CHƯƠNG II) KHỞI KIỆN BIỆN PHÁP “AS SUCH” QUA CÁC
2.2.1.2. Điều kiện để khởi kiện biện pháp “as such”
Vụ tranh chấp liên quan đến Đạo luật chống bán phá giá năm 1916 là vụ tranh chấp đầu tiên từ sau khi WTO được thành lập đề cập đầy đủ tất cả các điều kiện của khởi kiện biện pháp “as such”. Chính vì vậy, việc nghiên cứu vụ tranh chấp này sẽ cho chúng ta được cái nhìn tổng thể về khởi kiện biện pháp “as such”.
Các vấn đề liên quan đến khởi kiện biện pháp “as such” được đề cập trong các báo cáo thường không rõ ràng khi mà Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm không liệt kê hoặc giải thích chi tiết các vấn đề này, đặc biệt là các điều kiện để khởi kiện biện pháp “as such”. Tuy nhiên, khi tiếp cận và phân tích các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, qua các vấn đề pháp lý mà hai cơ quan này phân tích lần lượt, chúng ta sẽ thấy được các điều kiện để khởi kiện biện pháp “as such” trong vụ tranh chấp cụ thể đó. Trong hai vụ tranh chấp liên quan đến Đạo luật năm 1916, các điều
43
kiện khởi kiện biện pháp “as such” được nêu ra trong báo cáo của Ban hội thẩm là việc xác định lần lượt các vấn đề pháp lý được đặt ra như: Đạo luật năm 1916 có hay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều VI GATT 1994, Đạo luật năm 1916 có hay không phải là một “luật” bắt buộc theo định nghĩa của các hiệp định liên quan, Đạo luật năm 1916 có hay không có vi phạm các hiệp định liên quan, vi phạm hiệp định của WTO, việc vi phạm của đạo luật có hay không có làm suy giảm hoặc vô hiệu hóa lợi ích của các thành viên theo các hiệp định có liên quan, v.v… Từ việc giải quyết những vấn đề được đặt ra, có thể suy ra điều kiện khởi kiện biện pháp “as such” gồm: (i) biện pháp
“as such” bị khởi kiện thuộc phạm vi điều chỉnh của GATT và các hiệp định có liên quan; (ii) biện pháp “as such” bị khởi kiện là một “luật” bắt buộc trong hệ thống pháp luật quốc gia của nước bị khởi kiện, (iii) biện pháp “as such” bị khởi kiện vi phạm quy định của các hiệp định liên quan.
Thứ nhất, Đạo luật năm 1916 thuộc phạm vi điều chỉnh của GATT 1994 và các hiệp định có liên quan
EC và Nhật Bản cho rằng hành vi phân biệt giá quốc tế được đề cập đến trong Đạo luật năm 1916 thuộc phạm vi điều chỉnh của GATT 1994 và ADA. Hoa Kỳ cho rằng Điều VI GATT 1994 nhằm mục đích điều chỉnh hoặc ngăn ngừa bán phá giá gây thiệt hại, còn Đạo luật năm1916 thì điều chỉnh hành vi phân biệt giá với ý định hủy diệt. Bên cạnh đó, Đạo luật năm 1916 là một luật trong nước nên chỉ có thể chịu sự điều chỉnh của Điều III GATT. Cuối cùng, Hoa Kỳ vẫn khẳng định rằng Đạo luật năm 1916 là một công cụ của luật cạnh tranh, không phải để áp dụng biện pháp chống bán phá giá, nên không thể là đối tượng điều chỉnh bởi luật chống bán phá giá, cụ thể hơn là Điều VI GATT 1994 và ADA. Ban hội thẩm đã tiến hành xem xét mối quan hệ giữa Đạo luật năm 1916 với Điều VI GATT 1994. Ban hội thẩm tiến hành xem xét trên cơ sở lịch sử lập pháp, ngôn từ và các vụ tranh chấp thực tiễn phát sinh. Qua việc phân tích các vụ tranh chấp và việc giải thích Đạo luật này của Tòa án khu vực, Ban hội thẩm kết luận rằng trên thực tế thì Đạo luật năm 1916 mang bản chất của luật chống bán phá giá. Chính vì những phân tích trên, Ban hội thẩm tuyên bố rằng Đạo luật năm 1916 về bản chất là luật chống bán phá giá. Đạo luật này thuộc phạm vi điều chỉnh của
44
Điều VI GATT 1994 cũng như thuộc phạm vi điều chỉnh của ADA, vì ADA là hiệp định cụ thể hóa các quy định của Điều VI GATT.
