Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
2.2. Một số loại hình tín ngưỡng dân gian trên địa bàn thành phố Hà Nội
2.2.7. Một số lễ thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian được thực hiện tại Chùa
Lễ cầu an: Vào dịp đầu năm trước rằm tháng Giêng, hầu hết các ngôi chùa Hà Nội đều tổ chức lễ cầu an. Lễ cầu an có ý nghĩa cầu bình an cho mỗi gia đình trong năm. Các gia đình có nhu cầu, đi lễ chùa vào những ngày đầu năm, đặt tiền lễ, nhà chùa sẽ phát cho một lá sớ in sẵn lời cầu khấn, họ chỉ việc điền tên tuổi, năm sinh, nơi ở của các thành viên trong gia đình, mỗi một lá sớ dành cho tất cả các thành viên trong một gia đình nhưng phải sống ở cùng một địa chỉ, nếu không sự phù hộ của Phật sẽ không đến được với các thành viên của gia đình đó nhưng sống ở địa chỉ khác.
Lễ cầu an ở chùa Quán Sứ: vào ngày lễ, tất cả các gia đình đã đặt lễ phải có mặt, vị thượng tọa mặc áo vàng tụng kinh niệm Phật, phía sau là các vãi áo nâu sồng ngồi trước một bàn xếp nhỏ trên để quyển kinh chữ đại (chữ to) tụng theo. Sau các kinh... vị thượng toạ giở từng lá sớ đọc đầy đủ họ tên, nơi ở của
từng gia chủ, đọc xong mỗi lá sớ là lời niệm Phật Nam mô A Di Đà. Sau đó nhà chùa cho hóa các lá sớ.
Lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh do số lượng các gia chủ quá đông, nhà chùa chỉ làm lễ tụng kinh cầu an chung, sau đó hóa sớ.
Lễ cúng sao giải hạn: Theo quan niệm dân gian, mỗi con người đều có một ngôi sao chiếu mệnh trong một năm. Lễ cúng sao giải hạn như tên gọi có ý nghĩa giải vận hạn xấu trong năm mà ngôi sao chiếu mệnh đem tới. Các sao dự báo vận hạn xấu nhất là sao Thái Bạch, Kế Đô, La Hầu. Sao La Hầu cúng vào mùng 8 tháng giêng, sao Thái Bạch cúng vào rằm tháng Giêng. Sao Kế Đô cúng vào 18 tháng Giêng, tất cả các sao thường được cúng vào buổi tối.
Cúng sao giải hạn được thực hiện tại chùa hoặc tại điện, đền ... hoặc tại gia. Cúng sao giải hạn là một trong những lễ thức phổ biến trong dân gian hiện nay qua số lượng lớn người tham dự cũng như qua sự hiểu biết khá cặn kẽ của người dân đối với lễ thức này. Để biết ngôi sao chiếu mệnh trong năm của mình người ta đến chùa, điện, đền ... xem chỉ dẫn hoặc đơn thuần mua cuốn lịch vạn sự mở xem bảng chỉ dẫn các sao ứng với mỗi tuổi. Sau đó tùy theo ý muốn, người ta có thể nộp lễ để cúng sao ở chùa, đền, điện ...hoặc cúng sao tại gia. Tuy nhiên nếu cúng tại gia thường vẫn mời thầy cúng hoặc những người thông thạo nghi lễ để thay gia chủ khấn vái.
Tại chùa Phúc Khánh theo tờ thông bạch đầu năm nhà chùa chỉ tổ chức cúng sao giải hạn cho ba ngôi sao là sao Kế Đô, Thái Bạch, La Hầu vào tháng Giêng.
Cúng sao giải hạn tại các chùa Phúc Khánh, Quán Sứ theo quan sát chúng tôi ở bàn đặt tiền lễ người đăng ký chủ yếu là nữ độ tuổi trung niên, phái nam có nhưng rất ít.
Lễ bán khoán và đội bát hương là lễ thức được thực hiện ở cả đền, miếu, điện và chùa. Lễ bán khoán là lễ thức mà đối tượng được làm lễ là trẻ nhỏ
ngược với lễ đội bát hương đối tượng được làm lễ chủ yếu là người trưởng thành. Những trẻ hay ốm đau khó nuôi, cha mẹ thường sắm lễ lên chùa hoặc đền miếu xin gửi cửa Phật, nhà thánh nuôi hộ. Khi trẻ lên 12 hoặc 13 tuổi lại sắm lễ xin về, cũng có người do bản mệnh kém hoặc “hợp’’ với nhà Phật nhà thánh thì bán khoán suốt đời. Những trẻ đã bán khoán, cha mẹ trẻ phải thường xuyên tới chùa vào những ngày sóc ngày vọng.
Lễ bán khoán tại chùa gồm cỗ mặn và cỗ chay. Cỗ mặn đặt tại ban Đức Ông để có lời xin Đức Ông cho trẻ nhập chùa. Tuỳ nơi sau lễ bán khoán nhà chùa cho trẻ một chiếc áo để mặc vào dịp sóc, vọng tại chùa. Lễ bán khoán tại đền (trường hợp đền Cổ Lương) nhà đền thường lên đồng để xin Mẫu nếu
“xin được” mới thực hiện lễ bán khoán cho trẻ.
Lễ đội bát hương: Theo quan niệm dân gian những người có “căn” hợp với các cô, cậu, các ông hoàng, các Mẫu (các công chúa), các vương quan, thần tướng muốn hưởng phúc tránh hoạ, làm ăn thuận lợi phải bốc bát hương bản mệnh thờ các vị đó gọi là đội bát hương.
