm chứng, người bị hại và người thân của họ, do đó tình trạng quyền của những chủ thể trên bị vi phạm từ chính những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong thực tế vẫn thường xảy ra.
Cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng khi triệu tập, lấy lời khai người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong quá trình tiến hành tố tụng. Nhiều cán bộ đã có thái độ, cách cư xử tỏ ra hống hách, thiếu tôn trọng những đối tượng trên gây cho họ tâm lý khó chịu dẫn đễn thái độ bất hợp tác.
Vị trí, vai trò của những chủ thể trên chưa thật sự quan trọng ngang tầm như pháp luật quy định. Một điều quan trọng là thái độ, cách cư xử và quan hệ đúng mực của người tiến hành tố tụng mà cụ thể là các cán bộ trực tiếp tiến hành có ảnh hưởng
không nhỏ đến ý thức, tâm lý của người tố giác, người làm chứng, người bị hại, do vậy có ảnh hưởng đến kết quả lấy lời khai. Ví dụ: khi tiếp xúc với ĐTV, người làm chứng, người tố giác, người bị hại ở trong trạng thái tâm lý như thế nào: Bình tĩnh, tự tin hay hoang mang, giao động; thoải mái hay căng thẳng, lo sợ… đều ảnh hưởng đến chất lượng truyền đạt thông tin. Nói cách khác lời khai của họ chịu ảnh hưởng trực tiếp vào thái độ, cách xử sự của ĐTV. Nếu ĐTV tỏ ra lạnh nhạt, hành chính hoặc thiếu tôn trọng đối với họ sẽ không thu được những thông tin đầy đủ, quan trọng, không kích thích họ hứng thú cung cấp thông tin. Nhưng nếu ĐTV tỏ ra quan tâm quá mức sẽ có thể làm cho họ quan trọng hóa thông tin mà họ biết, sẽ gây khó khăn cho ĐTV. Do vậy, ĐTV cần xây dựng mối quan hệ tâm lý tích cực, tạo ra bầu không khí thoải mái, tin cậy lẫn nhau, giúp họ khắc phục những trở ngại bên trong, bên ngoài để họ sẵn sàng hợp tác giúp đỡ ĐTV. Tạo ra cho họ trạng thái tâm lý bình tĩnh để họ có thể hồi tưởng và kể lại một cách đầy đủ, chính xác những gì mà họ biết về vụ án.
Trong một số vụ án hình sự, người làm chứng khai báo không đúng sự thật vì lý do bị cán bộ, ĐTV hướng dẫn, gợi ý theo kiểu mớm cung nhằm hướng nội dung vụ án theo mục đích của mình. Nguyên nhân có thể do cán bộ, ĐTV bị mua chuộc hoặc vì những động cơ, mục đích cá nhân nên cố tình hướng vụ án có lợi cho đương sự. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến NLC khai không đúng sự thật cũng có thể xuất phát từ ý chí chủ quan của những người THTT do nhận thức sai về vấn đề, có định kiến, nôn nóng chạy theo thành tích cá nhân, cục bộ,… đã khiến cho lời khai của NLC bị sai lệch, không phản ánh đúng sự thật khách quan.
Bên cạnh đó do chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thu thập, lấy lời khai của người tố giác, người làm chứng, người bị hại nên những người THTT đã không tích cực, chủ động tìm kiếm, phát hiện những người biết sự việc. Một số trường hợp khi vụ việc tội phạm xảy ra, các cơ quan THTT chỉ chú ý thu hồi tang vật, truy bắt đối tượng,.. không chú ý xác định người biết sự việc, thu thập và lấy lời khai của họ để sau này phải mất nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm.
Nhiều trường hợp lời khai của người làm chứng đã không được các cơ quan THTT xem xét một cách đầy đủ. Các Cơ quan điều tra, xét xử khi xem xét, đánh giá lời khai của người làm chứng đã có sự phiến diện, không vô tư, khách quan, chỉ chấp nhận lời khai của một phía theo nhận định chủ quan của mình. Thậm chí khi nhận định, đánh giá các tình tiết của vụ án đã áp đặt đến mức vô lý. Có trường hợp, bị cáo và người thân của bị cáo khai rất khác, thậm chí trái ngược với lời khai của bị hại và người thân của bị hại, thế nhưng các cơ quann THTT không tiến hành kiểm chứng, chỉ chấp nhận lời khai của NLC có lợi cho bị hại mà không quan tâm đến lời khai của những NLC bên phía bị cáo, không đưa những lời khai này vào bút lục hồ sơ vụ án. Nếu những lời khai này được kiểm chứng, thẩm định một cách đầy đủ, nghiêm túc thì tội danh cũng như mức hình phạt của bị cáo đã thay đổi một cách căn bản.
Nguyên nhân khác mang tính khách quan từ phía các cơ quan THTT là vấn đề kinh phí. Trước hết để trang bị công cụ, phương tiện phục vụ công tác còn thiếu, kinh phí điều tra hiện nay rất hạn chế nên tiền lưu trú và chi phí cho ĐTV đi công tác còn khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan THTT không có nhiều kinh phí để chi trả cho các chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt cho NLC, bị hại, người tố giác nhất là những người ở xa, tùy vào khả năng của mình mà có thanh toán một phần, toàn bộ các chi phí cần thiết cho họ hoặc không thanh toán khoản nào. Những cơ quan có khả năng chi trả các chi phí này cũng gặp khó khăn trong thực hiện việc chi trả vì luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể về những vấn đề như mức chi trả, căn cứ chi trả, đối tượng chi trả.
