Cơ sở pháp lý để khởi kiện biện pháp “as such”

Một phần của tài liệu Khởi kiện biện pháp as such theo cơ chế giải quyết tranh chấp của wto kinh nghiệm cho việt nam (Trang 29 - 32)

CHƯƠNG I. KHỞI KIỆN BIỆN PHÁP “AS SUCH” THEO

1.2. Khái niệm khởi kiện biện pháp “as such”

1.2.1. Cơ sở pháp lý của khởi kiện biện pháp “as such”

1.2.1.2. Cơ sở pháp lý để khởi kiện biện pháp “as such”

Như đã trình bày ở trên, biện pháp “as such” hay còn được gọi là đối tượng khởi kiện biện pháp “as such” là “luật” của một quốc gia thành viên, và khởi kiện biện pháp

“as such” chính là khởi kiện “luật” đó. Trong phần này, tác giả sẽ phân tích cơ sở để một thành viên có thể khởi kiện biện pháp “as such” từ việc phân tích các quy định trong hệ thống hiệp định của WTO.

Khởi kiện as such trong hệ thống thương mại GATT (trước khi WTO được thành lập)

Trước khi WTO được thành lập, GATT 1947 đóng vai trò vô cũng quan trọng trong việc quy định quyền và nghĩa vụ của các thành viên, bên cạnh đó GATT 1947 cũng quy định về các thủ tục khi thành viên muốn khởi kiện một thành viên khác ra trước cơ quan GQTC của GATT. Về cơ bản, các loại đơn kiện trong GATT 1947 và GATT 1994 là như nhau, đều gồm ba loại khiếu kiện là khiếu kiện vi phạm, khiếu kiện không vi phạm và khiếu kiện dựa trên “sự tồn tại của một tình huống khác”. Chính vì vậy, khởi kiện biện pháp “as such” phải dựa trên một trong ba loại khiếu kiện nói trên.

Dựa vào nội dung ba loại khiếu kiện trình bày ở trên, có thể khẳng định rằng khởi kiện biện pháp “as such” nằm trong phạm vi của khiếu kiện có vi phạm. Cơ quan phúc thẩm của WTO khi giải quyết một vụ tranh chấp cũng đã khẳng định rằng: “Trước khi Hiệp định WTO có hiệu lực, khởi kiện as such đã được thiết lập vững chắc trong Điều XXIII:1(a) của GATT 1947 cho phép một bên ký kết được quyền khởi kiện as such”24. Thực tế GQTC và Cơ quan phúc thẩm đã khẳng định là việc khởi kiện biện pháp “as such” đã có từ GATT 1947, tuy nhiên, trong GATT 1947 lại không có quy định nào về việc các cam kết rằng các bên ký kết phải đảm bảo pháp luật của quốc gia mình không

24 Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm vụ tranh chấp“Hoa Kỳ - Đạo luật chống bán phá giá 1916 (US – Anti- Dumping Act of 1916)”, đoạn 60-61 (WT/DS136/AB/R), WT/DS162/AB/R)

25

được mâu thuẫn hay vi phạm GATT. Vì vậy, khi một quốc gia có “luật” không phù hợp với các quy định của GATT 1947 thì cũng không được xem là “không hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết” trong GATT. Căn cứ những lập luận trên, chúng tôi cho rằng, về mặt ngôn từ quy định trong GATT 1947, cơ sở để khởi kiện biện pháp “as such” không tồn tại. Tuy nhiên, nếu xét về tính chất hợp lý khi một quốc gia tham gia vào quan hệ thương mại đa phương, hay cụ thể hơn là tham gia vào một Điều ước quốc tế, thì cơ sở để khởi kiện biện pháp “as such” là Điều XXIII:1(a) của GATT 1947, vì xét cho cùng, các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng pháp luật của quốc gia phù hợp với quy định của Điều ước quốc tế đó.

Như đã khẳng định ở trên, nếu xét về mặt ngôn từ quy định thì cơ sở để khởi kiện biện pháp “as such” theo GATT 1947 là không tồn tại mặc dù trên thực tế cơ quan giải quyết tranh chấp của GATT đã có giải quyết những vụ tranh chấp mang bản chất của khởi kiện biện pháp “as such”. Tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể đến vụ EC kiện Hoa Kỳ về quy định phần 337 Đạo luật thuế quan 1930 của Hoa Kỳ25, Canada kiện Hoa Kỳ về Thuế dầu khí năm 1986 của Hoa Kỳ26. Như vậy, có thể kết luận được rằng, không có quy định nào trong GATT 1947 là cơ sở cho việc khởi kiện as such, tuy vậy trên thực tế, các bên ký kết của GATT vẫn đưa ra trước cơ quan giải quyết tranh chấp của GATT các vụ tranh chấp có đối tượng khởi kiện là các “luật”.

