2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
2.2.1. Xóa trắng nhân vật
Xóa trắng nhân vật trước tiên là việc tác giả không gọi nhân vật bằng tên.
Điều này được chính Nguyễn Danh Lam chia sẻ: “Tất cả các nhân vật trong tiểu
thuyết hoặc truyện ngắn của tôi từ trước đến nay đều vô danh, hoặc nếu “hữu danh”
thì cũng chỉ là một “cái gì đó” để gọi vậy, chứ không phải tên! Ngoài tên, họ không
có lai lịch và nhiều thứ thuộc về cá nhân khác. Cái này tôi không quyết định, mà là
do tôi nhìn thấy họ ở trong cuộc đời này và tôi phản ánh họ vào trong tác phẩm như vậy” [23]. Cái tên vừa để định danh vừa để khu biệt nhân vật này với nhân vật khác.
Với tiểu thuyết truyền thống, nhân vật chính không thể không có tên. Ngược lại, ở một số tiểu thuyết đương đại nhà văn dường như cố ý không quan tâm tới tên nhân vật. Tẩy trắng nhân vật từ cái tên, anh ta đã xóa bỏ sự tồn tại của những cá thể người bằng cách cung cấp dấu hiệu giúp khu biệt nhân vật này với nhân vật khác. Không phải đến Nguyễn Danh Lam ta mới bắt gặp kiểu nhân vật không tên. Tác phẩm của Nam Cao đầy những nhân vật chỉ được gọi bằng y, thị, hắn. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, gọi tên nhân vật bằng một đặc điểm nhận dạng, bằng nghề nghiệp, bằng giới tính…còn với Nguyễn Bình Phương với hình thức xóa tên độc đáo: xóa bằng kĩ thuật bàn phím. Các nhân vật Khẩn, Minh, Thúy, Trương, Kim được nhà văn dùng kĩ thuật bàn phím cho biến mất khỏi tác phẩm như một trò chơi ngẫu hứng vu
vơ của con trẻ, nhưng chính từ trò chơi ấy mà người đọc được tác giả gợi dẫn đến triết lý “Tôi nghĩ con người xuất hiện và biến khỏi thế giới này phần lớn là êm ái và nhẹ nhàng như hình ảnh của một giấc mơ thôi”. Nhân vật của Nguyễn Danh Lam
“mang những tên chợ đời, mà tác giả như người chủ nợ, ghi chúng vào trang sách
theo cách “bắt thần”: thằng câm, chị mặt rỗ, thằng mắt híp, thằng chữ kí, lão toét, lão cóc…” [29]. Hay như nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên nhận xét: “Đọc lại lần nữa, lại thấy nó không có nhân vật, nói cách khác, nhân vật lại không có mặt người mà biểu hiện rõ nhất trong mớ hỗn độn, tù túng, ngổn ngang kia là thế giới người không
được gọi tên bằng một đặc điểm nhận dạng thì được gọi tên theo nghề nghiệp như ông già họa sĩ, cô bán bảo hiểm… Trong Giữa vòng vây trần gian các nhân vật đều
không tên. Chỉ riêng nhân vật chính là có tên nhưng tác giả chủ ý đặt một dấu ngã đè lên cái tên nhân vật: Thữc. Tên vận vào người. Thức là thức tỉnh, giác ngộ. Nhưng lại
có dấu ngã đè lên: Thữc. “Tỉnh như vậy là vẫn chưa thoát khỏi cái tự ngã, vẫn còn
lâu lắm phải loay hoay trong chốn trần ai” [3]. Trong Giữa dòng chảy lạc, những
nhân vật xuất hiện ở chương đầu tiên của tiểu thuyết đều vô danh, họ là anh và là cô.
Đi hết cuốn tiểu thuyết cũng không khác: họ là cô gái ở lớp học ngoại ngữ, ông họa
sĩ, vợ ông họa sĩ, bà chị gái, ông anh rể, ông chủ quán…. Những bà, những cô, những ông, những hắn, những gã, thêm vào sau đó là những cụm từ chỉ nghề nghiệp, công việc hoặc quan hệ. Không lẽ có thể gọi đó là cái tên, theo nghĩa là kí hiệu đại diện cho một con người và gắn chặt với một con người cho đến hết cuộc đời con người ấy.
Xóa trắng nhân vật là bỏ lửng cốt truyện không cho nó đi tới cùng cuộc đời nhân vật, khiến cho nhân vật không thể đi trọn một hành trình. Trong cả ba cuốn tiểu thuyết, lượng nhân vật khá nhiều song Nguyễn Danh Lam luôn dành cho nhân vật một đặc điểm riêng, một câu chuyện riêng. Nếu tác giả tham lam dừng lại phát triển cốt truyện ở tất cả các nhân vật ấy hẳn nhiên chúng ta có những bộ tiểu thuyết đồ sộ.
