Thị trường lao động

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô nghề kế toán doanh nghiệp - Trung cấp (Trang 110 - 116)

6.1.1. Cầu về lao động    

a. Khái niệm

Cầu về lao động là số lượng lao động mà doanh nghiệp mong muốn và có khả năng thuê tại các mức tiền công khác nhau trong những khoảng thời gian nhất định.

Số lượng lao động được thuê phụ thuộc:

- Quy mô về cầu của xả hội đối với hàng hóa của doanh nghiệp: số lượng hàng hóa, giá cả hàng hóa.

- Mức tiền công mà doanh nghiệp có khả năng và sẵn sàng trả khi thuê nhân công: sự biến đổi của số lượng lao động và tiền công.

- Trình độ công nghệ của sản xuất, trình độ người lao động …

b. Cầu về lao động và tiền công

Khi xác định cầu về lao động phụ thuộc vào tiền công (W) ta giả định các yếu tố khác không đổi: cầu về lao động nghịch biến với tiền lương.

Hình 6.2 Cầu về lao động và tiền công

c. Doanh nghiệp quyết định mức thuê nhân công

Các khái niệm phân tích cầu về lao động

- Sản phẩm biên của lao động (MPL - Marginal Product of Labour) : là số sản phẩm tăng thêm khi sử dụng thêm 1 đơn vị lao động

Với : TP: tổng sản phẩm

L : lao động

- Sản phẩm giá trị cận biên của lao động (MVPL - Marginal Value Product of Labour).

MVPL = P.MPL

MVPL là doanh thu tăng thêm khi bán sản phẩm do tăng thêm 1 đơn vị lao động tạo ra, trong điều kiện giá cả hàng hóa không đổi.

- Sản phẩm doanh thu cận biên của lao động (MRPL - Marginal Revenue Product

of Labour): Khi giá cả sản phẩm thay đổi sử dụng thêm một đơn vị lao động doanh nghiệp thu được MRPL

MRPL: là lượng doanh thu tăng thêm khi bán sản phẩm do tăng thêm 1 đơn vị lao động tạo ra. Trong điều kiện giá cả sản phẩm thay đổi.

MRPL = TR(n+1) - TRn

Trong đó : TRn là tổng doanh thu khi sử dụng lượng n đơn vị lao động.

TR(n+1) là tổng doanh thu khi sử dụng lượng n+1 đơn vị lao động.

- Chi phí cận biên của lao động (MCL - Marginal Cost of Labour).

Khi tiền công không đổi: W = MCL

Khi tiền công thay đổi:

MCL là chi phí tăng thêm khi sử dụng thêm 1 đơn vị lao động.

* Doanh nghiệp quyết định mức thuê nhân công

- Điều kiện: giá cả sản phẩm và tiền lương không đổi. Doanh nghiệp thuê nhân công tại mức tiền công bằng sản phẩm giá trị cận biên của lao động.

W = MVPL

- Điều kiện: giá cả sản phẩm thay đổi, tiền lương không đổi . Doanh nghiệp thuê nhân công tại mức tiền công bằng sản phẩm doanh thu cận biên của lao động.

W = MRPL

- Điều kiện: tiền lương thay đổi, giá cả sản phẩm không đổi. Doanh nghiệp thuê nhân công tại mức chi phí cận biên của lao động bằng với sản phẩm giá trị cận biên của lao động.

MCL = MVPL

- Điều kiện: cả tiền lương và giá cả sản phẩm thay đổi. Doanh nghiệp thuê nhân công tại mức chi phí cận biên của lao động bằng với sản phẩm doanh thu cận biên của lao động.

MCL = MRPL

d. Cầu về lao động của ngành

Cầu về lao động của ngành là tổng mức cầu của các doanh nghiệp ở các mức giá. Chẳng hạn:

Trong thị trường cạnh tranh với giá cả hàng hóa P1, doanh nghiệp thuê nhân công tại mức cân bằng MVPL = W1. Cộng các đường MVPL của các doanh nghiệp được MVPL1 của ngành với mức W1 được điểm cân bằng E1 (H6.3) là mức cầu lao động của ngành tại W1. Khi tiền công thay đổi với W2 < W1 cung về hàng hóa của ngành gia tăng, giá hàng hóa hạ P2 < P1 đường MVPL của ngành dịch chuyển sang trái thành đường MVPL2 với mức tiền công W2 được điểm cân bằng E2. Nối E1 và E2 được đường cầu về lao động của ngành.

Hình 6.3 Cầu về lao động ngành

6.1.2. Cung về lao động

a. Khái niệm

Cung về lao động là tổng số lương lao động mà lực lượng lao động chấp nhận làm việc tại các mức tiền công khác nhau trong những khoảng thời gian nhất định.

Cung về lao động phụ thuộc vào lực lượng lao động và ý muốn của người lao động.

- Lực lượng lao động: tất cả các cá nhân đang làm việc hay đang tìm kiếm việc làm.

b. Cung về lao động và tiền công

Khi coi cung về lao động phụ thuộc vào tiền công thực tế: L= f (Wr ) ta giả định rằng tất cả các yếu tố khác không đổi. Đường cung về lao động dốc lên và vòng về phía sau (H6.5) phản ánh khi đã thỏa mãn về tất cả các hàng hóa và dịch vụ cung về lao động sẽ nghịch biến với tiền lương thực tế.

c. Cân bằng thị trường lao động

Cân bằng thị trường lao động là trạng thái lượng cung và lượng cầu trên thị trường lao động bằng nhau. Xác định dồng thời số lượng lao động cân bằng và mức tiền công tương ứng.

