Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét: “Sẽ không quá, nếu muốn nói rằng
thế giới nhân vật trong Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam là một thế giới vô danh, thế giới của những người bước lỡ, bước chệch quỹ đạo thông thường, thế giới của những thân phận người bị bắn ra và chìm xuống dưới cái mẫu số chung tầm thường tạo thành xã hội” [2,378].
Ông họa sĩ trong Giữa dòng chảy lạc là một nghệ sĩ đầy tài năng, đầy tâm
huyết với nghề nghiệp nhưng cũng đầy tự tôn. Ông muốn sống có ích, được cống hiến: “Tao nợ cuộc đời này nhiều. Nợ hội họa càng nhiều. Mất bao nhiêu năm chẳng
vẽ vời gì được. Những khát vọng tuổi trẻ bị vùi lấp. Cho đến lúc ý thức được ra cũng chỉ vẽ cầm chừng, bởi tự tôn. Qua việc vừa rồi, tao thấy mình cần làm một cái gì đó”
[2,71]. Trong ông luôn thường trực nỗi cô đơn, sự chênh chao: “Cái bóng cao lớn
như xô nghiêng bên hè phố. Có cảm giác chỉ một cơn gió thổi qua cũng hất nó tan mất vào bóng tối. Ông cũng mong manh theo kiểu của riêng ông” [2,123]. Ông hiểu
được những uẩn khúc của cuộc đời, trải đời “suy cho cùng tao với mày cùng một thế
hệ. Giống y nhau, dang dở, nửa nạc nửa mỡ. Rốt cuộc là chẳng thích ứng với cái nào cả…. Bây giờ cái gì cũng lao vùn vụt, nếu ngay hôm nay mày không biết giật mình mà ngồi dậy, ráng “tương thích” được phần nào hay phần đó, chỉ ít năm nữa thôi, mày sẽ vĩnh viễn không hòa nhập được nữa…”. Nhưng đến lúc xế bóng của kiếp người phải sống ở nước ngoài vật vờ như một cái bóng “không chốn nương thân, cho cuộc sống, cho nghề nghiệp, cho niềm đam mê của mình” [2,336], ông bị đẩy ra
ngoài, bị cô đơn trong chính gia đình mình: “Mà hình như từ ngày sang đây tất cả như nhão ra. Quan hệ vợ chồng, con cái cũng chẳng được như xưa nữa… Tao như một kẻ dư thừa, ăn bám, vô ích… Tao là một thằng già thừa thãi” [2,336]. Ông tàn tạ,
héo hon như một cái cây người ta đem trồng nơi không hợp thổ nhưỡng. Ông trở về, phải chăng với ông trở về quê hương là trở về với thực tại, trở về với dòng sông đang chảy trôi để được tìm lại chính bản thân mình: “Đêm qua tao vừa nghe thấy tiếng
rao! Chỉ vì cái tiếng rao khuya ấy mà tao trở dậy….” [2,243]. Người họa sĩ già, cả
đời đeo đuổi đam mê thánh thiện từ những đường cong hội họa, vùi mình vào sắc màu miên tưởng của cái đẹp với ước mong cái đẹp cứu rỗi được linh hồn, ấy vậy, cuối cùng ông cũng phải chua chát cảm nhận trước cái chết: “Cả đời tao đã phải tồn
tại như thế rồi. Chỉ khi được tan đi trọn vẹn, tao mới hi vọng có được sự an ổn”
[2,259]. Cuộc đời của người họa sĩ ấy vô định như chuyến đò giữa dòng đời không bến đậu. Thời gian đã làm con người biết ngộ ra cái đẹp phía sau lớp mặt nạ giả tạo
mà cuộc đời đã trang điểm lên nó. Và có lẽ sau cái chết mới là cuộc sống vĩnh cửu – một sự sống được đo bằng nấc thang hướng ngoại.
Cô gái bán bảo hiểm – vợ của nhân vật anh, một cô gái xinh, đẹp giỏi giang là niềm mơ ước của bao chàng trai, nhưng sự thật cô phải căng mình ra để có sự tồn tại cân bằng giữa con người đích thực của mình – một cô gái đồng tính, và con người mà định kiến thông thường của xã hội đã ấn định cho mình. Cô từng tâm sự với anh:
“Em cũng có những vấn đề riêng của mình. Em cũng muốn kiếm tìm hạnh phúc.
