Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Một phần của tài liệu Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở khu di tích (Trang 38 - 45)

CHƯƠNG 1: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC

1.2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc

1.2.3. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng.

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.

Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ,

tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.

Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” [14, tr.51]. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh đã biết kế thừa có phê phán, chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu cho tư tưởng của mình.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, lại xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, ngay từ nhỏ Nguyễn Sinh Cung đã có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa phương Đông. Những phương châm, đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín hay tam cương, ngũ thường; những quan niệm về tu dưỡng đạo đức cá nhân, về vai trò của nhân dân, về thế giới đại đồng, về vai trò của người phụ nữ trong xã hội... của Nho giáo đã được Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa và cải biên lại cho phù hợp hơn với đạo đức truyền thống, với cơ sở văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, Nho giáo là một hệ thống tư tưởng, là học thuyết về đạo đức, học thuyết về xử lý các mối quan hệ cơ bản của xã hội, Người đã tiếp thu, phát triển và xây dựng thành những chuẩn mực đạo đức mới phù hợp, góp phần rèn luyện đạo đức và nhân cách của người cách mạng. Người tìm hiểu và vận dụng tư tưởng của Khổng Tử vào việc giáo dục lòng yêu quê hương, trọng đạo lý làm người, tình đồng bào ruột thịt, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Người đã nhắc đến Khổng tử với tinh thần đề cao thuyết đại đồng, Người viết:

“Khổng tử vĩ đại (năm 551 trước C.N) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xóa bỏ nghèo nàn, vv…”[62, tr.47]. Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam, Người đã nói: “Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó người ta đưa ra khái niệm về “thế giới đại đồng”” [62, tr.461]. Xã hội đại đồng là sự

hiện thực hóa chữ “nhân” về phương diện tổ chức xã hội, “nhân” có nghĩa là

“ái nhân”, “lòng yêu thương con người”. Hồ Chí Minh cho rằng toàn bộ học thuyết của Khổng giáo là đạo nhân. Người có đạo đức cách mạng thì phải có năm điều là Trí, Tín, Nhân, Dũng, Liêm trong đó “Nhân: là phải có lòng bác ái - yêu nước, yêu đồng bào, yêu bộ đội của mình” [66, tr.260]. Trong bài Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh có nói: “Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào” [66, tr.291].

Khi kế thừa và vận dụng tư tưởng “chính danh” của Nho giáo, Hồ Chí Minh đã loại bỏ tính chất duy tâm thiên mệnh, khôi phục lại quan hệ bình đẳng hai chiều tự nhiên trong quan hệ giữa người với người. Chính danh ở Nho giáo là “trung với vua, hiếu với cha mẹ”. Người đã phát triển tư tưởng này. Người cho rằng, không phải chỉ có trung với vua mà còn phải trung với nước, với Tổ quốc, không phải chỉ có hiếu với cha mẹ mà còn phải hiếu với nhân dân. Học thuyết chính danh trong Nho giáo đã bỏ quên vai trò của phụ nữ thì Hồ Chí Minh đã khôi phục lại quyền và vai trò của phụ nữ trong xã hội với tư tưởng:

“Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội” [73, tr.300]. Rất nhiều những tiêu chuẩn đạo đức của Nho giáo như cần, kiệm, liêm, chính, lễ, nghĩa, trí, tín... cũng được Hồ Chí Minh vận dụng vào lĩnh vực giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong quan niệm về vai trò của nhân dân, Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nhưng theo Hồ Chí Minh thì “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” [71, tr.453]. Theo Người, “Mạnh Tử là một lý luận gia cách mạng của thế hệ ông bởi vì ông là tác giả đầu tiên của câu nói: “Dân là tất thảy, vua không là gì cả” [63, tr.455].

Từ đó, Hồ Chí Minh đã nêu ra những đánh giá khách quan về Khổng Tử: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”

[67, tr.356] “Những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin” [63, tr.563]. Trong buổi chiêu đãi của Chủ tịch G.Biđôn tháng 7 năm 1946, Hồ Chí Minh nói nguyên tắc hành động của Người là “Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”” [65, tr.304]. Hồ Chí Minh khẳng định học thuyết Khổng tử có giá trị chính là tư tưởng nhân văn, là đạo tu thân, vươn tới những phẩm chất năng lực tốt đẹp, hướng tới phục vụ xã hội nhưng không thể đóng vai trò là công cụ nhận thức đối với đời sống xã hội hiện đại.

Phật giáo là một tôn giáo thế giới, sớm được du nhập vào Việt Nam và để lại nhiều dấu ấn trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Phật tổ có câu, con người ta khi mới sinh ra không có ai mang sẵn dấu nô lệ ở trên trán hay mọi người đều có dòng máu đỏ. Hồ Chí Minh trong bài Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới có câu: “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”[65, tr.510]. Trong bài Sẻ cơm nhường áo, Hồ Chí Minh viết: “Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn”[65, tr.33]. Ở đây có tư tưởng đại thừa của Phật thông qua câu tụng kinh rất phổ biến của Phật tử Nam mô đức cứu khổ, cứu nạn, đại từ, đại bi Quan thế âm bồ tát. Khi tuyên bố với quốc dân, Hồ Chí Minh nói: “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ” [65, tr.471]. Đó là sự kết hợp tư tưởng khoan dung đại độ của dân tộc Việt Nam với tư tưởng vị tha lấy đức báo oán của Phật học. Theo Người: “Lòng tôn kính cha mẹ, tình anh em, tình bạn trung thành, sự hòa thuận giữa mọi người, đều hoặc rút ra từ quan điểm của Phật” [63, tr.454]. Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy

sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ.” [66, tr.228]. Trong bài phát biểu tại Lễ mừng liên hiệp quốc gia, Hồ Chí Minh nói: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ” [65, tr.169].

