Đa dạng kết cấu

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách (Trang 66 - 74)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN PHAN HÁCH

3.1. Đặc điểm thể loại

3.1.1. Đa dạng kết cấu

Mỗi tác phẩm văn học là một hiện tượng thẩm mĩ có tính chỉnh thể và toàn vẹn. Để tạo nên tính chỉnh thể, toàn vẹn đó, kết cấu là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất. Trong cuốn sách “Lý luận văn học” do Hà Minh Đức chủ biên đã định nghĩa: “Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo chiều hướng tư tưởng nhất định” [8; tr.179]. Nhìn chung, các hình thức kết cấu của tác phẩm là một hiện tượng của đời sống văn học. Khi sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật, nhà văn thường chọn cho mình một hình thức kết cấu phù hợp nhất để biểu hiện sao cho có hiệu quả cao nhất chủ đề - tư tưởng của tác phẩm. Những kiểu kết cấu thường gặp trong tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách phải kể đến: Kết cấu song tuyến, kết cấu đa tuyến; kết cấu lắp ghép.

3.1.1.1. Kết cấu song tuyến

Với các tác phẩm có kiểu kết cấu song tuyến, chủ đề - tư tưởng của tác phẩm được bộc lộ rõ rệt qua sự so sánh, đối chiếu giữa hai tuyến nhân vật phát triển song song với tính chất hoặc đối lập nhau, hoặc hỗ trợ nhau. Ở trường hợp thứ nhất, hai tuyến nhân vật thường đại diện cho hai lực lượng đối kháng của xã hội; một bên là thiện, là chính nghĩa, một bên là ác, là phi nghĩa.

Ở trường hợp thứ hai là sự khác biệt giữa hai tuyến nhân vật phát triển song song, chỉ có tác dụng đối chiếu lẫn nhau.

Kết cấu song tuyến được thể hiện rất nhiều trong cả ba tiểu thuyết

Cuồng phong”, “Mê cung”, “Người đàn bà buồn”. Xây dựng nên tuyến

nhân vật đối lập Nguyễn Phan Hách cho thấy một góc nhìn rộng với những sự sắp xếp hệ thống nhân vật đặc biệt. Điểm dễ dàng có thể nhận thấy là tiểu thuyết có sự tồn tại của nhân vật đối lập nhau nhưng vẫn hỗ trợ nhau để cùng vượt qua được hoàn cảnh. Trong tiểu thuyết “Mê cung”, đó là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa Dục, một chiến sĩ cộng sản tham gia giải phóng miền Nam,

và Misen một lính Mỹ và nằm trong kế hoạch biến miền Nam trở thành thuộc địa của Mỹ. Dục lạc trong cánh rừng Tây Nguyên, chỉ một mình, không hề có đồng đội. Trước ranh giới của sự sống và cái chết, Dục đếm từng thời gian, khoảnh khắc khó khăn trong nỗi thất vọng. Chiếc trực thăng HU IA của Misen phát hiện ra Dục khi anh đang ngẩn ngơ giữa cánh đồng cỏ giữa rừng

khi Dục sung sướng tưởng đã thoát khỏi vòng vây. Giống như nhìn thấy con mồi Misen rượt đuổi Dục. Nhưng thời thế thay đổi Misen bị bắn hạ và trở thành tù binh của Dục. Đặt hai tuyến nhân vật trái ngược ở trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng Nguyễn Phan Hách không có ý định lựa chọn để xem ai phải sống, người nào đáng chết. Bởi cả Misen và Dục đều là những thanh niên trí thức đương thời và bản thân họ cũng căm ghét cuộc chiến vô nghĩa này.

Họ đã quyết định giúp đỡ nhau trải qua cơn mưa điôxin trong khu rừng già và giải phóng nhau trong âm thầm khi cuộc chiến ác liệt đối chọi nhau vẫn đang diễn ra. Trong bi kịch họ tìm cách để hỗ trợ nhau thoát khỏi cơn hiểm nghèo bất chấp những khác biệt từ nhiều phía.

