CHƯƠNG 1: ĐẢNG BỘ HÀ NỘI LÃNH ĐẠO KHÔI PHỤC SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP (1954 - 1957)
1.3. Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp (1954 - 1957)…
1.3.1 Đường lối, chính sách khôi phục sản xuất nông nghiệp, cải cách ruộng đất của Đảng và Chính phủ (1954-1957)
Sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc bắt tay vào khôi phục kinh tế trong điều kiện hết sức gay gắt của một xã hội vốn là thuộc địa vừa trải qua chiến tranh tàn phá nặng nề. Nông nghiệp, ngành sản xuất chủ yếu bị thiệt hại nặng
nề. Trong bối cảnh đó, tháng 9/1954 Bộ chính trị đã ra nghị quyết “Về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”, lần đầu tiên bàn cụ thể
về phục hồi nền kinh tế quốc dân và chính sách kinh tế miền Bắc sau hòa bình lập lại. Nghị quyết khẳng định, miền Bắc phải có thời gian nhất định để phục hồi nền kinh tế, trong thời kỳ này, phục hồi nền kinh tế quốc dân lên đến mức trước chiến tranh, làm cơ sở cho tiếp tục nâng cao và phát triển sản xuất.
Nghị quyết xác định phục hồi nền kinh tế quốc dân, trước hết cần nắm vững việc phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, đó là khâu then chốt,
là “cơ sở của việc cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo lương thực cho nhân
dân, phồn thịnh kinh tế, mở rộng việc giao lưu hàng hóa”. Đồng thời, phải
tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh CCRĐ để tạo điều kiện cơ bản cho phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp.
Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng khóa II (tháng 3/1955) đã thảo luận về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Ba vấn đề lớn thuộc về củng cố miền Bắc được Hội nghị kết luận là: tiếp tục CCRĐ; xây dựng quân đội nhân dân và củng cố quốc phòng; Khôi phục kinh tế cần tiến hành theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị (9/1954), nhưng nhấn mạnh phục hồi và nâng cao sản xuất nông nghiệp là đầu mối để khôi phục kinh tế, trong
đó phục hồi và nâng cao sản xuất lương thực là chính. Vấn đề phòng đói, cứu đói “là vấn đề dân sinh quan trọng và cấp bách” cần tập trung lãnh đạo và
kết hợp với lãnh đạo sản xuất.
Tháng 8 năm 1955, Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc. Hội nghị cũng chỉ rõ thời hạn trong vòng hai năm khôi phục kinh tế, căn bản đưa nền sản xuất lên ngang mức trước chiến tranh (mức năm 1939). Về phương châm khôi phục kinh tế, Đảng chỉ rõ
khôi phục kinh tế nhằm hàn gắn những vết thương chiến tranh là chính, nhưng đồng thời phát triển ở mức độ nhất định. Mọi công tác kinh tế phải góp phần vào việc củng cố miền Bắc, đồng thời phải chiếu cố miền Nam một cách thích đáng. Khôi phục kinh tế nhằm phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp là chính, là đầu mối cho mọi lĩnh vực khôi phục. Một trong những điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao là nêu cao quyết tâm hoàn thành cải cách ruộng đất, đây là nhiệm vụ cần thiết để đẩy mạnh khôi phục và phát triển nông nghiệp, tăng sức mua cho nông dân, mở rộng thị trường nội địa, tạo điều kiện tốt cho phát triển công thương nghiệp.
Đến tháng 10/1956, trên cơ sở đánh giá những thành quả đạt được trong quá trình khôi phục nền kinh tế nông nghiệp nói riêng và khôi phục và phát triển nền kinh tế miền Bắc, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương đã chủ trương tiếp tục khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc.
Chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp miền Bắc thể hiện nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế nông nghiệp trong toàn
bộ nền kinh tế quốc dân, thể hiện quyết tâm của Đảng và nhân dân ta trong hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, chuẩn bị điều kiện cần thiết để kiến thiết Miền Bắc theo kế hoạch, xây dựng Miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Để thực hiện thắng lợi chủ trương khôi phục kinh tế nông nghiệp đã được hoạch định, Đảng chỉ đạo thực hiện khôi phục toàn diện nền kinh tế
nông nghiệp miền Bắc nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh tiến độ và hiệu quả khôi phục kinh tế trên những lĩnh vực chủ yếu sau:
* Tiếp tục mở rộng CCRĐ tạo điều kiện đẩy mạnh nhiệm vụ khôi phục kinh tế nông nghiệp
Như trên đã khẳng định, nhiệm vụ CCRĐ là nhiệm vụ then chốt trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ này nhằm xóa bỏ hoàn toàn chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân lao động, đưa người nông dân lên làm chủ sỡ hữu tư liệu sản xuất của mình, làm chủ sản xuất, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi hền kinh tế nông nghiệp.
