CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ PHÍ BẢO HIỂM TRONG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN
2.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
2.2.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
2.2.3.1. Đối với các bên trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm tài sản Thứ nhất, Bên mua bảo hiểm
Để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, trước tiên phải nâng cao nhận thức của Bên mua bảo hiểm về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của những quy định về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản. Thực tiễn cho thấy, do thiếu những hiểu biết cần thiết về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản mà Bên mua bảo hiểm nhiều khi chỉ biết chấp nhận những điều kiện bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra mà không biết chọn lựa những điều kiện bảo hiểm phù hợp cho mình. Việc các chủ thể sử dụng hợp đồng mẫu giúp tiết kiệm thời gian, tạo cơ sở thuận lợi cho đàm phán. Thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho thấy, các thương nhân Việt Nam thường chủ yếu sử dụng các mẫu hợp đồng bảo hiểm tài sản chứa đựng các điều khoản về phí bảo hiểm mang tính chất “có sẵn” khi ký kết hợp đồng mà ít áp dụng các quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng theo mẫu là “loại hợp đồng được giao kết giữa các bên, trong đó, các điều kiện, điều khoản của hợp đồng do một bên đưa ra và bên kia chỉ được trả lời là đồng ý toàn bộ hoặc không mà không có hoặc rất ít có khả năng để thỏa thuận về các điều khoản có lợi hơn81”. Tuy nhiên, khi áp dụng các hợp đồng theo mẫu để thực hiện giao dịch có thể xảy ra việc doanh nghiệp do có lợi thế hơn về mặt vị thế kinh tế, xã hội và tâm lý, doanh nghiệp thường có khả năng đơn phương
80 Dominique Ponsot (2010), tlđd (79).
81 Nguyễn Thị Ngọc Anh (2011), Pháp luật về Hợp đồng dân sự theo mẫu trên thế giới, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 35.
áp đặt các điều khoản do mình soạn thảo gây bất lợi cho khách hàng (Học thuyết về lạm dụng vị thế -inequality of bargaining power)82.
Do đó, để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, trước tiên Bên mua bảo hiểm phải được phổ biến kiến thức về bảo hiểm tài sản được cập nhật kịp thời những thay đổi hay xu hướng mới trên thế giới về phí bảo hiểm, về điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, …;
tuỳ vào mục đích của mình mà Bên mua bảo hiểm có thể chủ động lựa chọn cho mình những điều kiện bảo hiểm phù hợp và có lợi nhất. Bảo hiểm tài sản, đặc biệt đối với loại hình bảo hiểm thân tàu thường chứa đựng tính chất phức tạp, mang tính chuyên môn cao và giá trị thường là giá trị lớn, do đó cần tuyên truyền để Bên mua bảo hiểm hiểu được lợi ích khi ký kết thông qua môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Chi phí cho đại lý không nhiều, trong khi Bên mua bảo hiểm sẽ có được những điều kiện bảo hiểm có lợi nhất, phù hợp nhất.
Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực phối hợp với Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam (IVA) tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về bảo hiểm tài sản, các thông tin về giá cả, xu hướng của bảo hiểm tài sản trên thế giới cho Bên mua bảo hiểm trong thời gian tới.
Thứ hai, Doanh nghiệp bảo hiểm
- Tăng cường trao đổi thông tin giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm tài sản. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải định kỳ hoặc thường xuyên công khai các thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm như năng lực tài chính, các nghiệp vụ nhận bảo hiểm, khả năng thanh toán, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho bên mua bảo hiểm. Đồng thời, bên mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ cung cấp toàn bộ các thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho bên bảo hiểm, tại thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm và thường xuyên cung cấp các thông tin về đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng; diễn biến thời tiết và các nguy cơ khác có khả năng làm tăng rủi ro cho đối tượng bảo hiểm. Nếu có bất kỳ thông tin nào có thể làm tăng rủi ro cho
82 Đỗ Giang Nam (2015), “Bình luận về các quy định liên quan đến hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi)”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 5(285), tr.31.
doanh nghiệp bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm biết song không cung cấp, thông báo hoặc thông báo chậm trễ cho doanh nghiệp thì đó là căn cứ để xử lý vi phạm hợp đồng;
- Bảo hiểm tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải có tính chất quốc tế lại mang tính phức tạp cao và thị trường bảo hiểm luôn có nhiều biến động. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải đầu tư để nghiên cứu thị trường, đánh giá rủi ro và từ đó đưa ra những chính sách phù hợp. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải thường xuyên tiếp cận, nắm vững các quy định pháp luật, đặc biệt là pháp luật quốc tế và pháp luật về tài chính, kỹ thuật trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản.
2.2.3.2. Đối với các cơ quan tố tụng
Thứ nhất, TAND cần tăng cường ban hành các “án lệ” làm cơ sở để giải quyết một số vụ án phức tạp, điển hình về bảo hiểm tài sản. Nghiên cứu trang tin điện tử về án lệ của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) tác giả nhận thấy, liên quan đến quy định về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, tính đến thời điểm hiện tại thì TANDTC đã công bố duy nhất án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm83. Như vậy, có thể thấy đối với quy định về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản thì TANDTC chưa ban hành các án lệ trực tiếp điều chỉnh quan hệ này.
