CHƯƠNG 2. CHÍNH QUYỀN THỰC DÂN PHÁP ĐỐI VỚI CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1884 ĐÉN NĂM 1945
2.1. Đối với Công giáo
2.1.1. Thời kỳ từ sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884) đến những năm 90 của thế kỷ
Trong chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với vấn đề tôn giáo ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào Thiên Chúa giáo. Căn nguyên của vấn đề này không quá khó khăn để giải thích, như Giáo sư Nguyễn Văn Trung một trí thức Công giáo đã viết:
“Trước hết là một tình cờ đau đớn là việc truyền giáo song song với phong trào thực dân”[31, tr.341]. Có nghĩa là ngay từ đầu quá trình xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp đã gắn liền với quá trình truyền đạo của Thiên Chúa giáo. Một thực tế không thể phủ nhận là các Giáo sĩ Thừa sai đã có vai trò rất lớn trong quá trình xâm lược ở Việt Nam. Trong đó không thể không kể đến một vài Thừa sai mà tên tuổi của họ gắn chặt với quá trình xâm lược của thực dân Pháp như: Linh mục Huc;
Linh mục Liraye; Giám mục Pellerin; đặc biệt là Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài Punigier...
Sau khi đặt được ách đô hộ đối với Việt Nam bằng các Hiệp ước Hác-măng (1883) và Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884), thực dân Pháp phải tiếp tục bước vào thời kỳ bình định nước ta bởi các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra mạnh mẽ, tiêu biểu là phong trào Cần Vương (1885 - 1896). Trong thời kỳ này, dựa vào mục đích đô hộ và cai trị thuộc địa là cơ sở để chế độ thực dân căn cứ thi hành các chính sách, trong đó có chinh sách đối với các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Tôn giáo này tiếp tục là một công cụ đắc lực bị lợi dụng để tiến hành công cuộc bình định và cai trị nước ta.
Nhìn một cách tổng thể chính sách tôn giáo của đế quốc tại thuộc địa xây quanh vấn đề lợi ích cố hữu một kẻ xâm lược là làm thế nào để phục vụ tốt nhất mục đích thực dân, tận dụng một cách tối đa để vơ vét về kinh tế, tạo ra những người bản xứ biết phục tùng để dễ bề cai trị qua chính sách đồng hóa...ngoài ra, còn nhiều lợi lộc khác mà vấn đề tôn giáo mang lại trong quá trình đô hộ thuộc địa.
Thái độ của thực dân Pháp ở Việt Nam đối với từng tôn giáo cụ thể như Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin L à n h . trong từng thời điểm là không giống
nhau hay nói cách khác là bất nhất. Tùy vào thái đội của giới lãnh đạo cầm quyền ở chính quốc về tôn giáo như thế nào sẽ tác động trực tiếp đến chính sách tôn giáo ở thuộc địa. Nhưng nổi bật trong chính sách tôn giáo của thực dân vẫn là sự ưu ái cho Công giáo như một sự “trả ơn ” cho tôn giáo này với đóng góp trong quá trình xâm lược trước đó, như lời của Tổng Trú xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ Paul Pert: “Các Thừa sai là các bậc tiền bối của chúng ta ở Đông Dương và vào những lúc bất ổn họ đã là những nạn nhân đầu tiên của các phong trào nổi dậy. Các Thừa sai thường giúp đỡ chúng ta về tin tức và ý kiến. Hơn nữa, dân Ki-tô giáo thường bị ngược đãi, ức hiếp, không phải chỉ vì lí do tôn giáo, mà còn vì là người bạn của Pháp. Chúng ta không được phép quên món nợ ân nghĩa ấ y” [99, tr.549]. Dẫn đến “Khi thực dân Pháp đã lập được đô hộ lên nước ta, đạo được dịp tự do bành trướng với tất cả sự dễ dãi và nâng đỡ của thực dân ” [64, tr.20].