Nếu như trong tiểu thuyết “Mê cung”, cuộc gặp gỡ giữa Misen - Dục là một cuộc gặp gỡ đầy ngẫu nhiên giữa cuộc đụng độ trực tiếp của hai thế lực tưởng như không thể dung hòa thì trong “Người đàn bà buồn”, hệ thống nhân vật song song cùng tồn tại như Quân - Kiểm được xây dựng là những con người có mối quan hệ quen biết nhau. Họ là những người bạn đồng niên, cùng trưởng thành và yêu cùng một cô gái con ông quan Nghè huyện - Mỹ Dung.

Cuộc đời đưa đẩy họ thành hai người đàn ông ở hai vị trí trái tuyến khác biệt cùng song song tồn tại. Trong khi Quân là một vị chỉ huy uy tín, xông xáo

trên mặt trận giải phóng, thì Kiểm lại là một người có vai trò quan trọng trong chế độ miền Nam cộng hòa. Cuộc đời họ là hai đường thẳng song song kể từ

khi chia tay nhau sau cách mạng tháng Tám thành công. Mỗi người có một cuộc đời với những biến cố và vấp ngã riêng. Câu chuyện khép lại khi tất cả đều nhận ra được giá trị thật của cuộc sống, ai là người thắng, kẻ thua đã không còn quan trọng. Bởi họ đã đi hết chiều dài của lịch sử bằng trải nghiệm của chính bản thân mình. Xây dựng hai nhân vật này, Nguyễn Phan Hách

thành công trong việc tạo nên kết cấu nhân vật song song cùng tồn tại nhưng chỉ với chức năng đối chiếu. Đồng thời thông qua điểm nhìn khác nhau của từ phía nhân vật, tác giả muốn gửi gắm để cái nhìn đa chiều, khách quan nhất về

xã hội chứa đựng hai chế độ cùng lúc tồn tại.

Cùng là xây dựng kết cấu với tuyến nhân vật song song nhưng trong tiểu thuyết “Cuồng phong” có điểm đặc biệt hơn cuộc gặp gỡ Misen - Dục hay mối quan hệ tình bạn của Quân - Kiểm. Đó chính là đối chiến giai cấp xảy ra từ trong cùng một gia đình. Thế hệ xung đột chính là Đức Hàm - Đức Vĩnh. Cả hai đều có những lý tưởng của riêng mình từ khi còn rất trẻ. Trong khi Đức Vĩnh luôn trung thành với chế độ khoa cử xưa, đã từng ra làm quan cho Pháp, khi cách mạng thành công, ông quan tri huyện Đức Vĩnh khúm núm khăn áo chỉnh tề ra đầu hàng cách mạng. Rồi với cái đầu nhìn xa trông rộng như Đức Vĩnh vẫn hằng tự hào, ông tìm cách vào Nam, tham gia vào chế

độ miền Nam Cộng hòa. Đức Hàm thì khác, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã tích cực tham gia biểu tình cách mạng, dùng tiếng Pháp viết bài tố cáo tội ác của chúng rồi bị đuổi học. Đức Hàm là nhân tố tiểu biểu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, hậu phương vững chắc trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền bắc qua cả cuộc cải cách ruộng đất và hợp tác xã nông nghiệp. Hai anh em không trực tiếp đối đầu nhau nhưng họ nằm ở hai phe khác biệt, họ soi chiếu vào nhau để thấy được sự khắc nghiệt của cuộc chiến khi anh em, gia đình ly tán, mỗi người một

phương, thậm chí trở thành kẻ thù của nhau. Sự xuất hiện của người này trong cuộc đời của người khác khiến cho chế độ nghi ngờ và dẫn thành một bản lý lịch không trong sạch. Nhưng điểm chung sau cùng họ đều trở thành nạn nhân của lịch sử. Cuộc chiến kết thúc, sự đối kháng giữa hai phe không còn, Đức Hàm và Đức Vĩnh tìm lại thấy nhau và coi hành trình đã qua là những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời của mỗi người, để từ đó họ nhìn nhận lại hành trình

đã trải qua dưới con mắt thấu suốt hơn.

Xây dựng kết cấu song tuyến, Nguyễn Phan Hách cho thấy cái nhìn đa chiều để từ đó độc giả đối chiếu được vấn đề trên nhiều bình diện khác nhau.

