CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HỖ TRỢ SINH KẾ CỦA PHỤ NỮ KHUYẾT TẬT TẠI THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT, TỈNH BÌNH DƯƠNG
2.4 Yếu tố môi trường xã hội và cộng đồng ảnh hưởng đến hoạt động công tác xã hội hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
2.4.2 Yếu tố khách quan
- Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng không phù hợp với NKT là một rào cản ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của NKT nói chung và tới sự hòa nhập xã hội của NKT nói riêng (Trần Văn Khảm, 2011) - Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội.
Nghiên cứu thực tiễn tại TP. Thủ Dầu Một cho thấy sự hạn chế về cơ sở hạ tầng gây cản trở việc NKT tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, học nghề, tiếp cận truyền thông. Một PNKT được phỏng vấn cho biết: “Khi được cán bộ phường mời đi dự tuyên truyền, tôi gặp khó khăn vì hội trường tổ chức ở trên lầu, chỉ có thang bộ, tôi mất hơn 10 phút mới có thể tự mình lên đến nơi, vì vậy tôi rất ngại khi đi dự các cuộc họp, thông thường tôi thường hỏi tổ chức ở đâu? Có phải leo cầu
70
thang không? Trước khi tôi nhận lời đi dự”. Biên bản phỏng vấn sâu số 04 - Nữ, 33 tuổi, PNKT do bẩm sinh
- Thực tế khách quan thì PNKT vận động gặp nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển, đi lại thể hiện qua kết quả khảo sát như sau:
+ Thiếu các phương tiện phù hợp với các dạng tật: có 29,41% PNKT cho rằng biện pháp để khắc phục khó khăn trong quá trình tìm việc làm là tìm được phương tiện hỗ trợ đi lại.
+ Khó khăn về cơ sở vật chất tại nơi làm việc chưa phù hợp với dạng khuyết tật: 13 ý kiến từ nhóm đang đi làm; 04 ý kiến nhóm PNKT đã đi làm và hiện đang thất nghiệp; còn nhóm chưa từng đi làm không có ý kiến. (Kết quả khảo sát của tác giải tại TP Thủ Dầu Một, tháng 04/2021)
Tuy nhiên đó không phải là khó khăn lớn nhất, qua các câu trả lời phỏng vấn sâu từ cán bộ Hội Phụ nữ, cán bộ LĐTBXH, các anh, chị đều cho rằng khó khăn chung lớn nhất chính là rào cản từ sự tự ti của chính bản thân PNKT. Nếu muốn được hỗ trợ sinh kế hiệu quả khi và chỉ khi họ phải tự tin vào chính bản thân mình, tăng sự nhìn nhận, đánh giá của gia đình, xã hội đối với khả năng đóng góp của PNKT và lực lượng lao động xã hội.
- Từ phía cộng đồng xã hội: Trong cộng đồng vẫn còn có một số người có cách nhìn kỳ thị PNKT, cho rằng PNKT không làm được gì. Thái độ kỳ thị đối với PNKT là một rào cản nghiêm trọng đối với sự tham gia vào xã hội của họ. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho PNKT vào các dịp lễ Tết, các ngày kỷ niệm đều được người dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên vấn đề việc làm của PNKT lại là một điều còn ít được quan tâm, ủng hộ với lý do cho rằng PNKT thì khó có thể làm tốt được các công việc như một người bình thường, điều này làm giảm đi cơ hội tìm kiếm sinh kế phù hợp cho PNKT. Nhiều người còn cho rằng hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế là trách nhiệm thuộc về các cấp, các ngành địa phương.
Phỏng vấn cán bộ LĐTBXH phường về khả năng PNKT có thể làm những công việc gì, tác giả nhận được câu trả lời như sau: “PNKT ở phường chủ yếu đi buôn bán dạo như vé xố, các loại bánh kẹo, phụ bán hàng trái cây, đồ ăn sáng, còn lại ở nhà phụ giúp gia đình các công việc làm bánh, chăn nuôi, trồng rau và
71
phụ làm các sản phẩm gia công tại nhà…, họ thường không thể đáp ứng được đòi hỏi vị trí lao động của các doanh nghiệp (sức khỏe kém, trình độ thấp, sinh đẻ, con cái…). Hiện tại trên địa bàn có ít doanh nghiệp hay cơ sở làm việc nhận lao động là NKT, PNKT còn ít hơn”. Biên bản phỏng vấn sâu số 06 – Nam, 44 tuổi, cán bộ LĐTBXH phường.
