3.1. Cơ sở lý luận
3.1.1. Giới thiệu về nông nghiệp a) Nông nghiệp là gì?
Nông nghiệp là tập hợp các mặt hoạt động của con người trong một môi trường khí hậu đất đai và sinh học cụ thể; trong những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể nhằm tạo ra sản phẩm thực vật và động vật cho đời sống, đặc biệt là lương thực thực phẩm.
Ngày nay theo định nghĩa rộng hơn: “nông nghiệp bao gồm cả nội dung sản xuất, tiếp thị và phân phối các sản phẩm nông nghiệp”.
Nông nghiệp còn được xem là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội sử dụng đất đai với cây trồng làm nguyên liệu chính để sản xuất ra lương thực, một số tư liệu cho công nghiệp (cao su, tơ tằm, thuốc lá, cà phê, trà, giấy, dược liệu). Ngoài ra, nông nghiệp còn thoả mãn các nhu cầu về vui chơi giải trí, tạo cảnh quan (hoa viên, cây kiểng, sân banh, sân golf).
Nông nghiệp bao gồm nhiều chuyên ngành như trồng trọt chăn nuôi, chế biến nông sản…
b) Đặc điểm cơ bản của sản xuất nông nghiệp
Quá trình sản xuất kinh tế gắn với quá trình sinh học: có nghĩa là muốn hoàn thành quá trình sản xuất phải tùy thuộc vào chu trình sinh trưởng của sinh vật.
Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, môi trường sống có thể tăng hoặc giảm tiềm năng sản xuất tùy theo cách sử dụng tức chế độ canh tác áp dụng trên ruộng đất.
Nguyên liệu ban đầu là cây trồng, vật nuôi, những sinh vật có chu kỳ sinh trưởng và phát triển phụ thuộc vào đất đai, khí hậu và phương thức trồng trọt chăn nuôi.
Địa bàn phân bố rải trên ruộng, địa lý, lãnh thổ, quốc gia. (Nguyễn Văn Minh, 2003)
3.1.2. Lý thuyết về kinh tế hộ a) Khái niệm về kinh tế hộ
Kinh tế hộ gia đình là hoạt động kinh tế gắn liền với gia đình và gia đình là người đứng ra tổ chức các hoạt động đó. Một phần sản phẩm làm ra được sử dụng cho tiêu dùng của gia đình. (Nguyễn Văn Năm, 2000)
b) Đặc điểm của kinh tế hộ gia đình
Hộ gia đình là đơn vị vừa sản xuất vừa tiêu dùng, sử dụng lao động và nguồn vốn cho sản xuất có quy mô nhỏ, sản xuất phân tán, tính chuyên môn hóa trong sản xuất chưa cao. (Nguyễn Văn Năm, 2000)
c) Thu nhập nông hộ
Thu nhập nông hộ là phần tiền còn lại sau khi trừ đi tất cả các chi phí có liên quan mua ngoài như chi phí vật chất, chi phí lao động thuê. Ở nông hộ, thu nhập chủ yếu là dựa vào công lao động của họ bỏ ra.
Các thành phần cấu thành thu nhập nông hộ: ở nông thôn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào thu nhập trong nông nghiệp, ngoài ra còn có thu nhập từ phi nông nghiệp.
- Thu nhập trong nông nghiệp: bao gồm các nguồn thu từ nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… hay làm thuê trong nông nghiệp.
- Thu nhập phi nông nghiệp: gồm các nguồn như tiền lương, trợ cấp, tiền thu từ các hoạt động thương mại, dịch vụ và các nguồn khác. (Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, 2005)
3.1.3. Vai trò của tiến bộ kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ở nhiều vùng nông thôn, mức sống và trình độ dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ sản xuất lạc hậu. Đây là những thách thức lớn trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được coi là một trong những con đường để góp phần giải quyết những thách thức đó.
Tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ đưa giống cây trồng vật nuôi mới, máy móc thiết bị hiện đại đến với người nông dân, giúp họ sản xuất có hiệu quả hơn, góp phần giải
quyết tình trạng thiếu ăn, cải thiện dân sinh. Đây là yếu tố không thể thiếu đối với người nông dân. (Lê Hồng Cúc, 2001)
3.1.4. Chọn giống lúa
Giống là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và phẩm chất lúa. Muốn sản suất đạt hiệu quả kinh tế cao, giống được chọn sản xuất cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Năng suất cao, ngắn ngày.
Phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kháng được các loại sâu bệnh như rầy nâu, cháy lá, đốm vằn…
Phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.
