Lựa chọn sản lượng trong ngắn hạn

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô nghề kế toán doanh nghiệp - Trung cấp (Trang 86 - 91)

5.1. Cạnh tranh hoàn hảo

5.1.2. Lựa chọn sản lượng trong ngắn hạn

Theo đúng điều kiện tổng quát, để tối đa hóa lợi nhuận, nhà độc quyền sẽ lựa

chọn sản lượng theo nguyên tắc chi phí biên bằng doanh thu biên (MC = MR). Đồng thời, nó sẽ định giá với mức giá P cao hơn chi phí biên MC ở đơn vị sản lượng cuối cùng. Để đơn giản hóa, hãy hình dung đường cầu đối diện với doanh nghiệp (cũng là đường cầu thị trường) là một đường thẳng có dạng P = a - bQ (với P là mức giá, Q là sản lượng và a, b là những tham số dương). Có thể dễ dàng chứng minh rằng, đường doanh thu biên có dạng MR = a - 2bQ. Sản lượng tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp là sản lượng Q* được xác định tương ứng với giao điểm E của đường MC và đường MR. Mức giá P* mà doanh nghiệp đặt sẽ là mức mà những người tiêu dùng sẵn sàng trả khi sản lượng là Q*. P* được xác định như là tung độ của điểm F, là một điểm nằm trên đường cầu được dóng lên từ mức sản lượng Q*. Rõ ràng, P* > MC(Q*)

Doanh nghiệp độc quyền thường có quyền lực thị trường lớn. Nó là người duy nhất cung ứng một loại hàng hóa tương đối đặc thù trên thị trường. Không có các hàng hóa thay thế gần gũi để lựa chọn, những người tiêu dùng chấp nhận sự kiểm soát hay chi phối giá tương đối mạnh của nhà độc quyền. Tuy nhiên, mức độ kiểm soát giá hay quyền lực thị trường của nhà độc quyền còn phụ thuộc vào độ co giãn theo giá của cầu. Một đường cầu dốc đứng (cầu kém co giãn theo giá) cho phép nhà độc quyền có quyền lực thị trường tương đối lớn. Còn nếu đường cầu này tương đối thoải, khả năng chi phối giá của nhà độc quyền là hạn chế.

Tùy theo quy mô chung của thị trường cũng như quy mô (sản lượng) tối thiểu có hiệu quả, trong ngắn hạn, doanh nghiệp độc quyền có thể thu được lợi nhuận kinh tế dương, lợi nhuận bằng 0 hoặc bị thua lỗ.

Thông thường, khi quy mô thị trường không quá nhỏ (biểu hiện ở chỗ, đường cầu thị trường nằm xa gốc tọa độ), với vị thế độc quyền, doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận kinh tế dương, tức ngoài lợi nhuận kế toán thông thường, nó còn thu được lợi nhuận siêu ngạch (hình 2). Ở một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, điều này sẽ kích thích các doanh nghiệp mới tham gia vào ngành và về dài hạn, lợi nhuận kinh tế của các doanh nghiệp có xu hướng tiến tới 0. Tuy nhiên, tình hình sẽ không diễn ra như vậy nếu thị trường là độc quyền. Nếu doanh nghiệp độc quyền có khả năng thu được lợi nhuận kinh tế dương trong ngắn hạn, nó có thể duy trì được khả năng này trong cả dài hạn. Ở đây những rào cản đối với sự gia nhập ngành khiến cho doanh nghiệp độc quyền vẫn có thể duy trì được mức lợi nhuận tương đối cao của mình. Đây cũng là điểm khiến cho doanh nghiệp có động cơ gia tăng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai, cải tiến kỹ thuật... nhằm hạ thấp chi phí sản xuất để có thể thu được lợi nhuận cao. Những động cơ kiểu này vẫn có thể có ở một doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo. Song xu hướng làm biến mất những khoản lợi nhuận siêu ngạch trong dài hạn ở một ngành cạnh tranh hoàn hảo khiến cho động cơ này bị suy yếu đi nhiều.

Trong ngắn hạn, nếu quy mô thị trường là quá nhỏ, doanh nghiệp độc quyền có thể bị thua lỗ. Như chúng ta thấy trên hình 3, tại mức sản lượng tối ưu Q*, nơi mà MC

= MR, mức giá cao nhất mà doanh nghiệp có thể đặt được là P* vẫn nhỏ hơn chi phí

bình quân tương ứng AC*. Khoản lỗ của doanh nghiệp có thể biểu thị bằng diện tích của hình chữ nhật được tô đậm. Khi gặp nguy cơ thua lỗ, quyết định của doanh nghiệp vẫn tuân thủ theo nguyên tắc chung: doanh nghiệp chỉ sản xuất nếu mức giá không nhỏ hơn chi phí biến đổi bình quân ngắn hạn. Trong trường hợp ngược lại, doanh nghiệp sẽ

đóng cửa. Trong dài hạn, doanh nghiệp độc quyền sẽ không chấp nhận tình trạng thua

lỗ. Nếu điều này có khả năng xảy ra, doanh nghiệp sẽ rút lui khỏi ngành.

