Tổng quan chính sách của các triều đại phong kiến độc lập tự chủ đối với tôn giáo (từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX)

Một phần của tài liệu Chính sách tôn giáo của thực dân pháp ở việt nam từ năm 1884 đến năm 1945 (Trang 23 - 33)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA THỰC d â n PHÁP Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1884 ĐÉN NĂM 1945

1.3. Tổng quan chính sách của các triều đại phong kiến độc lập tự chủ đối với tôn giáo (từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX)

Thế kỷ X đánh dấu đất nước ta bước vào một thời kỳ độc lập tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ một nghìn năm Bắc thuộc. Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã tạo ra những điều kiện thuận lợi căn bản để nhân dân ta tiến lên xây dựng đất nước. Bước vào thời kỳ độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiến hành một chính sách

xây dựng đất nước toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội và cả vấn đề tôn giáo. Bên cạnh đời sống vật chất với hình thái phương thức sản xuất châu Á là một bức tranh đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo hết sức phong phú của người Việt.

Đời sống tôn giáo của nước ta dưới thời phong kiến tự chủ cũng hết sức phong phú, trong đó nổi bật là sự xuất hiện của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cùng với các tín ngưỡng truyền thống. Tùy theo mỗi triều đại phong kiến khác nhau mà thái độ của họ đối với các tôn giáo cũng khác nhau. Tuy nhiên, một đặc điểm nổi bật gắn liền với sự phát triển của các tôn giáo là khi đất nước vừa mới giành được độc lập, nhà nước phong kiến vừa mới được củng cố thì Phật giáo được chú trọng và phát triển, thậm chí trở thành quốc giáo. Còn đến khi nhà nước phong kiến đã đạt đến đỉnh cao của chế độ quân chủ trung ương tập quyền thì Nho giáo lại được chú trọng và hoán đổi vị trí cho Phật giáo. Song nhìn chung dưới các triều đại phong kiến của Việt Nam, cả ba tôn giáo Phật, Khổng, Đạo đều có những điều kiện để phát triển trong nhân dân.

Thời kỳ đầu dưới các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê, bên cạnh tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc gắn liền với văn hóa làng xã, là các hoạt động tôn giáo tiếp tục được duy trì và phát triển. Tiếp nối thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo vẫn là tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội. Đặc biệt thời Đinh, Phật giáo có điều kiện phát triển mạnh và trở thành quốc giáo của nước ta. Chính quyền phong kiến hết sức quan tâm, gần gũi và coi trọng Phật giáo, trong bộ máy nhà nước bên cạnh quan văn, quan võ là Tăng ban. Trong điều kiện giáo dục chưa phát triển, phần lớn những người có học thức là các nhà sư. Nhà nước phong kiến đã chú trọng đến đội ngũ này để sử dụng họ làm đội ngũ cố vấn chính trị và ngoại giao, hình thành nên một ngạch quan riêng gọi là tăng quan, với các chức Tăng thống, Tăng lục, Tăng chính...Điển hình là nhà sư Ngô Chân Lưu, được vua Đinh ban tặng danh hiệu là Khuông Việt đại sư, đã có nhiều công trạng to lớn trong vai trò cố vấn cho nhà vua và cả hoạt động ngoại giao.

Bên cạnh Phật giáo được chú trọng, Đạo giáo cũng được Nhà nước quan tâm, trọng dụng dẫn đến tôn giáo này cũng khá phát triển. Riêng Nho giáo thời kỳ này vẫn còn hạn chế, vì vai trò của tôn giáo này chưa được các triều đại chú ý. Tuy nhiên, không bị bài trừ mà Nho giáo vẫn có điều kiện khởi phát cùng Phật giáo và Đạo giáo.

Tiếp đến là thời kỳ Nhà Lý, các tôn giáo tiếp tục có điều kiện phát triển sâu rộng

trong cả triều đình lẫn nhân dân. Trong đó, Phật giáo được chú trọng nâng lên thành vai trò quốc giáo. Chiếm ưu thế trong đời sống chính trị và tư tưởng của đất nước. Đây là thời kỳ thịnh đạt của Phật giáo Việt Nam. Tầng lớp vua quan phong kiến tôn sùng và sử dụng trong cai trị nhân dân. Thời Nhà Lý, dấu ấn lên ngôi của Vua Lý Công Uẩn gắn liền với Phật giáo thông qua nhà sư Vạn Hạnh, vì vậy Phật giáo rất được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển.

