CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.2. Kiến thức và thực hành của NCS về bệnh TCM
4.2.1. Kiến thức của NCS về bệnh TCM
Bệnh TCM hiện nay chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu do vâỵ, NCS trẻ có kiến thức về bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh và tránh sự lây lan của bệnh cho trẻ, cho cộng đồng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, NCS trẻ được hỏi về các kiến thức liên quan đến bệnh TCM, bao gồm:
về khả năng lây bệnh, đường lây truyền, biểu hiện bệnh, kiến thức chăm sóc trẻ khi trẻ mắc bệnh TCM và các kiến thức về phòng bệnh TCM.
Kiến thức về khả năng lây bệnh, đường lây truyền, biểu hiện bệnh và kiến thức chăm sóc trẻ khi trẻ mắc bệnh TCM của NCS
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có tới 98,9% những người được phỏng vấn từng nghe nói về bệnh TCM. Trong đó, nguồn tiếp cận thông tin chính của họ là qua tivi, báo, đài (90%), gia đình, bạn bè (36%), nhân viên y tế (20%). Kết quả ngày gần giống với nghiên cứu của Ruttiya Charoenchokpanit và cộng sự tại Bang Kok, Thái Lan năm 2013: tất cả những người được hỏi đã từng được biết thông tin về bệnh TCM trước đây và nguồn phương tiện chính cung cấp thông tin là truyền hình (97,6%) [24]. Nghiên cứu của Nursyuhadah Othman và cộng sự năm 2012 tại Malaysia cho kết quả thấp hơn của chúng tôi: trong số 22 người được hỏi biết về TCM, có 40,1% (n = 9) lấy thông tin từ báo, 22,7% (n = 5) lấy thông tin từ truyền hình. 18,2% (n = 4), 13,6% (n = 3) số người được hỏi tiếp xúc với TCM từ chuyến thăm bệnh viện của họ và một
Thang Long University Library
người được hỏi (4,5%) biết từ việc nghe nói từ những người trong khu vực sinh sống của họ [31].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng: hầu hết NCS trẻ đều biết rằng bệnh TCM là một bệnh lây nhiễm chiếm 95,5%. Tỷ lệ này của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương tại Hà Nam năm 2018 (chiếm 81,9%) [16] và của Nguyễn Thị Hồng Lụa chỉ đạt 60,5% [14]. Điều này có thể lý giải là việc tiếp cận thông tin về bệnh TCM ở các vùng khác nhau, đối tượng nghiên cứu khác nhau cũng ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Lụa được thực hiện ở vùng Tây Nguyên, việc tiếp cận thông tin về bệnh TCM có thể chưa được đầy đủ.
Những người trực tiếp chăm sóc trẻ khi có kiến thức về bệnh TCM là bệnh lây, có thể phòng ngừa được là rất quan trọng trong phòng bệnh, điều này đã tác động đến ý thức, hành vi của người chăm sóc trẻ để bảo vệ cho trẻ tránh bị bệnh, đồng thời cũng chủ động trong việc phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng.
Kiến thức về đường lây truyền của bệnh: tỷ lệ NCS trẻ biết đường lây truyền từ nốt phỏng nước trên da là nguyên nhân lây bệnh chiếm 76,5%. Tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương (56,2%) [16], tuy nhiên thấp hơn nghiên cứu của hội chữ thập đỏ Việt Nam (83,5%) [6]. Sự khác biệt này có thể do địa bàn nghiên cứu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ yếu là các tỉnh phía Nam, nơi đã xảy ra dịch bệnh TCM với tỷ lệ mắc và tử vong khá cao, nên đối tượng nghiên cứu có thể đã được cung cấp, cập nhật kiến thức về phòng bệnh TCM nhiều hơn. Ngoài ra, tỉ lệ NCS biết đường lây truyền của bệnh qua các con đường hô hấp, tiêu hóa cũng thấp, chỉ đạt từ 33,8% – 37%. Tỷ lệ này có cao hơn nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương [16], Nguyễn Thị Hồng Lụa [14] và Vũ Trọng Phòng [6]. Tuy nhiên, số người biết các con đường lây truyền khác còn hạn chế, do vậy, đây là vấn đề cần quan tâm trong công tác tuyên truyền tại cộng đồng, các bà mẹ biết được đầy đủ đường lây truyền của bệnh sẽ
chủ động phòng bệnh được tốt hơn, tránh sự lây lan của bệnh trong cộng đồng và bùng phát dịch bệnh.
