CHƯƠNG 2. CHÍNH QUYỀN THỰC DÂN PHÁP ĐỐI VỚI CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1884 ĐÉN NĂM 1945
2.2. Đối với Phật giáo
2.2.2. Thời kỳ từ năm 1930 đến năm 1945
Ngược với sự kiểm soát gắt gao đối với các hoạt động của Phật giáo nói chung và phong trào chấn hưng Phật giáo nói riêng trong thời kì trước năm 1930, là sự thay đổi chính sách của thực dân Pháp với tôn giáo này trong thời kì tiếp theo. Từ năm 1930 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp có phần “nới lõng” cho người Việt một số quyền tự do trong chừng mực mà không làm tổn hại đến lợi ích của chế độ thuộc địa, dẫn đến tùy theo các tôn giáo khác nhau, tùy theo thời điểm mà thực dân đã tiến hành chính sách thuận lợi hoặc kiểm soát gắt gao hoạt động của Phật giáo.
Điều đặc biệt là đối với Phật giáo trong giai đoạn này, thực dân Pháp đã tạo điều kiện cho phong trào chấn hưng được diễn ra. Bằng chứng là nhiều Nghị định được chính quyền thuộc địa thông qua cho phép thành lập nhiều tổ chức Phật giáo. Trên khắp cả ba xứ Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ lần lượt giới cầm quyền đã đồng ý cho các tổ chức Phật giáo ra đời.
Tại Nam Kỳ, ngày 16/7/1935, theo Công văn số 61-C của Thống đốc Nam Kỳ đã công nhận Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Tiếp đến, ngày 19/7/1935, Hội Thiên thai Thiền giáo tông cũng được Thống đốc Nam Kỳ phê duyệt thành lập qua Nghị định số 2466. Muộn nhất ngày 23/3/1937, Thống đốc Pagès thông qua Nghị định số 1068 để thành lập Hội Phật học Kiêm tế.
Tại miền Trung, Hội An Nam Phật học được Khâm sứ Trung Kì là Yves Charles Chàtel kí nghị định số 2691 ngày 17/09/1932 cho phép thành lập kèm theo bản điều lệ gồm 80 điều và 17 điều quy tắc. Đến ngày 30/06/1933, Nguyệt san Viên Âm - cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học được nghị định Toàn quyền Đông Dương cho phép xuất bản. Số đầu tiên ra mắt là vào ngày 1/12/1933. Hội Phật học Đà Thành (Đà Nẵng) được phép thành lập theo Nghị định số 1057 ngày 14/5/1935 của Khâm sứ Trung Kì là Maurice Fernand Graffeuil và đến ngày 15/1/1937, hội được phép ấn hành tạp chí Tam Bảo.
Tại Bắc Kỳ, ngày 6/11/1934 Thống sứ Auguste Tholance đã kí Nghị định số 4283 cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Trong đó, Robin - Toàn quyền Đông Pháp, Tholance và Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu làm Hội trưởng Danh dự.
Một năm sau, ngày 31/1/1935, Nghị định số 649 được Toàn quyền Robin kí tiếp tục cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ Cổ sơn môn.
Cùng với việc cho phép thành lập các hội quán Phật giáo trên khắp cả nước, đại diện chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng đã tham gia vào các tổ chức Phật giáo nói trên. Điển hình như: Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học với sự tham gia của Khrautheimer (Thống đốc Nam Kì) với tư cách là hội Trưởng danh dự, Rivoal (Đốc lí Sài Gòn) làm Phó hội Trưởng danh dự, các ông bà người Pháp như Robert, Mossy, Fontaine, Karpelès là hội viên danh dự. Ở miền Trung là sự tham gia của Khâm sứ Maurice Fernand Graffeuil vào chức Danh dự Hội trưởng Hội An Nam Phật học. Tại miền Bắc, Thống sứ Auguste Tholance và Toàn quyền Đông Dương là René Robin đã giữ chức Danh dự Hội trưởng của Hội Phật giáo Bắc Kì. Các danh dự hội viên người Pháp như: Henri Virgefti - Đốc lí thành phố Hà Nội, Louis Lotzer - Đốc lí thành phố Hải Phòng, V.Rocca - Đốc lí thành phố Nam Định,
E.Vinay - Công sứ Thái Bình, R.Colin - Công sứ Kiên An, J.Massmi - Công sứ Hải Dương ...
