2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
2.2.3. Khắc họa nội tâm nhân vật
Khắc họa nội tâm nhân vật là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng trong việc xây dựng nhân vật của sáng tác Nguyễn Danh Lam. Nhờ khắc họa nội tâm nhân vật
mà hành trình tâm lý đa dạng, phức tạp của nhân vật được bộc lộ một cách sâu sắc.
Khi khám phá thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật, Nguyễn Danh Lam thường chú
ý đến tính cách và mọi biến động trong đời sống nội tâm của nhân vật nhằm phát hiện ra phản ứng tâm lý của nhân vật trước hiện thực cuộc sống.
Trong Giữa dòng chảy lạc Nguyễn Danh Lam đã có những thành công trong
việc miêu tả dòng ý thức của nhân vật anh. Trong anh luôn là nỗi cô đơn thường trực
“nỗi buồn, sự khao khát hay còn gì nữa” [2,41]. Hai cô gái đến bên đời anh – hai lần
ra đi không một lời từ biệt để lại trong lòng anh nhiều vị đắng, nhiều khoảng trống vô định. Cô gái ở lớp học anh văn ra đi để lại một lá thư chia tay. “Trái tim anh thắt nghẹn. Yêu thương. Nuối tiếc. Ân hận. Dằn vặt. Tuyệt vọng…Mớ cảm xúc hỗn mang, nhào lộn…” [2,179]. Cô bán bảo hiểm – vợ anh cũng ra đi trong tan vỡ, phũ phàng
“….anh cảm thấy sự sống đang trôi khỏi mình, chầm chậm, như những giọt máu đang kiệt dần trong huyết quản…” [2,324]. Anh nhận ra hai cô gái và cả anh nữa
cũng chỉ là một phiên bản của những con người cô đơn, dở dang, vô vọng “tất cả đều
lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công mệt mỏi”
[2,304]. Nguyễn Danh Lam nói đến anh như một con người tư tưởng. Trong anh luôn
là những câu hỏi hiện sinh. “Câu hỏi thường trực trong đầu, tại sao mình lại ở đây,
trong một thế giới mênh mông đầy xa lạ…. Chẳng nơi đâu là nhà, chẳng nơi nào là quê hương” [2,320]. Trên đường đưa gia đình ra sân bay, anh lại tự hỏi “không biết mình đang đi đâu, tại sao lại đi” [2,277]. Ở chỗ làm, anh tự hỏi “còn ở nơi này, anh
có chỗ của mình không” [2,146]. Anh nhìn rất sâu vào chính bản thể của mình. Một
thân phận cô đơn, cô đơn tuyệt đối “anh không thể làm bạn với bất kỳ ai được nữa”
[2,115]. Căn nhà trống không, con mèo là người bạn duy nhất đã chết, để lại cho anh một “nỗi buồn mất mát chưa từng nếm trải [2,113], “Anh ngồi phịch xuống sàn. Lòng
trống trải mênh mộng. Vậy là bóng dáng sinh thể cuối cùng bên anh giờ đây đã mất”
[2,132]. Hai cô gái anh miệt mài tìm kiếm, sau cùng cũng bỏ anh đi không còn tăm tích gì, đẩy anh vào những tháng ngày “mang tâm trạng cận kề hư vô” [2,326].
Người bạn sống đời thực vật chết, “hình vóc đang phân huỷ từng giờ của gã bạn ám
ảnh anh suốt nhiều ngày sau đó” [2,333], “Anh lâm vào nỗi hoảng sợ vô cớ, bởi
những ám ảnh bên trong” [2,334]. Sau cùng người bạn hoạ sĩ chết: “Anh mất hẳn điểm tựa tinh thần, anh thực sự sống trong hai cõi thực và ảo trộn hoà” [2,360].