Nhưng hình như em đang lạc lõng….” [2,277]. Cô cưới anh vì ba mẹ, vì muốn che
giấu con người thực của mình và cũng phần nào muốn nhờ anh để trở về với cô như ngày xưa: “Và em đã ngả theo ý nguyện của ba mẹ… Bắt đầu “hẹn hò” với anh. Qủa
thực, em quyết nhờ anh để tìm “con người ngày xưa”. Tuy em chẳng biết rõ đâu mới
là con người thực của mình” [2,300]. Nhưng cuộc sống gia đình với những hố ngăn
cách, những mâu thuẫn đã đẩy anh và cô cùng vào ngõ cụt, bế tắc: “Em đã từng
mong cưới để thay đổi tất cả. Để bắt đầu hoàn toàn một cuộc sống mới. Nhưng đến lúc này em không thể trả lời cho anh câu hỏi ấy. Cũng như em không thể trả lời chính em” [2,300]. Cuối cùng không chịu đựng nổi sức nặng của chiếc mặt nạ, cô đã
lựa chọn sự ra đi. Cô để lại cho anh một bức thư để nói hết nỗi lòng của mình bởi cô biết, cô không thể giả dối, cô đang tự mình “lạc” ra dòng chảy của cuộc đời, xã hội không chấp nhận cô hay chính là không chấp nhận những con người như cô, cô ra đi
để được sống đích thực là con người của mình: “Khi quyết định và viết đến đây, em
thấy nhẹ lòng. Không phải em đã “trút bỏ” được anh, hay tìm thấy cuộc đời đích thực của mình, chỉ đơn giản em thấy mình không còn gì để mất thêm được nữa! Em,
sẽ cứ thế đi, tiến về phía trước, như một con ngựa vô tri mang băng che mắt. Đi cho đến lúc nào số mệnh không cho em tiếp tục đi nữa, thì tất cả sẽ tự động dừng”
[2,323]. Cô đã ý thức được rằng, hạnh phúc chính là cái chết thanh thản bên cạnh ước
mơ của mình. Cô đã vượt ra khỏi những lề thói luân thường, đạo lý để chạy theo nỗi đam mê làm người, đam mê sống một cuộc đời không vô vị. Cô nhận ra sự đau khổ của mình không nằm ở mưu cầu hạnh phúc chung, phổ quát mà chính là không dám
tự phủ nhận mình không dám vượt qua lằn ranh đạo đức xã hội trong mình. Và cuối cùng, một bức thư nằm lạnh lẽo trên bàn như một biểu tượng duy nhất đọng lại chứng minh thuyết phục rằng, cô đã vượt biên khỏi thế giới ý niệm tưởng như đẹp đẽ
để tìm cho mình nơi bình yên của cõi lòng.
Giữa dòng chảy lạc nói đến hai sự ra đi mang nhiều ý nghĩa, đó là sự ra đi của
ông họa sĩ già và cô gái bán bảo hiểm. Ông họa sĩ già từ nước ngoài về, sống trên quê hương như một người thừa. Trên quê hương mình ông bỏ mạng không rõ nguyên nhân, thi hài ông được hỏa táng và thả trôi cùng dòng sông quê hương như ước nguyện của ông. Cô gái bán bảo hiểm chạy trốn cái gia đình giả tạo không hạnh phúc. Cô đi đâu không biết, nhưng ít nhất từ sự ra đi ấy cô đã rũ bỏ được mặt nạ và trở về với con người đích thực của mình. Ra đi cũng có nghĩa là trở về. Không có sắc thái tươi tắn, lạc quan nào ở đây, có chăng chỉ là cái giá mà con người ta phải trả để
có được một nhận thức nào đấy.
Nhưng, được thể hiện ở mức cao nhất của sự nhạt nhòa hóa, sự vô danh hóa,
sự tầm thường hóa trong Giữa dòng chảy lạc – là nhân vật anh. Anh không nghề
nghiệp, cũng chẳng mấy mặn mà với chuyện phải đi tìm cho mình một công việc.
Anh sống chủ yếu bằng sự bao cấp của bà chị gái bên Tây. Anh không vênh vang với
số phận “tầm gửi” – thậm chí đôi lúc còn thấy áy náy – song cũng chẳng lấy đó làm điều phải triệt để nỗ lực. Anh đối xử với mọi người khá nhân hậu, nhưng sự nhân hậu không đủ lớn để làm thành một hành vi có hiệu quả tích cực nào hết. “Anh lờ nhờ,
thụ động, bất lực”. Anh ý thức được sự lờ nhờ, thụ động, bất lực của mình nhưng rồi
cũng chẳng làm được gì để thay đổi tình thế. Anh buông mình xuôi theo dòng chảy của cuộc đời, phó thác bản thân mình cho mọi ngẫu nhiên, được không mừng, mất không tiếc, tất thảy đều nhàn nhạt. Lần đi xin việc đầu tiên anh không nhớ tên công
ty của mình: “Xuống đến hành lang anh sực nhớ, cái công ty hẹn mình phỏng vấn
nằm ở tầng nào nhỉ?...Thời gian còn lại buổi sáng không đủ cho anh dấn thân vào cái ma trận trong đầu, với mớ thông tin hú họa như thế” [2,24]. Cuộc phỏng vấn
không thành anh trở về với căn phòng hôi hám của mình. Lần xin việc thứ hai ở một
cơ quan nọ, anh lại không thể chịu đựng nổi cung cách làm việc và lề lối sinh hoạt ở đây, anh bỏ việc. Ở anh, đơn thuần là một sự bó tay trước thực tế, một sự đầu hàng trong khi anh phải hòa mình vào cuộc đời cuồn cuộn và làm chủ dòng chảy cuộc đời.