Khi vừa mới lên ngôi Lý Công Uẩn đã phát 2 vạn quan tiền để thuê thợ xây dựng 8 ngôi chùa ở quê hương mình, lại phát hàng vạn quan tiền dựng nhiều chùa chiền ở kinh đô, sửa chữa chùa quán ở các lộ, cấp giấy phép cho hơn 1000 người ở kinh đô làm sư [4, tr.451]. Ngoài ra, nhiều vị vua Lý cũng đã từng đi tu (như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông). Còn trong nhân dân, tỷ lệ sư sải và tín đồ phật tử khá đông. Nhà sử học Lê Văn Hưu đã nhận định “nhân dân quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Ngoài ra, trong thời kỳ này, bên cạnh Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đều có điều kiện để phát triển mạnh, đồng thời thâm nhập lẫn nhau trong tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”.

Đối với Nhà Trần, sau khi giành thắng lợi của cuộc chiến chống ngoại xâm, nhân dân ta ngày càng được vun đắp thêm tinh thần yêu nước sâu sắc, tinh thần đoàn kết và lối sống cộng đồng được đề cao. Cũng như ở thời Lý, thời Trần, Phật giáo được vua quan và dân chúng tôn sùng. Các cơ sở thờ tự, chùa chiền được mọc lên khắp nơi. Một điểm đặc biệt dưới thời Trần là “giai cấp lãnh đạo quốc gia đã tiến một bước dài trong việc dân tộc hóa và phong kiến hóa Phật giáo” [4, tr.519].

Do đó, tinh thần nhập thế của Phật giáo càng có điều kiện để phát triển mạnh, giáo lý nhà Phật được phổ quát trong dân chúng, gắn liền giữa đạo và đời. Dưới thời kỳ nhà Trần, Thiền tông rất được phát triển, đậm chất bản xứ người Việt. Trong đó, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã trở thành người sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm - Yên Tử.

Tuy nhiên, nửa sau thời Trần, ưu thế của Phật giáo bắt đầu giảm sút. Nguyên nhân chính là nhu cầu xây dựng một chính thể nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền cần một tư tưởng khác phù hợp hơn, đó chính là Nho giáo. Trong lúc này, giáo dục Nho học đã phát triển, tạo ra một bộ phận quan lại có vai trò trong đời sống chính trị của quốc gia. Vì vậy, chính lúc này cuộc xung đột giữa Nho và Phật cũng diễn ra. Dẫn đến, trong cuộc xung đột này, hệ tư tưởng Nho giáo dần khẳng định và chiếm được ưu thế của mình.

Bên cạnh Phật giáo và Nho giáo, mặc dù không chiếm ưu thế bằng nhưng Đạo

giáo thời kỳ này cũng được chú trọng và phát triển. Năm 1427, vua Trần Thái Tông tiếp tục cho tổ chức kỳ thi Tam giáo. Nhà nước cũng bỏ tiền của để trùng tu, xây dựng các đạo quán.

Đối với thời Lê sơ, nếu như dưới thời Trần, Nho giáo bắt đầu lấn át Phật giáo thì sang thời Lê sơ, Nho giáo giành được vị trí độc tôn và trở thành hệ tư tưởng chính trị quan trọng của nhà nước phong kiến. Nho giáo thời Lê chịu ảnh hưởng to lớn từ tư tưởng Tống nho. Về phương diện chính trị, Tống nho cổ vũ cho chế độ chuyên chế và bênh vực trật tự phong kiến. Các vua Lê rất sùng bái Nho giáo, điều đó được minh chứng qua nội dung ở Bia Văn Miếu có ghi: “Sùng Nho trọng đạo làm việc hàng đầu”.

Trong việc học hành thi cử, nhà Lê đều lấy các sách kinh điển của Nho gia do các học giả đời Tống chú giải để làm tài liệu học tập. Ngoài ra, Lê Thánh Tông còn cho nghiên cứu ban hành “24 điều giáo hóa” là những nguyên tắc cơ bản về đạo đức và luân lý Nho giáo để giảng giải, truyền bá cho dân chúng ở làng xã thực hành.

