CHƯƠNG 1: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC
2.1. Một số nét khái quát về Khu Di tích
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu Di tích) nằm trên địa phận phường Ngọc Hà thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp với Hồ Tây, phía Tây giáp với vườn Bách Thảo, phía đông nhìn ra đường Hùng Vương, Lăng Bác và quảng trường Ba Đình, phía Nam giáp với chùa Một Cột, bảo tàng Hồ Chí Minh. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di tích quốc gia đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954-1969). Khu Di tích có diện tích 14.7 ha, gồm 8 điểm di tích bất động sản với 1578 tài liệu, hiện vật, phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống đời thường vô cùng giản dị mà cao đẹp của Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam
Năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Ngày 19/12/1954, Hồ Chí Minh chuyển tới ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch (trước đây là khu Phủ Toàn quyền Đông Dương của Pháp). Trong 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, có nhiều địa danh lịch sử gắn liền với những hoạt động cách mạng sôi nổi và cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những điểm di tích chính trong Khu Di tích như Phủ Chủ tịch, phòng trưng bày xe ô tô, phòng họp Bộ Chính trị, nhà 54, nhà sàn, nhà 67, phòng trưng bày bộ đồ y tế và các di tích ngoài trời.
Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Người đã tiếp đón hơn 1000 các đoàn đại biểu và để lại những ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Các phiên họp hội đồng Chính phủ được diễn ra tại
đây để đề ra đường lối chủ trương, chính sách củng cố chính quyền đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, chăm lo đời sống nhân dân đi đến thống nhất đất nước. Để đáp ứng các nghi lễ ngoại giao tiếp khách trong nước và nước ngoài, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ đã mời Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch nhưng Người đã khước từ. Người đề nghị để Phủ Chủ tịch là nơi làm việc và tiếp khách của Chính phủ và Nhà nước vì đây là công trình kiến trúc được xây dựng bởi những bàn tay của người thợ Việt Nam.
Phòng trưng bày xe ô tô đã dùng phục vụ Người, gồm 3 chiếc: Pơgiô 404, Pôbêđa và xe chống đạn. Đây là xe do Đảng, Chính phủ Liên Xô và đồng bào Việt kiều ở Tân Đảo biếu tặng Người. Xe được Người sử dụng cho những chuyến đi thăm các địa phương và đưa đón các nguyên thủ quốc gia nước ngoài khi sang thăm Việt Nam
Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách. Năm 1967, Người chủ trì phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị đưa ra quyết định là “Chuyển cuộc cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định” và đây cũng là nơi tiếp thân mật các đoàn khách trong nước và quốc tế.
Nhà 54 là nơi Người ở và làm việc từ tháng 12-1954 đến tháng 5-1958.
Người sống và làm việc đây từ năm 1954, vì vậy ngôi nhà được gọi là nhà 54.
Nơi này đã diễn ra những hoạt động quan trọng trong giai đoạn cách mạng Việt Nam đứng trước những thách thức lớn. Người đã soạn thảo những văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước về đường lối cách mạng và viết gần 400 bài báo, trong đó có bài báo tố cáo chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm vi phạm hiệp định Giơnevơ. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng chứa đựng những ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn.
Nhà Sàn là nơi Người ở và làm việc từ tháng 5-1958 đến tháng 9- 1969. Tại đây Người đã viết lời kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống
Mỹ cứu nước, lời kêu gọi đó không chỉ cổ vũ nhân dân mà còn khẳng định ý chí quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Vào năm 1965, Người đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc là kim chỉ nam, là những lời tâm huyết của Người dành cho toàn Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế. Nơi đây cũng chứng kiến những cá nhân có thành tích xuất sắc về phong trào thi đua làm việc tốt và được Người thưởng tặng 4000 huy hiệu, Người cho rằng đây là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng con người mới.
Nhà 67 là nơi Người làm việc trong hai năm cuối cùng là năm 1967- 1969 và cũng là nơi Người qua đời. Ngôi nhà được xây dựng kiên cố nhưng Người không nhận cho riêng mình, Người đề nghị sử dụng ngôi nhà là nơi họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương và các Bộ phụ trách đầu ngành.
Phòng trưng bày bộ đồ y tế dùng để chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lâm bệnh từ ngày 24-08-1969 đến ngày 02-09- 1969. Căn phòng cũng là nơi hội đồng bác sĩ họp hội chẩn bệnh và đưa ra phác đồ điều trị cho Người.
Các di tích ngoài trời: Hiện nay diện tích vườn cây xanh, thảm cỏ lên tới 65.000 m2, toàn bộ vườn cây có 1900 cây các loại, thuộc 161 loài cây, vườn cây có đủ các loại khác nhau như cây ăn quả, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây cảnh. Mỗi loài hoa, mỗi loại cây đều mang một màu sắc, một nét đẹp riêng được kết hợp hài hòa và sinh động tạo thành một bức tranh thiên nhiên hữu tình. Năm 1959, Người đã phát động phong trào Tết trồng cây với mong muốn cải thiện được đời sống của nhân dân. Ao cá có diện tích 3.320 m2, nơi sâu nhất là 2,5m, khối lượng nước ổn định trên 6.640 m3, có trữ lượng hơn 5.000 kg cá các loại, thuộc 23 loài. Người cũng mong muốn phát triển nghề nuôi cá làm môi trường trong lành, cải thiện đời sống nhân dân trong toàn xã hội. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn tự tay chăm sóc vun xới
cho cây, cho cá ăn, đi bộ tập thể dục trên con đường xoài vào buổi sáng và sau giờ làm việc. Người thường tiếp khách và làm việc ở giàn hoa giấy trong những ngày đẹp trời tạo sự thoải mái tự nhiên và không bị bó hẹp bởi không gian. Mỗi di tích ngoài trời đều mang ý nghĩa, chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả và những bài học quý báu của Người về tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Như vậy, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt với các nhà di tích, các tài liệu hiện vật gắn liền với từng địa điểm di tích và toàn bộ cảnh quan môi trường của Khu Di tích. Nơi đây không những được bảo tồn nguyên vẹn mà còn chứa đựng nội dung lịch sử và giá trị di sản văn hóa cho khách thăm quan hiểu hơn về con người Hồ Chí Minh.