Thứ hai, Đạo luật năm 1916 là “luật” bắt buộc
“Luật” bắt buộc hay “luật” tùy ý là một học thuyết của công pháp quốc tế. Theo học thuyết này, sự phân biệt giữa “luật” bắt buộc và “luật” tùy ý tập trung vào việc cơ quan hành pháp có được trao quyền để áp dụng luật này một cách bắt buộc hay tùy ý.
Trong việc GQTC về thương mại quốc tế, việc phân loại một luật là luật bắt buộc hay luật không bắt buộc đã có từ giải quyết tranh chấp theo cơ chế của GATT 1947. Như đã trình bày ở trên, Điều XXIII:1(a) của GATT 1947 cho phép các bên ký kết được phép khởi kiện biện pháp “as such”, vì vậy, việc phân loại luật bắt buộc hay không bắt buộc cũng xuất hiện từ đó. Qua thực tiễn GQTC của GATT 1947, việc phân loại “luật”
bắt buộc hoặc “luật” tùy ý tùy thuộc vào sự cho phép áp dụng pháp luật của cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp có phù hợp với nghĩa vụ mà thành viên đó cam kết hay không.
Trong vụ tranh chấp này, Hoa Kỳ cho rằng không cần thiết phải phân định Đạo luật năm 1916 là “luật” bắt buộc hay “luật” tùy ý bởi chính Điều 18.4 của ADA chỉ cho phép được khởi kiện các biện pháp “as applied”, vì vậy, ngay từ đầu, Nhật Bản và Cộng đồng Châu âu đã không có cơ sở để khởi kiện biện pháp “as such”. Tuy nhiên, với vấn đề đặt ra này, cả Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm đều cho rằng Điều 18.4 cho phép khởi kiện biện pháp “as such” chưa được áp dụng trên thực tế. Cơ quan phúc thẩm đã kết luận “Điều 18.4 cho phép một thành viên có thể khởi kiện biện pháp as such theo ADA”35. Chính vì vậy, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm tiếp tục xem xét vấn đề “luật” bắt buộc.
Trong vụ tranh chấp liên quan đến Đạo luật năm 1916, Hoa Kỳ đưa ra ý kiến cho rằng đây không phải là một “luật” bắt buộc bởi vì các lý do sau:
(i) Trong cả hai vụ việc dân sự và hình sự, Tòa án có thể giải thích Đạo luật năm 1916 theo cách thức phù hợp với nghĩa vụ của Hoa Kỳ trong WTO;
35 Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm vụ tranh chấp liên quan đến Đạo luật chống bán phá giá năm 1916 của Hoa Kỳ, đoạn 82 (WT/DS136/AB/R và WT/DS162/AB/R).
45
(ii) Bộ Tư pháp có thể quyết định khỏi tố theo thủ tục tố tụng hình sự căn cứ vào Đạo luật 1916 hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thẩm quyền của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, Nhật Bản và EC đều cho rằng Đạo luật năm 1916 là một luật bắt buộc mặc dù lập luận của hai bên khác nhau. Nhật Bản rằng việc áp dụng các biện pháp chế tài trên thực tế này đã không cho phép giải thích một cách khác đi những quy định trong Đạo luật này. Bên cạnh đó, EC cho rằng sự tùy tiện của Bộ tư pháp khi quyết định khởi tố vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự không đủ chứng minh Đạo luật là luật không bắt buộc. Khi xem xét giải quyết vụ tranh chấp này, cả Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm đều thống nhất quan điểm rằng Đạo luật năm 1916 là luật bắt buộc.
Cơ quan phúc thẩm khẳng định rằng việc phân định một “luật” là bắt buộc hoặc tùy ý là thẩm quyền của cơ quan hành pháp. Cơ quan hành pháp có được hành động một cách tùy ý hay phải hành động đúng như những gì mà pháp luật quy định hay không.