Có nhiều lí do để Thiên Chúa giáo được ưu ái, tạo điều kiện để phát triển hơn so với nhiều tôn giáo khác. Đầu tiên là phải xuất phát từ lợi ích cai trị của chế độ thuộc địa. Sự ưu ái này ít nhất được thực hiện ngay từ đầu gắn liền với quá trình xâm lược cho đến mãi về sau, trừ những năm 90 của thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX bị gián đoạn bởi thái độ bài tôn giáo diễn ra mạnh mẽ của các đảng phái cấp tiến trong chính phủ Pháp. Ngay từ các Hiệp ước trong thời kì xâm chiếm nước ta của thực dân Pháp kí với triều đình nhà Nguyễn đã nhận rõ sự ưu ái, quan tâm đến đạo Thiên Chúa của giới thực dân. Cụ thể: Điều 2 của bản Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862) quy định về tự do theo đạo Công giáo: “Thần dân của hai nước Pháp và Tây Ban Nha được phép thờ phụng Chúa Kitô trong vương quốc An Nam, và thần dân của nước An Nam, bất kể là ai, có ước muốn đón nhận và tin theo đạo Chúa Kitô, đều được phép làm như vậy một cách tự do và không bị hạn chế. Nhưng không một ai không muốn trở thành Kitô hữu mà lại bị bắt buộc làm như vậy... ”[89, tr.569]. Hoặc Điều 9 của Hiệp ước Giáp Tuất (15/3/1874) quy định “Đức vua An Nam thừa nhận đạo Kitô dạy cho con người làm điều thiện, hủy bỏ và coi như không có tất cả những điều cấm đoán đối với tôn giáo Kitô và ban cho tất cả mọi người dân được phép theo đạo và hành đạo tự do... ” [89, tr.585] và sau này Hiệp ước Patơnốt (1884) tiếp tục khẳng định lại cam kết đã được quy định bởi Hiệp ước Giáp Tuất ngày 15/3/1874. Qua nội dung các văn bản trên đã chứng tỏ Công giáo đã được những lợi lộc mang lại không kém phần quan trọng, đem lại cho tôn giáo của mình một quyền tự do tuyệt đối và không giới hạn, đôi khi đối nghịch với cả luật lệ hiện hành trong nước.
Sau khi Hiệp ước Nhâm Tuất được kí kết, Công giáo có điều kiện phát triển ở Việt Nam, nhất là ở Nam Kỳ. Điều kiện này ngày càng trở nên rõ rệt khi chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ có sự hỗ trợ về mặt vật chất cho Hội Thừa sai Paris, tiêu biểu như: trả lương không những cho các thừa sai Pháp mà còn cả các linh mục và thầy giảng người Việt, chu cấp tiền bạc xây dựng các trường đào tạo thầy giảng, xây cất các nhà thờ và nhà nguyện mới, trợ giúp một số cộng đoàn Kitô hữu, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động từ thiện xã hội do Hội Thừa sai Paris tổ chức,... “Yếu tố quan trọng nhất trong sự trợ giúp của nhà nước đối với các thừa sai Pháp, là việc ấn định lương bổng hàng năm cho họ. Trong năm 1864, 40.000 francs đã được dành cho việc này trong ngân sách thuộc địa. Khoản trợ cấp đó được tăng lên tới 145.000 francs vào năm 1879 ” [99, tr.220]. Không những vậy, ngay cả đối với thầy giảng và linh mục Việt Nam cũng được trả lương, ví dụ: cũng trong năm 1879, hai mươi sáu Linh mục người Việt nhận số lương là 9 đồng hoặc 45 francs một tháng. Ngoài ra, chế độ thực dân còn tạo điều kiện cho lớn cho Công giáo xây dựng Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn với kinh phí lên tới 2.500.000 francs [99, tr.223]. Trên đây chỉ là một số ví dụ điển hình trong chính sách ưu ái của thực dân ở nước ta trong thời gian đầu xâm lược.
Ngay cả giai đoạn sau này, nhiều chính sách nâng đỡ khác được chính quyền thuộc địa áp dụng cho Công giáo như ở Nam Kỳ, Nghị định ngày 16-5-1903, Thống đốc Nam Kỳ quy định miễn thuế thân cho các Giáo sĩ và sư huynh các trường công giáo [101; tr.225]. Tạo điều kiện cho giáo dân trong việc phân sử các cuộc tranh chấp giữa Lương - Giáo. Làm ngơ để giáo dân một số nơi cướp đoạt mùa màng một cách trắng trợn của lương dân. Kết quả cho sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của chính quyền thuộc địa đã đem đến cho Công giáo điều kiện phát triển mạnh so với thời kì khó khăn ban đầu. Trong đó, một trong các minh chứng tiêu biểu là sự lớn mạnh về số lượng giáo dân tham gia: “Trước kia, các địa phận thuộc hội Thừa sai Paris mỗi năm chỉ thêm từ 7.000 đến 8.000 tân tòng, nhưng năm 1888 trên 10.000, năm 1889 trên 15.000, năm 1890 trên 20.000. Sau đó con số xuống dần, năm 1891 khoảng 18.000, năm 1892: 15.000” [84].
