CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC VẬT LÍ NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO HỌC SINH
1.2. Hoạt động trải nghiệm của học sinh trong dạy học vật lí
Một số nội dung HĐTN và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong việc dạy học vật lí ở trường phổ thông mà HS có thể thực hiện như sau:
- Tìm hiểu về các trường đào tạo, các ngành nghề, các yêu cầu về phẩm chất và năng lực của ngành nghề có liên quan đến kiến thức vật lí.
- Tìm hiểu thêm các kiến thức về vật lí và kĩ thuật được ứng dụng trong một số thiết bị thiết bị, phương tiện sử dụng trong đời sống liên quan đến một số ngành nghề.
- Tìm hiểu những ứng dụng của vật lí trong đời sống và trong các môn khoa học khác như: kĩ thuật điện, kĩ thuật vô tuyến điện, thiên văn, cơ khí, y học, luyện kim, chế tạo máy,…
- Chế tạo, lắp ráp một số mô hình, thiết bị trong đời sống và kĩ thuật như: chế tạo mô hình kính thiên văn, mô hình máy phát điện, máy biến áp, động cơ điện, pin nhiệt điện, pin điện hoá, …
- Tìm hiểu, trải nghiệm một số ngành nghề trong thực tiễn có liên quan nhiều đến kiến thức vật lí phổ thông.
Để lựa chọn được nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong dạy học Vật lí, giáo viên cần phải căn cứ vào nội dung kiến thức mà HS đã học, tầm quan trọng của nó trong đời sống, các ngành nghề có liên quan đến kiến thức vật lí mà học sinh được học. Dó đó, muốn tổ chức Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh trong dạy học chương “Dòng điện trong các môi trường”, học sinh phải nắm vững các kiến thức của chương, biết được ứng dụng các kiến thức của chương trong trong đời sống, trong kĩ thuật và các ngành nghề trong thực tế có liên quan đến kiến thức của chương.
1.2.2. Một số phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học vật lí Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong trường trung học phổ thông rất phong phú và đa dạng được tổ chức với nhiều phương thức khác nhau tùy vào tâm lí, lứa tuổi của HS mà ta chọn phương thức tổ chức HĐTN cho phù hợp. Dưới đây là một số phương thức tổ chức HĐTN chủ yếu:
1.2.2.1. Phương thức có tính khám phá
Phương thức có tính khám phá là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc, giúp học sinh khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu, phát hiện vấn đề từ môi trường xung quanh, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương đất nước. Nhóm phương thức tổ chức này bao gồm các hoạt động tham quan, cắm trại, thực địa và các phương thức tương tự khác.[5]
1.2.2.2. Phương thức có tính thể nghiệm, tương tác
Phương thức thể nghiệm, tương tác là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, tác nghiệp và thể nghiệm ý tưởng như diễn đàn, đóng kịch, hội thảo, hội thi, trò chơi và các phương thức tương tự khác.[5]
1.2.2.3. Phương thức có tính cống hiến
Phương thức cống hiến là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh mang lại những giá trị xã hội bằng những đóng góp và cống hiến thực tế của mình thông qua các hoạt động tình nguyện nhân đạo, lao động công ích, tuyên truyền và các phương thức tương tự khác.[5]
1.2.2.4. Phương thức có tính nghiên cứu
Phương thức nghiên cứu là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhờ cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế, qua đó đề xuất những biện pháp giải quyết vấn đề một cách khoa học. Nhóm hình thức tổ chức này bao gồm các hoạt động khảo sát, điều tra, làm dự án nghiên cứu, sáng tạo công nghệ, nghệ thuật và các phương thức tương tự khác.
Khi tổ chức hoạt động trải nghiệm, các trường chủ động lựa chọn các phương thức tổ chức cụ thể phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương.[5]
1.2.3. Một số phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học vật lí 1.2.3.1. Phương pháp dạy học dự án [12]
Dạy học dự án là phương pháp dạy học trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, tạo ra sản phẩm. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Làm việc nhóm là hình thức cơ bản của dạy học theo dự án.
Các bước tổ chức dạy học dự án:
+ Bước 1: Xác định đề tài và mục đích của dự án + Bước 2: Xây dựng đề cương, kế hoạch thực hiện + Bước 3: Thực hiện dự án
+ Bước 4: Thu thập kết quả và công bố sản phẩm + Bước 5: Đánh giá dự án.
1.2.3.2. Phương pháp giải quyết vấn đề[9]
Giải quyết vấn đề là một phương pháp giáo dục nhằm phát triển năng giải quyết vấn đề và sáng tạo của HS. HS được đặt trong tình huống có vấn đề, thông qua việc giải quyết vấn đề giúp HS lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp.
Trong tổ chức HĐTN, phương pháp giải quyết vấn đề thường được vận dụng khi HS phải phân tích, xem xét và đề xuất những giải pháp trước một hiện tượng, sựviệc nảy sinh trong quá trình hoạt động.