Có một thực tế, hiện nay các gia đình có NKT còn lo ngại việc cho con, em mình đi học nghề, đi làm việc sẽ dễ bị lợi dụng bởi khả năng tự vệ, giải quyết vấn đề không có, việc để NKT ở nhà sẽ yên tâm hơn là đi làm. Phỏng vấn sâu cán bộ LĐTBXH phường “Tôi có đến nhiều hộ gia đình có con em bị khuyết tật để thông báo các chính sách đào tạo nghề miễn phí cho NKT, tuy nhiên trên 80% các gia đình còn phân vân khi cho con em tham gia các lớp học nghề, một phần do lo sợ kẻ xấu, một phần do không bố trí được thời gian đưa đón các cháu đi học nghề, đi làm, cứ để các cháu ở nhà, hàng tháng hưởng trợ cấp như vậy gia đình sẽ yên tâm hơn”. Biên bản phỏng vấn sâu số 07 – Nữ, 36 tuổi, cán bộ LĐTBXH phường.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng quan niệm của gia đình NKT và xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng với PNKT hiện nay trước mọi vấn đề nhất là lĩnh vực sinh kế. Cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn nếu người thân, bạn bè, cộng đồng xã hội có cái nhìn đúng đắn về khả năng đóng góp của PNKT cho xã hội.
Ngoài ra phải kể đến nguồn lực phi chính thức, hỗ trợ hiệu quả trong hoạt động CTXH hỗ trợ sinh kế cho PNKT, đó là: gia đình, hàng xóm, họ hàng, bạn bè, các tổ chức xã hội, tổ chức chính thức và không chính thức. Hiện nay, PNKT vẫn chủ yếu nhận được sự hỗ trợ chính từ gia đình đó là là sự hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và sự hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ trong đào tạo nghề và việc làm.
Bên cạnh đó trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay khi các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về sản xuất thì nguồn lực này lại càng khó khăn hơn trong các khoản đóng góp tự nguyện để hình thành nguồn Quỹ hỗ trợ cho người khó khăn, yếu thế.
72
- Yếu tố từ năng lực NV CTXH làm công tác với NKT
Các yếu tố thuộc về NV CTXH: tính chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp làm việc với NKT; khả năng phối hợp, kết nối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, đồng nghiệp; thái độ với công việc tích cực hoặc không tích cực; thái độ làm việc với NKT ... có ảnh hưởng lớn tới kết quả hỗ trợ cho PNKT. Nếu như NV CTXH được đào tạo bài bản, kỹ năng, nghiệp vụ tốt, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, chủ động, tích cực sẽ là tiền đề giúp PNKT tiếp cận các hoạt động hỗ trợ sinh kế dễ dàng.
Trên địa bàn TP Thủ Dầu Một có 50 nhân viên làm CTXH nhưng chỉ có 7% nhân viên được đào tạo chính quy, 13/14 cán bộ làm công tác LĐTBXH tại các phường chủ yếu làm trái ngành, sau đó được tham gia tập huấn, bồi dưỡng CTXH và nghiệp vụ chuyên ngành. Một số cán bộ làm công tác Đoàn Thanh niên hiện nay tại các phường đã được đào tạo chính quy về CTXH, còn các tổ chức khác như Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, cán bộ tư pháp phường lại trái ngành, một số anh/chị đã chủ động đăng ký học thêm về ngành CTXH để có kiến thức, kỹ năng làm việc với các đối tượng yếu thế. Hiện nay, mới có sự hỗ trợ một phía từ cán bộ phụ trách các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ xe lăn để PNKT có sự thuận lợi nhất trong hoạt động lao động… chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu của từng nhóm đối tượng khuyết tật, từng cá nhân PNKT. (Theo kết quả tổng hợp 06 cuộc phỏng vấn sâu của cán bộ LĐTBXH, Hội LHPN phường, thành phố, Trung tâm bảo trợ và CTXH tỉnh).
Do đó, cần có sự can thiệp thông qua hoạt động tham vấn để PNKT hiểu bản thân thực sự có thể làm được công việc gì, có những thế mạnh gì, việc làm nào phù hợp, tăng cường sức mạnh và ý chí được làm việc của PNKT… Hơn nữa, cần tham vấn để chính các cán bộ, các lãnh đạo đơn vị tổ chức hội và đoàn thể của địa phương có thể hiểu một cách chính xác hơn về hoạt động hỗ trợ sinh kế cho nhóm đối tượng đặc biệt như PNKT.
73
- Yếu tố từ chính quyền địa phương
Chính quyền địa phương là cơ quan thẩm định, tạo điều kiện cho mọi hoạt động tuyên tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho PNKT, tuy nhiên chưa hướng PNKT tới việc phát huy năng lực của chính bản thân mình trong việc hỗ trợ để PNKT tự tạo dựng việc làm cho mình và những người cùng cảnh ngộ. PNKT có thể tự mình xây dựng các cơ sở, xưởng sản xuất các mặt hàng thủ công hay các sản phẩm, thực phẩm, chỉ cần có sự hỗ trợ và kết nối phù hợp. Đây là điều chưa được chính quyền địa phương chú trọng nhưng lại là một hoạt động hỗ trợ sinh kế tương đối hiệu quả.