Doanh nghiệp độc quyền cũng có thể chỉ thu được lợi nhuận kế toán thông thường, tức chỉ đạt mức lợi nhuận kinh tế bằng 0. Tuy nhiên, trạng thái này vẫn đủ để giữ doanh nghiệp ở lại trong ngành cả trong dài hạn.

Khi doanh nghiệp độc quyền lựa chọn sản lượng tối đa hóa lợi nhuận theo nguyên tắc MC = MR, vì MC phải dương nên MR tương ứng với mức sản lượng tối ưu cũng phải dương. Điều đó có nghĩa là: sản lượng tối đa hóa lợi nhuận phải nhỏ hơn sản lượng tối đa hóa doanh thu (sản lượng tương ứng với khi MR = 0). Tại mức sản lượng tối đa hóa lợi nhuận, bằng cách hạ giá hàng hóa, doanh nghiệp vẫn có thể gia tăng được tổng doanh thu. Từ mối quan hệ giữa tổng doanh thu và độ co giãn của cầu theo giá, có thể kết luận rằng, doanh nghiệp độc quyền chỉ sản xuất trên phần co giãn của đường cầu.

Ta có thể dùng mô hình tối đa hóa lợi nhuận để phân tích phản ứng của doanh nghiệp độc quyền trước những thay đổi của thị trường. Khi chi phí sản xuất của doanh nghiệp thay đổi, chẳng hạn do giá đầu vào tăng lên, các đường MC ATC bị dịch chuyển lên trên. Đường MC lúc này sẽ cắt đường MR tại một mức sản lượng thấp hơn. Nếu điều kiện bổ sung trong lựa chọn sản lượng của doanh nghiệp vẫn thỏa mãn, nó sẽ sản xuất ở mức sản lượng này. Khi đó, doanh nghiệp độc quyền sẽ tăng giá hàng hóa phù hợp với tính chất dốc xuống của đường cầu. Như vậy, khi chi phí tăng, cầu vẫn không thay đổi, nhà độc quyền sẽ cắt giảm sản lượng và tăng giá.

Khi nhu cầu về hàng hóa mà nhà độc quyền sản xuất tăng lên, đường cầu D dịch chuyển ra phía ngoài. Đường MR cũng dịch chuyển theo một cách tương ứng. Đường MR mới bây giờ sẽ cắt đường MC tại mức sản lượng cao hơn. Nói cách khác, doanh nghiệp độc quyền sẽ mở rộng sản lượng để đáp ứng lại sự gia tăng trong cầu về hàng hóa. Bạn đọc có thể tự vẽ để kiểm tra lại điều này.

Đường cung của doanh nghiệp độc quyền

Khi chúng ta đã giả định doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận,

có thể khẳng định đường cung của doanh nghiệp là đường mô tả các cặp giá cả và sản lượng cho phép doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận. Đối với một doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo, như ta đã biết, đó chính là một phần của đường MC. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường độc quyền, các cặp giá và sản lượng tối ưu của doanh nghiệp lại không kết nối được với nhau thành một đường cung xác định. Đó là lý do người ta nói rằng, không có đường cung trong trường hợp độc quyền. Có thể giải thích điều này như sau: Vì không phải là người chấp nhận giá, các quyết định về sản lượng và giá cả của doanh nghiệp độc quyền diễn ra đồng thời. Chúng phụ thuộc vào vị trí của đường cầu, đường doanh thu biên và chi phí biên. Với một đường MC xác định, khi đường cầu là D1 và đường doanh thu biên tương ứng là MR1, sản lượng và mức giá mà doanh nghiệp độc quyền lựa chọn là Q1 và P1. Tuy nhiên, ta không thể nói được rằng, tại mức giá P1, lượng cung duy nhất của nhà độc quyền là Q1. Khi đường cầu và đường doanh thu biên thay đổi, sản lượng và mức giá mà doanh nghiệp lựa chọn sẽ thay đổi. Tại cùng mức giá P1, nếu đường cầu là D2 và đường doanh thu biên tương ứng là MR2, sản lượng tối ưu của nhà độc quyền sẽ là Q2. Ngược lại, nếu đường cầu là D3, đường doanh thu biên tương ứng là MR3, doanh nghiệp độc quyền sẽ sản xuất ở mức sản lượng Q1, nhưng lại định giá là P2 khác với mức giá P1. Trạng thái không có đường cung của một doanh nghiệp độc quyền phản ánh sự kiện là: tại cùng một mức giá, doanh nghiệp có thể sẵn sàng cung ứng với những mức sản lượng khác nhau; và tại cùng một mức sản lượng doanh nghiệp có thể định những mức giá khác nhau.

