Vị thế lịch sử của Hà Nội

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp (1954-1960) (Trang 22 - 25)

CHƯƠNG 1: ĐẢNG BỘ HÀ NỘI LÃNH ĐẠO KHÔI PHỤC SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP (1954 - 1957)

1.1. Vài nét về điều kiện tự nhiên, dân cƣ sau khi hòa bình lập lại

1.1.2. Vị thế lịch sử của Hà Nội

Từ thời dựng nước, Hà Nội đã là kinh đô nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương. Với địa hình và vị trí thuận lợi, nơi đây dần dần được xây dựng và mở mang thành một điểm dân cư trù phú. Có nhiều giai đoạn, Đại La được chọn là thủ phủ của quận Giao Chỉ. Năm 1010 Hà Nội được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như “rồng bay lên”. Qua các triều đại Lý, Trần,

Lê, Hà Nội đã phát triển thành một kinh thành hùng mạnh. Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của cả nước. Đạo Phật, đạo Nho phát triển mạnh mẽ. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập ở đây. Ngành thủ công, văn hoá dân gian rất phát triển. Trong gần 1000 năm, Thăng Long, Đông Kinh, Hà Nội hay nói nôm na hơn là Kẻ Chợ theo cách gọi của dân gian luôn là “mảnh đất thiêng”, trái tim của cả nước: “Kẻ Chợ vẫn là một thành phố đứng đầu cả nước về nghệ thuật, công nghiệp, sự phong phú về dân số, sự lịch thiệp, văn hoá. Phải nói rằng trong cả nước không đâu công nghiệp bằng Kẻ Chợ...Chính đây là nơi tập trung nhiều nhà tri thức, những người thợ giỏi và những nhà buôn lớn”[103, tr 8]. Có thể khẳng định, ngay từ rất sớm, Hà Nội đã trở thành trung tâm của cả nước trên nhiều mặt. Không chỉ là trung tâm về chính trị, yếu tố kinh tế đô thị đã phát triển ở đây từ rất sớm. Sự phát triển kinh tế đô thị với nhiều ngành nghề: nông

nghiệp, thủ công nghiệp, trao đổi mua bán hàng hoá trong đó nổi bật là những hoạt động công - thương nghiệp kết hợp với vị thế đặc biệt về chính trị, văn hoá là yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố này.

Có thể thấy, yếu tố kinh tế đô thi, trong đó nổi bật là sự phát triển của công - thương nghiệp cùng với sự tồn tại của tầng lớp thị dân là nét nổi bật của Thăng Long - Hà Nội.

Sự phát triển của kinh tế công - thương nghiệp trong lịch sử, nó không phủ nhận sự phát triển của một nền kinh tế nông nghiệp mà trái lại nó cũng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá từ rất sớm ở đây. Đây là yếu tố chính tăng cường sự ràng buộc của thành thị và nông thôn trong lịch sử. Từ rất sớm, những vùng đất phía Bắc, phía Tây

và Tây Nam thành dân cư đã trồng lúa và hình thành những vùng chuyên canh đặc sản cung cấp cho đô thị. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy kinh tế nông

thôn và sản xuất nông nghiệp không có vị thế lớn trong truyền thống của nền kinh tế Thăng Long, sự tồn tại của nó nhỏ bé, manh mún, có sự đan xen giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp, mang tính chất trao đổi hàng hoá.

Nằm ở trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội là nơi hội tụ của những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nơi hội nguồn của những con sông lớn, đất đai bằng phẳng màu mỡ, được bồi đắp phù sa hàng năm, khí hậu ôn hoà, lại có sự phân mùa rõ rệt. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển thành vùng nông nghiệp trù phú với các loại giống cây trồng đa dạng, phong phú cho năng suất cao, khả năng thâm canh, tăng vụ lớn. Giao thông thuận lợi cả đường thủy và đường bộ, nhất là đường thuỷ trên sông Hồng và một số sông khác. Chính vì thế từ rất sớm trong lịch sử, Hà Nội có sự giao lưu

mở rộng với nhiều vùng trong cả nước.

Những điều kiện thuận lợi về tự nhiên thúc đẩy sự phát triển của kinh tế- xã hội. Dân cư tập trung đông đúc, kinh tế phát triển với nhiều ngành nghề

thủ công nghiệp và thương nghiệp. Thăng Long - Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế - chính trị của nhiều thời đại.

Cách mạng tháng Tám thành công, ở Hà Nội chính quyền thuộc về tay nhân dân, nhân dân thủ đô thoát khỏi ách thống trị hàng ngàn năm của đế quốc và phong kiến. Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ

Cộng hoà, là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương.

Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược miền Bắc lần thứ hai, Trung ương Đảng và Chính phủ phải rút lên căn cứ địa Việt Bắc. Hà Nội bị chiếm đóng,

bị biến thành khu quân sự, chính trị, văn hoá của thực dân Pháp. Ở ngoại thành, kết hợp với địa chủ và bọn phản cách mạng, thực dân Pháp ra sức xây dựng chính quyền phản động đàn áp, chống phá phong trào kháng chiến của nhân dân. Tuy nằm trong lòng địch nhưng phong trào kháng chiến của nhân dân Hà Nội vẫn phát triển rất mạnh mẽ. Ngoại thành luôn là bàn đạp, cơ sở kháng chiến cho nội thành.

Cùng với sự kiện giải phóng hoàn toàn miền Bắc và việc tiếp quản các vùng thành thị, ngày 10/10/1954 Hà Nội đã được hoàn toàn giải phóng, nhân dân thủ đô Hà Nội đã thực sự thoát khỏi ách thống trị lần thứ hai của đế quốc Pháp.

Bước chuyển đó đòi hỏi Đảng bộ Hà Nội phải nắm vững tình hình của thành phố sau giải phóng để cải tạo và phát triển với những bước đi thích hợp;

phát huy được thế mạnh, tiềm năng của thành phố, đạt hiệu quả thiết thực, làm cho thủ đô xứng đáng với vị trí trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của

cả nước, đầu não của căn cứ địa cách mạng Miền Bắc, cùng cả nước đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất tổ quốc.

Trong những ngày hòa bình đầu tiên, với khí thế hồ hởi, phấn khởi của người chiến thắng, nhân dân Hà Nội bắt tay ngay vào việc ổn định đời sống nhân dân, khôi phục kinh tế.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp (1954-1960) (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)