Trong những người được phỏng vấn, có 32 người (chiếm 8,5%) không biết bệnh lây qua con đường gì. Tỷ lệ này thấp hơn nghiên cứu của Hội chữ thập đỏ Việt Nam (VNRC) phối hợp cùng hội chữ thập đỏ Quốc tế (IFRC) (19,2%) [27] và nghiên cứu của Nguyễn Thanh Liêm là 22,8% [13]. Nghiên cứu của Lê Thị Ánh Kim cho kết quả như sau: có 31,4% giáo viên có kiến thức đạt về đường lây truyền, trong đó hai đường lây được biết nhiều nhất là qua dịch nốt phỏng/bọng nước của trẻ bệnh (77,3%) và qua nước bọt của trẻ bệnh (58,2%), 10% giáo viên có kiến thức đạt về triệu chứng của bệnh [2].
NCS trẻ biết được bệnh TCM là bệnh lây nhưng tỷ lệ biết đúng đường lây truyền bệnh lại rất thấp, trong khi đây lại là kiến thức quan trọng và cơ bản nhất ảnh hưởng tới cách phòng bệnh TCM. Vì thế, trong các hoạt động can thiệp đề xuất sau này, cần tập trung công tác truyền thông, bổ sung kiến thức NCS trẻ để họ biết đầy đủ đường lây truyền của bệnh TCM, nhờ đó có thể phòng tránh được các đợt bùng phát dịch bệnh.
Kiến thức về biểu hiện của bệnh: NCS trẻ trong nghiên cứu của chúng tôi có kiến thức khá tốt về biểu hiện ban đầu của bệnh: sốt (93,1%), các biểu hiện mọc mụn nước ở lòng bàn tay, chân, niêm mạc miệng, họng chiếm tỉ lệ cao từ 92,9% – 94,2%. Các dấu hiệu về sau như trẻ quấy khóc, li bì, ngủ gà cũng chiếm 73,7%. Các biểu hiện bệnh muộn hơn như ho, khó thở, tiêu chảy cũng chiếm trên 36%. Tuy tỷ lệ kiến thức của NCS trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với tỷ lệ những người trông trẻ trong khảo sát của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (96,3%) [6], nhưng nhìn chung đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có kiến thức về các triệu chứng trong giai đoạn sớm của bệnh là khá tốt, điều này sẽ giúp ích cho việc phát hiện sớm bệnh, điều trị sớm và phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng sớm. Nghiên cứu của chúng tôi thấy tỷ lệ NCS có kiến thức về biểu hiện bệnh cao hơn nhiều so với các nghiên cứu được
Thang Long University Library
báo cáo trước đó. Tỷ lệ đối tượng trong nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương có kiến thức về triệu chứng chính của bệnh TCM là “mụn nước ở tay, chân, mông, đầu gối” chỉ chiếm 71,4% [16] và của Cao Thị Thúy Ngân là (86,9%) [3]. Có thể thấy rằng tỷ lệ NCS nêu đúng về các biểu hiện của bệnh TCM trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn kết quả nghiên cứu trước đó là do có sự khác biệt về địa điểm nghiên cứu. Địa điểm nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, nơi mà đối tượng nghiên cứu có điều kiện về kinh tế, tiếp cận được nhiều phương tiện truyền thông khác nhau nên hiểu biết về bệnh cũng cao hơn so với vùng nông thôn, nơi người dân tiếp cận các phương tiện truyền thông hạn chế hơn. Mặt khác, miền Bắc là nơi mà tỷ lệ mắc bệnh TCM hàng năm không cao, còn khảo sát của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh... nơi mà dịch bệnh TCM xảy ra hàng năm khá cao, do vậy công tác tuyên truyền có thể đã được thực hiện thường xuyên hơn.