Cùng với việc đề cao Nho giáo, triều đại phong kiến nhà Lê đã đồng thời thi hành nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo. Vua Lê Thái Tổ đặt lệ thi tăng nhân, buộc các nhà sư phải là những người trên 50 tuổi, thông hiểu kinh phật và phải qua một kỳ thi khảo hạch của nhà nước mới được công nhận cho làm sư, ngoài ra đều phải hoàn tục. Đến thời Lê Thánh Tông còn tiến hành chính sách hạn chế hơn nữa đối với Phật giáo và Đạo giáo. Năm 1461, vua cấm quan lại và nhân dân xây thêm cơ sở chùa quán mới, đúc chuông, tô tượng. Tuy nhiên, trước sự cấm đoán của triều đình, Phật giáo và Đạo giáo vẫn phát triển và ảnh hưởng nhân dân.

Trên thực tế triều đình nhà Lê chỉ hạn chế sự phát triển bừa bãi của Phật giáo và Đạo giáo, ở những phương diện mà nó vi phạm đến trật tự xã hội và lễ giáo phong kiến, còn những lợi ích mà hai tôn giáo này mang lại thì vẫn được công nhận. Trong triều đình vẫn có các chức quan cai quản các vấn đề tôn giáo này như chức Tăng thống và Đạo thống đứng đầu các ty Tăng lục và Đạo lục. Thậm chí vua Lê Thánh Tông một vị vua sùng Nho giáo “lại là người nhiều lần đi thăm viếng các chùa chiền, cho dựng lầu “vọng tiên” ở trong kinh thành và dựng Bích Câu đạo quán ở bên ngoài kinh thành. Trong tác phẩm Thánh Tông di thảo cho biết nhiều lần nhà vua đã mơ gặp thấy tiên.” [4; 633]

Qua đây, có thể nhận định rằng Lê sơ là giai đoạn thịnh đạt nhất của Nho giáo ở Việt Nam và hệ tư tưởng này đã chi phối sâu sắc, toàn diện lên xã hội Đại Việt ở thế kỷ XV.

Giai đoạn từ thời kỳ nhà Mạc đến thời Tây Sơn, đây là thời kỳ đất nước rối ren, phân ly, cát c ứ bởi các thế lực phong kiến. Chính cảnh binh đao, loạn lạc diễn ra bởi các cuộc tranh hùng giữa Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn đã làm ảnh hưởng trầm trọng không những đến đời sống mà cả mặt tư tưởng của cả triều đình lẫn nhân dân. Vai trò rường cột trong ý thức hệ phong kiến của Nho giáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng và lung lay. Hệ tư tưởng của Phật giáo lại trở nên gần gũi là chỗ dựa vững chãi về tinh thần cho con người trong lúc đau khổ. Cả chính quyền phong kiến cũng vậy, vì thế Phật giáo có điều kiện để hưng khởi trở lại tuy không bằng thời Lý, Trần.

Dưới thời kỳ nhà Mạc, chùa chiền được xây dựng và trùng tu khắp nơi, càng về cuối triều Mạc thì càng được xây mới nhiều. Có thể khẳng định rằng, trong sự phát triển của các tôn giáo dưới thời Mạc thì Phật giáo phát triển mạnh nhất, đúng như Văn bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ (Sơn Tây) năm 1589 đã viết: “May được thấy Hoàng triều chấn hưng phật giáo”. Hơn nữa, các vua và Thái hậu triều Mạc còn cúng cho chùa chiền rất nhiều vàng bạc và ruộng đất để làm công đức và đặt hậu. Bên cạnh đó, với việc con đường lên ngôi không chính thống cho nên khi vừa mới thành lập, triều Mạc đã tìm cách giành lấy thế chính thống bằng việc đề cao Nho học, tổ chức thi cử một cách điều đặn. Năm 1536, Mạc Đăng Dung còn sai tu sửa lại trường Quốc Tử giám.

Đồng thời, dưới thời Mạc lần đầu tiên trong lịch sử, Công giáo đã xuất hiện ở nước ta. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: Vào năm Nguyên Hòa thứ 1 (1533) đời vua Lê Trang Tông, có một vị giáo sĩ người phương Tây là I-nê-Khu đã đem đạo Thiên Chúa vào rao giảng tại các làng chài ven biển Ninh Bình và Nam Định của Việt Nam.