Bởi nhân vật trong tác phẩm không chỉ là những con người bình thường, mà

còn là con người của lịch sử, sự tồn tại của họ là phương tiện để Nguyễn Phan Hách mở rộng vấn đề hiện thực đến với người đọc và tổng quát vấn đề theo một định hướng riêng.

3.1.1.2. Kết cấu đa tuyến

Trong những bộ tiểu thuyết lớn, để khái quát về một bức tranh xã hội rộng lớn gồm nhiều hạng người, nhiều mối quan hệ đan xen nhau, khai thác nhiều mặt khác nhau của đời sống, các nhà văn thường sử dụng hình thức kết cấu theo tuyến nhân vật. Trong những tác phẩm này, nhà văn tổ chức các nhân vật theo các tuyến dựa trên những mối quan hệ về gia đình, nghề nghiệp, giai cấp. Kết cấu đa tuyến thường thấy trong những tác phẩm mang âm hưởng sử thi như các bộ tiểu thuyết “Sông Ðông êm đềm của” Sôlôkhôp; “Vỡ bờ” của Nguyễn Ðình Thi, “Cửa biển” của Nguyên Hồng... sử dụng lối kết cấu này.

Với tham vọng khắc họa một cách tương đối đầy đủ những sự kiện quan trọng của lịch sử Việt Nam thế kỉ XX, Nguyễn Phan Hách thường xây dựng trong tiểu thuyết một gia tộc với hệ thống nhân vật đa dạng, phong phú cùng các mối quan hệ chồng chéo, đan cài lẫn nhau. Tất cả tạo nên sức hút cho toàn bộ các tác phẩm. Các tuyến nhân vật trong các sáng tác của Nguyễn Phan Hách thường đại diện cho một giai đoạn đã qua của dân tộc. Trước tiên

là tầng lớp nho học, lớp quan cuối cùng thường xuất hiện với những tư tưởng đổi mới hợp thời đại và có những đóng góp quan trọng cho cách mạng như ông cụ Án Trại Sơn (Người đàn bà buồn), cụ nghè Nguyễn Đức Nguyên (Cuồng phong) nhưng cuối cùng đều phải nhận cái chết đầy bất hạnh, người treo cổ do uất ức bị dồn đến đường cùng trong phong trào cải cách ruộng đất, người thì chết không thấy xác ngoài Côn Đảo. Tiếp theo là tuyến nhân vật đại

diện cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ phải kể đến như Đức Hàm, Hùng, Phong, Trung, Viết Thiều (Cuồng phong); ông Quang Huy, bà Đức Hạnh, Dục, Hảo (Mê cung); Văn, Quân, (Người đàn bà

buồn). Và những con người ở phe đối lập như Đức Vĩnh, Vũ San, Lữ (Cuồng phong), Kiểm (Người đàn bà buồn), Misen (Mê Cung). Họ đều là những con

người hoạt động mạnh trên chiến trường nhưng dù theo chế độ nào cuộc đời

họ luôn gắn liền với chuyển động của lịch sử.

Đi cùng với tuyến nhân vật tham gia phong trào đấu tranh trên mặt trận chính trị thì ở hậu phương tuyến nhân vật khác trong xã hội cũng góp phần

mở rộng không gian của tác phẩm và chi phối tình cảm của người lính trên chiến trường. Đó là tuyến nhân vật như Lan Viên, bà nghè Vũ Thị Ngần, Huệ (Cuồng phong), Mỹ Dung, Tâm (Người đàn bà buồn); Noen (Mê cung). Và những nhân vật bần cố dưới đáy xã hội như Chuột, Phó Cối, Gái Nhỡ (Cuồng

phong), Nục (Người đàn bà buồn). Sự xuất hiện của tầng lớp bần cố này đóng

vai trò quan trọng và quyết định trong phong trào cải cách ruộng đất. Điển hình sinh động cho sự đan cài những mâu thuẫn bi kịch bắt nguồn từ cả cách ruộng của các tuyến nhân vật phải kể đến những nỗ lực sống và tồn tại của bà Nghè và Lan Viên từ sau cuộc đấu tố địa chủ đầy bất hạnh; Cuộc đời những bước thăng trầm và cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Mỹ Dung cùng Quân và Kiểm trong tiểu thuyết Người đàn bà buồn. Tất cả đều là những quá trình dài với nhiều sự kiện được lồng ghép với nhau với những biến cố liên tiếp, dồn dập.

