Chương 3: QUAN ĐIỂM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
3.1. Quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Trong quá trình đổi mới Đảng ta đã xây dựng các chủ trương, đường lối, nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
3.1.1. Quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo
Một là, thừa nhận sự tồn tại của tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hai là, tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân.
Ba là, thừa nhận và khuyến khích phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội mới.
Bốn là, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân.
Như vậy, những quan điểm trên mang tính biện chứng sâu sắc trong tư duy lý luận của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa xây và chống (xây dựng khối đoàn kết toàn dân, chống phân biệt đối xử, chống âm mưu chia rẽ dân tộc, kích động gây rối); giữa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp với đấu tranh loại trừ các tệ nạn mê tín, hủ tục nhằm bảo đảm cho môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh. Thực tiễn cho thấy, sự đổi mới tư duy của Đảng về tôn giáo, tín ngưỡng đã tạo nền tảng cho việc tạo lập các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào có đạo và tính hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Các Luật, Nghị định về tín
ngưỡng tôn giáo mới được ban hành trong năm 2016, 2017 là những bước tiến lớn trong việc luật hóa vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập chưa được giải quyết, đòi hỏi việc xây dựng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện bởi các cấp, các ngành trong thời gian tới.
3.1.2. Pháp luật của nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo Các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm có: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1987); Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001); Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006); Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011).
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (2014) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nghị quyết 25 khóa IX (2003) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Về công tác tôn giáo.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá năm 2009 được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 18/6/2009.
Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 18/6/2004 (Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2004). Để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành các văn bản sau:
Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (thay thế cho Nghị định số
22/2005/NĐ-CP). Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ quy định về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa.
Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 qui định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành các quyết định, thông tư:
Quyết định số: 199/QĐ-BNV ngày 31/01/2018 về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ.
Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo;
Thông tư số 04/2016/TT-BNV ngày 10/6/2016 cửa Bộ Nội Vụ hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài các văn bản trực tiếp điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên đây, còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có các quy định điều chỉnh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Xây dựng, Luật Xuất bản, Luật Di sản Văn hoá,...
Xuất phát từ tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và thực trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu trên, ngày 18/11/2016 Quốc hội đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Luật); ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162). Luật và Nghị định số 162 có hiệu lực thi hành đồng thời kể từ ngày 01/01/2018.
Các văn bản quy phạm pháp luật trên đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Song trước yêu cầu của công tác tôn giáo; công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo; sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 và đặc biệt là trước đời sống tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, nhiều quy định trong các văn bản trong đó có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP đã trở nên bất cập; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo chưa mang tính hệ thống, tính đồng bộ, tính thống nhất, còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc tinh thần đổi mới của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia; một số quy định còn thiếu tính khả thi, thiếu các biện pháp chế tài đảm bảo.
Đây là các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp những nội dung cơ bản các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo ở nước ta hiện nay.