CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ PHÍ BẢO HIỂM VÀ PHÁP LUẬT VỀ PHÍ BẢO HIỂM TRONG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN
1.2. Tổng quan pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
1.2.1. Cơ sở lý luận về nghĩa vụ phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
1.2.1. Cơ sở lý luận về nghĩa vụ phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
Bảo hiểm là hoạt động chia sẻ thiệt hại do rủi ro gây ra. Thiệt hại mà rủi ro gây ra có thể đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản, những thứ khác con người có nhu cầu bảo vệ. Tài sản là một khái niệm quen thuộc đối với bất kỳ ai. Trong cuốn Deluxe Black’s Law Dictionary, tài sản được giải nghĩa là một từ được sử dụng chung để chỉ mọi thứ là đối tượng của quyền sở hữu, hoặc hữu hình hoặc vô hình, hoặc động sản hoặc bất động sản29. Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa: “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản30”. Tài sản là công cụ của đời sống xã hội. Con người không thể sống nếu không có tài sản. Tài sản là mục tiêu, đồng thời là phương tiện để phát triển kinh tế xã hội31. Vì vậy, khi tài sản có nguy cơ gặp rủi ro dẫn đến thiệt hại thì chủ sở hữu tài sản có thể tìm đến bảo hiểm. Bảo hiểm tài sản được hình thành dựa trên nhu cầu bảo vệ quyền lợi tài chính của chủ sở hữu tài
29 Vũ Thị Hồng Yến (2015), “Khái niệm tài sản trong pháp luật dân sự và kiến nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 21 (301), tr. 30 – 36.
30 Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015
31 Ngô Huy Cương (2003), “Tổng quan về luật tài sản”, Tạp chí Khoa học kinh tế- luật, ĐHQGHN, Số 3/2003..
sản hay người đang chiếm hữu và sử dụng hợp pháp tài sản đó. Nói đến bảo hiểm tài sản là nói đến sự bảo vệ đối với những tài sản được bảo hiểm với những tổn thất có thể xảy ra do những rủi ro thiên nhiên, kỹ thuật, xã hội thông qua việc giúp khôi phục hoặc góp phần khôi phục tình trạng tài chính của người được bảo hiểm có trước khi rủi ro xảy ra32.
Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm theo đó doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm của người mua bảo hiểm theo một tỉ lệ phần trăm nhất định trên giá trị của tài sản và cam kết bồi thường cho người mua bảo hiểm khi họ rơi vào các trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra. Từ khái niệm trên, có thể thấy bảo hiểm tài sản có các đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi đối với tài sản được bảo hiểm. Gắn liền với sự tồn tại của tài sản là quyền sở hữu của chủ tài sản. Về nguyên tắc, khi mua bảo hiểm cho tài sản có nghĩa là chủ tài sản muốn chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tổn thất tài sản sang cho doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, số tiền bồi thường từ phía doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thuộc về chủ sở hữu tài sản. Trên thực tế, chủ sở hữu có thể chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng, khai thác, quản lý cho người khác dưới hình thức như ủy quyền, cho thuê, mượn,…Trong BLDS năm 2015 đã quy định các quyền khác đối với tài sản bên cạnh quyền sở hữu như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. Ví dụ, Điều 257 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Và những người này, dưới sự ủy quyền của chủ sở hữu tài sản cũng có quyền được mua bảo hiểm cho tài sản. Như vậy, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, pháp luật chỉ cho phép những chủ thể nào có quyền đối với tài sản mới được phép mua bảo hiểm tài sản;
Thứ hai, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo giá trị tài sản. Về nguyên tắc, tài sản chỉ có thể được phép bảo hiểm khi xác định được giá trị của nó. Giá trị của tài sản là một yếu tố quyết định về việc thỏa thuận số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận
32 Nguyễn Thị Thủy (2017), tlđd (2), tr. 14.
bảo hiểm một phần hoặc toàn bộ giá trị tài sản. Trong bảo hiểm tài sản, giá trị tài sản là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm tính phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản đóng vai trò quan trọng trọng việc xác định số tiền bồi thường. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ vận dụng quy tắc tỉ lệ khi xác định số tiền bồi thường.
Thứ ba, Để gánh chịu tổn thất thay cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có khả năng tài chính. Cụ thể, khi người bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm trên cơ sở thu phí của người mua bảo hiểm, thì điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp bảo hiểm đã cam kết sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp bảo hiểm cần duy trì tình trạng tài chính để đảm bảo thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản được hiểu là việc bên mua bảo hiểm tài sản phải chuyển giao một khoản tiền nhất định cho doanh nghiệp bảo hiểm dựa trên các điều khoản về mức phí bảo hiểm mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản nhằm xác lập quỹ bảo hiểm. Như đã đề cập, phí bảo hiểm tài sản là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm tài sản phải trả cho doanh nghiệp bảo hiểm để hình thành nên quỹ bảo hiểm. Nếu quỹ bảo hiểm chưa thiết lập, doanh nghiệp bảo hiểm không thể bồi thường cho bên mua bảo hiểm. Do vậy, nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm chưa thể phát sinh. Căn cứ để phát sinh nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm tài sản.
Cơ sở lý luận để hình thành nên quy định về nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản dựa vào các lý do sau:
Thứ nhất, xét về phương diện kinh tế, để thực hiện được hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bỏ ra những chi phí nhất định.