Một tuyến nhân vật cuối cùng được đề cập đến trong tiểu thuyết của Nguyễn Phan Hách chính là những con người giai đoạn hiện đại như Trung,

Yến, Viết Thiều (Cuồng phong), Trinh, Dục (Mê Cung)…Họ là sản phẩm của thời đại mới với những giá trị đổi thay lên ngôi. Các tuyến nhân vật được đặt trong hoàn cảnh không gian mới với những vấn đề mang tính chất thời đại.

Không còn chiến tranh, khói súng nhưng sự tranh chấp về các giá trị mang tính chất lợi nhuận thậm chí cũng không kém gì sự ác liệt trên chiến trận. Họ buộc phải loại bỏ nhau để mang lại lợi ích cho bản thân. Tiền bạc và vật chất trở thành kim chỉ nam sống cho nhiều người. Mọi giá trị đời sống, khuôn phép thông thường của xã hội cũng đảo lộn do đồng tiền gây ra.

Kết cấu đa tuyến trong thuyết đã gắn kết những sự kiện, biến cố, tình tiết để tạo nên mảng màu sắc riêng cho tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách. Đồng thời nó còn bám sát hành trình vận động của mỗi tuyến nhân vật góp phần làm nổi bật được sắc thái riêng trong sự vận động tính cách của con người. Kết cấu

đa tuyến trong sự đa dạng của nhân vật phần nào thể hiện được khát vọng sử thi hóa mà Nguyễn Phan Hách luôn muốn hướng tới và khao khát thể hiện.

3.1.1.3. Kết cấu lắp ghép

Với phương thức kết cấu lắp ghép, trong một truyện, tác giả tái hiện những sự kiện ở những thời điểm, những không gian khác nhau, mỗi sự kiện vừa có tính độc lập tương đối, vừa quan hệ với nhau, bổ sung, hỗ trợ nhau để tạo nên tính chỉnh thể, thống nhất cho tác phẩm. Kết cấu truyện không diễn ra theo mạch tự nhiên như việc nào xảy ra trước thì nói trước, việc nào xảy ra sau thì nói sau mà giữa chúng có thể xảy ra những ngắt quãng, đứt gãy về mặt thời gian và sự dịch chuyển của không gian. Người kể chuyện là người sâu chuỗi những tình tiết sự kiện phi tuyến tính, phi nhân quả ấy, kể lại cho độc giả theo mạch liên kết mà thường sau khi đọc xong tác phẩm, người đọc mới

lý giải và phân tích được. Ở phương thức kết cấu này, mạch truyện thường được phân làm những mảnh nhỏ, rời rạc hay nói cách khác chúng được gắn kết với nhau từ những mảnh vụn để tạo nên một chỉnh thể câu chuyện. Những mảnh vỡ của hiện thực được tái hiện trong những câu chuyện nhỏ trong tác

phẩm qua những điểm nhìn khác nhau, với giọng điệu khác nhau của các nhân vật đã tạo nên những ấn tượng đa chiều về thế giới. Các tác phẩm tiêu biểu cho kết cấu lắp ghép của văn xuôi đương đại phải kể đến: “Thiên thần sám

hối” của Tạ Duy Anh, “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương, “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng, “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của Y Ban…

Cả ba tiểu thuyết “Cuồng phong”, “Mê cung”, “Người đàn bà buồn”

đều mang kết cấu lắp ghép với sự đảo lộn về trật tự thời gian và chứa đựng trong mỗi một câu chuyện lớn là mảnh chuyện những cuộc đời nhỏ của nhân vật trong gia đình hoặc gia tộc lớn. Tiêu biểu nhất phải kể đến tiểu thuyết