Những cái chết liên tiếp luôn đặt anh vào sự tra hỏi ý nghĩa của tồn tại: “Cái chết dù
chỉ là của con mèo, dường như cũng nhắc nhở anh một điều gì đó” [2,133]. Điều gì
đó ấy là : “Chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai, chúng ta về đâu” [2,133]……. Hiện
sinh là “phù du”, là “xa lạ”, “phi lý”, là trần trụi “không còn gì để mất”(2,328-336-
349)….. Hiện sinh “không chốn nương thân” [2,336], là biến mất không dấu tích (hai
cô gái), là đi về cái chết không cưỡng lại được. Hiện sinh ấy là số phận không thể khác đi. Anh nhận ra điều này khi chứng kiến những tháng ngày sau cùng của ông họa sĩ : “Vậy là số phận đã dồn đuổi tiếp đến ông, trong các danh sách không mấy
dài những người mà anh thân thiết. Bằng cách này cách khác, chẳng thân phận nào thoát được cái lưới vô hình đang bủa vây tứ phía” [2,337]. Trước những bủa vây của
hiện sinh như vậy, anh sống trong trạng thái “nghe như có oan hồn nào đang kêu
réo từ trong chính khoang bụng của mình…cả tâm trí chìm trong nỗi sợ đến bấn loạn” [2,337]. Nhưng Nguyễn Danh Lam không định viết kiểu nhân vật tư tưởng như
kiểu nhân vật của chủ nghĩa hiện sinh, anh chỉ phản ánh một kiểu người của thực tại không hội nhập được với cuộc sống đang cuồn cuộn chảy. Anh giải thích “Tôi viết về những con người không kịp chuẩn bị kĩ năng sống, giữa dòng chảy cuồn cuộn và hối
hả của thế giới hôm nay. Chân phải bước lên “đoàn tàu mới”, nhưng chân trái bị kẹt lại “sân ga cũ”. Thành thử bị… xé làm đôi! Ðại ý vậy” [23]
Tác giả cũng miêu tả rất thành công tâm trạng nhân vật “tôi” trong Bến vô thường. Đó là cô bé “tôi” – con của một gia đình trí thức. Khi bị bố mẹ xem lén nhật
kí : “Tôi đau đớn, nhục nhã, ê chề. Không còn nỗi cô đơn nào hơn là nỗi cô đơn
trong chính ngôi nhà mình, bị xúc phạm tới những ngóc ngách riêng tư bởi chính những người thân của mình” [1,44]. Những xúc cảm, suy nghĩ về người thân, về thầy
cô, về bạn bè diễn ra trong tâm trạng cô gái 17 tuổi được tác giả miêu tả một cách tinh vi. Không chịu đựng được nỗi cô đơn, lạc lõng, bị xúc phạm bởi chính những người thân yêu nhất nhiều khi cô nghĩ tới cái chết: “Giá như, giá như mình được
chết! Nhưng không, tôi không thể nào được chết. Trong cuộc sống của tôi vẫn còn người ấy…” [1,47]. Những suy nghĩ của cô bé như tiếng chuông cảnh tỉnh đối với
các bậc làm cha làm mẹ trong cách ứng xử với con cái, đừng tạo ra những sức ép, những cách quản lý thiếu tôn trọng vô tình đẩy con tới bước đường cùng. Nhà văn chú ý khai thác những dằn vặt, mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật để từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn, vẻ đẹp của hai chữ “con người” đích thực đằng sau những vẻ bề ngoài tưởng chừng vô tri, lạnh lùng và cả ác quỷ kia. Đó là những mâu
thuẫn trong nội tâm gã trong Bến vô thường khi nghĩ về một ả cave cùng xóm: “Gã
không thể đặt tên cho những phút thẫn thờ ngồi bên cửa sổ đợi cô ấy về là tình yêu.
Cô chỉ là một dòng nước vừa thơm tho, vừa đen đủi đột nhiên chảy tràn trên gã, lấp lõng bõng vào những khoảng trống bấy lâu trong gã” [1,102] bởi: “Bước tới bước nữa gã sẽ không thể nào lường hết được hậu quả. Nếu gã không còn cha mẹ, không
có các em, không là anh hai…” [1,103]. Nguyễn Danh Lam đã miêu tả đúng tâm
trạng của một gã trai mới lớn khi gã biết tin mình có con: “Nghĩ vậy gã thấy thương
thương. Nhưng như thế này có nghĩa là gã sắp phải bỏ ngang chuyện học hành hay sao?” [1,111]. Cũng như vậy là nỗi lòng đầy thương yêu, quyết tâm của chị rỗ khi có
con: “Chị có quyền có con, được quyền làm mẹ, được quyền ngồi trên dư luận đay
nghiến, xì xèo về một “con đĩ không chồng mà chửa”” [1,181]. Hoặc tâm trạng dằn
vặt, sợ hãi của gã đạp xích lô khi lấy trộm tiền của người hàng xóm: “Gã thật sự
hoảng sợ, lạnh buốt gáy.. Gã sực nhớ bài học về sự trả báo…Món nợ truyền kiếp báo tận đời con gã” [1,194]. Gã quyết tâm kiếm tiền trả nợ cô gái, khi đủ tiền “mấy chục cuốc xe, người ngợm mỏi nhừ nhưng gã vui như thoát nạn. Nhận tiền xong gã chạy như bay về hẻm” [1,194]. Hay tâm trạn trong suy nghĩ của hắn sau bao chuyện xảy ra
từ lúc đạp vào nắp ván thiên thối ung người đến lúc trở thành một tên kẻ cắp rồi giết người. Lần đầu tiên hắn thấy sự bế tắc cũng như vô nghĩa của một kiếp người: “Ô
hay, cuộc đời hắn sao giống dòng kênh này thế, cứ tanh tưởi ngày ngày theo nhịp dềnh lên dềnh xuống, chẳng bao giờ trôi được đến đâu…” [1,293]. Trong cuộc sống,
kiếp người vô định “hắn thoát ra được cái xóm ngoại ô này, nơi mà hắn đã thoát từ
nơi khác đến, thì mọi sự sẽ ra sao? Hắn sẽ tiếp tục trôi dạt về đâu? Tuyệt chẳng có câu trả lời”. Nguyễn Danh Lam đã khắc họa những chuyển biến trong tâm trạng của
hắn, từ sự thức dậy của ý thức bản thân sau bao nhiêu năm sống cuộc đời vô nghĩa, tối tăm khiến hắn trở nên mệt mỏi và đi đến quyết định đổi thay cuộc đời.
Bằng việc khắc họa nội tâm nhân vật, tác giả đã để cho nhân vật của mình tự bộc lộ cảm xúc, bộc lộ những mảng khuất và bí ẩn tâm hồn một cách chân thực và
sinh động nhất đó chính là cơ sở để người đọc hiểu một cách thấu đáo hơn tính cách
và số phận của nhân vật.