Các chi phí này thường được sử dụng để chi trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo các thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản và chi phí được sử dụng để “thanh toán” cho việc duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Để tạo lập được nguồn quỹ để chi trả cho các
chi phí này, đồng thời bổ sung nguồn vốn để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hoạt động đầu tư với hai mục đích: một là, làm gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp bảo hiểm; và hai là, tăng cường khả năng chi trả và gia tăng lợi ích cho người tham gia bảo hiểm33. Do đó, khi tiến hành giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thỏa thuận với khách hàng về mức phí bảo hiểm tương ứng với giá trị tài sản; và các vấn đề pháp lý phát sinh nếu bên mua vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm (không đóng hoặc đóng không đủ) như lãi chậm trả. Đồng thời, khi tiến hành thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm phải hoàn thành nghĩa vụ đóng phí theo thỏa thuận hợp đồng, có quyền áp dụng các biện pháp xử lý (chế tài) nếu bên mua không thực hiện đúng hợp đồng. Về nguyên tắc, phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản phải đủ để:
Một là, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Một trong những nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm tài sản là bồi thường. Bồi thường bảo hiểm là vấn đề trọng tâm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm34. Bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm tài sản được hiểu là “sự đền bù” của DNBH đối với bên mua bảo hiểm dựa trên thiệt hại, tổn thất thực tế về tài sản và số tiền bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã thanh toán cho DNBH. Khác với bồi thường trong pháp luật dân sự có thể được quy định trong hợp đồng hoặc theo pháp luật về bồi thường ngoài hợp đồng, tuy nhiên đều phụ thuộc vào các yếu tố: lỗi, quan hệ nhân quả, hành vi có lỗi gây ra thiệt hại, thì “bồi thường” trong bảo hiểm tài sản là “sự thỏa thuận” giữa DNBH và bên mua. Khi phát sinh sự kiện bảo hiểm, mặc dù DNBH không hề có lỗi cũng như không có hành vi nào gây thiệt hại nhưng vẫn “bồi thường”, vì quy định về trách nhiệm bồi thường của DNBH đối với bên bảo hiểm đã được các bên “thỏa thuận” trong hợp đồng.
Hai là, đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ lập dự phòng nghiệp vụ, quỹ dự trữ bắt buộc; và quỹ bảo vệ người được bảo hiểm theo quy định tại Điều 96, 97 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010. Ví dụ, theo quy định của pháp luật KDBH thì doanh nghiệp kinh doanh
33 Trần Vũ Hải (2014), tlđd (27), tr.88.
34 Nguyễn Văn Định (2009), Giáo tr nh uản trị kinh doanh bảo hiểm, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
bảo hiểm tài sản phải trích lập các loại dự phòng nghiệp vụ bao gồm dự phòng toán học, dự phòng bồi thường, dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng chia lãi và dự phòng đảm bảo cân đối. Do mỗi loại dự phòng lại có nhiều phương pháp tính khác nhau, nên về nguyên tắc, Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động lựa chọn phương pháp trích lập nhưng phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi thực hiện và không được thay đổi phương pháp trích lập trong năm tài chính.
Ba là, đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm đủ khả năng để thanh toán các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp như tiền lương, tiền thuê trụ sở, tiền văn phòng phẩm, chi phí quảng cáo, hoa hồng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như nộp thuế, phí, lệ phí35
Thứ hai, xét về phương diện pháp lý. Khi tham gia vào hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp đều hướng đến những lợi ích nhất định. Ví dụ, Bên mua bảo hiểm mong muốn chuyển giao một phần hoặc toàn bộ rủi ro về tài sản sang cho doanh nghiệp bảo hiểm, và nhận được khoản bồi thường do tổn thất về tài sản khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn nhận được số tiền phí bảo hiểm theo thỏa thuận hợp đồng để thanh toán cho các khoản chi phí vận hành doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư vốn nhằm mục tiêu phát sinh lợi nhuận. Với tư cách là hợp đồng song vụ, do đó để được hưởng lợi ích, các bên phải thực hiện nghĩa vụ. Việc bên mua bảo hiểm tài sản phải trả phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm là nghĩa vụ trả tiền phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm tài sản. Theo đó, để nhận được khoản bồi thường khi tài sản là đối tượng bảo hiểm gặp tổn thất do những rủi ro mang lại (sự kiện bảo hiểm) thì bên mua bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Nói cách khác, để được hưởng lợi ích bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ36. Nghĩa vụ này phát sinh từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm tài sản phát sinh hiệu lực thực hiện, theo đó bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng mức phí bảo hiểm đã được các bên thỏa thuận theo hợp đồng, và nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng không đủ mức phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền
35 Nguyễn Thị Thủy (2007), “Về nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 5(42) tr.28-32.
36 Nguyễn Thị Thủy (2017), tlđd (2), tr.93.
yêu cầu bên mua bảo hiểm phải hoàn thành nghĩa vụ đóng phí theo thỏa thuận hợp đồng đồng thời có quyền áp dụng các chế tài xử lý vi phạm nếu bên mua không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo hợp đồng (trừ trường hợp các bên thỏa thuận về điều khoản DNBH cho phép bên mua bảo hiểm được “nợ” phí bảo hiểm). Vì vậy, pháp luật phải có những quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi của bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản trong từng trường hợp.