Còn đối với các Chúa Nguyễn trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh rất coi trọng Phật giáo. Chính trong bối cảnh mở đất khai hoang một vùng đất mới, cộng với đứng trước hoàn cảnh chống chọi với thế lực họ Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã rất xem trọng Phật giáo, xem đây là chỗ dựa về mặt tinh thần. Ở Đàng Trong chùa chiền được trùng tu và xây mới. “Không chỉ nhiệt tâm xây cất nhiều chùa mới, trùng hưng nhiều chùa cũ, đúc chuông, tô tượng, thỉnh kinh...các chúa Nguyễn còn khuyến khích các vị sư trong nước cũng như từ Trung Hoa đến hoằng pháp tại Đàng Trong. Nhờ đó, một số thiền phái mới đã được du nhập và truyền bá vào nước ta như phái Lâm Tế, Tào Động, trong khi đó phái Trúc Lâm cũng được phục hồi, góp phần tạo nên tính đa dạng cho Phật giáo ở Đàng Trong.” [78, tr.30]

Cũng dưới thời kỳ Trịnh - Nguyễn, lúc đầu để nhằm tranh thủ người phương Tây, cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều tỏ ra thân thiện với các nhà truyền giáo, tuy nhiên về sau khi nhận ra được sự nguy hiểm từ hậu quả của những chính sách truyền đạo Thiên chúa, cả chính quyền Lê - Trịnh và Nguyễn đều thi hành chính sách cấm đạo. Theo Linh mục Trương Bá Cần: ở Đàng Trong, Công giáo chỉ thực sự được tự do và được giai cấp thượng lưu đón nhận trong bảy, tám năm đầu khi các Thừa sai Dòng Tên mới đến. Năm 1625, tức khoảng 10 năm sau khi đạo được truyền giảng, Sãi vương ra lệnh cấm các giáo hữu không được tụ họp, không được đeo ảnh tượng trên mình và tàng trữ ảnh tượng trong nhà...Ở Đàng Ngoài, các Thừa sai Dòng Tên cũng chỉ được tự do trong khoảng hơn một năm đầu.

Ngày 18 tháng 6 năm 1628, Chúa Trịnh cũng ra lệnh cấm dân chúng không được đến nghe giảng đạo và theo đạo [12, tr 566]. Chính sách cấm đạo Thiên chúa của thời kỳ Trịnh - Nguyễn mở màn cho cả một quá trình cấm đạo và giết đạo về sau này, đỉnh điểm là vương triều Nguyễn.

Đến thời Tây Sơn, những cuộc chiến tranh kéo dài dưới thời Tây Sơn đã làm cho Phật giáo bị ảnh hưởng không ít. Hơn nữa với một lãnh thổ khá rộng, nhà Tây Sơn muốn sử dụng lại con đường Nho học để tăng cường tính chuyên chế cho chính quyền.

Quang Trung tiến hành các chính sách hạn chế và kiểm soát Phật giáo. Ông cho xóa bỏ các chùa nhỏ ở các làng để tập trung về xây dựng mỗi phủ huyện một chùa lớn đặt dưới sự quản lý trực tiếp của quan phủ. Đồng thời, triều Tây Sơn còn tiến hành tịch thu các đồ tế khí bằng đồng, chuông chùa để đúc vũ khí dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động của Phật giáo, làm cho tôn giáo này ngày càng mai một.

Dưới triều Nguyễn tự chủ, sau khi đánh bại các thế lực phong kiến nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã hoàn thành việc thống nhất đất nước và bước vào khôi phục chế độ trung ương tập quyền. Về tôn giáo, nhà Nguyễn hết sức đề cao Nho giáo. Sau thời kỳ nhà Lê sơ đến thời Nguyễn, một lần nữa Nho giáo trở thành hệ tư tưởng, vươn lên vị trí độc tôn. Phải đến thời nhà Nguyễn thì những phạm trù của Nho giáo mới thực sự mới được các Nho sĩ nghiền ngẫm, luận giải một cách sâu sắc, đã trở thành ngọn cờ tinh thần thống nhất được toàn xã hội trong một nền tảng đạo lý, nghi lễ, tâm lý, nếp sống, một diện mạo văn hóa khá điển hình [4, tr.940].