Nguyên nhân từ phía người bị hại, người làm chứng, người tố giác:
Người bị hại tham gia phiên tòa là để bảo vệ quyền và lợi ích của mình đã bị tội phạm xâm hại. Tuy nhiên trên thực tế người bị hại không phải lúc nào cũng tham gia phiên tòa xét xử một cách đầy đủ hoặc có tham gia nhưng hiệu quả là không cao. Bởi vì người bị hại chưa ý thức được trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của mình và hầu như các trường hợp cho thấy người bị hại chỉ tham gia phiên tòa khi quyền và lợi ích của họ chưa được giải quyết tại các giai đoạn tố tụng trước khi mở phiên tòa.
Trên thực tế người bị hại tham gia vào quá trình tố tụng xuất phát chủ yếu từ hai nhu cầu: nhu cầu vật chất (khi tài sản bị xâm hại) và nhu cầu về tinh thần (khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại). Đa số người bị hại khi tham gia tố tụng là nhằm bảo vệ mặt vật chất đã bị hành vi phạm tội xâm hại, nếu như hành vi phạm tội gây thiệt hại không đáng kể cho người bị hại hoặc bị can, bị cáo không có khả năng kinh tế thì thông thường người bị hại sẽ không tham gia phiên tòa, họ viện rất nhiều lý do khác nhau để trốn tránh.
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đặc biệt là trong giai đoạn xét xử hình sự vai trò của người làm chứng hết sức quan trọng trong việc xác định sự thật vụ án. Tuy nhiên, người làm chứng thường chưa ý thức được vai trò của mình góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Một thực trạng phổ biến hiện nay đó là đa số người chứng kiến tội phạm xảy ra lại không muốn đứng ra làm chứng.
Người làm chứng không có thái độ thiện chí, không hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. Họ không muốn khai báo với cơ quan điều tra, hoặc khai báo không trung thực như dối trá, xuyên tạc sự thật, bịa đặt, thêm bớt các tình tiết, hoặc họ từ chối khai báo, né tránh việc khai báo.
Ngoài những nguyên nhân do nhận thức pháp luật của của người làm chứng, người bị hại thì những nguyên nhân rất thực tế làm cho họ lo sợ, lẩn tránh không muốn tham gia vào quá trình tố tụng đó là:
Sợ bị trả thù, bị khống chế, đe dọa. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến của tình trạng người làm chứng từ chối khai báo, người bị hại vắng mặt tại phiên tòa, người tố giác không tố giác tội phạm.
Người làm chứng, người bị hại, người tố giác có quan hệ đặc biệt với người phạm tội. Mối quan hệ này có thể là người nhà, họ hàng, quan hệ tình cảm… Người dân Việt Nam sống nghiêng về tình cảm: nếu con cháu của họ gây hại cho họ thì họ cũng không nỡ đành khởi kiện hoặc tố cáo ra cơ quan nhà nước; Hay vì danh dự, uy tín cho gia đình: nếu con cái có vi phạm pháp luật thì thôi đóng cửa dạy bảo lại con mình, lo sợ xã hội dị nghị nhất là liên quan đến vấn đề luật pháp; Hoặc khi những
bằng chứng gây bất lợi cho người thân của họ, mặt dù họ là người biết được những tình tiết này thì cũng không ra làm chứng trước tòa…
Sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ. Quá trình đi tìm sự thật vụ án hình sự trải qua nhiều giai đoạn. Riêng giai đoạn điều tra, việc lấy lời khai, thông tin từ phía người làm chứng, người bị hại, người tố giác là một vấn đề.
Người làm chứng, người bị hại, người tố giác có thể bị kêu lên, gọi xuống khi có sự mâu thuẫn giữa những lời khai ban đầu, giữa những lời khai của những chủ thể khác hay khi có sự thay đổi về lời khai, có sự xuất hiện hoặc mất đi của những thông tin, tình tiết mới… Và đôi khi khoảng cách địa lý, phương tiện di chuyển cũng làm tốn thời gian, công sức của họ khá nhiều. Thực tế, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình, họ chưa được hưởng các quyền lợi của mình (phí đi lại, ăn ở…).
Vì vậy, do sợ mất thời gian, công sức đi lại, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động bình thường nên nhiều khi họ không muốn tham gia tố tụng
Do không có thiện cảm với cơ quan điều tra.
Do không hiểu biết pháp luật, sợ bị dình liếu, liên lụy đến vụ án.
Hay trong trường hợp có liên quan đến vụ án thì họ lo sợ bị xử lý trước pháp luật.
Mặt khác, thực tế cho thấy có những trường hợp người làm chứng, người bị hại, người tố giác bị mua chuộc, dụ dỗ để khai khác đi với sự thật khách quan.
Và hệ quả của những nguyên nhân trên đưa đến tình trạng thiếu hợp tác ở các phiên tòa xét xử của người làm chứng, người bị hại, người tố giác với cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn trong việc chứng minh sự thật khách quan của vụ án hình sự.
Từ những quy định cho đến việc áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự cho chúng ta thấy bức tranh về thực trạng bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ chưa thật sự hiệu quả.