Các nguồn án lệ trên được áp dụng chỉ có thể được Tòa án sử dụng “tương tự pháp luật” để làm căn cứ giải quyết các vấn đề tranh chấp về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản. Do đó, theo tác giả trong thời gian sắp tới, TANDTC cần tăng cường ban hành các án lệ về nội dung này nhằm tạo cơ sở pháp lý nhằm áp dụng pháp luật thống nhất trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp về vấn đề này.
Đồng thời, TANDTC cần tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ bảo hiểm, hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản. Tổng kết công tác xét xử hàng năm đối với
83 Tòa án nhân dân tối cao, “Trang tin điện tử về án lệ”, [https://anle.toaan.gov.vn/], (Truy cập ngày 22/1/2020)
từng loại vụ án về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản khác nhau để đề ra đường lối xét xử, giải quyết thống nhất chung.
Thứ hai, Xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên việc xét xử các tranh chấp liên quan đến bảo hiểm nói chung và phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản nói riêng. Thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy, sự hiểu biết và vận dụng pháp luật về kinh doanh bảo hiểm trong xét xử của toà án Việt Nam còn nhiều hạn chế: Về chuyên môn, đội ngũ thẩm phán nước ta hiện nay chưa thực sự là lực lượng tiêu biểu về trình độ am hiểu và nắm vững pháp luật, đặc biệt là về pháp luật bảo hiểm quốc tế; năng lực nghiệp vụ cũng như kiến thức thực tiễn vẫn còn hạn chế dẫn đến việc vận dụng pháp luật vào thực tế còn tùy tiện, kém hiệu quả, chưa đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các bên. Do đó, yêu cầu cấp thiết cần phải nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho các thẩm phán xét xử án thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình tập huấn, đào tạo về pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Những thẩm phán này phải được đi thực tế, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành để có kiến thức sâu rộng khi giải quyết các vụ án phức tạp.
Kết luận Chương 2
Như đã đề cập, Phí bảo hiểm là sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, là yếu tố thu hút khách hàng đến với bất kỳ gói bảo hiểm tài sản nào của doanh nghiệp bảo hiểm. Nguồn thu từ phí bảo hiểm là nguồn vốn chủ yếu của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc sử dụng hiệu quả mức phí bảo hiểm sẽ quyết định đến lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật về phí bảo hiểm tài sản hiện nay còn chưa thực sự rõ ràng và đầy đủ.
Trong phạm vi Chương 2, Luận văn đã giải quyết được các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, Luận văn đã tiến hành phân tích và đánh giá thực trạng quy định pháp luật Việt Nam về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản trong phạm vi nội dung: (i) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo hiểm tài sản liên quan đến phí bảo hiểm; (ii) Mối quan hệ giữa nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm tài sản và trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm; (iii) Hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm tài sản. Đồng thời, thông qua việc nghiên cứu các bản án được Tòa án thụ lý và giải quyết các tranh chấp về quy định phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản cho thấy các quy định của pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản vẫn còn tồn tại những bất cập và mâu thuẫn. Điều này đã gây khó khăn và vướng mắc cho các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm và cơ quan tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật.
Thứ hai, Luận văn đã đưa ra được các định hướng và yêu cầu hoàn thiện pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản. Đặc biệt, pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản phải khắc phục những hạn chế;
bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế; thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm tài sản tại Việt Nam.
Đồng thời, Luận văn đã đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản trên thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
KẾT LUẬN
Ngày nay để đảm bảo cuộc sống ổn định, hoạt động kinh doanh được thuận lợi thì nhu cầu về tồn tại tổ chức chia sẻ rủi ro, gánh vác một phần hay toàn bộ chi phí khi có rủi ro là điều cần thiết. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm ra đời nhằm san sẻ rủi ro cho những khách hàng tham gia bảo hiểm là điều cần được quan tâm. Bảo hiểm tài sản là một lĩnh vực rộng lớn chiếm đa số các sản phẩm bảo hiểm, có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc ổn định đời sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm. Nghiên cứu quan hệ pháp lý liên quan đến bảo hiểm tài sản là một đòi hỏi thực tế không những góp vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường pháp lý cho các giao dịch bảo hiểm diễn ra thuận lợi mà còn có tác động tích cực tới việc phát triển thị trường kinh doanh bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là vấn đề pháp lý phức tạp và đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chịu sự điều chỉnh đan xen của nhiều quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Hiện nay, khung pháp luật điều chỉnh về hợp đồng bảo hiểm tài sản đã hình thành, với các quy định trong BLDS năm 2015, Bộ luật hàng hải năm 2015, Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010). Trong đó Luật Kinh doanh bảo hiểm, với tính chất là luật chuyên ngành, có dành nhiều điều luật quy định các vấn đề cụ thể về hợp đồng bảo hiểm. Dưới góc độ pháp lý, hợp đồng bảo hiểm tài sản được hiểu là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên mua bảo hiểm và DNBH nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên thông qua việc doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm khi đối tượng tài sản mà họ mua bảo hiểm gặp tổn thất do những rủi ro được bảo hiểm mang lại. Trong đó, nghĩa vụ cơ bản nhất của bên mua bảo hiểm tài sản chính là đóng phí bảo hiểm. Đây là điều kiện tiên quyết để bên mua bảo hiểm được hưởng các quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm tài sản. Phí bảo hiểm không đơn thuần mang ý nghĩa là khoản tiền bên mua phải đóng để được hưởng quyền như các loại phí theo hợp đồng dịch vụ thông thường khác mà còn liên quan đến việc xác định hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản cũng như thời hạn phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp bên mua bảo hiểm vẫn chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về phí bảo hiểm tài sản, cũng như nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm tài sản.
