Những hạn chế trong việc áp dụng các quy định của BLTTHS về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác

Một phần của tài liệu Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 48 - 53)

CHƯƠNG I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI

CHƯƠNG 2. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG KHÁC VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

2.1 Thực trạng áp dụng các quy định của BLTTHS về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác

2.1.2 Những hạn chế trong việc áp dụng các quy định của BLTTHS về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác

Bên cạnh những kết quả đạt đã đạt được trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì thực tiễn xét xử cũng cho thấy vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tố giác, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ, đồng thời làm ảnh hưởng đến quá trình tố tụng.

Những kết quả đạt được như trên chỉ là những con số mang tính tổng quát chung, còn những số liệu cụ thể tính đến thời điểm hiện nay, chưa có một thống kê hay một báo cáo tổng kết nào liên quan đến người tố giác, người làm chứng, bị hại.

Ví dụ: số người tố giác, người làm chứng, bị hại trong tổng số vụ án của từng năm là bao nhiêu? Số liệu, thông tin về sự có mặt, tham gia của họ trong từng giai đoạn (khởi tố, điều tra hay truy tố, xét xử) ra sao? Hay tổng số quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khi họ có yêu cầu bảo vệ là bao nhiêu? Để chúng ta có cái nhìn tổng quát và sự đánh giá khách quan về chất lượng của hoạt động tố tụng hình sự nói chung và công tác bảo vệ những chủ thể trên nói riêng thông qua việc phân tích, so sánh những thông số hàng năm của cơ quan có thẩm quyền. Đây là một thiếu sót cũng như hạn chế trong quá trình bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại.

Các vụ hành hung, đe dọa xâm hại, xâm hại đến những chủ thể trên ngày càng gia tăng, mục tiêu trả thù đôi khi không nhằm vào chính bản thân người tố giác, người làm chứng, bị hại mà nhằm vào người thân, gia đình của họ. Dù pháp luật có sự ghi nhận, nhà nước có sự quan tâm đến những chủ thể này nhưng những ghi

nhận đó hoàn toàn chưa đầy đủ và khó khả thi trên thực tế. Đối với những trường hợp người tố giác, người làm chứng, bị hại và người thân của họ bị đe dọa trả thù ngay tại tòa, hay trên đường về nhà hiện nay vẫn chưa có biện pháp bảo vệ thiết thực trong khi tình hình tội phạm ngày càng diễn ra phức tạp, mạng lưới hoạt động rộng, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm sẵn sàng xâm hại đến bất kỳ ai cản trở hành vi phạm tội của chúng. Do đó, vấn đề bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại và người thân thích của họ cần phải được quan tâm nhiều hơn nhằm bảo đảm tốt nhất những quyền lợi của họ cũng như hoạt động tố tụng đạt hiệu quả.

Thực tiễn xét xử cho thấy trong nhiều vụ án gần như những người làm chứng, người bị hại được Tòa án triệu tập đã không có mặt, thể hiện sự thiếu hợp tác giữa người làm chứng, người bị hại với cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể: trong phiên tòa sơ thẩm vụ án Trương Văn Cam (tức Năm Cam) và đồng bọn thì theo số liệu kiểm tra của Tòa án, chỉ có 7 40 người bị hại, 6 30 NLC có mặt tại phiên tòa. Ngày 19/7/2007 phiên tòa xét xử cựu Luật sư Lê Bảo Quốc và đồng bọn, HĐXX tỉnh Bình Dương đã triệu tập 3 NLC nhưng vắng mặt 2, triệu tập 13 người bị hại, 11 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, đến giờ xét xử đã vắng mặt gần hết nên HĐXX hoãn phiên tòa. Hay vụ án xét xử Phúc Bồ được tiến hành từ ngày 14 đến ngày 20 tháng 3 năm 1997, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ba lần gửi giấy mời các cơ quan hữu quan và 60 người làm chứng, người bị hại, song không ai có mặt tại phiên tòa ngoài sự có mặt của một vị đại diện của UBND phường Thành Công. Sự vắng mặt của tất cả 60 người làm chứng, người bị hại đã chứng minh cho sự thiếu hợp tác của họ đối với cơ quan tiến hành tố tụng [35]. Trong vụ án Trịnh Minh Hoàng được xét xử ngày 28 tháng 4 năm 2003, trong vụ án này tòa đã triệu tập 10 người làm chứng và người bị hại mà chỉ có một nhân chứng đến tòa, còn lại vắng mặt không có lý do [18]. Một vụ án khác là vụ án trùm gian hồ Minh “sâm”

cùng 09 đối tượng liên quan bị Tòa án truy tố về hai tội danh: “Tội cưỡng đoạt tài sản” và “Tội tràng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, trong vụ án này có tổng là 12 người bị hại, nhưng đến ngày 01 6 2016, tại phiên tòa 11 12 bị hại vắng mặt và đồng thời không yêu cầu bồi thường thiệt hại [42]. Hay trong vụ án “5 công an dùng