Ngoài ra, trong giai đoạn này chính quyền thuộc địa đã tạo điều kiện để hoạt động báo chí, ấn phẩm của Phật giáo phát triển mạnh. Nhiều tạp chí Phật học liên tiếp được xuất bản, tạo ra một hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ trong xã hội. Ví dụ như Nghị định ngày 20/12/1927 cấp phép hoạt động báo chí cho Trung Kỳ, Nghị định ngày 10/1/1928 cấp phép hoạt động cho Bắc Kỳ... dẫn đến nhiều tạp chí ra đời như: Nguyệt San Viên Âm - cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học ra đời năm 1933, Tạp chí Tam Bảo năm 1937 ở Trung Kỳ; tờ Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học xuất bản năm 1931, tạp chí DuyTâm Phật học của Hội Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Tạp chí Tiến hóa - cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Kiêm tế cũng được cấp giấy phép hoạt động năm 1938 ở Nam Kỳ;
tuần báo Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ được cấp phép năm 1934 và tạp chí Tiếng Chuông Sớm của Hội Bắc Kỳ Phật giáo Cổ sơn môn xuất bản năm 1 9 3 5 .
Rõ ràng sau năm 1930, Phật giáo có những điều kiện thuận lợi để phục hưng và phát triển. Qua đó, ta thấy được sự thay đổi trong thái độ của thực dân Pháp trong thời kì này. Nhưng sự thay đổi đó không phải là mục tiêu chung của chính sách tôn giáo của chế độ thuộc địa. Đặt trong hoàn cảnh nước ta trong những năm 30 trở đi của thế kỉ XX đã có nhiều chuyển biến lớn trong đời sống xã hội cũng như trong phong trào dân tộc. Giai đoạn này đánh dấu sự thắng lợi của khuynh hướng cứu nước theo con đường cách mạng vô sản với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi ra đời, Đảng đã trực tiếp bước vào thời kì lãnh đạo đất nước tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Dẫn đến một cao trào cách mạng diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, tiêu biểu là phong trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Mặt khác, năm 1930 đánh dấu sự thức tỉnh của Phật tử nước ta trước những biến chuyển của quốc nội và quốc tế [35, tr.91]. Qua đó, thực dân muốn lợi dụng tôn giáo như một công cụ để lôi kéo quần chúng xa rời các hoạt động cách mạng cứu nước, sử dụng giáo lý của các tôn giáo để biến người dân thành những kẻ tự ti, nhu nhược, xa rời thực tại. Ngẫu nhiên chế độ thuộc địa không phải tạo điều kiện, quan tâm đến sự phục hưng của Phật giáo hoặc tạo điều kiện để một số tôn giáo mới xuất hiện trong thời kỳ nay. Nguyên nhân sâu xa và thâm hiểm của chúng vẫn là lợi dụng tôn giáo để phục vụ cho mưu đồ lợi ích chính trị, nới lõng một số quyền lợi miễn sao hoạt động của các tôn giáo trong đó có Phật giáo không ảnh hưởng đến lợi ích thuộc địa của Pháp là được. Theo tác giả Nguyễn Đình Tư đã cho rằng: “Sự thực thì không
phải do người Pháp tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân bản xứ, mà họ thấy đạo Phật đã ăn sâu vào tầng lớp quần chúng, không thể ngăn cấm được, âu cũng là tương kế tựu kế, vì người Pháp quan niệm đạo Phật mang tính tiêu cực, thoát ly thế tục, nếu phát triển thì có lợi cho họ trong việc củng cố chế độ cai trị thực dân.
Vì lẽ đó mà lần lượt các hội đoàn Phật học, các báo và kinh sách Phật giáo lần lượt nối tiếp nhau xuất hiện”[101, tr.482].