Một nghiên cứu của Nursyuhadah Othman và cộng sự năm 2012 tại Malaysia được thực hiện với tổng số 32 người được phỏng vấn: có 17 người được hỏi (53,1%) thông báo rằng họ biết về các triệu chứng của bệnh TCM. Trẻ bị nhiễm TCM có thể bị một số triệu chứng sau đây như sốt, loét họng, miệng và lưỡi, phát ban với mụn nước ở tay, chân, đế và ở vùng tã lót sau đó là nôn mửa và tiêu chảy. Tám người được hỏi (25%) cho biết họ không chắc chắn về các triệu chứng và 21,9% còn lại (n = 7) không biết gì về các triệu chứng. Dựa trên cuộc phỏng vấn với những người được hỏi, một số người trong số họ nhầm lẫn với sốt nói chung, bao gồm các triệu chứng giống như sốt như tiêu chảy và nôn mửa. Có 56,3% (n = 18) số người được hỏi đồng ý rằng TCM có thể gây tử vong. Chín người được hỏi (28,1%) không chắc chắn về điều đó và năm người được hỏi (15,6%) không tin rằng TCM có thể gây bệnh. Có 40,6% (n = 13) người được hỏi tin rằng TCM lây lan qua tiếp xúc với người hoặc chạm từ người bị nhiễm bệnh. Chín người được hỏi (28,1%) quyết định rằng họ không
chắc chắn về đường lây truyền. Sáu người được hỏi (18,8%) cho rằng TCM là bệnh truyền qua đường nước và bốn người được hỏi (n = 12,5%) cho rằng TCM lây lan qua không khí [31]. Nghiên cứu của Ruttiya Charoenchokpanit có tới 31,8% trong số người tham gia nghiên cứu không xác định bất kỳ triệu chứng nào của bệnh TCM. Ngoài ra, họ có thể nhầm lẫn giữa bệnh TCM với các bệnh về chân và miệng khác. Chỉ 39% trong số họ biết rằng bệnh TCM không phải là bệnh tương tự như bệnh về chân và miệng, và 47,1% nghĩ rằng cừu, gia súc và lợn có thể lây truyền bệnh TCM sang người [24]. Như vậy, kết quả nghiên cứu của Nursyuhadah Othman và của Ruttiya Charoenchokpanit cho tỷ lệ hiểu biết về các dấu hiệu, triệu chứng, con đường lây truyền của bệnh thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi.
Kiến thức về chăm sóc trẻ: 92,9% số người được phỏng vấn cho rằng nên cách ly trẻ khi trẻ mắc bệnh. Điều này rất quan trọng, chứng tỏ rằng kiến thức về phòng chống bệnh TCM của NCS rất tốt, khi họ có ý thức cần thiết phải cách ly trẻ mắc TCM thì sẽ hạn chế được khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Kiến thức về phòng bệnh TCM của NCS:
Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.6 cho thấy, không phải tất cả các bà mẹ đều biết đầy đủ các biện pháp phòng bệnh TCM. Phân tích kết quả trên cho thấy, NCS biết “rửa tay với xà phòng” là cao nhất chiếm 94,7%, đây là một biện pháp đơn giản, không tốn kém, không chỉ giúp phòng bệnh TCM mà còn nhiều bệnh khác. Kết quả này cũng gần giống với nghiên cứu của Cao Thị Thuý Ngân [3] và nghiên cứu của Trần Hữu Quang [17], và cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương [16]. Sự khác biệt này có thể do địa bàn nghiên cứu, địa bàn nghiên cứu của tác giả Cao Thị Thuý Ngân và Trần Hữu Quang cũng được thực hiện ở Hà Nội, công tác phòng bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng đã được quan tâm, sát sao, các thông tin đến với người dân một cách đầy đủ, cụ thể.
Còn nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương tại miền quê thuộc Hà Nam, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tiếp cận với các phương tiện truyền
Thang Long University Library
thông còn chưa được đa dạng và phù hợp, do vậy, kiến thức về phòng bệnh hạn chế hơn.