nhục hình”, số lượng nhân chứng vắng mặt không lý do quá nhiều (19 nhân chứng vắng mặt trên tổng số 23 người được Tòa triệu tập) dẫn đến hoãn phiên tòa và lần xét xử thứ hai vẫn có đến 16 nhân chứng vắng mặt, trong đó có nhân chứng quan trọng của vụ án là ông Lê Đức Hoàn cũng không có mặt tại phòng xử án [46]. Các vụ án trên cho thấy sự hợp tác giữa người tố giác, người làm chứng, người bị hại với cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều hạn chế, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần phải quan tâm hơn nữa tới vấn đề bảo vệ người tố giác, người làm chứng, bị hại, Bộ luật TTHS cần phải có những quy định thích hợp, cụ thể để bảo vệ họ.

Trong các vụ án hình sự, nỗi lo sợ bị trả thù vẫn là trở ngại lớn nhất đối với mỗi người làm chứng, người tố giác. Nhiều khi người dân biết sự thật nhưng không dám khai báo: Tại phiên xử vụ án Nguyễn Văn Hiệp, còn gọi là Hiệp cây đa, về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, các nhân chứng và người bị hại đồng loạt phủ nhận lời khai ở cơ quan điều tra vì trong thời gian chờ ra tòa, họ đã bị đàn em của Hiệp ở ngoài tác động, khống chế nên lo sợ, không dám nói sự thật [19].

Hay trong vụ án Nguyễn Viết Hòa – cựu sĩ quan cảnh sát thuộc Công an tỉnh Thái Nguyên, mặc dù đang ngồi nhà giam vì chiếm đoạt 2 tỷ đồng của trùm ma túy, nhưng Nguyễn Viết Hòa vẫn nhiều lần viết thư ra ngoài chỉ đạo đồng bọn bên ngoài bắt cóc, đe dọa giết người tố cáo hắn là Đinh Thị Thanh Loan nếu chị Loan dám khai ra việc Hòa chiếm đoạt tiền, đồng thời ép Loan viết đơn tố cáo với nội dung bị Điều tra viên bức cung, dùng nhục hình để vu khống làm oan cho Hòa [43]. Ngày 27 5 2014, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử băng “giang hồ Quảng Trị”, đây là băng nhóm giang hồ một thời lộng hành tại địa phương, gieo nỗi khiếp sợ cho nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn với hành vi “xin đểu”, “thu thuế tháng”... Trong phiên xử, dù đã được tòa triệu tập nhưng không có một người bị hại hoặc nhân chứng nào dám có mặt, vì trước đó, khi vụ án bị cơ quan chức năng phát hiện, nhân chứng được mời về công an lấy lời khai, họ đã vô cùng hoảng sợ vì băng nhóm này vẫn còn nhiều đối tượng còn ở ngoài vòng pháp luật. Sau đó, để tránh phiền phức, nhiều nhân chứng bỏ về quê, một số chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống [45]. Từ sự lo

sợ bị đe dọa cho đến khi bị xâm hại trên thực tế đã làm cho NLC, bị hại, người tố giác có tâm lý hoang mang, thái độ e ngại với những vụ án hình sự, với cơ quan tiến hành tố tụng, với cá nhân, người có thẩm quyền.

Bên cạnh lý do lo sợ cho sự an toàn của bản thân và người thân của mình, sự vắng mặt của người làm chứng còn có lý do khác nữa: sự đối xử không thiện chí, không khách quan từ phía những người tiến hành tố tụng. Gần đây, trong một vụ án về cố ý gây thương tích, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phải hoãn phiên tòa vì vắng mặt nhiều người làm chứng quan trọng. Sau đó, Tòa án xuống địa phương xác minh và làm việc với từng người làm chứng. Họ đều khẳng định đã nhiều lần khai với Cơ quan điều tra về các tình tiết của vụ án, cam đoan lời khai của mình là đúng sự thật và chịu trách nhiệm về lời khai của mình nhưng kiên quyết từ chối ra Tòa. Họ giải thích trong vụ án còn có một người đi theo “bảo kê” cho bị cáo nhưng Cơ quan điều tra không làm rõ lai lịch và vai trò của người này trong vụ án.