Qua việc đưa các yếu nhân của chính quyền thuộc địa vào trong hàng ngũ đứng đầu các tổ chức Phật học thời kì này, cụ thể là các chức danh Hội trưởng Danh dự đã thể hiện được mưu đồ của thực dân Pháp. Ý đồ của họ là muốn biến phong trào chấn hưng đi sang một hướng khác, tạo ảnh hưởng đến công chúng theo Phật giáo chịu chi phối và xa rời các hoạt động cách mạng mà chính đảng vô sản đang lãnh đạo. Ngay cả việc nới lõng cho hoạt động báo chí của Phật giáo cũng thể hiện được mục đích của thực dân. Nếu như trước đó Bộ Thuộc địa của Pháp đã ban hành một Sắc lệnh hạn chế tính tự do trong Luật Báo chí của Quốc hội Pháp năm 1881, với nội dung hạn chế hoạt động báo chí nhằm tránh những nguy cơ bất lợi cho chính quyền thuộc địa mà báo chí có thể mang lại thì đến những năm 30 nhiều Nghị định đồng ý cho hàng loạt tờ báo Phật giáo ra đời. Báo chí là phương tiện hữu ích để lợi dụng thực hiện mục đích của thực dân Pháp lôi kéo quần chúng vào hoạt động tôn giáo, tránh xa hoạt động chính trị yêu nước. Tiến sĩ Hoàng Xuân Hào đã nhận xét về âm mưu của thực dân Pháp qua phong trào chấn hưng Phật giáo như sau: “Phong trào chấn hưng phật giáo phát triển cùng với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nên người Pháp nhận thức được ý nghĩa của các hoạt động tôn giáo rồi tìm cách xâm nhập vào tổ chức mới của Phật giáo và chinh phục tình cảm của Phật tử để vừa rãnh tay dập tắt mọi mầm chống đối đế quốc vừa lái được phong trào phục hưng theo đường hướng mà đế quốc mong muốn ” [35, tr.97].
Mặc dù tạo điều kiện cho Phật giáo thời kỳ này mở rộng hoạt động nhưng về cơ bản thực dân Pháp vẫn tiến hành đan xen nhiều biện pháp nhằm kiểm soát gắt gao các hoạt động của tôn giáo này. Các tổ chức Phật học được thành lập nhiều, các báo chí, tập san cũng được xuất bản phong phú nhưng quan trọng đều phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao qua những Nghị định, Sắc lệnh của chế độ thuộc địa. Đồng thời, trong giai đoạn này chế độ thực dân thuộc địa cũng tiến hành song song chính sách hai mặt, vừa lôi kéo mua chuộc các tăng sĩ đứng đầu, vừa đe dọa, thậm chí bắt bớ, tù đày các tăng ni, phật tử xâm phạm lợi ích thực dân. Ví dụ như Nhà sư Trí Thiền trụ trì chùa Tam Bảo và các nhà sư khác bị bắt vào tháng 6-1941, đày ra Côn Đảo
và chết ở đó [60, tr.73].
Bước vào thời kì 1936-1939 tình hình chính trị thế giới và nước Pháp cũng đã tác động trực tiếp đến Đông Dương. Với sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh bùng nổ, buộc các nước phải có chính sách phù hợp. Trong đó, Mặt trận Bình dân ở Pháp đã thắng cử và lên nắm chính quyền, thi hành các chính sách tiến bộ đối với nhân dân thuộc địa như nới rộng quyền tự do dân chủ, cử phái đoàn sang điều tra tình hình thu ộc địa. Dẫn đến trong thời kì này, Phật giáo có điều kiện để tiếp tục phát triển, chính sách của chính quyền thuộc địa cũng dễ chịu hơn đối với các tôn giáo. Từ đó đã tạo nên những điều kiện thuận lợi để phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Ngày 1/1/1937, Chính phủ Bình dân Pháp đã cử phái đoàn do Brevié và Justin Godart sang thị sát và thu thập dân nguyện tại Đông Dương. Trong chuyến đi này, J. Godart đã ghé thăm các cơ sở Phật giáo Việt Nam. Ông đã thốt lên rằng: “Tôi không thể làm thinh được sau khi nghe những lời vừa giảng xong tóm tắt về đạo Phật. Đạo Phật chú trọng về lòng nhân từ, nhân đạo. Cái đó tôi rất cảm động, cảm động rồi phải sửa đổi lòng mình nếu như mình tàn ác, hung bạo ” . Theo J. Godart, hai chữ từ thiện của đức Phật không chỉ đặt ở trong lòng mà “cần phải làm cho nó thực hiện ra bằng hành động, cử chỉ, bằng công việc làm, bằng sự chân thành, sửa đổi đối với quần chúng lao khổ hiện nay”... J. Godart cũng tán thành với các yêu cầu dân sinh, dân chủ của quần chúng nhân dân nói chung và tăng ni, Phật tử Việt Nam nói riêng là phải làm cho con người ra dáng con người, đủ ăn, đủ mặc, đủ học,
đủ hành, đầy tự do, đầy hạnh phúc. Để làm được điều này, “Chính phủ Bình dân cần phải thực hiện ngay chính sách: khoan hồng, rộng lượng, cần phải chan chứa lòng nhân từ, đạo đức trong công việc tiến hành” và đối với Godart, ông sẽ “cận trung thành đưa hết những bản nguyện vọng thiết thực ấy về cho chánh phủ, cho quan Tổng trưởng thuộc địa Marius Moutet và tôi nhiệt liệt khẩn cầu cho kì được, khẩn cầu sửa đổi gấp gấp nửa kia ” [111].