Đồng thời, pháp luật về phí bảo hiểm tài sản hiện nay còn chưa rõ ràng và đầy đủ. Điều này dễ dẫn đến việc các chủ thể khác trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm thực hiện hành vi trục lợi nhằm mục đích kiếm lời bất hợp pháp từ khoản phí bảo hiểm.
Sau khoảng thời gian hai mươi năm áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) đã phát sinh nhu cầu đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản theo pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó có thể nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, nhằm tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh và ổn định để phát triển thị trường kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của DNBH và bên mua bảo hiểm.
i
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Văn bản quy phạm pháp luật
1. Bộ luật dân sự (Luật số 33/2005/QH11) ngày 14/06/2005;
2. Bộ luật dân sự (Luật số 68/2014/QH13) ngày 24/11/2015;
3. Bộ luật hàng hải Việt Nam (Luật số 95/2015/QH13) ngày 25/11/2015;
4. Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật số 24/2000/QH10) ngày 09/12/2000;
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm (Luật số 61/2010/QH12) ngày 24/11/2010;
6. Luật Thương mại (Luật số 36/2005/QH11) ngày 14/06/2005;
7. Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/07/2016 quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
B. Tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo tiếng Việt
8. Nguyễn Thị Ngọc Anh (2011), Pháp luật về Hợp đồng dân sự theo mẫu trên thế giới, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội;
9. Ngô Huy Cương (2009), “Hai cặp phân loại hợp đồng căn bản”, Tạp chí Khoa học Luật học, ĐHQGHN, số 25;
10. David Bland (1998), “Bảo hiểm nguyên tắc và thực hành”, Nxb Tài Chính;
11. Dominique Ponsot (2010), “Bảo vệ người tiêu dùng chống lại các điều khoản lạm dụng”, Hội thảo Pháp ngữ khu vực với chủ đề “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ hai góc nhìn Á - Âu”, Nhà Pháp luật Việt Pháp tổ chức, Hà Nội, ngày 28/9/2010;
12. Phan Thị Thành Dương, Phan Huy Hồng (2007), “Pháp luật kinh doanh bảo hiểm trước yêu cầu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết WTO và thực tiễn”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 3(40);
13. Đỗ Văn Đại (2007), “Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong pháp luật hợp đồng Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11;
14. Đỗ Văn Đại (2010), Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Tập 2, Nxb. CTQG, (tái bản lần thứ tư), Bản án số 120-122 (phần bình luận số 19);
ii
15. Đỗ Văn Đại (2016), “Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015”, Nxb. Hồng Đức- Hội luật gia Việt Nam;
16. Đỗ Văn Đại (2017), “Lãi chậm trả tiền trong án lệ năm 2016”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 1;
17. Nguyễn Trọng Điệp (2018), “Thực tiễn thi hành pháp luật về thương mại tại Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn tham chiếu với yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”, Tạp chí Khoa học Luật học, ĐHQGHN, Tập 34, Số 2;
18. Nguyễn Văn Định (2009), Giáo tr nh uản trị kinh doanh bảo hiểm, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân;
19. Vương Việt Đức (2002), Hợp đồng bảo hiểm tài sản, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội;
20. Nguyễn Thị Hải Đường (2006), Một số giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội;
21. Trần Tôn Châu Giang (2013), Quy định pháp luật về phí bảo hiểm tài sản.
Thực trạng và giải pháp, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh;
22. Trần Vũ Hải (2006), “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng bảo hiểm”, Tạp chí Luật học, Số 7;
23. Trần Vũ Hải (2008), “Một số vấn đề lý luận pháp lý về điều khoản mẫu hợp đồng bảo hiểm”, Tạp chí Luật học, số 8;
24. Trần Vũ Hải (2011), “Một số vấn đề pháp lí về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ”, Tạp chí Luật học, Số 8;
25. Trần Vũ Hải (2014), “Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Luận án tiến sĩ luật học, Trường đại học Luật Hà Nội;
26. Đào Thị Thu Hằng (2015), “Pháp luật về thương mại hàng hóa và dịch vụ”, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;