Chính sự ỷ lại, nhạt nhòa của anh đã bị guồng quay cuộc sống bắn ra ngoài mà không
có một sự tương thích, cố gắng nào từ phía anh. Ngay cả trong tình yêu, hạnh phúc anh cũng thụ động, để rồi anh mất tất cả: “Hai lá thư để lại, hai người con gái. Hai
cung cách biến mất vô dấu tích, ngay cả số điện thoại của họ anh cũng không còn.
Hai phiên bản chồng lên nhau tạo nên độ nhòe mờ khiến cả hai càng gần với ảo giác” [2,327] .Cả anh nữa, tất cả cũng chỉ là một phiên bản của những con người cô
đơn, dang dở, vô vọng: “Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng xa hút, càng cố kiếm
tìm càng hoài công mệt mỏi” [2,304]. Nhân vật anh thả trôi đời mình trên sự già nua
của thân xác: “Một gã tâm thân đơn độc với tuổi già phía trước. Đúng, thật sự đó là
tuổi già. Anh đã già ngay khi còn trẻ. Già so với mọi thứ đang lao ầm ầm quanh đây” [2,373]. Cuộc sống của anh vô nghĩa như nấc thang thời gian mà anh sinh hoạt
hàng ngày: Ngủ - ăn – ngủ. Nhưng chính anh lại là người chứng những cái chết – một
kẻ chứng lạc loài trong thế giới đổ nát niềm tin và hi vọng, để rồi trở về trong ý niệm tâm thần mà người đời gán cho anh một cách lạnh lẽo, vô cảm ở phía cuối thiên truyện. Nhưng đó cũng là lúc anh ngộ ra chân lý cuộc sống: “Cuộc đời là một nhà
thương điên, và chúng ta là những cử chỉ man dại góp phần vào vở kịch đang diễn ra trong nhà thương điên ấy” [19]. Cái chết của ông già họa sĩ, con mèo, người bạn học
cùng đại học đã chạm tới khắc khoải suy niệm tự thân. Cuộc sống của anh vốn thụ động như cái xác trôi dạt giữa dòng đời, đang cào bới thời gian, tìm lại ý nghĩa hiện sinh cho kiếp người đau khổ, để rồi ngậm ngùi thốt ra tiếng nấc nghẹn lòng: “Có lẽ
lại đến lúc cần phải đứng lên. Lần trỗi dậy thứ bao nhiêu rồi nhỉ? Liệu tất cả có khác
đi không? ” [2,359]. Khi biết vợ mình là đồng tính, Nguyễn Danh Lam đã không chỉ
cho nhân vật anh tự đi tìm đáp án cuộc tình. Đoạn suy tư của anh trên hành trình đi tìm lại chính cuộc sống của mình chứa bao đau xót, ám ảnh: “… Liệu anh có đưa ra một giải pháp khả dĩ nào đó cho vấn đề này không? Trong phút nao lòng đó, anh tự
chỉ là cuộc trôi dạt tạm thời, anh sẽ kéo cô trở về bờ cũ. Nhưng phút đặt mình trên
xe, ngẫm lại cả một đoạn đời vừa qua, anh đã góp phần đẩy cô xa thêm. Rồi cô sẽ đi
về đâu, cái lạc thể chênh chao ấy? Mà ngay trong bản thân anh, anh có hơn gì cô?
Có khác chăng sự “trôi dạt” của anh không mang khuôn mặt giới tính. Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công, mòn mỏi…” [2,304]. Nguyễn Danh Lam đã nhấn nhân vật của mình vào tận cùng của sự
vô nghĩa trong cuộc sống. Nhân vật Anh là kẻ dù biết rõ sự tạm bợ, chán ngán và vô nghĩa của mình nhưng lại không muốn nói cách khác, không đủ bản lĩnh để thoát ra khỏi cuộc sống đó. Cuộc sống của anh chỉ còn là sự tồn tại qua mỗi ngày, nhân vật chính thực chất chỉ còn là một thân xác con người đang cố đi cho hết hành trình cuộc đời.