Khởi kiện biện pháp “as such” từ khi WTO được thành lập

Từ khi WTO được thành lập do kết quả của vòng đàm phán Uruguay, quan hệ thương mại thế giới có sự chuyển biến mạnh mẽ, một phần của sự chuyển biến đó là hệ thống các hiệp định của WTO. Nếu như trong hệ thống thương mại GATT, GATT 1947 đóng vai trò trung tâm chi phối các hoạt động cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên, đến khi WTO được thành lập, các hoạt động cụ thể của các thành viên đã được quy định cụ thể trong các hiệp định có liên quan. Vì vậy, việc không có cơ sở để khởi kiện biện pháp “as such” đã được khắc phục bằng hàng loạt các quy định trong các hiệp định có liên quan quy định về điều này.

25 Vụ tranh chấp “Hoa Kỳ - Phần 337 Đạo luật thuế quan 1930 (United States – Section 337 of the Tarrif Act 1930)”, BISD 36S/345, thông qua Báo cáo của Ban hội thẩm ngày 07/11/1989.

26 Vụ tranh chấp “Hoa Kỳ - Thuế dầu khí và một số chất nhập khẩu (United States – Taxes on PetrolECm and Certain Imported Substances)”, BISD 34S/136, thông qua Báo cáo của Ban hội thẩm ngày 17/6/1987.

26

Như đã phân tích ở trên, khởi kiện biện pháp “as such” thuộc phạm vi của khiếu kiện có vi phạm. Tuy nhiên, cơ sở khởi kiện theo Điều XXIII:1 của GATT 1994 đã không còn bị thu hẹp trong phạm vi của GATT nữa, mà đã được mở rộng sang các hiệp định có liên quan (đối tượng tranh chấp)27, vì thế, khi có căn cứ tại các hiệp định có liên quan rằng một biện pháp “as such” trái với các hiệp định đó, biện pháp đó sẽ bị khởi kiện biện pháp “as such”. Sau đây, chúng tôi sẽ đi vào phân tích các quy định có liên quan đến khởi kiện biện pháp “as such” trong các hiệp định có liên quan. Các Hiệp định có liên quan được phân tích ở đây là Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (Hiệp định thành lập WTO), Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại – GATT 1994 (ADA) và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM). Đây là ba hiệp định được các quốc gia thành viên tham chiếu đến nhiều nhất khi khởi kiện biện pháp “as such”.

Thứ nhất, Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (Hiệp định thành lập WTO). Hiệp định này là hiệp định trọng tâm quy định về việc thành lập, nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu của WTO, xem xét Hiệp định này trước tiên mang ý nghĩa quyết định đối với việc xem xét các Hiệp định có liên quan khác. Điều XVI:4 của Hiệp định này quy định “mỗi nước sẽ đảm bảo sự thống nhất các luật, qui định và những thủ tục hành chính với những nghĩa vụ của mình được quy định trong các Hiệp định”, như vậy, việc phải đảm bảo sự phù hợp của pháp luật quốc gia với các quy định của Hiệp định đã được luật hóa trong Hiệp định thành lập WTO. Sự đảm bảo này đã trở thành nghĩa vụ của các thành viên, các thành viên bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ này nếu muốn tham gia vào WTO. Điều này mang ý nghĩa rằng cơ sở để khởi kiện biện pháp

“as such” đã được quy định chính thức trong hệ thống hiệp định của WTO, đánh dấu một bước phát triển mới trong cơ chế GQTC của WTO.

Thứ hai, Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại – GATT 1994 (ADA) và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM). Hai hiệp định này được xem là hai hiệp định quan trọng trong việc GQTC theo cơ chế GQTC của WTO vì hầu hết các vụ tranh chấp đều liên quan đến các quy định của hai hiệp định này. Quy định của Điều 18.4 của ADA “các thành viên sẽ thực hiện

27 Điều 23.1 của DSU

27

các bước cần thiết, chung hay theo các trường hợp cụ thể, để đảm bảo sự phù hợp của các pháp luật, quy định và các thủ tục hành chính của nước này theo các quy định trong Hiệp định khi áp dụng đối với các thành viên, không muộn hơn thời điểm Hiệp định WTO có hiệu lực đối với thành viên đó”, và quy định của Điều 32.5 SCM “mỗi thành viên kể từ ngày không chậm hơn ngày Hiệp định WTO có hiệu lực sẽ có những bước đi cần thiết, mang tính chất chung hoặc riêng biệt để đảm bảo mọi luật, quy định và thủ tục hành chính của mình phù hợp với các quy định của Hiệp định này, khi được áp dụng cho Thành viên liên quan” cũng cho thấy rằng việc đảm bảo pháp luật quốc gia phù hợp với hiệp định là nghĩa vụ của thành viên khi thành viên đó muốn tham gia vào WTO.

Tóm lại, từ khi WTO được thành lập, WTO nói chung và cơ chế GQTC của WTO nói riêng đã khắc phục được những điểm yếu cũng như thiếu sót của hệ thống thương mại GATT. Từ việc không được quy định trong hệ thống thương mại GATT, cơ sở khởi kiện biện pháp “as such” đã được quy định và gần như đầy đủ trong các hiệp định có liên quan. Việc này giúp bổ sung kịp thời những quy định cũng như đáp ứng được tính cấp thiết của cơ sở pháp lý cho phép các quốc gia khởi kiện biện pháp

“as such” khi cần thiết.

Một phần của tài liệu Khởi kiện biện pháp as such theo cơ chế giải quyết tranh chấp của wto kinh nghiệm cho việt nam (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)