Bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc

Một phần của tài liệu Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở khu di tích (Trang 35 - 38)

CHƯƠNG 1: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC

1.2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc

1.2.2. Bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, các bảo tàng, đình, chùa, lăng tẩm… những nơi thờ phụng các bậc vĩ nhân, những người có công với dân, với nước, là danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa… Những di tích ấy là bằng chứng có ích cho lịch sử. Nhận thức được điều đó, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về Bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, ngày 23-11-1945. Bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa là để những giá trị tốt đẹp của cha ông được truyền vào tâm thức từ thế hệ trước sang thế hệ sau, giữ gìn dấu ấn vật chất, tinh thần của di tích trong quá khứ. Đồng thời, cần phát huy những lợi thế tốt đẹp từ các di tích đó để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Bởi lẽ, Người cho rằng “Viện Bảo

tàng cách mạng là một cuốn sử sống… Xem viện Bảo tàng cách mạng một lần cũng bằng học một pho lịch sử cách mạng” [53, tr.401-402]. Do đó, di tích lịch sử văn hóa phải được bảo tồn, giữ gìn bằng sức mạnh và trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh không chỉ ký sắc lệnh Bảo tồn cổ tích mà Người còn đích thân đến thăm danh lam thắng cảnh, di tích và để lại những ấn tượng tại các đền chùa như Đền Ngọc Sơn, Chùa Một Cột, Chùa Vua, Chùa Lý Quốc Sư, Chùa Hương, Chùa Trầm, vv… Vào ngày 19-9-1954, Người đến thăm Đền Hùng là di tích lịch sử đặc biệt của dân tộc. Đền Hùng là nơi bày tỏ sự thành kính, niềm tôn vinh của mình đối với tổ tiên mỗi người dân Việt Nam trong ngày Giỗ Tổ và coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, cho tinh hoa, giống nòi của dân tộc mình. Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” [70, tr.59], Vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam, Người căn dặn con cháu phải nhớ nguồn, phải nhớ đến tổ tiên, việc thờ cúng trong ngày giỗ Tổ như sợi chỉ đỏ nối kết quá khứ với hiện tại. Năm 1956, Hồ Chí Minh đến thăm chùa Vua, chùa có tên gọi chung là chùa Hưng Khánh, trong chùa thờ Trần Hưng Đạo và Đế Thích. Chùa Vua là nơi các danh kỳ từ xa xưa kéo về để thi đấu cờ và học tập cũng là địa điểm có dấu ấn cách mạng - nơi đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Xứ ủy Bắc kỳ tham gia hoạt động cách mạng. Tại Chùa Vua, Người căn dặn mọi người cố gắng học tập tốt để thoát khỏi nạn mù chữ. Tháng 5- 1958, Hồ Chí Minh đến thăm chùa Thiên Trù khi chùa đang còn tan hoang và đầy vết tích của cuộc chiến tranh để lại.

Người dặn ban Thường vụ Tỉnh ủy là chùa Thiên Trù là bếp nhà trời không được để hương lạnh khói tàn, mà phải có kế hoạch trình khôi phục lại chùa Thiên Trù và cả khu chùa Hương. Đây là nơi cảnh đẹp nhất nhì của đất nước, chúng ta phải biết quý trọng, giữ gìn, vun đắp cho các thế hệ con cháu được thưởng thức, thêm yêu đất nước, phải chăm lo chỉ đạo việc khôi phục chùa

Hương. Đặc biệt, phải vun trồng đạo đức con người, làm cho mọi người đi thăm chùa Hương thêm yêu đất nước, quê hương, giúp nhau vượt qua nghèo đói và khó khăn để cùng được hưởng cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Năm 1958, Hồ Chí Minh đến thăm Cổ Loa, nơi thờ phụng An Dương Vương, thăm lớp bình dân học vụ tại đền Thượng và Người thắp hương tưởng niệm vua Thục. Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, nổi tiếng với những di tích khảo cổ học như mũi tên đồng, trống đồng. Người căn dặn cán bộ địa phương phải chăm sóc bảo vệ đền, bảo vệ cây Đa cổ thụ ở Cổ Loa và phải biết trân trọng quá khứ, giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam, Hồ Chí Minh viết: “Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào” [68, tr.488]. Người khẳng định nhân dân ở đâu cũng mong đất nước thống nhất, đời sống ấm no, cùng góp công, góp sức khôi phục lại chùa để có chỗ thờ cúng được tôn nghiêm, khang trang. Giặc đã phá hủy chùa, mình chớ nên để mưa gió, con người hủy hoại tàn tạ, nhưng đồng thời cũng không nên huy động tốn kém, không hợp với chốn tu hành. Năm 1955, trong bài viết Ai phá đạo, Người nói: “Chính phủ ta tổ chức giúp đỡ đồng bào sửa chữa lại nhà thờ, nhà chùa” [71, tr.26].

Hàng năm cứ đến ngày sinh nhật, Người thường dặn trước các địa phương, các cơ quan, tổ chức là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc và tránh nghi lễ phiền phức trong khi đời sống nhân dân còn đang gặp khó khăn. Theo nguyện vọng của Người, trong lần sinh nhật lần thứ 68, Bộ Chính trị đã xây dựng một ngôi nhà Sàn nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà sàn của đồng bào Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch. Người thích một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, đồng cam cộng khổ với đồng bào trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng

hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” [65, tr.187]. Người từ chối chốn xa hoa, chọn nơi giản dị thể hiện sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên như nhà sàn, ao cá, vườn cây. Nhà sàn được xây dựng mang biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, mang phong cách đơn giản nhưng phù hợp với cảnh quan thiên nhiên tạo cảm giác êm đềm tĩnh mịch và mang đậm truyền thống của dân tộc.

Những lời căn dặn của Người giản dị nhưng lại rất sâu sắc chứa đựng bao tâm huyết, là ánh sáng dẫn đường, là nguồn động viên toàn Đảng toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đối với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và di sản văn hóa vật thể nói riêng, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến yếu tố kế thừa, chọn lọc và phát huy để giữ gìn vốn văn hoá quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Một phần của tài liệu Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở khu di tích (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)