Sự cô đơn, lạc lõng của con người trong chính đời sống của họ đang sống làm thành không khí u ám của tiểu thuyết. Vì sao không có ở đó sự cố kết cộng đồng? Và ngược lại, có không ở đấy, sự khẳng định cái tôi cá nhân cá thể? Không có câu trả lời nào khả dĩ được đặt ra, cũng không có thông điệp nào khả dĩ được gợi ra. Cùng lắm ở đấy chỉ có một nhận thức thế hệ như trong cách ông họa sĩ già tâm sự với người bạn trẻ của mình trước khi xuất ngoại: “Bây giờ cái gì cũng lao nhanh vùn vụt, nếu ngay
hôm nay mày không biết giật mình mà ngồi dậy, ráng “tương thích” được phần nào hay phần đó, chỉ ít năm nữa thôi, mày sẽ vĩnh viễn không hòa nhập được nữa”
[2,197]. Sự vỡ ra của một xã hội mới hiện diện khắp tiểu thuyết. Đến ngay cả những suy tư về sự vỡ ra ấy cũng vỡ ra nốt. Hầu như các nhân vật trong tiểu thuyết không tồn tại như là con người suy tư, cũng ít khi là con người hành động, dù không hẳn họ
đã bạc nhược, bấy yếu hay mang sẵn một quan niệm yếm thế về số phận. Có thể nói, tất cả những nhân vật trong tiểu thuyết đều là những “lạc thể”. Hầu như họ là những người không “tương thích” với xã hội kĩ trị, xã hội tiêu dùng. Có hai cuộc sống bên lề cuộc sống ấy hiện diện như một tham chiếu nhưng cũng không trở thành lối thoát cho những con người ở trung tâm xã hội. Có hay không một ý đồ ở đây, khi Nguyễn Danh Lam cho hai nhân vật của mình, một tìm đến nông trại cà phê (đời sống tiền
hiện đại), một tìm đến bến bờ hải ngoại (đời sống hậu hiện đại), đều không tìm thấy lời giải cho những câu hỏi của đời sống hiện đại? Người ta chỉ có thể trả lời những câu hỏi của thực tại từ chính trong thực tại ấy? Đó là lý do Nguyễn Danh Lam không đưa ra bất kì một gợi ý nào cho các nhân vật: Tiểu thuyết không tìm cho mình một khuôn khổ hiện thực với những đề xuất luân lý, lãng mạn với kiểu kết thúc có hậu, cũng không là một hiện sinh hay phi lý. Và đó chính là điều tác giả muốn để bạn đọc cảm nhận qua những câu chữ của mình, mỗi nhân vật là sự điển hình của sự cô đơn,
sự cô đơn của những người bị tách ra hay tự tách ra khỏi xã hội để tự thả trôi mình giữa dòng chảy, lạc với dòng chảy của cuộc sống. Ở đây, chúng ta nghĩ đến những
“con người nhỏ bé” trong văn học Nga thế kỉ XIX. Thế nhưng, họ là những “con người nhỏ bé” chỉ trở thành nhỏ bé khi mọi nỗ lực vươn lên của họ bị xã hội đè cho bẹp dí, và vì thế, họ là những nhân vật mang sức tố cáo mạnh mẽ. Nhân vật anh của Nguyễn Danh Lam thì sao, phải chăng có thể xem đó là một phiên bản khác của những “con người nhỏ bé”? Nếu có thể khái quát, liệu anh của Nguyễn Danh Lam sẽ chính là chúng ta, những con người mang trong mình đầy tàn dư và hệ lụy của một thời kì bao cấp quá dài, ta chán ngấy cái cũ nhưng lại chưa được chuẩn bị để thích ứng với cái mới và vì thế ta buông xuôi chăng?
Tác phẩm No country old men của nhà văn Cormac McCarthy - Một tác phẩm
có cùng chủ đề về những con người vì một lý do khách quan hay chủ quan đã bị tách
ra khỏi dòng chảy sôi động của cuộc sống. Và bất chợt, một biến động diễn ra, một biến động khốc liệt, đe dọa cuộc sống của những ai dính vào nhưng nhân vật chính,
kẻ đã và đang sống một cuộc sống nhạt nhòa, thụ động, vô định lại thấy đó chính là
cơ hội để thoát ra, để sống lại. Với Giữa dòng chảy lạc, hình ảnh cuối cùng của tác
phẩm lại mang niềm hi vọng, khi nhân vật chính bất chợt tìm thấy bộ phim No country for old men. Đây là cái kết mở cho nhân vật, mở ra câu chuyện có phần tươi
sáng để nhân vật anh lại tiếp tục cuộc sống lay lắt của mình nhưng cũng có thể bắt lấy cơ hội để thoát khỏi cuộc sống lay lắt đó như nhân vật chính trong phim đã làm.