Tiếp theo, nổi bật nhất trong giai đoạn này là dựa vào Công giáo, lợi dụng Công giáo của chế độ thực dân ở nước ta để phục vụ cho công cuộc đô hộ. Công giáo được thực dân Pháp sử dụng như một công cụ đắc lực để tiến hành chính sách bình định, hướng đến mục đích hoàn thành quá trình xâm lược sau khi cơ bản đã biến Việt Nam thành nước thuộc địa nửa phong kiến bằng Hiệp ước Hácmăng
(1883) và Hiệp ước Patơnốt (1884). Trong đó, dùng các lực lượng công giáo để chống lại các cuộc khởi nghĩa như Cần Vương. Thực dân Pháp triệt để sử dụng
“các xứ đạo Ki-tô giáo ở Việt Nam cũng được các giáo sĩ phiên chế tổ chức chặt chẽ để cung cấp cho quân đội Pháp, nào thông ngôn phiên dịch, nào phòng vệ dân công mang lại cho quân đội chiếm đóng một sự vô g iá ”[88, tr.438]. Thực chất bên trong sự hợp tác đến từ hai phía Chính quyền thực dân và các tín đồ Ki -tô giáo lại là sự lợi dụng lẫn nhau một cách triệt để. Về phía thực dân Pháp, ngay từ đầu khi đặt chân xâm lược Việt Nam cho đến sau này, chính sách sử dụng một lực lượng người bản xứ theo đạo Thiên Chúa để chống lại chính người bản xứ đã được thực hiện. Các tín đồ Gia-tô đã được sử dụng như một lực lượng hữu ích để tiêu diệt các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta. Chứng minh điều trên đây, “Đại úy Gosselin, một trong những người “đuổi bắt” Hàm Nghi, kể ông ta đã được giúp đỡ như thế nào bởi những tin tức tình báo của giáo sĩ Thừa sai, những tin tức mà họ đạt được qua những lời xưng tội của những tín đồ của họ ” [91, tr.295]. Thật sự hiệu quả và thâm hiểm khi lợi dụng cả “những lời xưng tội” của tín đồ công giáo bản xứ để khai thác thông tin tình báo phục vụ công cuộc bình định lãnh thổ. Qua đó, ta mới thấy rõ hơn bộ mặt của “sự hợp tác ” giữa thế lực chính trị và tổ chức tôn giáo - thực chất khẳng định thêm bản chất của tôn giáo khi bị lợi dụng bởi chính trị.
Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này một trong những chính sách lợi dụng Công giáo để thực hiện mưu đồ củng cố quyền lợi của nước Pháp ở thuộc địa đó là lợi dụng Công giáo để thực hiện việc xác lập biên giới đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cùng với sự phát triển của chế độ tư bản lên giai đoạn tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc là quá trình xâm chiếm thuộc địa. Tham vọng bành trướng và đặt ách ảnh hưởng lên khu vực Đông Nam châu Á đã diễn ra từ rất sớm ở các thế kỉ trước đó giữa các đế quốc Pháp, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha.. .và đến cuối thế kỉ XIX sự cạnh tranh càng khốc liệt, đặc biệt giữa Anh và Pháp với mục tiêu chung là làm sao để đặt được sự kiểm soát cho được phần lớn lãnh thổ ở Đông Nam Á.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là ở khu vực phía Tây của xứ Đông Dương đã được thực dân Anh đặt ách thống trị, cụ thể là Ân Độ và Nam Miến Điện, bên cạnh đó họ cũng đặt ra các Công sứ bên cạnh vua Mã Lai để củng cố vùng đất này.
Trong khi đó, Bắc Miến Điện và Xiêm La vẫn là hai quốc gia độc lập là vùng đất ngăn cắt lãnh thổ giữa Anh với các vùng đất mới chiếm của Pháp. Thực dân Pháp sợ mối đe dọa tiềm tàng từ đối thủ sẽ gây ảnh hưởng được với Cao Miên và Xiêm sẽ đem đến một hệ lụy rất lớn cho quyền lợi thương mại và an ninh của mình, bởi vì hai vương
quốc này giáp với Việt Nam và Cao Miên ở đồng bằng sông Mê Kông nhưng không có lằn mốc biên giới rõ ràng. Vì vậy, phải nhanh chóng đặt được sự ảnh hưởng lên khu vực đồng bằng sông Mê Kông. Nếu không định đoạt được tầm ảnh hưởng đến vùng đất này, người Pháp sợ rằng người Anh sẽ sử dụng nó để tạo ra một tuyến đường mậu dịch thuận lợi lên phía Bắc để vào được thị trường Tây Nam Trung Hoa, một thị trường béo bở mà cả Anh lẫn Pháp đều muốn hướng đến. Lúc đó việc chiếm Bắc Kỳ của Pháp trở nên mất giá trị. Trong cuộc chạy đua ảnh hưởng của Pháp vào Xiêm La và Mã Lai ít triển vọng thành công hơn đối với người Anh, vì họ thiếu hẳn những ảnh hưởng về thương mại và chính trị, lợi ích chính yếu và duy nhất của họ ở đó là các
đoàn truyền giáo Hội Thừa sai hải ngoại.
