CHƯƠNG 2 HIỆN THỰC XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN PHAN HÁCH
2.2. Con người trong tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách
2.2.3. Con người trong mối quan hệ với gia đình
Văn học viết về gia đình là lựa chọn của nhiều tác giả đương đại với nhu cầu đi sâu vào những biến động, mâu thuẫn nội tại cá nhân và những trăn trở về thân phận con người trước những thay đổi của cuộc sống mới. Các tác
giả tiêu biểu cho dòng đề tài này phải kể đến Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn…Cùng khai thác về những yếu tố trong gia đình, xây dựng con người trong mối quan hệ với gia đình và rộng hơn là gia tộc nhiều đời nối tiếp cũng
là đặc trưng cơ bản trong tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách. Song điểm khác biệt
là cách Nguyễn Phan Hách trở về quá khứ để tìm về với con người gia đình trong những năm tháng xưa cũ của thế kỉ XX. Từ việc khai thác thân phận của con người trong vòng xoáy lịch sử cùng mâu thuẫn đan xen chồng chéo trong gia đình, Nguyễn Phan Hách làm rõ sự giải phóng của cá nhân, bản thể của con người từng thời kì theo dòng chảy biến động không ngừng lịch sử.
Con người gia đình trong tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách luôn tồn tại những bi kịch không thể được giải quyết nếu vấn đề đó chưa đi đến tận cùng
và thường hóa giải theo vòng quay thời gian chứ không nằm ở quyết định của con người. Bi kịch của con người trong mối quan hệ với gia đình trước tiên xuất hiện từ những mâu thuẫn nội tại do khoảng cách thế hệ, sự khác biệt về
lý tưởng sống trong cùng một gia đình. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc khắc họa nhân vật, mâu thuẫn giằng xé mang tính thế hệ trong tiểu thuyết
“Mê Cung”. Bi kịch xảy ra xuất phát từ bà Đức Hạnh, một vị tướng ngoài mặt trận nhưng đồng thời cũng chính là vị tướng to nhất trong gia đình. Là con người “luôn dè bỉu các thứ nữ trang, coi son phấn là biểu tượng đĩ điếm, mốt thời trang là sự suy đồi”. Cả đời người phụ nữ ấy chỉ có “một chiếc lược gỗ, chiếc áo lõi bông, những chồng cặp ba dây đầy tài liệu chính trị, sổ tiết kiệm gửi tiền đều đặn, dù tiền mất giá hàng tuần cũng mặc”. Đến ông Huy cũng nghĩ đó là người đàn bà không biết đến trạng thái bâng khuâng thổn thức là
gì, chỉ có sự hăm hở sục sôi sắt đá, không lùi bước và quyết chiến thắng.
Không chỉ là một vị tướng tài trên mặt trận chính trị bà Đức Hạnh còn sắp đặt mọi thứ trong gia đình, lời bà nói đều là “nghị quyết” mà tất cả mọi người đều phải tuân theo từ cuộc hôn nhân với ông Huy, cho đến việc đi bộ đội của Dục cùng cuộc hôn nhân sắp đặt cho Trinh. Đó là hình ảnh của người phụ nữ đi
trước thời đại với những triết lý sống vô cùng thực tế đến mức thực dụng
“Đời là một cuộc chạy đua, ai yếu sẽ tụt lại dù lúc đầu anh xuất phát trước”
[10; tr.111]. Đức Hạnh là một người phụ nữ cương quyết, táo bạo, mạnh mẽ, luôn phải là người đi đầu trong mọi chuyện, áp đặt suy nghĩ buộc mọi người phải tuân theo nên mâu thuẫn trong gia đình cứ thế mà tăng lên theo chiều hướng không thể giải quyết.