So sánh thị trường độc quyền và thị trường cạnh tranh hoàn hảo

Do thuộc về các cấu trúc thị trường khác nhau, các quyết định về giá cả và sản lượng của các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo và doanh nghiệp độc quyền là không giống nhau. Các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có quyền lực thị trường, luôn chịu áp lực từ sự gia nhập ngành dễ dàng của các doanh nghiệp mới tiềm năng. Chúng là người chấp nhận giá và lựa chọn sản lượng theo nguyên tắc MC = P. Là người sản xuất duy nhất trên thị trường, không chịu áp

lực từ việc gia nhập ngành của các đối thủ tiềm năng do những rào cản hữu hiệu được thiết lập chống lại sự thâm nhập vào ngành, doanh nghiệp độc quyền lại có quyền lực thị trường lớn. Nó có khả năng tác động vào mức giá thị trường tùy theo mức sản lượng mà nó định cung ứng. Tuy nhiên, để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp độc quyền phải lựa chọn sản lượng và định giá tương ứng theo nguyên tắc MC = MR < P.

Sự khác nhau như vậy có thể làm cho các kết cục thị trường chung trên hai thị trường

là khác nhau.

Để so sánh mức giá và sản lượng của một thị trường cạnh tranh hoàn hảo với một thị trường độc quyền, ta phải giả định chúng có các điều kiện giống nhau về cầu và chi phí. Có thể coi đường cầu D là chung cho cả hai thị trường và đường chi phí biên MC của doanh nghiệp độc quyền trên thị trường độc quyền cũng chính là đường tổng hợp theo chiều ngang của các đường chi phí biên của các doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Giả định về chi phí như vậy, trên thực tế, không phải lúc nào cũng hợp lý. Ở những ngành mà độc quyền có thể xuất hiện nhờ lợi thế kinh tế nhờ quy mô, việc chia nhỏ thị trường cho nhiều doanh nghiệp sẽ làm cho mỗi doanh nghiệp đều hoạt động ở quy mô không hiệu quả (chi phí bình quân của chúng sẽ rất lớn) so với việc tập trung sản lượng của ngành vào một doanh nghiệp. Vì lý do này mà một doanh nghiệp lớn nào đó sẽ dần dần thâu tóm được toàn bộ thị trường và trở thành nhà độc quyền tự nhiên. Bởi thế, để giả định của chúng ta có thể chấp nhận được, hãy tưởng tượng một ngành cạnh tranh hoàn hảo có thể biến thành ngành độc quyền một cách đơn giản chỉ nhờ việc ra quyết định sản lượng và định giá một cách tập trung (giống như việc các doanh nghiệp thỏa thuận với nhau để thành lập một cacten-độc quyền duy nhất trong ngành: hoạt động sản xuất vẫn được từng doanh nghiệp riêng rẽ tiến hành, song cacten lại quyết định mức giá và sản lượng chung của ngành và phân

bổ sản lượng đó cho mỗi doanh nghiệp). Điều chúng ta quan tâm ở đây là: sản lượng

và mức giá của ngành thay đổi như thế nào khi một ngành cạnh tranh hoàn hảo bị cacten hóa?

Khi ngành là ngành cạnh tranh hoàn hảo, mức giá cân bằng P1 trên thị trường được xác định bởi giao điểm của đường cầu D và đường cung S - đường tổng hợp theo chiều ngang các đường MC của các doanh nghiệp. Tại mức giá P1 này, sản lượng cân bằng thị trường là Q1. Sản lượng của mỗi doanh nghiệp được xác định theo nguyên tắc chi phí biên của đơn vị sản lượng cuối cùng của doanh nghiệp bằng P1. Nếu ngành

bị cacten hóa, đường cung S nói trên cũng chính là đường MC của cacten.

Để tối đa hóa lợi nhuận cho cả cacten, nó phải lựa chọn sản lượng Q2 tương ứng với giao điểm của đường MC nói trên với đường MR. Vì đường MR nằm phía trong và bên dưới đường cầu D, sản lượng Q2 nhỏ hơn sản lượng Q1. Một cách tương ứng, mức giá P2 mà cacten - độc quyền này định sẽ lớn hơn P1. Như vậy, ở những hoàn cảnh tương tự nhau, nhà độc quyền có xu hướng sản xuất với một sản lượng thấp hơn

và định giá cao hơn so với sản lượng và mức giá cân bằng trên trên thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô nghề kế toán doanh nghiệp - Trung cấp (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)