Để chấn hưng Nho giáo, vua Gia Long đã cho xây dựng Văn Miếu ở Huế và Văn Thánh, Văn từ, Văn chỉ ở các địa phương, trùng tu lại Văn Miếu ở Hà Nội, dựng Khuê Văn các tại đây. Đồng thời, nhà Nguyễn chỉnh đốn lại giáo dục Nho học, đích thân Minh Mạng dựa vào “cương thường” của Nho giáo, rồi căn cứ vào

tình hình thực tế của xã hội, để đề ra “Mười điều huấn dụ” bắt các quan lại địa phương phải đem ra giảng đọc cho nhân dân hiểu và thi hành. Vua Tự Đức còn diễn ca mười điều ấy ra thơ quốc âm (gọi là Huấn địch thập điều giải nghĩa ca) để nhân dân dễ thuộc và dễ nhớ.

Đối với các tôn giáo khác, tuy có h ạn chế so với Nho giáo nhưng các vua Nguyễn vẫn tôn trọng Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác. Thái độ của giới lãnh đạo phong kiến với Phật giáo có phần mâu thuẫn. Vì chú trọng xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền nên đề cao Nho giáo, dẫn đến đôi khi có phần lạnh nhạt với Phật giáo, nhưng trên thực tế lại có những việc làm tạo điều kiện để tôn giáo này hoạt động như xây dựng thêm chùa chiền, tô tượng, tổ chức lễ trai đàn...Ngay từ thời Gia Long, với thái độ hoài nghi với Phật giáo, ông cho rằng: “Sách nhà phật nói có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ. Lại nói “Thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hàng ngày ăn chay niệm phật cũng vô ích. Trung với vua mà đến thế, dẫu cúng Phật cũng không sao”. Như thế thì người có duyên cần gì phải độ Phật? Mà người không duyên Phật độ làm sao được” [32, tr.34].

Ngoài ra, Gia Long còn có các chi ếu dụ gây bất lợi cho Phật giáo như: “Phàm tăng độ tuổi từ 50 trở lên thì miễn lao dịch, chưa đến 50 tuổi thì phải chịu lao dich như dân, kẻ nào dám trốn tránh thì bắt tội” [35, tr.31]. Tuy nhiên, trong thời kỳ trị vì của mình, chính Gia Long l ại ban cho chùa Kim Cang ba pho tượng và bức hoành phi khắc “Kim Cang tự” ngay sau khi lên ngôi để đền ơn các ngôi chùa mà ông đã trú ngụ trong thời chạy trốn khỏi quân Tây Sơn. Không những vậy, nhiều vua Nguyễn còn trung tu chùa chiền, nhất là chùa Thiên Mụ. Ngay cả thời Tự Đức khi đề cao Nho giáo hơn Phật giáo cũng sắc cấp công điền cho các chùa ở kinh đô như Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên, Long Quang, Linh Hựu và các chùa ngoài kinh như Tam Thai, Ứng Chân (Quảng Nam), Khải Tường (Gia Định)...nhà vua còn cấp các khoản chi dung như ngày Rằm, Trung Nguyên, Khánh Thọ, Vạn Thọ [12, tr.194].

Bên cạnh Phật giáo, Đạo giáo cũng được triều đình chú trọng phần nào vì đây là các tôn giáo đã trở thành truyền thống và ảnh hưởng lớn đến nếp sống tín ngưỡng và tinh thần của nhân dân. Nhà nước tiến hành cấp sắc phong thần cho các làng xã, cấp tự điền và cho phép trùng tu đình chùa, miếu mão. Nhà Nguyễn cho trùng tu lại Đền Hùng ở Phú Thọ, đền An Dương Vương ở Cổ Loa.. .Ngay ở Huế, nhà Nguyễn cho xây dựng một miếu lớn thờ “Lịch đại đế vương” (vua chúa các triều đại trước) và hàng năm nhà nước đứng ra tổ chức tế lễ long trọng.

Một phần của tài liệu Chính sách tôn giáo của thực dân pháp ở việt nam từ năm 1884 đến năm 1945 (Trang 23 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)