Cuồng phong”, người kể chuyện ở đây chính là ba nhân vật Thiều, Lữ, Yến,

họ đóng vai trò là người làm phim để dựng lên kí sự gia tộc cũng là người kể lại câu chuyện gia đình mình. Câu chuyện được chia làm 30 chương, mỗi phần gồm một đoạn nội dung khác nhau được, người kể chuyện thay nhau hóa thân vào các nhân vật kể lại. Trong một số trường đoạn nhất định, nhân vật trải nghiệm chính là người kể lại câu chuyện cuộc đời của mình và những sự việc mà họ đã từng trải qua để đưa ra những cảm giác, cảm xúc và những đánh giá của họ về thời cuộc một cách khách quan nhất. Đó là nỗi buồn, sự thất vọng rồi cuối cùng là cảm giác cam chịu của Đức Hàm khi bị cách chức bí thư tỉnh

Ủy khi tiên phong giao khoán ruộng đất cho từng hộ gia đình, là nỗi niềm thương nhớ, bâng khuâng đầy xúc động của Đức Vĩnh sau một thời gian dài trở

lại quê hương xứ sở. Qua những câu chuyện nhỏ, nhưng mỗi phần đều chứa đựng nội dung đầy đủ đặt cạnh nhau tạo nên câu chuyện lớn, nhân vật người kể chuyện trong “Cuồng phong” không chỉ đơn giản là kể câu chuyện của mình

mà còn làm nên sự tồn tại của những cái tôi kể chuyện khác trong tiểu thuyết.

Do các mạch truyện thường không được diễn ra theo mạch logic, phương thức kết cấu lắp ghép trong tác phẩm khiến cho mạch kể thường không theo trật tự tuyến tính nên thời gian trong các truyện kể bị đảo lộn.

Trong tiểu thuyết “Mê cung” câu chuyện của các tuyến nhân vật có sự đảo

lộn về trật tự thời gian liên tục. Câu chuyện mở đầu bằng sự xuất hiện của ông Quang Huy cùng lý giải về các thành viên trong gia đình. Tiếp sau đó là cuộc đời của nhiều nhân vật được xuất hiện với sự thay phiên liên tiếp. Đó là nhân vật Dục khi lưu lạc trong cánh rừng Tây Nguyên bạt ngàn, đau khổ, vật vã trước ranh giới sống chết, kí ức Dục quay trở về ngày khi mẹ quyết định đưa anh đi bộ đội rồi sống lại những giây phút gặp gỡ với Trà Mi, và đan xen với câu chuyện của Dục là lời kể về cuộc hành trình đi tìm lại mối tình đầu Quang Huy (cha Dục), rồi chuyện của cô em gái Dục với chồng Hảo và người tình là Khang. Các nhân vật, sự kiện, thời gian đảo lộn liên tục không theo một trình tự nhất định nào đã làm nổi bật được nhiều câu chuyện nhỏ trong tổng thể một diễn biến lớn.

Tuy nhiên, trong khi kể về cuộc đời của mỗi cá nhân trong cả dòng chảy của câu chuyện thì giả lại viết theo lối tác tuyến tính, tuần tự giữa các sự kiện. “Cuồng phong” thể hiện rất rõ lối viết có sự kết hợp kết cấu truyền thống và hiện đại này của Nguyễn Phan Hách. Theo dòng lịch sử được Trung,

Lữ viết lên, câu chuyện trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp với cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ của cụ Cả Cồ - cụ tổ của dòng họ Nguyễn Đức. Theo mạch chuyện được kể cụ thể lúc này là Trung người đọc sống lại những biến động của thế kỉ XX, thời gian có sự đan cài giữa quá khứ và hiện thực, giữa thời gian trần thuật và thời gian hồi ức xoay quanh người kể. Tác giả khéo léo đan cài, lồng ghép các sự kiện vào nhau nhưng vẫn làm người đọc nắm bắt được mạch của câu chuyện. Thời gian trong tác phẩm là sự tiếp nối của quá khứ, quá khứ lại là điểm tựa đi đến hiện tại. Nếu mạch truyện trần thuật được đẩy về quá khứ thì mạch cảm xúc trôi dạt và lan tỏa cho đến tận ngày hôm nay. Tất cả được đan cài, lồng ghép vào nhau tạo nên một chỉnh thể đặc biệt cho toàn bộ tiểu thuyết. Chính sự vận động đa dạng, trải nghiệm nhiều cuộc đời trong truyện đã làm cho người đọc được sống với nhiều trạng thái, cảm xúc khác nhau.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Phan Hách (Trang 66 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)