Trong trường hợp khởi kiện về dân sự, rõ ràng là Bộ tư pháp không có thẩm quyền tùy ý nào và thẩm phán buộc phải sử dụng Đạo luật năm 1916. Chính vì thế, Cơ quan phúc thẩm ủng hộ kết luận của Ban hội thẩm về việc Đạo luật năm 1916 là “luật” bắt buộc.
Như vậy, có thể thấy rằng việc phân định luật bắt buộc hay luật tùy ý là rất quan trọng. Trong thời điểm GQTC liên quan đến Đạo luật năm 1916, rõ ràng điều kiện
“luật” bắt buộc là điều kiện tiên quyết, mang ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, từ sau vụ tranh chấp liên quan đến Bản tin chính sách hoàng hôn của Hoa Kỳ (WT/DS244), điều kiện “luật” bắt buộc đã không còn quan trọng. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày về vụ tranh chấp này.
Thứ ba, Đạo luật năm 1916 vi phạm các hiệp định liên quan
Sau khi xem xét về tính thống nhất và đặc tính pháp lý của Đạo luật năm 1916, chúng tôi tiếp tục trình bày về sự vi phạm của Đạo luật năm 1916. Đây có lẽ là điều kiện đơn giản nhất trong ba điều kiện để có thể khởi kiện biện pháp “as such”. Như đã đề cập ở trên, Đạo luật năm 1916 cho phép thực hiện các biện pháp chống bán phá giá bao gồm bồi thường thiệt hại, phạt và bỏ tù. Vì vậy, EC và Nhật Bản cho rằng điều này đã vi phạm Điều VI:2 GATT 1994 và Điều 18.1 ADA, bởi vì theo quy định của ADA, chỉ được áp dụng một biện pháp là thuế chống bán phá giá với các hành vi bán giá phá.
46
Về vấn đề này, Hoa Kỳ cho rằng chính GATT 1994 không ngăn cản việc sử dụng các biện pháp khác ngoài thuế chống bán phá giá. Hoa Kỳ cho rằng Điều VI:2 GATT 1994 chỉ nói rằng một thành viên “có thể” áp dụng thuế chống bán phá giá chứ không quy định rằng thành viên “chỉ có thể” áp thuế chống bán phá giá, do đó, Hoa Kỳ cho rằng việc quy định các biện pháp phạt, bỏ tù, bồi thường là không vi phạm quy định của GATT 1994.
Đối với vấn đề này, Ban hội thẩm cho rằng tại Điều VI:2 GATT 1994, từ “có thể” có nghĩa là thành viên có quyền lựa chọn việc áp thuế hoặc không áp thuế chống bán phá giá chứ không phải được quyền sử dụng các biện pháp khác như Hoa Kỳ trình bày. Như vậy, Ban hội thẩm kết luận rằng Hoa Kỳ vi phạm Điều VI:2 GATT 1994 và Điều 18.1 ADA vì đã quy định các biện pháp phạt, bỏ tù, bồi thường bên cạnh việc áp thuế chống bán phá giá lên các hành vi bán phá giá. Cơ quan phúc thẩm cũng hoàn toàn đồng ý với kết luận của Ban hội thẩm về vấn đề này. Cuối cùng, vì những vi phạm trên, Hoa Kỳ đã vi phạm Điều 18.4 của ADA và Điều XVI:4 của Hiệp định thành lập WTO.
Có thể thấy được rằng điều kiện thứ ba trong khởi kiện biện pháp “as such”
tương đối dễ chứng minh hơn hai điều kiện trên vì việc vi phạm các quy định của WTO dễ phát hiện hơn là việc chứng minh sự phù hợp, tính thống nhất và đặc tính pháp lý của một luật nào đó. Chúng tôi nghĩ rằng, trong vụ tranh chấp này, điều kiện về phân định đặc tính của một “luật” là “luật” bắt buộc hay “luật” tùy ý vô cùng quan trọng. Điều kiện này ảnh hưởng đến việc thành công hay thất bại của việc khởi kiện biện pháp “as such”, do đó, trước khi muốn khởi kiện một “luật”, các quốc gia nguyên đơn nên nghiên cứu kỹ về điều kiện này.