Sự thay đổi điểm cân bằng thị trường lao động của ngành do sự thay đổi cung và cầu về lao động của ngành gây ra .

- Cung về lao động của ngành thay đổi do sự biến động về tiền lương, về nhu cầu tăng giảm số lượng lao động giữa các ngành.

- Cầu về lao động của ngành thay đổi do sự biến động về cầu hàng hóa của ngành, sự thay đổi công nghệ sản xuất của ngành…

6.1.3. Cân bằng về cung cầu lao động

* Cân bằng trên thị trường lao động

- Cân bằng trên thị trường lao động của ngành.

Đối với một ngành, cầu và cung của ngành về một loại lao động cụ thể sẽ quyết định mức lương và số lượng lao động làm việc trong ngành. Với giả định thị trường lao động trong trường hợp này là thị trường cạnh tranh hoàn hảo và chính phủ không

có hoạt động can thiệp nào, với đường cầu lao động của ngành là D1, đường cung lao động là S1 như trong hình 2, trạng thái cân bằng trên phạm vi ngành thoạt tiên là điểm E. Mức lương cân bằng trong ngành lúc này là w1, lượng lao động được thuê mướn là L1. Chỉ có tại điểm E thị trường mới ở trong xu hướng ổn định tương đối. Tại E không có hiện tượng dư cung hoặc dư cầu, do đó không có áp lực buộc thị trường phải dịch chuyển đến một trạng thái khác.

Những yếu tố tác động đến cung, cầu lao động của ngành, làm cho các đường này dịch chuyển sẽ làm cho trạng thái cân bằng của thị trường lao động trên phạm vi ngành thay đổi. Ví dụ, sự mở rộng nhanh chóng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm dệt may và sự nâng cấp công nghệ trong ngành khiến cho nhu cầu về lao động dệt tăng lên. Đường cầu về lao động của ngành sẽ dịch chuyển, chẳng hạn, từ đường D1 sang phải thành đường D2. Điểm cân bằng mới giờ đây chuyển về điểm F. Mức lương cũng như số lao động được thuê mướn cân bằng của ngành tăng lên tương ứng là w2 và L2. Tuy nhiên, như ở trên chúng ta đã đề cập, lao động là yếu tố sản xuất mang tính chất cơ động, có thể di chuyển từ ngành nọ sang ngành kia. Sự di chuyển này đòi hỏi trạng thái cân bằng của ngành này phải tương hợp với ngành kia, nếu không áp lực thay đổi vẫn tồn tại. Giả sử cả hai ngành A và B đều sử dụng một loại lao động nghề nghiệp có kỹ năng giống hệt nhau. Trạng thái cân bằng riêng biệt ở thị trường lao động trong phạm vi ngành A xác lập một mức lương là w1A, trong khi đó cung cầu lao động trong ngành B lại xác lập tạm thời một mức lương cân bằng là w1B. Giả sử điều kiện làm việc ở hai ngành trên là tương tự nhau. Trong trường hợp này, nếu tiền lương giữa hai ngành mà khác biệt, hiện tượng di chuyển lao động từ ngành có mức lương thấp sang ngành có tiền lương cao hơn sẽ xuất hiện. Ví dụ, giả sử w1A lớn hơn w1B, một số lao động từ ngành B sẽ rút lui khỏi ngành để xin sang làm việc ở ngành A. Hiện tượng này sẽ làm cho cung lao động ở ngành A tăng lên, đường cung lao động của ngành dịch chuyển sang phải. Kết cục tiền lương ở ngành A sẽ hạ xuống. Ngược lại, cung lao động ở ngành B giảm xuống, đường cung lao động của ngành dịch chuyển sang bên trái. Nhờ đó, tiền lương của ngành tăng lên. Quá trình này dần dần làm cho tiền lương

ở hai ngành xích lại gần nhau. Nếu sự di chuyển lao động giữa ngành nọ sang ngành kia là "hoàn hảo", chỉ khi sự khác biệt về lương giữa hai ngành bị xóa bỏ thì quá trình

di chuyển lao động mới dừng lại. Khi đó, một trạng thái cân bằng chung giữa hai thị trường được xác lập với một mức lương thống nhất: w2A = w2B. Ở đây, chính sự di chuyển lao động giữa các ngành đã làm san bằng sự khác biệt về lương. Hệ quả chung là: nếu cung cầu lao động của một ngành thay đổi khiến cho tiền lương của lao động trong ngành tăng lên thì sự kiện này sẽ có xu hướng tác động đến mức lương ở các ngành khác. Áp dụng ví dụ ta vừa phân tích, có thể dễ dàng nhận thấy là: sự tăng lương ở ngành A sẽ lan tỏa và kéo theo sự tăng lương ở ngành B.

Khi bàn về sự di chuyển lao động giữa các ngành, không nhất thiết ta chỉ giới hạn sự phân tích cho các lao động thuộc cùng một nghề giống nhau, nhưng làm việc ở các ngành khác nhau. Việc lấy ví dụ về lao động thuộc cùng một loại nghề nghiệp chỉ nhằm nhấn mạnh khả năng dễ di chuyển của lao động. Về nguyên tắc, khi lao động càng dễ dàng di chuyển từ ngành, nghề này sang một ngành, nghề khác, tiền lương giữa chúng càng ít khác biệt. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều yếu tố ngăn cản sự di chuyển lao động. Vì thế, sự chênh lệch về lương giữa các ngành, nghề vẫn tồn tại. Chúng ta sẽ giải thích kỹ hơn vấn đề này ở phần sau.

Một phần của tài liệu Giáo trình kinh tế vi mô nghề kế toán doanh nghiệp - Trung cấp (Trang 110 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)