Vì ngại “người chưa lộ mặt” này nên họ không dám ra Tòa để làm chứng. Tòa án tiếp tục xử và chấp nhận cho những người làm chứng vắng mặt, áp dụng dẫn giải người làm chứng trong trường hợp này là “làm khó” cho họ. Trong vụ án bị cáo Nguyễn Minh Hùng hai lần bị Tòa án tỉnh Tây Ninh kết án tử hình và cả hai lần đều bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy án để điều tra lại, xung quanh lời kêu oan của bị cáo còn có nỗi đau và nước mắt của những công dân lương thiện bị đối xử thậm tệ khi họ tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Báo chí đã phải dùng cụm từ “hành hạ nhân chứng”. Bị cáo Hùng và vợ đã đưa ra trước Tòa chứng cứ chứng minh sự vô tội của Hùng là sự kiện họ đã tham dự sinh nhật của chị Thuyết – người bạn của hai vợ chồng – vào thời điểm xảy ra vụ án. Chị Thuyết được Cơ quan điều tra và Tòa án triệu tập tham gia vào trong vụ án với tư cách là người làm chứng. Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời chị đến làm việc trong hai ngày liên tục cả sáng và chiều. Tại phiên tòa, người làm chứng đã phải bật khóc khi bị Tòa án xét hỏi theo kiểu áp đặt “Chị là một giáo viên đào tạo cả một thế hệ mà khai báo như vậy à?”. Người làm chứng khác trong vụ án này là Nguyễn Tuấn Bình cũng bất bình không kém: “Tôi gặp Hùng thì nói là gặp Hùng nhưng không hiểu sao

Cơ quan điều tra làm tôi mất thời gian nhiều quá. Lúc đầu Điều tra viên nói chuyện thấy được, nhưng sau đó gắt gỏng quá. Tôi thấy vậy phản ứng lại rằng tôi là nhân chứng mà sao mấy anh đối xử như vậy? Nhưng các Điều tra viên cứ ép tôi nói theo hướng phản lại những lời khai ban đầu của tôi. Rồi các anh Công an mặc sắc phục vào tận cơ quan tôi gửi giấy mời… nhiều người trong cơ quan cứ nghĩ tôi là tội phạm hay sao mà Công an cứ mời tôi hoài” [39-tr.34]. Một vụ án khác được TAND tỉnh Bình Phước mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ bị cáo Phạm Duy Lăng bị khởi tố về tội giết người, bị bắt tạm giam bảy năm nay nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa thể kết tội được vì chứng cứ kết tội Lăng không rõ, mâu thuẫn… Lăng khai sở dĩ ban đầu nhận dùng chày đánh nạn nhân là do điều tra viên T. ép buộc, đánh đập, nắm tóc, vả vào mặt. Các nhân chứng có mặt tại phiên tòa khai không thấy Lăng đánh nạn nhân. Trong đó, nhân chứng Trường Giang, người ban đầu khai thấy Lăng đánh nạn nhân, nói: “Lúc đó tôi chưa đủ 18 tuổi, bị điều tra viên T. đá, đấm vào người, dọa nhốt nên mới khai lung tung. Tôi sợ quá và cũng chưa biết tác hại từ lời khai của mình. Tại phiên tòa hôm nay, tôi khẳng định không thấy Lăng cầm chày đánh người bị hại”. Một nhân chứng khác là Phạm Duy Thống cũng tố bị dọa, mớm cung: “Tôi bị cán bộ nhốt hết ba ngày ở xã, được cán bộ cho coi lời khai của Lăng để khai theo rồi mới cho về” [48].

Hay những vụ án, vì cơ quan có thẩm quyền không chú trọng việc bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong thời gian khai báo thông tin, đợi ra tòa hoặc khi tham gia phiên tòa nên có những trường hợp họ không dám ra tòa hoặc khi ra tòa bị tội phạm xâm hại. Điển hình là vụ án Đặng Văn K chém chết người yêu cũ – chị Lê Thị Thúy H: theo đó, K liên tục chặng đường hăm dọa, đánh đập, thường xuyên đe dọa tung ảnh “mặn nồng” lên mạng, khủng bố tinh thần người yêu cũ. Sợ hãi, chị H đến công an trình báo, khi chị H vừa ra khỏi trụ sở công an bị K chém nhiều nhát và tử vong [47]. Hay tại phiên xử vụ án Nguyễn Văn Hiệp, còn gọi là Hiệp cây đa, về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, các nhân chứng và người bị hại đồng loạt phủ nhận lời khai ở cơ quan điều tra vì trong thời gian chờ ra tòa, họ đã bị đàn em của Hiệp ở ngoài tác động, khống chế nên lo

sợ, không dám nói sự thật [19]. Một vụ án khác, vụ án Phan Văn Nhỏ đã có hành vi cố ý gây thương tích đối với bị hại Phan Văn Thắng. Sau khi kết thúc phiên xét xử, gia đình bị hại bất ngờ bị một nhóm giang hồ là người thân, bạn bè của Nhỏ bao vây và dùng dao đâm anh Đức (anh trai bị hại) và bị đe dọa nếu gia đình bị hại ra đường sẽ tiếp tục bị đâm chém. Gia đình bị hại sợ nên không dám ra khỏi tòa [44].

Để xảy ra những thực trạng trên có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ do lỗi chủ quan của người làm chứng, người tố giác, người bị hại mà trước hết là do những thiếu sót, bất cập của chế định pháp lý hiện hành về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác.

Một phần của tài liệu Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)