Thời kỳ từ năm 1884 đến năm 1930

Một phần của tài liệu Chính sách tôn giáo của thực dân pháp ở việt nam từ năm 1884 đến năm 1945 (Trang 49 - 52)

CHƯƠNG 2. CHÍNH QUYỀN THỰC DÂN PHÁP ĐỐI VỚI CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1884 ĐÉN NĂM 1945

2.2. Đối với Phật giáo

2.2.1. Thời kỳ từ năm 1884 đến năm 1930

Phật giáo là một tôn giáo có ảnh hưởng to lớn trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Tuy không còn đóng vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị kể từ sau thời kì Lý, Trần nhưng vẫn chiếm ưu thế trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo dân tộc.

Với tinh thần nhập thế, Đạo Phật đã có một vị trí rất lớn trong công cuộc giữ nước.

Chính vì vậy, tôn giáo này chắc chắn sẽ trở thành một đối tượng đáng lưu ý trong chính sách của thực dân ở thuộc địa.

Ngay từ khi đặt chân xâm lược nước ta, sau khi chiếm được Nam Kỳ thực dân Pháp đã có những hành động nguy hiểm, gây bất lợi cho Phật giáo. Từ những năm 1861 đến năm 1865, thực dân Pháp đã tiến hành đập phá hoặc sử dụng các chùa để biến thành hệ thống phòng tuyến, đồn bót. Từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng phòng tuyến các chùa hay còn gọi “lignes des pagosdes” [60, tr.42], trong đó 4 ngôi chùa cổ, đền bị quân đội viễn chinh phá hủy như chùa Khải Tường, chùa Kiểng Phước, chùa Cây Mai và đền Hiển Trung. Như vậy, qua các hành động của thực dân Pháp ta đã thấy được thái độ và chính sách của họ đối với Phật giáo là ngăn chặn, phá hoại hoạt động của tôn giáo này. Với việc “Pháp triệt hạ các chùa lớn, chỉ còn lại những chùa trong ngõ hẻm và lo phát triển các nhà th ờ lớn ở đô thị” đã chứng tỏ được sự kỳ thị với Phật giáo và dung dưỡng đối với Công giáo.

Còn ở Hà Nội, năm 1884, chính quyền thực dân đã phá dỡ chùa Báo Thiên - một danh lam của Thăng Long để bàn giao mặt bằng cho Giám mục Puginier xây dựng nên Nhà Thờ Lớn và dời Tòa Giám mục về đây vào năm 1887 [9, tr.199].

Ngoài việc phá hủy các chùa để phục vụ mục đích bình định, sâu xa hơn với thực dân Pháp muốn tìm cách hạn chế sự ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống nhân dân.

Thực dân Pháp quan niệm Phật giáo gắn với dân tộc Việt Nam, theo Phật giáo và hành tín ngưỡng Phật giáo là hồn dân tộc còn. Do đó, phải thay thế đức tin mới bằng Thiên Chúa giáo, bằng những nhà thờ tráng lệ [60, tr.44].

Quá trình gắn bó giữa thế lực chính trị thực dân với hoạt động tôn giáo của Công giáo ở nước ta diễn ra từ khá sớm. Dẫn đến những chính sách ưu ái đối với tôn giáo này diễn ra ngay từ đầu thời kỳ xâm lược, còn ngược lại Phật giáo thì hạn chế phát triển. Trong chính sách của mình, thực dân Pháp đã phân biệt và đối xử bất bình đẳng giữa đạo Phật với Công giáo. Ưu ái, nâng đỡ cho giáo dân trong các cuộc tranh chấp với phật tử. Chính Lanessan khi n ắm giữ cương vị cao nhất ở xứ thuộc địa cũng đã có những đề cập về chính sách của thực dân đã phá hủy đền thờ, chùa chiền hoặc làm trụ sở, nơi đóng quân. Lanessan kể lại khi đi đến đâu những đơn khiếu nại hầu hết đều xin trả lại chùa, đình hoặc tôn trọng đền thờ, văn miếu [97, tr.115]. Nhìn chung trong chính sách xuyên su ốt của thực dân Pháp đối với tôn giáo, chế độ thuộc địa đã dành phần ưu ái, nâng đỡ cho Thiên Chúa giáo, ngược lại kỳ thị và chèn ép Phật giáo như Học giả Jerrold Schecter đã nhận định:

“Dưới chế độ thực dân Pháp, từ năm 1860 cho đến lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Thiên Chúa giáo được khuyến khích còn Phật giáo thì không cho phát triển”[18, tr.28].

Tuy nhiên, chính sách tôn giáo của thực dân Pháp cũng giống như đối với Thiên Chúa giáo, thái độ của giới cầm quyền thuộc địa đối với các tôn giáo khác trong đó có Phật giáo chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách của chính phủ Pháp. Nếu như Chính quốc thi hành những chính sách ưu ái thì các tôn giáo được nâng đỡ và tạo điều kiện phát triển. Ngược lại, nếu chính phủ cầm quyền bài tôn giáo sẽ dẫn đến chính sách ở thuộc địa cũng ngăn cấm, hạn chế hoạt động của các tôn giáo. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của thực dân Pháp đối với Phật giáo nói chung và các tôn giáo khác nói riêng. Cụ thể, cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chính quyền thuộc địa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chính sách bài Công giáo của chính phủ cấp tiến ở Pháp đã dẫn đến thi hành một vài chính sách dễ chịu cho các tôn giáo khác phát triển, trong đó có Phật giáo [110]. Chứng minh cho điều đó, là sự kiện Toàn quyền Lanessan đã trợ cấp và tham dự các buổi lễ chính thức của Phật giáo. Việc này được Giám mục Puginier ví như là “điều xỉ nhục” đối với Thiên Chúa giáo [91, tr.601-639]. Tuy nhiên, sự quan tâm của giới cầm quyền thuộc địa đối với Phật giáo chỉ diễn ra trong một thời gian

ngắn ngủi mà thôi.

Trong thời gian đầu xâm lược nước ta đến khi bình định xong và bắt đầu tiến hành các chính sách thuộc địa, Phật giáo thực sự vẫn chưa được sự quan tâm trong chính sách của chế độ thuộc địa. Một phần là do yếu tố chủ quan từ phía Pháp hoặc trong thời kì đầu Phật giáo chưa gây ra những vấn đề nào ảnh hưởng lớn đến chính sách thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, những năm cuối của thế kỷ XIX, xuất hiện dày đặc sự dính dáng của Phật giáo đến các phong trào yêu nước buộc thực dân Pháp phải có chính sách đối phó với tôn giáo này. Cộng với bước vào những năm 90 của thế kỉ XIX thực dân Pháp đã hoàn thành xong việc bình định và bước vào thời kì khai thác thuộc địa, củng cố ách thống trị ở Đông Dương cho nên chế độ thực dân ra sức kiểm soát trên mọi lĩnh vực, trong đó có tôn giáo.

Khi chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào giai đoạn suy tàn, ý thức hệ Nho giáo đã lỗi thời và bất lực thì vai trò của Phật giáo cổ truyền lại được đề cao và trở thành chỗ dựa tinh thần như một thứ vũ khí để chống kẻ thù. Ngay trong phong trào Cần Vương, các cơ sở chùa chiền và sư tăng đã góp một phần quan trọng vào các cuộc khởi nghĩa. Nguyên nhân là vì cơ sở của Nho giáo trong kiến trúc hạ tầng của xã hội ngoài các thầy đồ và môn sinh của họ cùng các cuộc tế tự ở đình làng, thì không còn gì đáng kể nữa. Vì vậy, phong trào Cần Vương phải tìm tới các cơ sở Phật giáo. Các chùa chiền trở thành cơ sở kháng chiến và tăng sỹ không ngần ngại đóng góp phần mình vào công cuộc cứu nước [58, tr.748].

