Cấu trúc văn hóa công vụ của cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân phường

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản lý công: Văn hóa công vụ của cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân phường, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 38 - 41)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VĂN HÓA CÔNG VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG

1.2. Cấu trúc văn hóa công vụ của cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân phường

1.2.1. Hệ thống các giá trị văn hóa công vụ của cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân phường

1.2.1.1. Tri thức công vụ của cán bộ, công chức phường

Trong giai đoạn hiện nay, tri thức là tài sản vô giá giúp mỗi người tồn tại và phát triển. Trong hoạt động công vụ cũng vậy, tri thức công vụ là điều kiện cơ bản để cán bộ, công chức có thể thực thi công vụ tốt. Đó là trình độ học vấn và sự hiểu biết của con người về công vụ. Trình độ có được từ quá trình học tập, sự hiểu biết có được từ quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm.

Tuy nhiên có tri thức công vụ chưa hẳn đã có văn hóa công vụ. Vì văn hóa công vụ hướng đến những giá trị tốt đẹp mà nền công vụ mang đến cho người dân, do vậy chỉ khi tri thức công vụ được phục vụ cho xã hội thì nó trở thành một bộ phận của văn hóa công vụ; ngược lại tri thức công vụ được vận dụng cho những mục đích cá nhân, lợi ích nhóm, phá hoại xã hội thì không phải là yếu tố của văn hóa công vụ.

1.2.1.2. Niềm tin công vụ của cán bộ, công chức phường

Niềm tin công vụ chính là sự tin tưởng vào chế độ, vào Đảng lãnh đạo, vào Nhà nước và những mục tiêu tốt đẹp vì nhân dân mà nền công vụ mang lại. Với cán bộ, công chức phường niềm tin đó hướng về Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường và những việc làm thiết thực của họ cho sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương. Điều này thôi thúc cán bộ, công chức làm việc, phục vụ nền hành chính, không bị lung lay, dao động trước áp lực công việc hay những khó khăn gặp phải trong quá trình thực thi công vụ.

28

Tuy nhiên trên thực tế cán bộ công chức phường chưa có được niềm tin này và cần nhiều thời gian cùng những giải pháp tác động hiệu quả để tạo niềm tin công vụ cho cán bộ, công chức phường.

1.2.1.3. Các truyền thống hoạt động công vụ của cán bộ, công chức phường

Văn hóa nói chung, văn hóa công vụ nói riêng trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định bao giờ cũng là sự kế thừa và phát triển những giá trị chính trị truyền thống phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể. Các giá trị văn hóa công vụ truyền thống không chỉ là những “chất liệu” tạo nên văn hóa công vụ hiện tại mà còn tạo nên bản sắc dân tộc cho văn hóa công vụ. Bản sắc văn hóa dân tộc bao giờ cũng gắn liền với ý thức tự khẳng định mình của mỗi dân tộc, coi đó là niềm tin truyền thống và tâm hồn dân tộc.Vì vậy, truyền thống là nhân tố không thể thiếu trong hệ giá trị văn hóa của dân tộc.Tính dân tộc được thể hiện qua ý thức dân tộc, nó là cốt lõi để giữ gìn bản sắc dân tộc [28; tr.46-47].

Đối với từng phường, trải qua quá trình hình thành và phát triển, đã và đang tồn tại những giá trị văn hóa truyền thống, trở thành nét riêng của phường, trở thành “thương hiệu” và mang lại hiệu quả trong hoạt động công vụ. Nó cần được giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên cũng có những cái là truyền thống nhưng không phù hợp và cản trở sự phát triển chung như: thói quen làm việc lúc 08 giờ và về lúc 11 giờ, thói quen nói chuyện gia đình, ăn uống trong giờ làm việc, thói quen đợi người dân chào hỏi trước khi liên hệ công việc, thói quen giải quyết công việc đúng thời hạn mặc dù có thể làm sớm hơn,…những điều này cần phải được thay đổi và thay thế bằng những giá trị của nền công vụ hiện đại.

