Nhân lực là nguồn lực của một người, bao gồm có thể lực và trí lực được sử dụng trong lao động sản xuất. Nguồn nhân lực là một yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất.
Hiểu theo cách thông thường, nguồn nhân lực là nguồn lực con người của một quốc gia, một vùng lãnh thổ hay một địa phương nhất định, đang và có khả năng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm tư duy kinh tế cho rằng nguồn nhân lực được hiểu là toàn bộ trình độ chuyên môn mà con người tích lũy được có khả năng đem lại thu nhập trong tương lai.
Hiểu theo quy mô địa giới, nguồn nhân lực là tổng thể các tiềm năng lao động của một nước hay một địa phương, tức là nguồn lao động được chuẩn bị ở các mức độ khác nhau sẵn sàng tham gia vào một công việc lao động nào đó, đó là những người lao động có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với quan điểm về nguồn nhân lực như vậy nên hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về nguồn nhân lực:
Theo Liên hợp quốc thì: Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước [41].
Theo tổ chức lao động quốc tế thì: nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động [41].
12
Ngân hàng thế giới cũng cho rằng: nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người, bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp của mỗi cá nhân [41].
Nhà tương lai học Mỹ Alvin Toffler đã nhận định: Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất, chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi, mà còn lớn lên [41].
Vì vậy, nguồn nhân lực được hiểu là nguồn lực con người, là tổng thể nguồn lực của từng cá nhân con người. Nguồn nhân lực không chỉ bao hàm những người trong độ tuổi lao động, có khả năng và phẩm chất tham gia vào qua trình lao động sản xuất trong hiện tại mà nó còn bao hàm cả nguồn cung cấp nhân lực trong tương lai. Như vậy con người là tài nguyên đặc biệt và nguồn nhân lực là tổng hòa thể lực và trí lực của lực lượng lao động toàn xã hội, nguồn nhân lực ấy kết tinh truyền thống, kinh nghiệm, trí tuệ của mỗi dân tộc và tinh hoa tri thức nhân loại được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần, phục vụ cho nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai.
1.1.2. Nguồn nhân lực chất lượng cao
Cách hiểu mang tính chất định tính thì NNL CLC là một bộ phận của lực lượng lao động, có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó đem lại năng suất và hiệu quả cao trong công việc để có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của cộng đồng cũng như của toàn xã hội. Hạn chế của cách hiểu mang tính chất định tính này là sẽ gặp khó khăn trong việc thống kê, quản lý và phát triển NNL CLC.
Tiếp cận theo cách hiểu mang tính chất định lượng thì NNL CLC được hiểu theo các cách khác nhau: Thứ nhất, NNL CLC là những người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp và trình độ chuyên môn. Trên thực tế, khái niệm lao động qua đào tạo phức tạp vì có nhiều hình thức và phương pháp đào tạo khác nhau, từ học nghề ngắn hạn đến cao đẳng, đại học đều có thể được xem là lao động qua đào tạo. Thứ hai, một cách hiểu theo định lượng hẹp hơn là
13
coi NNL CLC là nguồn nhân lực có trình độ đại học, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách, nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng… Hiểu hẹp hơn nữa là chỉ xem những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mới là NNL CLC. Hạn chế của cách hiểu định lượng là không tính những người không qua trường lớp, nhưng lại có khả năng đặc biệt làm được những công việc yêu cầu phức tạp mà ít người làm được (như nghệ nhân). Mặt khác, trong khi đó không phải bất kỳ lao động nào được qua đào tạo đều có khả năng đáp ứng yêu cầu của các công việc tương ứng với trình độ đào tạo nhưng vẫn được xem là nhân lực có chất lượng cao thì không phù hợp.
Kết hợp cả lý luận và thực tiễn cho thấy khi nói về NNL CLC là phải bao hàm mối quan hệ hữu cơ giữa các tiêu chí chất lượng với trình độ của nguồn nhân lực, đồng thời NNL CLC phải được thể hiện trực tiếp ở vai trò chủ đạo đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Dưới đây là một số khái niệm tiêu biểu về NNL CLC:
Theo Mác thì NNL CLC là: Những người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức thông minh và nhanh chóng nắm toàn bộ hệ thống sản xuất thực tiễn.
Theo quan điểm của Giáo sư Phạm Minh Hạc: NNL CLC là đội ngũ nhân lực có trình độ và năng lực cao, là lực lượng xung kích tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, sử dụng có hiệu quả việc ứng dụng vào điều kiện nước ta, là hạt nhân đưa lĩnh vực của mình đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá được mở rộng theo kiểu vết dầu loang bằng cách dẫn dắt những bộ phận có trình độ và năng lực thấp hơn, đi lên với tốc độ nhanh.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta xác định NNL CLC là bộ phận ưu tú nhất của nguồn nhân lực đất nước, bao gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống; có trình độ học vấn, chuyên môn
14
cao; có sức khỏe tốt (theo độ tuổi); luôn đi đầu trong lao động, sáng tạo khoa học, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là những “cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học công nghệ đầu đàn”[15, tr.130]. Tiếp cận theo quan điểm của Đảng thì NNL CLC là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, nhưng là một bộ phận đặc biệt, bao gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống, có trình độ học vấn, chuyên môn cao, sức khỏe tốt, luôn đi đầu trong lao động, sáng tạo khoa học, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể hiểu, NNL CLC là nguồn lực con người đáp ứng đồng thời tiêu chí về chất lượng cao và trình độ cao và NNL CLC là một bộ phận quan trọng của nguồn lực quốc gia.
1.1.3. Nhận diện về nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong thời kỳ hiện nay trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì NNL CLC còn phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, là những con người có tri thức sáng tạo khoa học, có khả năng lao động, có kỹ năng và năng lực thực hành, có tính tích cực chính trị - xã hội, có tình cảm và nhân cách đạo đức trong sáng, nguồn nhân lực này có thể không cần đông về số lượng nhưng phải thực chất. Về căn cứ để xác định NNL CLC, chúng ta có thể nhận diện qua 02 tiêu chí cơ bản đó là: Thứ nhất, các tiêu chí có thể định lượng được, nó bao gồm các loại văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn, về tin học, về ngoại ngữ,... Thứ hai, tiêu chí theo định tính, gồm phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc, khả năng thích ứng với công việc, kỹ năng giao tiếp, các phẩm chất cần có khác,...
15