Đội bát hương là lễ thờ các vị thần bản mệnh trong hệ thống thần điện dân gian nên thường thực hiện ở đền, miếu. Ở chùa, lễ này được thực hiện trước điện thờ Mẫu do thầy cúng thực hiện. Ở đền thờ Tứ phủ, Tam phủ do các chủ đồng đền thực hiện thường gắn với lên đồng, để xem căn, số hợp với phủ miền nào.
Lễ cắt giải tiền duyên: Theo quan niệm dân gian những người cao số cả nam và nữ muộn chồng muộn vợ có thể do người âm hợp với người đó theo ngăn cản họ lấy vợ hoặc lấy chồng. Vì vậy những người này cần phải làm lễ cắt giải tiền duyên với người âm mới tránh được những trắc trở trong đường tình duyên.
Người tham dự lễ này thường là những người đã trưởng thành ở mọi tầng lớp trong xã hội trong đó có nhiều người có học. Tâm lý của những người
tham dự có thể tin tưởng hoặc hoài nghi nhưng họ đều tự nguyện tham gia với hy vọng sau lễ cắt giải tiền duyên biết đâu tìm được hạnh phúc gia đình
Lễ cắt giải tiền duyên được thực hiện ở chùa hoặc đền, miếu, điện. Ở chùa (qua trường hợp chùa Phúc Khánh) lễ được tiến hành trước ban thờ Mẫu do một ông thầy cúng làm lễ. Nhà chùa thường làm lễ cùng một lúc cho nhiều người (thường khoảng năm đến mười người) tiền lễ (vàng hương, hình nhân thế mạng, hoa quả, xôi oản).
Ông thầy cúng đọc tên từng người làm lễ, đến tên ai ông gieo quẻ xin lễ cắt giải tiền duyên cho người đó. Nếu quẻ thuận tức người đó được người âm chấp nhận “chia tay” lễ vật gồm hình nhân thế mạng, quẻ không thuận, có người phải xin tới bốn năm đài. Trong khi ông thầy khấn vái khoảng 30 – 40 phút, những người đi lễ ngồi phía sau chắp tay cung kính. Buổi lễ kết thúc hình nhân được đem đi hóa, ông thày hướng đẫn mang tro đó về thả trôi sông và khi đi đến chùa đường nào thì khi về nhà phải đi tránh sang đường khác (không để người cõi âm theo về). Trong một tháng, người đi lễ phải ăn riêng bát đũa để giữ mình trong sạch. Ngoài ra ông thày cúng còn đưa cho người đi lễ một lá bùa đem về đặt dưới gối, mục đích ngăn cản sự quấy nhiễu của người âm.
Lễ cắt giải tiền duyên tại một điện thờ tư ở Văn Điển. Người làm lễ là một cô đồng, “Cô” là một người đàn ông (ngoài 30 tuổi) người sực nức nước hoa, móng tay tô đỏ. Lễ được tiến hành từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối. “Cô” lên khoảng 5, 6 giá đồng (trong suốt thời gian đó “Cô” thay 5 đến 6 bộ quần áo đủ các màu), người đi lễ ngồi đầu trùm khăn thỉnh thoảng bị “Cô” dùng thanh kiếm đập vào lưng để làm phép. Lễ xong, “Cô” đưa cho người đi lễ một con gà nhỡ ôm chạy từ cửa Đông sang cửa Tây, rồi chạy thẳng ra cổng thả con gà ra đồng, sau đó được Cô chia lộc. Ngoài ra trước khi làm lễ, “Cô” còn dặn
người làm lễ nếu thích ai, muốn lấy được người đó thì mang quần áo của người đó tới đặt dưới hình nhân.
Đồ lễ trong cắt giải tiền duyên không thể thiếu đó là hình nhân nhưng quan niệm về hình nhân có sự khác biệt. Ơ chùa Phúc Khánh người cắt giải tiền duyên là nữ thì hình nhân là nữ với ý nghĩa đó là hình nhân thế mạng, hình nhân nữ trẻ đẹp được gửi làm vợ người âm đang “theo” mình. Trong khi tại điện tư vừa nêu ở trên thì hình nhân là một người nam khăn xếp áo đóng.
Khi làm lễ, cô đồng cắm một thẻ hương vào đầu hình nhân. Lễ cắt giải tiền duyên ở đây diễn ra như một hình thức “ly hôn” với người âm, ngược với lễ cắt giải tiền duyên ở chùa Phúc Khánh diễn ra như một hình thức cưới vợ mới cho người âm.
Thường được nhà chùa thực hiện cho khoảng sáu đến mười gia đình. Ý nghĩa của lễ là dâng tạ mộ Tổ bị thất lạc, để làm được lễ này phải biết mộ Tổ hiện đang “phát” hay “động” hoặc “bình thường”, người đi lễ được nhà chùa giới thiệu tới một bà “xem mộ” ở Lý Thường Kiệt. Sau khi xem, biết được mộ nhà mình đang trong tình trạng nào thì quay về chùa đặt lễ. Lễ tạ mộ thường được nhà chùa biện vào ngày 30 âm lịch hàng tháng. Đồ mã không thể thiếu là ngựa, tiền vàng. Nếu mộ đang phát lễ tạ dâng ngựa trắng, mộ không động không phát (bình thường), lễ tạ dâng ngựa vàng, mộ đang động, lễ tạ dâng ngựa đỏ. Lễ tạ mộ được làm ở ban vong và trước Phật điện.