Nghị quyết Bộ chính trị tháng 9/1954 đã khẳng định chia ruộng đất cho nông dân, xóa bỏ sở hữu ruộng đất địa chủ là nhiệm vụ bất di bất dịch của ta và là điều kiện căn bản để phục hồi và phát triển kinh tế.
Căn cứ vào Nghị quyết của Bộ chính trị, Ủy ban CCRĐ đã ra nghị quyết “Đẩy mạnh phát động quần chúng thực hiện CCRĐ”. Hội đồng chính phủ thông qua bản Nghị quyết nhấn mạnh những điểm sửa đổi và bổ sung chủ yếu trong khi tiến hành CCRĐ.
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 3/1955) Quốc hội đã thông qua nghị quyết tán thành một số bổ sung của Chính phủ về CCRĐ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai CCRĐ trên quy mô lớn ở miền Bắc trong điều kiện mới.
Những điểm bổ sung là: dùng hình thức tòa án thay cho cuộc đấu tranh của nông dân; thu hẹp diện trưng thu, mở rộng diện trưng mua, quy định việc hiến ruộng; chiếu cố những địa chủ kháng chiến và gia đình địa chủ có con em là
bộ đội, cán bộ công chức cách mạng, chiếu cố đến các nhà công thương kiêm địa chủ và những người tu hành. [95, tr.33]
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 mở rộng (tháng 3/1955),
đã tiếp tục khẳng định một trong những nhiệm vụ chung của Đảng là “ra sức hoàn thành CCRĐ”.
Trước hết cần phải hoàn thành CCRĐ ở miền Bắc, cụ thể là năm nay phải đẩy mạnh phát động quần chúng hoàn thành giảm tô và mở rộng CCRĐ, đảm bảo sang năm hoàn thành CCRĐ trước tháng 7. Nghị quyết đặt ra vấn đề:
thống nhất tư tưởng, tập trung cán bộ, sửa đổi bổ sung những điểm cần thiết vào chính sách CCRĐ, và vấn đề khắc phục những tư tưởng tả khuynh và hữu
khuynh trong phong trào. [84, tr 210]
Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Hội nghị Trung ương lần thứ 7
mở rộng (tháng 3/1955) cũng nhấn mạnh tác dụng toàn diện của CCRĐ ở miền Bắc về kinh tế và chính trị.
Về kinh tế: CCRĐ tạo điều kiện căn bản để khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng công nghiệp, đẩy mạnh thương nghiệp. CCRĐ
là cải thiện dân sinh trước tiên cho nông dân.
Về chính trị, CCRĐ là củng cố nông thôn vững chắc, nền tảng của chính quyền dân chủ cộng hoà, có CCRĐ thì mới thực sự có dân chủ [84, tr 298].
Kết hợp với CCRĐ, Trung ương Đảng cũng chủ trương, chỉ đạo tiến hành chỉnh đốn chi bộ ở vùng mới giải phóng.
Tháng 7/1956 đợt 5 - đợt cuối cùng của CCRĐ kết thúc. Cuộc CCRĐ
đã giành được những thắng lợi nhất định trong việc đập tan uy thế kinh tế, chính trị của giai cấp địa chủ và đem lại quyền lợi thiết thực về ruộng đất cho nông dân. Tuy nhiên, cũng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo và thực hiện.
Những sai lầm trong quá trình tiến hành CCRĐ đã sớm được Trung ương Đảng nhận ra và quyết tâm sửa sai. Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ vạch rõ những thắng lợi và sai lầm trong CCRĐ. Tháng 9 năm 1956 Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận kỹ và kết luận những thắng lợi và sai lầm của CCRĐ. Bên cạnh những thành quả đạt được, thì Hội nghị Trung
ương Đảng đã khẳng định, CCRĐ cũng đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, gây tổn thất lớn và làm hạn chế nhất định những thắng lợi của CCRĐ.
Hội nghị Trung ương 10 đã nhận định:
Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những hạn chế những thắng lợi đã thu được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở của Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách mặt trận của Đảng ở nông thôn cũng như thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân nhân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấy tranh để thực hiện thống nhất nước nhà. [85, tr 540]
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ và phương châm sửa chữa sai lầm trong CCRĐ. Nhiệm vụ là:
Kiên quyết sửa chữa sai lầm trong CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ
đó, thì dựa trên đường lối nông thôn của Đảng, dựa trên tinh thần tin tưởng
và truyền thống đoàn kết của Đảng và của nhân dân ta; thi hành đúng chính sách cụ thể sửa chữa sai lầm, nhằm đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi, để đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt công tác CCRĐ và trên cơ sở đó đẩy mạnh công cuộc củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà [85, tr 539- 540].
Hội nghị cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể, nội dung và các bước tiến hành sửa sai trong CCRĐ. Toàn bộ công tác sửa sai được đặt dưới sự lãnh đạo
thống nhất của các cấp ủy Đảng và Ủy ban Hành chính các cấp phụ trách, sự tham gia của các đoàn thể quần chúng.
