Dệt may là một lĩnh vực nhạy cảm và có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc nên những tranh chấp liên quan đến dệt may luôn được nước này quan tâm theo dõi sát sao. Vậy, tại sao Trung Quốc lại chọn hướng đi và chiến lược tham gia vào các vụ tranh chấp của WTO với tư cách bên thứ ba? Việt Nam có nên lựa chọn hướng đi như vậy hay không? Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ Trung Quốc là gì? Phần phân tích dưới đây sẽ làm rõ những điều này.
Thứ nhất, khi tham gia vào các vụ tranh chấp với tư cách bên thứ ba, Trung Quốc sẽ có lợi từ một phán quyết thành công cho nguyên đơn theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN). Trung Quốc cũng sẽ không phải mất quá nhiều chi phí cũng như công sức để theo kiện như bên nguyên đơn, nhưng Trung Quốc vẫn có quyền được trình bày ý kiến của mình về vụ tranh chấp bằng văn bản đệ trình lên Ban Hội thẩm. Những văn bản đệ trình này cũng phải được gửi cho các bên tranh chấp và phải được phản ánh trong bản báo cáo của Ban Hội thẩm (Điều 10 của DSU). Bằng việc được trình bày ý kiến và quan sát các quốc gia khác tham gia vào vụ kiện, các chuyên gia của Trung Quốc sẽ có sự hiểu biết đầy đủ hơn về những quy định pháp lý phức tạp của WTO và
có cơ hội tự học hỏi để nâng cao nâng cao trình độ và năng lực của mình. Thực chất đây là một trong những cách đào tạo đội ngũ rất hiệu quả để tham gia vào WTO.
Thứ hai, một trong những mục đích của Trung Quốc khi gia nhập WTO là để có thể bảo hộ tốt hơn những lợi ích đáng kể của mình bằng cách tham gia một cách tích cực vào hệ thống giải quyết tranh chấp, từ đó rút ra kinh nghiệm cho việc chuẩn bị hồ sơ theo đuổi vụ kiện, cố gắng không rơi vào thất bại như Ấn Độ.
Thứ ba, Trung Quốc cũng muốn xây dựng hình ảnh và khẳng định vị trí Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong vụ kiện nói trên, Trung Quốc đã trình bày ý kiến của mình về những quy định pháp lý phức tạp xoay quanh vấn đề áp dụng các quy định về quy tắc xuất xứ của WTO. Trên cơ sở đó, Trung Quốc muốn chứng minh rằng Trung Quốc là một nước có những chuyên gia có trình độ hiểu biết sâu về pháp luật thương mại quốc tế.
Ba điểm trên phần nào lý giải vì sao Trung Quốc đã rất tích cực tham gia vào những tranh chấp của WTO dưới tư cách bên thứ ba.
Từ vụ kiện này, có thể thấy mỗi nước sẽ tự đề ra những chính sách, chiến lược riêng mà họ cho là phù hợp nhất khi vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Vụ kiện này được WTO giải quyết vào năm 2002. Mặc dù chỉ với vai trò của “bên thứ ba” như phân tích ở trên, những gì Trung Quốc làm được là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.
Việt Nam vừa gia nhập WTO, đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tham gia vào tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO còn yếu và thiếu. Vì vậy, theo chúng tôi Việt Nam nên học kinh nghiệm này của Trung Quốc khi vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO trong thời gian tới, đặc biệt là cho những năm trước mắt.
- Bài học kinh nghiệm thứ nhất là phải chủ động nắm bắt các quy định trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để chủ động phân tích, nhận định và lập luận nhằm nói lên tiếng nói của mình, từ đó nâng cao vị thế của mình trong WTO.
- Bài học thứ hai là cần chuẩn bị kỹ hồ sơ, luận chứng để khi đi kiện thì không bị thua kiện như Ấn Độ. Chỉ vì Ấn Độ hiểu sai nội dung của quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RO của WTO, cũng như Ấn Độ hiểu và vận dụng chưa tốt pháp luật của Mỹ nên đã không bảo vệ được quan điểm của mình.