Đại diện cho thế hệ trẻ, được tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, được ăn học tử tế như Trinh và Dục (Mê cung) là điển hình của những thanh niên ưa tự do, lãng mạn và khát khao đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân nhưng
bị chi phối bởi thời đại, lý tưởng cách mạng và truyền thống đấu tranh của dân tộc. Bi kịch thay những con người mang trong mình khát khao đổi mới, thoát khỏi cái cũ thì sinh ra trong một gia đình cách mạng, mọi thứ đều là luật
lệ. Sự khô khan, kỉ cương quá mức cùng lối tư duy cưỡng chế của bà Đức Hạnh chính là sự châm ngòi cho những mâu thuẫn thế hệ, quan điểm trong một gia đình. Bà Đức Hạnh chính là người nhận thấy nguy cơ tan vỡ gia đình của Trinh và để mà cũng chính bà đưa ra hội đồng để bàn bạc, đánh giá và kỉ luật con gái của mình “Tôi muốn con Trinh phải sống khắc khổ như tôi. Đề nghị các anh đem nó ra kiểm điểm về lối sống cá nhân, kỷ luật, hạ tầng công tác, cho xuống một công trường nào đó để bắt lao động” [10; tr. 154]. Với tư cách là một nhà cách mạng, một vị nữ tướng trên thao trường nhưng trong gia đình bà chưa phải là một người phụ nữ nhóm lửa hạnh phúc và gắn kết các thành viên gia đình. Khi bà Đức Hạnh qua đời thì tiếp đó là những mâu thuẫn của ông Quang Huy với hai người con đến mức không thể dung hòa được khiến Dục phải thốt lên rằng “Cái tội của ta và Trinh chính là phù hợp với tính cách ban đầu thủa như còn tờ giấy trắng của ông chứ. Vậy mà ông về già,
đã cố chấp, đã giận, đến nỗi bố con khó mà ngồi trò chuyện cùng nhau. Đến nỗi ta và Trinh cảm thấy mái nhà “cổ phong” ngột ngạt và nên có khoảng cách, không gian với ông”[10]. Mâu thuẫn trong gia đình không được miêu tả
kỹ lưỡng, chi tiết và cũng không có những xung đột mang tính cao trào nhưng lại luôn tồn tại âm thầm trong mối quan hệ của các thành viên gia đình khiến khoảng cách đó ngày một xa và cũng không hoàn toàn có cách giải quyết nào được tác giả đề cập đến trong toàn bộ tiểu thuyết.
Nguyên nhân của những bi kịch trong gia đình, mâu thuẫn không thể giải quyết là kết quả của những cuộc hôn nhân không tình yêu, hoặc có tình yêu nhưng vì khao khát cá nhân, sự giàu có xa hoa cùng lối suy nghĩ phương tây thực dụng đã đẩy cuộc hôn nhân đến bờ vực của sự tan vỡ. Hảo và Trinh (Mê Cung) lấy nhau bằng sự sắp đặt của người lớn, khao khát giải phóng con người mình để được tự do khiến Trinh ly dị với Hảo. Trinh đã gặp Kháng.
Tình yêu của Trinh và Kháng nảy nở giữ bối cảnh của những năm tháng cải cách, thi đua của lịch sử. Tình yêu ấy được tác giả miêu tả như vượt mọi giáo
lý thông thường. Cả vợ Kháng và chồng Trinh đều là những người làm trong
bộ máy chính quyền họ đến với một nửa bằng mục đích chính trị nên đều không hạnh phúc. Kháng và Trinh vì thế mà lao vào nhau trong một cuộc tình vụng trộm, với họ yêu và được yêu là một đặc ân cũng là niềm hạnh phúc. Giải phóng
cá nhân bắt nguồn từ sự tự do yêu đương, từ tâm hồn lãng mạn, khát vọng tự chủ của một thế hệ. Khác với Hảo và Trinh, Dục và Trà Mi đến với nhau bằng tình yêu song Trà Mi chỉ thích hưởng thụ, không muốn có con, Misen người từng được Dục thả hồi chiến tranh lại là nguyên nhân khiến vợ Dục muốn được xuất ngoại và thoát khỏi cuộc hôn nhân với người đàn ông hiền lành, chuẩn mực như Dục. Đó cũng là một trong những hiện thực của xã hội thời kỳ đổi mới khi con người luôn khát khao những giá trị về mặt vật chất mà bỏ qua đi những khuôn
phép và nét đẹp truyền thống của người Việt xưa. Vật chất trở thành yếu tố quyết định và chi phối nhiều vấn đề xung quanh.