Cái đáng nói ở đây là anh “tham lam” khi đưa nhiều nhân vật vào tiểu thuyết của mình mà nhân vật nào cũng “có chuyện” cả nhưng lại khôn ngoan dừng lại đúng mức
để các nhân vật ấy như một dấu lửng.
Xóa trắng nhân vật còn ở dạng thức xây dựng nhân vật “phản nhân vật”, nhân vật mang tính kí hiệu biểu tượng. Đó là hình ảnh đám đông dân làng trong Giữa vòng
vây trần gian, nhân vật gã trong Giữa dòng chảy lạc…Đa phần họ đều hiện diện
trong tác phẩm không diện mạo, không lai lịch, thậm chí có nhân vật chiếm vị trí quan trọng trong tác phẩm song thực tế chỉ là tiếng nói vang vọng trong tâm tưởng của những nhân vật khác. Nhân vật gã trong Giữa dòng chảy lạc như là một ám ảnh
xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, ảnh hưởng, bám sát từng bước đi của ông họa sĩ như một mối nguy cơ, tai họa tiềm ẩn, rình rập nhưng không thể chỉ mặt đặt tên. Nỗi lo sợ
phấp phỏng về “họ” – những người dân làng trong Giữa vòng vây trần gian. Họ không ở đâu cả nhưng dường như có mặt ở khắp mọi nơi. Họ không lộ diện, không hình tích nhưng lại đầy sự đe dọa công khai.. Không có câu trả lời rõ ràng nào cho những chuyện này, chỉ biết rằng họ đang rình rập, bủa vây Thữc và cô gái từng giây, từng phút. Song chính những phản nhân vật này đã tạo nên sự bí ẩn, và kèm theo đó
là sức hấp dẫn “mê hoặc” của các tiểu thuyết: Chúng ta buộc phải “khai quật”, rà soát lại tất cả các tầng vỉa của tác phẩm để tìm cho ra được chiếc chìa khóa giải mã các
“kí hiệu – biểu tượng” đặc biệt đó. Và một lần nữa nó đòi hỏi cách đọc nghiêm túc, đồng sáng tạo trong quá trình khám phá tác phẩm. Khi đã xóa mờ những đường viền lịch sử, tẩy trắng nhân vật nhà văn đã làm cho nhân vật trở nên trừu tượng chỉ còn lại những vấn đề mà nhân vật mang tải, hiện hình chứ không phải một chân dung, một tính cách với các chi tiết dày dặn, dễ dàng nắm bắt.
Nhân vật phi tính cách không phải là những nhân vật không có những đặc trưng riêng, những diễn biến tâm lý và hành động vẫn được miêu tả. Tuy nhiên, ở dạng nhân vật này, tác giả không chủ tâm dụng công vào việc tạo ra những nhân vật
có tính cách rõ ràng hay điển hình, thay vào đó là những trạng thái bỏ lửng nhân vật trong tình huống. Khi không để nhân vật đi đến cùng cốt truyện Nguyễn Danh Lam
đã không để nhân vật bộc lộ tính cách của mình trong những hoàn cảnh điển hình.
Cái anh nhấn mạnh thường là một trạng thái của nhân vật ở một tình huống có vấn đề
mà thôi.
Tác phẩm của Hồ Anh Thái cũng thường gây ấn tượng bởi những cái tên không ra tên. Tác giả làm “giấy khai sinh cho họ bằng nhiều hình thức: gắn với nghề nghiệp, địa vị, chức tước: ông giám đốc, bà viện phó, ông viện trưởng… Vật chất hóa tên gọi con người: Chín triệu, Ba triệu, Hai triệu… Các nhân vật được số hóa, kí hiệu hóa cũng thường xuyên xuất hiện: ông Số Một, bà Số Hai, cô Nhất…..Bằng cách xóa
bỏ - mờ hóa nhân vật, các nhân vật trong tác phẩm xuất hiện đột ngột, không xuất xứ, như vô tình bị ném ra giữa cuộc đời. Cách định danh như vậy làm cho con người có
làm nên chân giá trị của mỗi cá thể như quan niệm về thế giới và con người trong văn chương truyền thống. Với thủ pháp này, người đọc buộc phải tiếp xúc với hình tượng
từ điểm nhìn bên ngoài. Nhân vật dường như chỉ là cái bóng của hiện thực, là những gương mặt tượng trưng cho một loại người trong xã hội…. Ở họ luôn tiềm tàng một nỗi cô đơn, lạc loài, tâm trạng hoài nghi trước cuộc sống, mất khả năng giao tiếp, khó hòa hợp với thế giới xung quanh.