Nhận rõ những giá trị cao đẹp của giáo lý nhà Phật, có sự gần gũi, gặp nhau với tư tưởng lớn trên cùng một quan điểm, Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhìn Phật giáo với một thái độ trân trọng vì hướng đến cái chân, thiện, mỹ.

Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn dành thời gian đi thăm nhiều chùa, nhiều cơ sở Phật giáo, tiếp xúc với nhiều tăng ni, phật tử. Với giác quan chính trị nhạy bén và sự mẫn cảm kiệt xuất, Người sớm nhìn thấy Phật giáo là một điểm tựa vững chắc cho quần chúng nhân dân, họ sẽ tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người. Hồ Chí Minh đã đến với giáo lý nhà Phật không chỉ là nhu cầu tinh thần của nhân dân, mà Người còn tiếp thu giáo lý Phật giáo với tính cách là những giá trị đạo đức của nhân loại.

Hồ Chí Minh là người biết kế thừa, vận dụng, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại từ đỉnh cao của nền văn hóa Việt Nam, không chỉ gắn bó với dân tộc mình mà còn dành tình cảm thắm thiết cho các dân tộc khác trên thế giới, luôn luôn ủng hộ mọi cuộc đấu tranh yêu nước bất cứ nơi nào, quan tâm săn sóc ân cần tất cả bạn bè quốc tế. Trong tư tưởng của Người, xây dựng, củng cố và phát huy nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, trong đó đoàn kết với đồng bào thiên chúa giáo luôn là vấn đề sống còn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người đã viết thư gửi các vị linh mục và đồng bào công giáo Việt

Nam: “Toàn quốc đồng bào ta, Công giáo và ngoại giáo, đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức tranh đấu để giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc!”[65, tr.142]. Người chỉ rõ: “Đồng bào Công giáo và ngoại giáo đương đem cả lực lượng giúp vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc!

Tinh thần hy sinh phấn đấu tức là noi theo tinh thần cao thượng của đức Chúa Giêsu”[65, tr.142]. Người chắt lọc những tinh hoa trong kho tàng giá trị của đạo Thiên chúa những điều cần thiết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Không chỉ giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn có sự góp sức của đồng bào Thiên chúa giáo. Sức mạnh to lớn đó đã làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và đưa đất nước Việt Nam ngày một phát triển, giàu mạnh. Người nói: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh phấn đấu của tất cả đồng bào, mà chúng ta tranh được quyền tự độc lập và xây nên nước Dân chủ Cộng hòa”[65, tr.155].

Dựa trên nền tảng văn hóa phương Đông và với vốn tiếng Pháp được đào tạo cơ bản đã thôi thúc Người sang phương Tây để tìm hiểu cội nguồn và bản chất của nền văn hóa phương Tây. Đồng thời lại được chứng kiến những thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp, chứng kiến bao cảnh đời cay đắng của đồng bào dân tộc. Người muốn đi ra nước ngoài, xem xét nước Pháp và các nước khác họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào. Người nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” [60, tr.28]. Khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Nga, Người nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng và Bác ái…Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” [62, tr.461]. Trong Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương, Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại,

chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng và bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh”[65, tr.75].

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng đã để tâm tìm hiểu, nghiên cứu những tư tưởng trong các tác phẩm của thời kỳ Phục hưng, của các nhà triết học khai sáng Pháp, tìm hiểu những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, những tư tưởng của H.Đờ Xanh Ximon (H.De Saint Simon), F.M.Sáclơ Phuriê (F.M.Charle Fourier). Người nhận thấy, họ đã phê phán sâu sắc những bất công, bất bình đẳng của xã hội tư bản, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, không có tư hữu, không còn bóc lột, mọi người sống với nhau hòa bình, hạnh phúc.

Những tư tưởng của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp cũng được Hồ Chí Minh đi sâu phân tích và khẳng định những giá trị chân chính, những nhân tố tích cực, tiến bộ của cách mạng dân chủ tư sản, nhất là tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái, tư tưởng nhân văn, giải phóng con người khỏi thần quyền.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Hồ Chí Minh không đối lập văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây, truyền thống với hiện đại mà còn tìm ra con đường kết hợp văn hóa Đông-Tây một cách hài hòa. Người cho rằng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển quan hệ giao lưu, giao tiếp văn hóa giữa các dân tộc, giữa văn hóa Việt Nam với các nước khác. Mối quan hệ qua lại, bổ sung và tác động về mặt văn hóa giữa các dân tộc trong lịch sử là một tất yếu khách quan. Việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin của Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng, không chỉ là bước ngoặt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Người luôn nhắc nhở phải biết giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc, phải ra sức học tập, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài, khôi phục những yếu tố

tích cực trong kho tàng văn hóa dân tộc. Học tập văn hóa các nước bạn không phải là học tập tất cả những gì của họ mà chỉ học những cái tiến bộ, những cái phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại cả Cổ-Kim Đông-Tây là một vấn đề lớn trong tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh. Người đã chọn lọc những cái hay, cái tốt, cái đẹp để làm giàu thêm văn hoá dân tộc. Đây thực sự là tiếp biến những tinh hoa văn hoá nhân loại làm cho những tinh hoa ấy mang tinh thần thuần tuý Việt Nam. Tư duy của Người là mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới và văn hoá của dân tộc khác, chỉ trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình. Hồ Chí Minh căn dặn, một mặt tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, mặt khác phải góp phần làm phong phú thêm văn hoá nhân loại. Mình có thể bắt chước cái hay của bất kỳ nước nào ở Âu - Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả.

Những tư tưởng của Người về văn hoá là kim chỉ nam cho chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một phần của tài liệu Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở khu di tích (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)