1.2.1.4. Những lý tưởng cao đẹp của cán bộ, công chức phường phấn đấu đạt tới trong hoạt động công vụ

29

Mỗi người chúng ta luôn có một mục tiêu để vươn đến, để phấn đấu, cao cả hơn đó là những lý tưởng mà mình theo đuổi. Khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước, mục tiêu giành lấy độc lập cho dân tộc, tự do ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đó là lý tưởng cao đẹp mà Bác dành cả cuộc đời mình để theo đuổi, để thực hiện. Ngày nay, khi đất nước hòa bình và đang phát triển, những người cán bộ, công chức có vai trò, sứ mệnh hoàn toàn mới, đó là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xây dựng, hun đúc cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức phường nói riêng mục tiêu, lý tưởng của nền công vụ để họ hành động đúng đắn và phấn đấu hết mình cho sự nghiệp mà Đảng và Nhà nước ta xây dựng.

1.2.1.5. Chuẩn mực công vụ của cán bộ, công chức phường

Chuẩn mực công vụ của cán bộ, công chức phường là hệ thống nguyên tắc, các quy định mang tính pháp lý của Ủy ban nhân dân phường mà mọi cán bộ, công chức phải tuân thủ và hành động nhằm thực hiện lý tưởng chính trị và các giá trị văn hóa công vụ. Đó là chuẩn mực cán bộ, công chức khi làm việc tại cơ quan nhà nước, là nội quy cơ quan và được áp dụng chung cho cán bộ, công chức, không phân biệt cấp trên hay cấp dưới, ai cũng phải chấp hành và nếu vi phạm sẽ phải nhận những hình thức xử lý theo quy định.

1.2.2. Văn hóa công vụ với tư cách là sản phẩm hoạt động công vụ của cán bộ, công chức phường

1.2.2.1. Văn hóa công vụ của mỗi cán bộ, công chức

Khi nhìn nhận văn hóa công vụ của cá nhân cán bộ, công chức phường, người ta chú ý đến năng lực công tác, đến phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức đó, cụ thể đó là: ý thức, quan điểm, thái độ, trách nhiệm trong công việc, ứng xử trong cơ quan, ứng xử với người dân, khả năng hoàn thành công việc, phong cách làm việc, khả năng giải quyết các mối quan hệ trong cơ

30

quan, ứng xử khi giải quyết vấn đề, … Đây là yếu tố hết sức quan trọng, vì chính mỗi cán bộ, công chức sẽ là hình ảnh chân thật, đại diện cho văn hóa công vụ của nền hành chính. Thông qua người cán bộ, công chức để nhìn nhận và đánh giá văn hóa của cơ quan, đơn vị đó. Và thực tế, những cán bộ, công chức có văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất phục vụ người dân. Ngược lại, cán bộ, công chức có động cơ, mục đích tiêu cực sẽ tạo ra những hình ảnh, những sản phẩm công vụ gây phiền hà, bức xúc trong nhân dân.

1.2.2.2. Văn hóa công vụ của Ủy ban nhân dân phường

Ủy ban nhân dân phường hoạt động là tổng thể của hoạt động cá nhân mỗi cán bộ, công chức, do vậy văn hóa công vụ của từng cá nhân sẽ tạo nên văn hóa công vụ của tổ chức. Có những giá trị được thừa nhận và cũng có những đặc tính không được thừa nhận tồn tại trong tổ chức. Những giá trị nào được số đông thừa nhận sẽ trở thành giá trị chung, những giá trị không được đa số thừa nhận có thể tốt, có thể không tốt nhưng không phù hợp với những giá trị chung của Ủy ban nhân dân phường thì không được xem là văn hóa công vụ của tập thể Ủy ban nhân dân phường. Biểu hiện cụ thể của văn hóa công cụ của tập thể đó là những chuẩn mực ứng xử trong Ủy ban nhân dân phường, trong quá trình thực thi công vụ, giữa lãnh đạo và cán bộ, công chức, giữa các phòng, các bộ phận với nhau và giữa cán bộ, công chức phường với người dân.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản lý công: Văn hóa công vụ của cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân phường, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)