Vì vậy, việc lợi dụng vai trò của Công giáo vào vấn đề củng cố biên giới là điều chắc chắn. Trong một đoạn gửi cho Đức cha Camelbeke đại diện Tông tòa địa phận Đông Đàng trong Huế của Thống sứ An Nam Paul Rheinart ngày 27-11-1888 như sau:
“Bản đồ chính trị ở Đông Dương cũng chẵng có một “khoảng trống” nào khác bản đồ tôn giáo do Hội Thừa sai Hải ngoại đã v ẽ ” [99, tr.586]. Qua đó, ta hiểu rằng mối quan hệ mật thiết của vai trò các giáo sĩ truyền giáo gắn chặt với việc định vị lãnh thổ biên giới như trong mưu đồ của giới cầm quyền thực dân.
Cuối thế kỷ XIX, một vấn đề nếu nhìn nhận theo quan điểm của ngày nay là hết sức phi lý thì sự thật là dưới thời Pháp thuộc chữ Quốc ngữ được đẩy mạnh sử dụng, tạo ra một thứ ngôn ngữ có thể xem là thuận tiện và dễ sử dụng nhất trong khu vực đối với ngày nay thực ra lại là một chính sách “ngu dân ” và ưu ái cho Công giáo. Tại vì “theo Lanessan, các vị Thừa sai đều nhằm quần chúng, dân quê, bần cùng nghèo khổ hoặc kẻ trộm cướp để giảng đạo. Nói cách khác người Công giáo thường thuộc những giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội. Những người này thường được tập hợp thành những làng xóm riêng, tách khỏi đoàn thể dân tộc. Lý do cô lập các làng theo đạo ở tại các Thừa sai sợ người theo đạo giao thiệp với người lương có thể quay lại các phong tục lễ nghi ngoại đạo. Cũng vì lý do sợ đó mà họ tạo ra chữ Quốc ngữ, thì chỉ biết đọc sách báo đạo mà thôi, trái lại nếu như để cho họ học chữ nho, sợ họ có thể thông cảm lại với tư tưởng ngoại giáo. Thành ra việc thành lập chữ Quốc ngữ phải chăng nhằm mục đích “ngu dân ” ly khai với văn hóa dân tộc?”[96, tr. 116].
Để chứng minh cho nhận định trên ta biết rằng một trong những lực cản cho sự truyền bá rộng rãi của đạo Thiên Chúa chính là truyền thống yêu nước dưới ý thức hệ tư tưởng Nho giáo, mà đại diện là tầng lớp Nho học. Các giáo sĩ Thừa sai
luôn tìm cách để xóa bỏ tầng lớp này là sự trở lực cho quá trình truyền đạo. Chắc hẳn, các giáo sĩ Thừa sai nghĩ rằng việc xóa bỏ đi một loại ngôn ngữ của tầng lớp trí thức nho học, cũng là của đại đa số dân số Việt Nam thời đó sẽ làm cho thứ ngôn ngữ này biến mất, đồng nghĩa là sách sử bằng chữ nho sẽ không còn biết sử dụng thì triết học Nho giáo, nền tảng của tổ chức chính trị cũng bị chết dần chết mòn. Thay vào đó là chữ Quốc ngữ, sau nữa là chữ Pháp sẽ truyền bá đạo Thiên Chúa và văn hóa Pháp để đi đến đồng hóa cả một dân tộc. Giám mục Puginier, người đi đầu trong chính sách truyền đạo đã đề nghị với thực dân Pháp “Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn, và sau việc lập Gia Tô giáo, tôi xem việc phế bỏ chữ Nho và việc thay thế dần dần tiếng An Nam trước rồi kế đến bằng tiếng Pháp, là một phương cách rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên ở Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ của Viễn Đ ông” [91, tr.315]. Từ đó, chúng ta thấy rằng, dù chủ quan hay khách quan, việc tạo điều kiện cho chữ Quốc ngữ phát có điều kiện phát triển trong thời gian này ít nhiều có sự ảnh hưởng bởi mục tiêu của chính sách tôn giáo và có sự liên hệ với Công giáo.
Tóm lại, trong thời kỳ bình định nước ta từ sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884) cho đến khi đàn áp xong phong trào Cần Vương (1896), nổi bật trong chính sách tôn giáo của thực dân đối với Công giáo là tiếp tục ưu ái, tạo điều kiện để tôn giáo này phát triển. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã xuất hiện những trở ngại trong mối quan hệ giữa chính quyền thực dân với Công giáo với việc cắt bỏ việc trợ cấp đối với Công giáo trong việc trả lương cho các linh mục, mở ra một giai đoạn ngắn bất lợi cho sự phát triển của tôn giáo này.