Tạp chí Duy Tâm Phật học số 17, ra ngày 1/1/1937, đã đăng bài nhận xét về sự sự quan tâm của phái đoàn Chính phủ Pháp như sau: “Quan thủ hiến Brevié Toàn quyền Đông Dương và quan Tổng trưởng đại biểu chánh phủ Bình Dân Justin Godart mới đến Đông Pháp lần thứ nhứt mà chúng ta được thấy hai ngài có lẻ hai ngài là Bửu tinh giáng lâm hai ngài đến xứ nầy cũng vì lòng chan chứa đức từ bi tâm công bình để thay mặt cho nước Pháp. Sau khi quan sát trực tiếp, có lẽ dân trong năm xứ được
hưởng cái hạnh phúc giải phóng: chánh trị, xã hội kinh tế, học thuật giáo dục vệ sanh, ngôn luận.... ” . Nguyệt San Viên Âm cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học tại miền Trung cũng có đoạn viết: “Phương pháp hành động của Chính phủ Bình dân phần nhiều cốt để nâng cao trình độ dân chúng về mặt thực tế... Chính sách của chính phủ Bình dân và mục đích của An Nam Phật học Hội tuy khác, song sẽ vui vẻ gặp nhau ở một phương diện rất quý hoá, rất tốt đẹp và rất thanh cao là cái phương diện công bằng bác á i” [111].
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) bùng nổ, thực dân Pháp đã thay đổi chính sách ngược với những gì tiến bộ của Chính phủ Pháp thời kỳ 1936 - 1939, chuyển sang thù địch với nhân dân thuộc địa, tập trung mọi nguồn lực để phục vụ cho cuộc chiến tranh. Lúc này, thực dân Pháp đã tăng cường các biện pháp cai trị, kiểm soát gắt gao các hoạt động hội đoàn, hạn chế tự do. Đối với các tôn giáo cũng vậy, với Phật giáo sau một thời kì có những thuận lợi để chấn hưng thì giai đoạn này có phần khó khăn và chững lại. Nếu như thời kì trước chế độ thực dân còn nới lõng cho hoạt động báo chí thì năm 1942, Decoux đã ban hành Nghị định số 956-N quy định việc sử dụng, buôn bán các loại giấy in mà mục đích là hạn chê quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí như giai đoạn trước đó. Cộng với tháng 9/1940 phát xít Nhật vào Đông Dương đưa nhân dân ta vào cảnh một cổ hai tròng với sự cấu kết bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã làm cho đời sống nhân dân hết sức bức bí. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, dưới sự tập hợp của Mặt trận Việt Minh, nhiều tăng ni, phật tử đã tham gia vào công cuộc Tổng khởi nghĩa làm nên thắng lợi to lớn, ít đổ máu, đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới.
Tóm lại, trong thái độ của thực dân Pháp đối với các tôn giáo, trong đó có Phật giáo là lợi dụng các tôn giáo hoặc phải kiểm soát được các hoạt động tôn giáo để hướng vào mục đích tạo ra thuận lợi cho việc cai trị. Từ sau khi bình định được nước ta, chế độ thuộc địa đã bước vào thời kì tiến hành các chính sách cai trị toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhìn chung đối với Phật giáo chế độ thực dân Pháp đã thi hành chính sách bất lợi, kiểm soát gắt gao và hạn chế phát triển so với Công giáo. Trong chính sách của thực dân tùy theo các tôn giáo khác nhau, tùy theo thời điểm khác nhau để nới lõng hoạt động hay kiểm soát gắt gao với mục tiêu là phục vụ lợi ích cho quá trình đô hộ. Vì vậy, cũng có những khoảng thời gian Phật giáo được thực dân Pháp tạo điều kiện để hoạt động nhưng không ngoài mục tiêu lôi kéo quần chúng ra khỏi sức hút của các phong trào chính trị.