Vai trò của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo còn thể hiện mạnh mẽ trong các phong trào yêu nước trong suốt gần bốn thế kỉ sau khi thất bại của Cần Vương cho đến trước khi ý thức hệ vô sản lãnh đạo. Ngay cả các hoạt động yêu nước như của c ụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng có liên quan đến Phật giáo. Ho ặc nhiều cuộc khởi nghĩa khác liên quan đến nhà chùa như: cuộc đánh thành Hà N ội năm 1898 do Vương Quốc Chính lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa năm 1890 - 1898 của nhà sư Võ Trứ ở Phú Yên, cuộc khởi nghĩa 1913 ở chùa Tà Lơn, cuộc khởi nghĩa năm 1916 ở chùa Núi Cấm...được thực dân Pháp gọi là

“Giặc thầy chùa”. Chính việc các nhà yêu nước sử dụng tư tưởng tín ngưỡng Phật giáo, ngoài ra còn Đạo giáo để phát động các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đô hộ đã buộc thực dân không còn chủ quan như trước và phải có những chính sách để đối phó với các tôn giáo này.

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến những năm 1930, chính sách nổi bật nhất của chế độ thực dân với các tôn giáo là thi hành kiểm soát gắt gao các hoạt

động tôn giáo, ngăn cấm việc thành lập các hội đoàn và mọi hoạt động chính trị có tổ chức của nhân dân. Đến đầu thế kỉ XX, nhận thấy được vai trò của tôn giáo trong các hoạt động yêu nước thực dân Pháp đã tăng cường kiểm soát hoạt động của Phật giáo, tìm cách cản trở quá trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam của các tăng ni, phật tử. Ngoài ra, “ngày 24/7/1916, thực dân Pháp ban hành nghị định về việc những người nào ở chùa hoặc muốn vào chùa tu hành phải được cấp giấy chứng nhận “giấy thầy chùa”. Hay Nghị định ngày 16/6/1930, mỗi chùa đều phải có sổ thống kê tài sản và việc thu chi hằng ngày và khi cần thiết báo lên cơ quan sở tại” [67, tr.280].

Sở dĩ thực dân Pháp thi hành chính sách kiềm chế các hoạt động tôn giáo trong giai đoạn này, ngoài nguyên nhân Phật giáo và một số tôn giáo khác liên quan đến các cuộc khởi nghĩa yêu nước thì thời kỳ này chế độ thuộc địa đã củng cố xong hệ thống cai trị và quyền lực của mình. Kiểm soát mọi hoạt động của nhân dân thuộc địa, trong đó có cả hoạt động tôn giáo là điều cần thiết để xác lập sự ổn định xã hội cho việc cai trị của thực dân.

Trong khi Phật giáo, một tôn giáo đang dần đánh mất vị thế của mình trong xã hội bởi sự tha hóa, suy đồi của các tầng lớp tăng ni trong thời kỳ này. Rất cần đến một cuộc cải cách, chấn hưng thì chính sách kiểm soát gắt gao của chính quyền thực dân sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tôn giáo này.

Tóm lại, Phật giáo là tôn giáo có tinh thần dân tộc và tính nhập thế cao, đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, chính vì vậy thực dân Pháp đã luôn tìm cách ngăn cản, kiểm soát gắt gao và hạn chế phát triển đối với tôn giáo này, trong đó có cả quá trình chấn hưng và thống nhất Phật giáo Việt Nam. Trong giai đoạn này, sau khi đô hộ được nước ta, thay vì ở thời kỳ đầu chế độ thực dân còn chủ quan chưa quan tâm đối phó với tôn giáo này thì càng về sau thực dân Pháp tìm cách kiểm soát chặt chẽ.

Một phần của tài liệu Chính sách tôn giáo của thực dân pháp ở việt nam từ năm 1884 đến năm 1945 (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)