*Nhiệm vụ khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp 1954-1957
Trên cơ sở những đường lối, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra những Chỉ thị, Thông tri giải quyết cụ thể những vấn đề phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tháng 11/1954, Ban Bí thư ra chỉ thị về chống đói, phục hồi sản xuất.
Đầu năm 1955, Chính phủ đã đề ra chương trình khôi phục kinh tế mà những nét lớn đã được kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 3 năm 1955) thông qua.
Quốc hội đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chung của khôi phục kinh tế là dựa vào
sức mạnh của nhân dân ta, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của các nước bạn - sức ta là chính - nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp…” [95; tr. 142]
Ngày 30/06/1955 Ban chấp hành Trung ương ra chỉ thị số 31-CT/TW
về vấn đề củng cố và phát triển phong trào đổi công, nhằm đưa nông dân đi theo con đường sản xuất có tổ chức, có lãnh đạo, coi đó là mấu chốt trong việc tổ chức và lãnh đạo sản xuất nông nghiệp. Chỉ thị đã khẳng định: “Một
trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân hiện nay là khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó, góp phần củng cố hòa bình, thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước, nhất định chúng ta phải tổ chức nông dân lại, dìu dắt họ đi vào con đường có tổ chức, có lãnh đạo” [84, tr.420].
Phương châm xây dựng tổ đổi công được đề ra: a)Củng cố và phát triển
có lãnh đạo tổ đổi công từng vụ, từng việc….b) Phổ biến có kế hoạch và có lãnh đạo tổ đổi công thường xuyên ở những nơi cơ sở đổi công từng vụ, từng việc…” dựa trên nguyên tắc: “Tự nguyện, cùng có lợi và quản trị dân chủ”
Báo cáo tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám về kinh tế - tài chính tiếp tục khẳng định phương châm của khôi phục kinh tế nông nghiệp: “Trong việc
khôi phục kinh tế, phải đặc biệt chú trọng việc khôi phục sản xuất nông nghiệp bao gồm sản xuất lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp
và ngư nghiệp; phải dựa vào khôi phục sản xuất nông nghiệp để khôi phục các ngành khác, khôi phục cả nền kinh tế quốc dân”[84, tr.536]. Trên cơ sở
khẳng định tính chất đặc biệt trong yếu của sản xuất nông nghiệp “là mấu
chốt của việc khôi phục nền kinh tế quốc dân, mấu chốt của toàn bộ công tác kinh tế tài chính của chúng ta. Sản xuất nông nghiệp liên quan đến đời sống của nông dân, tới đại đa số nhân dân nước ta…”[84, tr. 537]. Các nhiệm vụ
trong khôi phục sản xuất nông nghiệp bao gồm: Phải kết hợp chặt chẽ sản xuất nông nghiệp và CCRĐ trong mọi vấn đề sản xuất và tổ chức: đổi công và
HTX mua bán…; Trong việc khôi phục sản xuất nông nghiệp, phải chú ý đến
sự phát triển đều đặn giữa các bộ phận trong sản xuất nông nghiệp và sự phát triển ăn nhịp giữa nông nghiệp và công nghiệp…Sản xuất nông nghiệp bao gồm:
sản xuất cây lương thực, chủ yếu là lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả; chăn nuôi;
lâm nghiệp; ngư nghiệp; Phải đặc biệt chú trọng sản xuất lương thực, chủ yếu là lúa, đồng thời phải ra sức khôi phục các ngành khác một cách hợp lý.
Báo cáo cũng nêu rõ:
Sau CCRĐ phải tích cực tổ chức nông dân lại để phát triển sản xuất nông nghiệp. Phải giáo dục, giúp đỡ nông dân tự nguyện, tự giác đi vào con đường làm ăn tập thể, là con đường đem lại cho nông dân đời sống ấm no.
Phải nắm vững công tác trung tâm ở nông thôn sau CCRĐ là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lương thực, đồng thời tùy khả năng mà chăm lo đẩy mạnh các ngành khác trong nông nghiệp: cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp.[84, tr.540]
Tháng 3 năm 1957, Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ 12 đã đề ra nhiệm vụ chính của các ngành trong năm 1957, trong đó đặt ra những nhiệm
vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trong năm 1957: đẩy mạnh sản xuất lương
thực là chủ yếu, hết sức phát triển cây công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, phát triển các nghề phụ ở nông thôn, khôi phục ruộng hoang, hoàn thành
và xây dựng thêm các công trình thủy nông, củng cố đê ở những nơi xung yếu…Ra sức khôi phục và phát triển tổ đổi công, nhất là tổ đổi công thường xuyên; củng cố và phát triển HTX mua bán, HTX vay mượn, đối với HTX sản xuất nông nghiệp, phải lấy củng cố làm chính, đảm bảo thu hoạch của xã viên cao hơn thu hoạch của nông dân, cá thể… [86; tr.114-116].