Hình thức là tiêu chí để xác định thời điểm phát sinh hiệu lực pháp luật của hợp đồng

Một phần của tài liệu Hình thức hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự việt nam hiện hành những bất cập và kiến nghị hoàn thiện (Trang 27 - 30)

Chương 1. Lý luận chung về hình thức hợp đồng

1.3. Ý nghĩa pháp lý về hình thức hợp đồng

1.3.2. Hình thức là tiêu chí để xác định thời điểm phát sinh hiệu lực pháp luật của hợp đồng

Về nội hàm của thuật ngữ “hợp đồng”, Điều 388 BLDS 2005 định nghĩa:

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc

21

chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là khi nào những thỏa thuận này mới phát sinh giá trị pháp lý ràng buộc, theo đó các bên phải thực hiện những nghĩa vụ đã cam kết nhằm đáp ứng những quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia hoặc bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện những nghĩa vụ đã cam kết hoặc pháp luật có quy định. Tra cứu nhanh các quy định của BLDS 2005 nhận thấy tồn tại Điều 405 cho phép tìm ra lời giải của vấn đề trên: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Qua quy định trên có thể thấy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có thể là một trong ba loại thời điểm sau: (i) thời điểm giao kết hợp đồng, (ii) thời điểm có hiệu lực do các bên thỏa thuận, (iii) thời điểm có hiệu lực do pháp luật quy định.

Thông thường, đối với trường hợp mà pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực, hợp đồng sẽ có giá trị pháp lý tại thời điểm giao kết. Vậy muốn biết được khi nào hợp đồng phát sinh hiệu lực, về nguyên tắc phải xác định được thời điểm giao kết giữa các bên và theo Điều 404 BLDS 2005 thì thời điểm này được xác định như sau:

1. Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.

2. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Dễ dàng nhận thấy, tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, nhà làm luật ghi nhận thời điểm giao kết của hợp đồng dựa trên sự công bố ý chí của các bên, cụ thể là trên cơ sở yếu tố hình thức. Đối với các hợp đồng bằng lời nói, thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung thì hợp đồng được xem là đã giao kết. Đối với các hợp đồng bằng văn bản thì thời điểm giao kết là khi bên sau cùng ký vào văn bản. Trước đây, Khoản 5 Điều 403 BLDS 1995 còn quy định: “Đối với hợp đồng phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm được chứng nhận, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép”, nếu dựa trên quy định này thì công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, xin phép được xem như một loại hình thức độc lập của hợp đồng và khi các bên chủ thể hoàn tất việc xác lập hợp đồng bằng những hình thức này thì đó chính là thời điểm

22

hợp đồng được giao kết. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định hiện nay tại Điều 404 BLDS 2005, theo đó không còn kế thừa Khoản 5 Điều 403 BLDS 1995 vô hình chung, việc công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, xin phép không được xem là những hình thức riêng biệt của hợp đồng nữa mà chỉ là các thủ tục để Nhà nước có thể kiểm tra tính hợp pháp, xác thực về mặt nội dung trong thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên, vì thế các bên chỉ cần thống nhất các nội dung cam kết và ký vào văn bản hợp đồng thì hợp đồng được xem là đã giao kết. Theo cách hiểu này, phải chăng đã có sự mâu thuẫn giữa Điều 404 BLDS 2005 với Điều 401 BLDS 2005, bởi khi quy định chi tiết về các loại hình thức của hợp đồng, Điều 401 dường như đã thừa nhận công chứng, chứng thực hay đăng ký, xin phép là những cách thức thể hiện của hợp đồng. Như vậy, phải nhìn nhận công chứng, chứng thực hay đăng ký, xin phép là những hình thức khác nhau của hợp đồng hay chỉ là các thủ tục nhất định dành cho hợp đồng bằng văn bản trong những trường hợp cụ thể. Đây là vấn đề hiện nay còn đang tranh cãi. Trong trường hợp này, theo ý kiến của tác giả thì công chứng, chứng thực hay đăng ký, xin phép nên được xem là những hình thức riêng biệt của hợp đồng bên cạnh các kiểu hình thức khác như: hợp đồng bằng lời nói hay hợp đồng bằng văn bản và cần thiết phải có quy định về thời điểm giao kết của các loại hình thức này, bởi nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành hiện hành như Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai 2013, … bắt buộc hợp đồng phải có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, xin phép để thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên. Cụ thể: Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014: “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng” hay như Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”; Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp”. Vậy nếu không có những điều khoản pháp luật chi tiết áp dụng đối với hợp đồng phải có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, xin phép thì không thể xác định được thời điểm giao kết của những hợp đồng này. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu quy định liên

23

quan của Dự thảo BLDS (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân, tác giả nhận thấy Điều 415 của Dự thảo về thời điểm giao kết hợp đồng tiếp tục không ghi nhận về thời điểm giao kết của hợp đồng phải công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, xin phép:

1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn trả lời giao kết.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trong trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.

Do đó, đây cũng là một nội dung cần xem xét sửa đổi và sẽ được tác giả kiến nghị hoàn thiện pháp luật ở chương 2 đề tài này.

Một phần của tài liệu Hình thức hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự việt nam hiện hành những bất cập và kiến nghị hoàn thiện (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)