Ngoài ra, các biện pháp phòng bệnh khác cũng được nhiều NCS trẻ lựa chọn là: vệ sinh cá nhân (92,6%), rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà (92,9%), cách ly trẻ bệnh trong tuần đầu tiên (88,4%), số người lựa chọn tất cả các biện pháp là 83,2%. Như vậy, có thể nói trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ NCS trẻ có hiểu biết đầy đủ về các biện pháp phòng bệnh TCM cho trẻ là khá cao. Chỉ có 5 người được phỏng vấn, chiếm 1,3% là không biết phòng bệnh TCM như thế nào.
Nghiên cứu của Q. Liao tại Hồng Kông năm 2014: hơn 80% số người được phỏng vấn nói rằng họ thường xuyên rửa tay cho con mình và tránh cho con mình chia sẻ vật dụng cá nhân với người khác và khử trùng hộ gia đình trong 1 tuần qua. Ngoài ra, khoảng 42% và 46% số người được hỏi nói rằng nên để con họ tránh xa những nơi đông người và khử trùng đồ chơi của trẻ.
Tuy nhiên, chỉ có 3 người (8%) số người được hỏi báo cáo thực hiện các hành động này để ngăn ngừa bệnh TCM. Những người được hỏi có hai con không có khả năng khử trùng đồ chơi của con mình nhiều hơn những người chỉ có một con. Có 90% (408/452) số người được hỏi cho biết họ sẽ không cho con đi học nếu bị nhiễm TCM. Trong số 374 người được hỏi có con đang theo học tại một trung tâm chăm sóc trẻ em, mẫu giáo hoặc trường học, 16% (60/374) cho biết họ sẽ giữ không cho con đi học nếu một trường hợp mắc bệnh TCM được báo cáo ở trường, tăng lên 40% (151 / 374) nếu một trường hợp tử vong được báo cáo do nhiễm trùng [28]. Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi gần giống với kết quả nghiên cứu của Q. Liao.
Mức độ kiến thức về bệnh TCM của NCS:
Mức độ hiểu biết chung về kiến thức bệnh TCM ở NCS trẻ trong nghiên cứu của chúng tôi khá cao, có tới 75% người đạt 10/13 câu phỏng vấn, trong
đó họ phải trả lời đúng các câu liên quan đến lây bệnh, phòng bệnh và các biện pháp phòng bệnh. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nghiên cứu trước đây.
Nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương tỷ lệ quá thấp chỉ đạt (5,7%) [16]. Nghiên cứu của Cao Thị Thuý Ngân (41,5%) [3], tuy có cao hơn nghiên cứu của Lê Thị Lan Hương nhưng vẫn thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi.
Một cuộc khảo sát KAP về người giám hộ của những bệnh nhân mắc bệnh TCM dưới 5 tuổi ở Trùng Khánh năm 2015 của tác giả ZHANG Shi- yong và cộng sự cho thấy: Tỷ lệ nhận thức và điểm trung bình của người giám hộ là cha mẹ (46,9%, 6,9 ± 2,1) cao hơn người giám hộ khác (29,7%, 4,7 ± 1,6); tỷ lệ nhận thức và điểm trung bình của người giám hộ nữ (43,3%, 6,7 ± 1,9) cao hơn người giám hộ nam (33,2%, 5,0 ± 2,0); tỷ lệ nhận thức và điểm trung bình của người giám hộ từ thành phố (54,9%, 7,2 ± 2,4) cao hơn so với người giám hộ là người nhập cư (30,8%, 4,7 ± 1,6) [22].
Lý do sự khác biệt này như trên đã đề cập có thể là do khác biệt về địa bàn nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Đây là điều mà ngành y tế cần phải quan tâm để thông tin về bệnh TCM tới được đều khắp mọi người dân, truyền thông đến từng địa phương, từng hộ gia đình, từ đó nâng cao kiến thức của người dân, giúp cho công tác phòng bệnh TCM đạt kết quả tốt hơn.