- Yếu tố từ cơ chế, chính sách
Theo quy định hiện hành, các Ngân hàng vẫn chưa có nhiều chính sách ưu đãi ưu tiên cụ thể đối với PNKT, họ chỉ có thể tiếp cận Ngân hàng Chính sách xã hội từ Quỹ quốc gia về việc làm thông qua các tổ chức, đoàn thể tại địa phương như Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh Niên. Tuy nhiên, để được các tổ chức này đứng ra tín chấp cần phải thuộc đối tượng hội viên của tổ chức đó hoặc thành viên trong các câu lạc bộ, tổ, nhóm do tổ chức đó thành lập, quản lý. Mặc khác, các tổ chức này vẫn chưa có hành động cụ thể để giúp PNKT tiếp cận tốt hơn với nguồn tài chính như xây dựng dự án, kế hoạch hỗ trợ sinh kế cho PNKT một cách bài bản.
Đa số PNKT tiếp cận với nguồn vốn vay rất hạn chế, họ đều là người nghèo, thực tế có không ít các khoản vay của họ đã rơi vào nợ xấu, khó đòi vì vậy các tổ chức, đoàn thể địa phương đều phải tìm hiểu, cân nhắc trước khi xem xét giới thiệu.
Bên cạnh đó những khó khăn trong thủ tục giấy tờ, vướng mắc khâu xét duyệt, thiếu thông tin hướng dẫn làm thủ tục hưởng chế độ…
* Ý nghĩa của việc hỗ trợ sinh kế cho PNKT:
Với những yếu tố chủ quan và khách quan được đề cập ở trên đã thấy được nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến sinh kế của PNKT đó là sự bất bình đẳng, trong đó PNKT phải gặp 02 lần bất bình đẳng vì định kiến xã hội còn tồn tại dai dẳng, gây hạn chế cho PNKT trong quá trình tìm kiếm nguồn sinh kế cho bản thân.
PNKT thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với
74
những phụ nữ bình thường, các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… PNKT cũng chịu nhiều tác động của nghèo đói do các rào cản về giới. Những khó khăn mà PNKT gặp phải cao hơn ít nhất 3 lần so với nam giới và là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ, quan tâm hỗ trợ nhiều nhất.
Mặc dù gặp phải những rào cản trong cuộc sống, nhưng PNKT luôn có nhu cầu, mong muốn được nâng cao kiến thức, có việc làm ổn định, để vươn lên khẳng định mình trong xã hội.
75
Tiểu kết Chương 2
Qua quá trình tìm hiểu thực trạng PNKT tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cùng với việc đi sâu tìm hiểu về đời sống, việc làm, học nghề, những khó khăn của PNKT tại đây đã cho thấy nhu cầu và các hoạt động hỗ trợ trợ sinh kế, tạo điều kiện cho PNKT có sinh kế phù hợp là hoạt động cần thiết; Lãnh đạo địa phương cùng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể để giúp đỡ cho PNKT cùng gia đình vượt qua khó khăn. Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền, NKT nói chung và PNKT nói riêng còn được các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân và cộng đồng dân cư tại đây hết sức ủng hộ. UBND thành phố đã có những chỉ đạo triển khai hiệu quả về công tác dạy nghề, hỗ trợ lao động sản xuất, tạo việc làm ... Nhiều PNKT trên địa bàn đã có được cuộc sống ổn định từ việc tham gia học nghề, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ… Như vậy, có thể thấy công tác hỗ trợ sinh kế đang được triển khai thực hiện tốt.
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát PNKT có thể thấy rằng các hoạt động được thực hiện đều do các NV CTXH bán chuyên trách hay chính là cán bộ phụ trách các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đảm nhận nên chưa có kế hoạch trợ giúp phù hợp, khoa học. Tỷ lệ PNKT tham gia các tổ chức Hội đoàn thể còn rất ít, vì vậy họ khó có cơ hội nhận được hỗ trợ từ các tổ chức đó. Mặc khác vì ít có kết nối với chính quyền địa phương nên PNKT ít nhận được các thông tin về hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, các chính sách ưu đãi cho NKT. Các hoạt động hỗ trợ hiện nay mang tính tức thời, chưa có kế hoạch hỗ trợ cụ thể theo nhu cầu của từng cá nhân người nhận hỗ trợ. Đội ngũ NV CTXH vẫn chưa có chuyên môn nghiệp vụ bài bản nên thường làm việc theo trực giác, thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết về CTXH nên hiệu quả giải quyết các vấn đề không cao và thiếu bền vững. Những bất cập này, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tăng cường và phát triển hoạt động CTXH trong hỗ trợ sinh kế của PNKT trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một.
76