Phương pháp giải quyết vấn đề có ý nghĩa như một phương pháp quan trọng để phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS. Giải quyết vấn đề giúp HS có cách nhìn toàn diện hơn trước các hiện tượng, sự viêc nảy sinh trong hoạt động, trong cuộc sống hàng ngày. Để phương pháp này thành công thì vấn đề đưa ra phải sát với mục tiêu của hoạt động, kích thích HS tích cực tìm tòi cách giải quyết. Đối với tập thể lớp, khi giải quyết vấn đề GV phải coi trọng nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng.
Phương pháp giải quyết vấn đề được tiến hành theo các bước cụ thể như sau:
+ Bước 1: Nhận biết vấn đề
Trong bước này cần phải phân tích tình huống đặt ra nhằm nhận biết được vấn đề để đạt được yêu cầu, mục đích đặt ra. Do đó, vấn đề ở đây cần được trình bày rõ ràng, dễ hiểu đối với HS.
+ Bước 2: Tìm các phương án giải quyết
Để tìm ra các phương án giải quyết vấn đề, HS cần so sánh, liên hệ với những cách giải quyết vấn đề tương tự, những kinh nghiệm đã có cũng như tìm các phương án giải quyết mới. Các phương án giải quyết đã tìm ra cần được sắp xếp, hệ thống hóa để xử lí ở giai đoạn tiếp theo. Khi có khó khăn hoặc không tìm được phương án giải quyết thì cần quay trở lại việc nhận biết vấn đề để kiểm tra lại và để hiểu vấn đề.
+ Bước 3: Quyết định phương án giải quyết
Trong bước này cần quyết định phương án giải quyết vấn đề, tức là cần giải quyết vấn đề. Các phương án giải quyết vấn đề đã được tìm ra cần được phân tích, so sánh, đánh giá xem có thực hiện được việc giải quyết vấn đề hay không. Nếu có nhiều phương án có thể giải quyết thì cần so sánh để xác định phương án tối ưu. Nếu việc kiểm tra các phương án đã đề xuất đưa đến kết quả là không giải quyết được vấn đề thì cần trở lại giai đoạn tìm kiếm phương án giải quyết. Khi đã quyết định được phương án thích hợp, giải quyết được vấn đề tức là đã kết thức việc giải quyết vấn đề.
1.2.3.3. Phương pháp làm việc nhóm[9], [12]
Làm việc nhóm là phương pháp tổ chức dạy học giáo dục trong đó GV sắp xếp HS thành những nhóm nhỏ theo hướng tạo ra sự tương tác trực tiếp giữa các thành
viên, mà theo đó HS trong nhóm trao đổi, giúp đỡ và cùng nhau phối hợp làm việc để hoàn thành nhiệm vụ chung của nhóm.
Làm việc nhóm có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy cao độ vai trò của chủ thể, tính tự giác, tích cực, sáng tạo, năng động, tinh thần trách nhiệm của HS, tạo cơ hội cho các em tự thể hiện, tự khẳng định khả năng của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; giúp hình thành các kỹ năng xã hội và phẩm chất nhân cách cần thiết như : kĩ năng tổ chức, quản lí, giải quyết vấn đề, hợp tác có trách nhiệm cao, tinh thần đồng đội, sự quan tâm và mối quan hệ khắn khít, sự ủng hộ cá nhân và khuyến khích tinh thần học tập lẫn nhau, xác định giá trị cua sự đa dạng và tính gắn kết.
Để phương pháp làm việc nhóm thực sự phát huy hiệu quả, GV cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thiết kế các nhiệm vụ đòi hỏi sự phụ thuộc lẫn nhau
- Tạo ra những nhiệm vụ phù hợp với kĩ năng và khả năng làm việc nhóm của HS.
- Đảm bảo trách nhiệm của cá nhân.
- Sử dụng nhiều cách sắp xếp nhóm làm việc khác nhau.
Kĩ năng làm việc theo nhóm là một trong yếu tố quyết định thành công của HS theo nhóm đó. Với lợi thế linh hoạt và chủ động về thời gian, nội dung hoạt động giáo dục sẽ rất tốt cho việc rèn luyện kĩ năng làm việc theo nhóm và thực hành các kĩ năng xã hội.
Cách tiến hành làm việc theo nhóm trong HĐTN về phía GV cần thực hiện theo các bước sau:
+ Bước 1: Chuẩn bị cho hoạt động + Bước 2: Thực hiện
+ Bứơc 3: Đánh giá hoạt động
1.2.4. Quy trình thiết kế một hoạt động trải nghiệm trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông
Theo bài báo “Tổ chức hoạt động trải nghiệm vận dụng kiến thức dòng điện xoay chiều, vật lí 12 cho học sinh” của nhóm tác giả Phùng Việt Hải, Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Quý Tuấn, Nguyễn Thị Xuân Hoài, Trần Kim
Thảnh, chúng tôi áp dụng quy trình thiết kế một hoạt động trải nghiệm gồm 6 bước như sau:[7b]
Hình 1.1. Quy trình thiết kế một hoạt động trải nghiệm