Con người được nhìn nhận trong mối quan hệ với gia tộc dưới nhiều trạng thái khác nhau, có bi kịch cá nhân trong mối quan hệ với gia đình đơn thuần và cũng có những bi kịch gắn cá nhân trong gia đình với sự biến đổi của
xã hội. Tiểu thuyết “Cuồng phong” đặc biệt là sự kết hợp thân phận của con người đứng giữa vòng quay gia đình và bi kịch từ xã hội mang lại. Bốn thế hệ trong gia đình chính là vòng xoáy nghiệt ngã của những định mệnh. Cụ tổ Cả
Cồ là một trong những nhân vật anh hùng được Nguyễn Phan Hách dụng công miêu tả, bị chính bố vợ của mình tố cáo với quân triều đình dẫn đến cái chết đầy thương tâm dù trước đó hết lòng tin tưởng là mở đầu cho chuỗi những bi kịch của cả một gia tộc trước cơn biến thiên của thời đại. Cụ Nghè Nguyên là thế hệ tiếp theo, con trai độc đinh của Cả Cồ từ nhỏ theo đạo thánh hiền đã mang trong mình tinh thần yêu nước, khao khát đổi mới nhưng cũng sớm bị giặc Pháp để ý, bắt đi đày Côn Đảo, rồi chết trên biến. Đến thế hệ của Đức Hàm – Đức Vĩnh – Lan Viên, ba anh em luẩn quẩn trong vòng xoáy mâu thuẫn tình cảm và cơn bão táp lịch sử dữ dội nhất. Bi kịch trong gia đình Thạch Gia Trang bắt nguồn từ sự phân chia trái tuyến đối lập giữa Đức Hàm
và Đức Vĩnh. Trong khi Đức Hàm đi theo tiếng gọi lý tưởng của cách mạng, Đức Vĩnh lại đứng trong hàng ngũ của giai cấp đối kháng phản cách mạng. Bi kịch đẩy hai anh em vào những vòng xoáy đầy hà khắc của lịch sử, họ xa nhau nhiều năm cho đến khi chiến tranh kết thúc mới có cơ hội gặp lại. Người chứng kiến cảnh tượng ly tán đầy đau lòng này là bà Nghè. Bà nhận thức rõ được bi kịch trong chính gia đình mình, nhưng không có cách nào khác để cứu vãn. Tiếp nối với Đức Hàm và Đức Vĩnh là Lữ, Trung, bi kịch của cả hai nằm trong những thách thức mang tính thời đại. Trong khi Trung làm giàu trên mảnh đất quê hương nhưng chạy theo đồng tiền để rồi cuối cùng phải trả giá bằng mạng sống do thế giới “ảo” của đồng tiền vỡ tan. Lữ bên Mỹ thì chết bất ngờ trong cuộc tập kích của thế lực khủng bố vào tòa tháp đôi của Mỹ ngày 11-9. Cái chết của Trung và Lữ khép lại một hành trình đầy bi kịch của bốn thế hệ trong cơn bão khắc nghiệt của lịch sử.
Có thể thấy kết thúc chuỗi những bi kịch từ gia đình và xã hội, con người dần nhận ra được những giá trị đích thực của cuộc sống, những sai lầm
của cá nhân và có những định hướng cho tương lai. Tuy nhiên, cũng có những người phải trả giá bằng cái chết mới nhận ra được sự chân chính của đời sống.
Dù kết thúc như thế nào thì Nguyễn Phan Hách cũng luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp của đời sống bằng một cái nhìn lạc quan, phấn chấn.
Tiểu kết chương 2
Bức tranh hiện thực xã hội và con người được khắc họa thông qua ba cuốn tiểu thuyết “Cuồng phong”, “Mê cung”, “Người đàn bà buồn”. Xây dựng khoảng thời gian hiện thực của người lính trên chiến trường ở miền Nam và công cuộc xây dựng chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc, Nguyễn
Phan Hách tạo nên một bức tranh hào hùng, sôi nổi cũng đầy đau thương.
Không chỉ khắc họa hiện thực chiến tranh mà hiện thực thời kì hậu chiến cũng hiện lên với những biến đổi khôn lường. Tất cả được miêu tả đầy đủ, trọn vẹn với những âm hưởng đau thương nhưng đầy tự hào.
Qua lối tường thuật, bám sát những sự kiện xảy ra của lịch sử, cùng cảm nhận tinh tế, mẫn cảm, tiểu thuyết của Nguyễn Phan Hách đã xây dựng hình ảnh con người trong cuộc chiến trên những phương diện: người mang vận mệnh lịch sử, con người trong sự lựa chọn bắt buộc và con người trong mối quan hệ gia tộc. Khắc họa hình ảnh của con người, tác giả đã làm nổi bật được bối cảnh xã hội và thân phận cá nhân đặc biệt trong cơn cuồng phong bão táp của lịch sử.