Chương 3. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC SỬ DỤNG CÔNG CHỨC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND HUYỆN BÌNH CHÁNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.2. Một số giải pháp hoàn thiện công tác sử dụng công chức các cơ
3.2.6. Thường xuyên tổ chức giáo dục đạo đức công vụ
Để xây dựng đạo đức công vụ không chỉ dựa vào sự nỗ lực tự giác của mỗi công chức trong phấn đấu, rèn luyện về đức và tài, mà đòi hỏi cần phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền và chấn chỉnh tổ chức, gắn chặt với công tác tổ chức, qua đó góp phần khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là khâu tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ (cách dùng người). Chính vì vậy, giáo dục đạo đức công vụ cho công chức là một nội dung cần thiết, cần tập trung thực thiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với hành vi vi phạm đạo đức công vụ, có cơ chế xử lý nghiêm khắc. Đối với công chức, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là cơ sở để hoàn thiện hệ thống thể chế về đánh giá, giám sát hoạt động của công chức, đặc biệt là cơ chế giám sát trực tiếp từ phía nhân dân. Kết quả đánh giá công chức khách quan, trung thực vừa là cơ sở để tiến hành đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng hay kỷ luật, vừa thúc đẩy vai trò tích cực của công chức trong hoạt động quản lý.
Mặc dù pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ ở Việt Nam đã được quy định trong một số luật liên quan đến công chức như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…Tuy nhiên, chưa xây dựng luật riêng quy định cụ thể về đạo đức công vụ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về tăng cường xây dựng đạo đức công vụ trong bối cảnh mới hiện nay, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Đạo đức công vụ hay Luật Đạo đức của công chức. Việc ban hành luật này không những có tác dụng nêu lên các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức công vụ, mà còn đưa ra những quy định cụ thể về mục đích đạo đức, hành vi đạo đức và công cụ đạo đức trong quá trình công chức tiếp xúc, làm việc với cơ quan, xã hội, doanh nghiệp và người dân. Việc ban hành luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát việc thực thi đạo đức công vụ.
Có chế tài cụ thể hơn về khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Về nguyên tắc, tất cả công chức vi phạm pháp luật không thể ở lại cơ quan hành chính nhà nước, sẽ “tạo ra tấm gương xấu” cho xã hội. Kiên quyết xử lý ngay vi phạm chuẩn mực pháp lý về thực thi công vụ; thi hành pháp luật. Đồng thời có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho những ai “chấp hành nghiêm chỉnh chuẩn mực pháp lý”, bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Thứ hai, phát huy tính tích cực, chủ động, gương mẫu của công chức trong thực thi công vụ. Nâng cao đạo đức công vụ cho công chức là công việc thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia tích cực không chỉ của đội ngũ công chức mà của toàn thể nhân dân. Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cũng như toàn xã hội, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức Việt Nam sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Thứ ba, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ và đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức công vụ. Giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức giúp họ hiểu được giá trị của đạo đức công vụ và tiêu chuẩn hành vi trong thực thi công vụ, qua đó khơi dậy động cơ đạo đức và thúc đẩy hành vi đạo đức của cán bộ, công chức. Cốt lõi của giáo dục đạo đức công vụ là làm cho cán bộ, công chức hiểu được vai trò và nghĩa vụ của mình, hiểu được giá trị và ý nghĩa của công việc mà bản thân mình đang thực hiện; nắm được các tiêu chuẩn hành vi trong thực thi công vụ.
Các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ, chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng định kỳ cho các đối tượng khác nhau.
Việc đào tạo, bồi dưỡng không nặng về lý thuyết, coi trọng hơn thực hành đạo đức công vụ, giúp cho người học có khả năng đưa ra lựa chọn hợp lý trong bối cảnh có sự xung đột giữa lợi ích tư và lợi ích công.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Hoạt động kiểm tra, giám sát về việc thực hiện đạo đức công vụ cần được tiến hành thường xuyên dưới các hình thức báo cáo, kiểm tra đột xuất, lấy
ýkiến của người dân… Thông qua kiểm tra, giám sát, lãnh đạo hiểu đạo đức công vụ được thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao, còn hạn chế những gì nhằm bổ sung, sửa đổi, ngăn chặn các nội dung sai lệch với việc thực hiện đạo đức công vụ. Xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện đạo đức công vụ nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Tiểu kết Chương 3
Trên cơ sở thực trạng những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân tồn tại trong việc sử dụng công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Bình Chánh, luận văn đã đề ra một số giải pháp, kiến nghị mang tính cấp thiết là dâu dài nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công chức tại các cơ quan HCNN ở thời gian tới như sau: Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về sử dụng và quản lý công chức; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh; Giải pháp về thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho công chức; Giải pháp về hoàn thiện công tác đánh giá công chức cũng như hoàn thiện và giải quyết chế độ chính sách đãi ngộ đối với công chức.
Việc thực hiện các giải pháp cần được tiến hành một cách thường xuyên và đồng bộ trong toàn bộ hệ thống các cơ quan HCNN, trong đó: Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về sử dụng và quản lý công chức; tiếp tục đẩy mạnh triển khai VTVL trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; Giải pháp về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên cho công chức, cũng như nâng cao chất lượng của công tác bổ đánh giá công chức và hoàn thiện, giải quyết tốt chế độ chính sách đãi ngộ đối với công chức và thường xuyên tổ chức giáo dục đạo đức công vụ được xem là giải pháp cơ bản và quan trọng để thực hiện các giải pháp khác.