Độ thuần cao, tỷ lệ nảy mầm >95%.
Không lẫn hạt lúa cỏ, hạt cỏ dại.
Giống lúa được chia làm 3 cấp độ: (cấp độ tốt nhất được xếp đầu tiên) Giống siêu nguyên chủng.
Giống nguyên chủng.
Giống xác nhận.
3.2. Phương pháp nghiên cứu 3.2.1. Chọn địa bàn nghiên cứu
Thạnh Nhựt là 1 xã sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, trong đó cây lúa đóng vai trò chủ lực. Trong những năm gần đây việc trồng lúa của bà con nông dân không còn thuận lợi như trước do giá cả bất ổn, thiên tai, bệnh dịch lây lan…Hơn nữa chương trình chuyển đổi giống cũng diễn ra khá mạnh mẽ ở địa phương này. Do đó tác giả chọn xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang là nơi tiến hành điều tra, nghiên cứu.
3.2.2. Thu thập dữ liệu a) Dữ liệu thứ cấp
Thông tin thứ cấp được tác giả thu thập từ các báo cáo kinh tế xã hội và tài liệu có liên quan của xã, qua đó biết được tình hình chung về KTXH của địa phương, tình hình thực hiện chương trình chuyển đổi giống lúa của bà con, những hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức kinh tế khác.
b) Dữ liệu sơ cấp
- Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA – Participatory Rural Appraisal). Chọn 4 công cụ: Lịch thời vụ (Seasonal Calendar), dòng thời gian (Time line), đánh giá xếp hạng cây trồng (Pair – Wide Ranking) và ma trận SWOT (SWOT Matrix).
+ Lịch thời vụ (Seasonal Calendar): nhằm xác định được các loại cây trồng ngắn ngày và mùa vụ của chúng, đồng thời qua đó phân tích được mối quan hệ giữa thời vụ canh tác với các nhân tố khác như: lượng mưa, lao động, an toàn lương thực.
+ Dòng thời gian (Time line): nhằm tìm hiểu về các biến cố lớn xảy ra tại địa phương có liên quan đến tình hình sản xuất nông nghiệp của xã trong thời gian trước và sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa.
+ Đánh giá, xếp hạng cây trồng (Pair-Wide Ranking): nhằm xác định và chọn loại cây trồng nào là chính, được ưu tiên canh tác nhiều nhất, cũng như phát hiện những cây trồng có tiềm năng.
- Điều tra 52 nông hộ bằng bảng hỏi có sẵn.
- Kết hợp quan sát.
3.2.3. Phân tích dữ liệu
a) Phương pháp phân tích mô tả
Với những thông tin từ lãnh đạo địa phương và các dữ liệu thu được từ phương pháp quan sát thực địa, phỏng vấn nông hộ, tác giả mô tả thực trạng của chương trình chuyển đổi giống lúa ở địa phương, qua đó giúp người dân tự xác định những thuận lợi, khó khăn của việc chuyển đổi giống, tìm ra những giải pháp phát triển thích hợp.
b) Phương pháp so sánh
So sánh hiệu quả kinh tế, môi trường của trước và sau khi thực hiện chuyển đổi giống lúa.
So sánh hiệu quả kinh tế của 2 nhóm nông hộ có và không thực hiện chương trình chuyển đổi giống của địa phương.
c) Phương pháp xử lý số liệu bằng các phần mềm chuyên dụng như Microsoft Word, Microsoft Excel.
3.2.4. Chỉ tiêu nghiên cứu - Giá trị tổng sản lượng
Giá trị tổng sản lượng = Tổng sản lượng x Đơn giá bán
- Chi phí sản xuất nông nghiệp (chỉ tính phần chi phí biến đổi)
Chi phí sản xuất nông nghiệp = Chi mua VTNN + Chi phí vật chất (cho những vật dụng mau hư dễ hỏng) + Chi phí lao động + Chi khác
- Thu nhập
Thu nhập = Tổng thu bằng tiền – tổng chi bằng tiền
Với giả thiết tất cả sản lượng thu được đều đưa ra bán, không để lại cho tiêu dùng gia đình thì ta có: tổng thu bằng tiền = giá trị tổng sản lượng. Như vậy:
Thu nhập = giá trị tổng sản lượng – chi phí biến đổi
- Tỷ suất thu nhập/Chi phí: là chỉ tiêu thể hiện cứ 1 đồng chi phí bỏ ra thì thu được bao nhiêu đồng thu nhập.
Tỷ suất thu nhập/Chi phí = (Thu nhập/Chi phí) x 100%
CHƯƠNG 4