ĐẶC ĐIỂM CÂU VĂN TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ
I. Đặc điểm về cấu tạo ngữ pháp
2. Các kiểu câu theo cấu tạo ngữ pháp
2.5. Về hình thức câu văn
Có hai điểm đặc biệt về hình thức câu văn trong truyện Nguyễn Ngọc Tư khiến người đọc chú ý. Thứ nhất, đó là về độ dài. Nguyễn Ngọc Tư viết rất nhiều câu dài, có khi độ dài đó do chị mở rộng các thành phần phụ của câu mà thành. Chẳng hạn:
− Hàng trăm triệu dân trên đất nước này sẽ biết người viết ra những trang văn đầy góc cạnh nóng bỏng, thấu đáo mọi sự được mất, triết lí sâu xa, là một người mất căn bản trầm trọng về... chuồn chuồn. (mở rộng định ngữ)
− Cha ngồi trong khoảng vườn đượm nắng chiều, nơi cha vẫn thường về khi mệt mỏi hay căng thẳng, tuyệt vọng, nhìn chuồn chuồn đậu trên đám chà trong ao, cào cào búng trên những bụi cỏ ống, mấy con ong ve vãn bông đậu bắp.(mở rộng định ngữ, bổ ngữ)
− Lúc đó, chúng tôi đang hoàn tất học kì thứ hai, trong một con say, giữa đêm dài, Vĩnh rủ tôi làm phim tốt nghiệp. (mở rộng trạng ngữ)
Cũng có khi, câu văn dài là do chị mở rộng vị ngữ hay ghép nhiều câu lại với nhau tạo thành câu ghép, chỉ liên kết chúng lại bởi dấu phẩy (trong khi vẫn có thể tách ra thành hai, hay thậm chí nhiều câu đơn). Đây có thể gọi là kiểu viết như nói, viết như thỏa mãn dòng suy nghĩ đang ùa ra của nhà văn. Ta bắt gặp rất nhiều câu loại này:
Ngó cảnh nhà, Phi tự hỏi, mình sống bê bối từ hồi nào vậy cà. Từ hồi nào thì phong trần, bụi bặm, khắc khổ, ăn bận lôi thôi, quần Jean bạc lỗ chỗ, lai rách thế giới tua, áo phông dài quá mông, râu ria rậm rạp, móng tay dài, tóc dài. (Biển người mênh mông)
Mười tám tuổi cô lấy chồng, chín tháng sau li dị, bữa ra tòa hai đứa còn nắm tay cười ngỏn nghoẻn suốt dọc đường, bà con cằn nhằn, chưa thấy cặp nào bỏ nhau vui vẻ như tụi bây. [...]
Và Vĩnh để cô ở lại bên mình rất lâu, chỉ vì cô luôn nấn ná chờ hết chương trình chiếu phim mới chịu trút áo xống trước mặt anh, đôi nam nữ trong bộ phim Hàn đã đến được với nhau, cô vui, nhưng khi họ gặp trắc trở, nước mắt cô tràn trụa, cô còn buột miệng chửi thề mỗi khi vai ác bắt đầu bày ra âm mưu thâm độc nào đó “má nó, ngon ha, ngon thì chui ra đây, tao bẻ lọi cổ...”.
(Sầu trên đỉnh Puvan) Có thể thấy những kiểu câu dài này tạo ra nhiều hiệu quả nghệ thuật cao, đem đến nhiều hấp dẫn cho trang truyện (như giúp nhà văn kéo dài không gian, thời gian, mạch diễn biến của câu chuyện hay thể hiện những trăn trở, suy tư của nhân vật; có khi, câu văn dài giúp dồn nén sự việc, diễn tả những hoạt động diễn ra liên tiếp nhau...
mà chúng tôi đã phân tích ở trên).
Thứ hai, đó là về cách dẫn dắt lời nói trực tiếp của nhân vật. Thông thường, khi trích dẫn lời nói trực tiếp, chúng ta phải dùng dấu hai chấm và đặt lời của nhân vật trong dấu ngoặc kép. Nguyễn Ngọc Tư thì không. Chị thường viết thẳng ra, có khi chị dùng dấu phẩy để ngăn cách, có khi không. Cách viết này mang đến đặc điểm là làm cho lời của nhân vật hòa vào lời của người kể chuyện rất khó phân biệt. Người đọc sẽ có cảm giác lời nói ấy hết sức chân thật, hết sức tự nhiên, nghĩ gì nói nấy chứ không cầu kì gọt giữa. Và đây chính là đặc trưng của người Nam Bộ mà ta khó có thể bắt gặp ở vùng khác. Cách viết này cũng xuất hiện nhiều trong truyện của nhiều cây bút hiện nay. Chúng ta hãy xem một số ví dụ:
Cũng cảnh này, người nay, nhưng trong lòng đã đánh mất sự bình yên, trong trẻo xưa rồi. Tôi nói, nghe bù xè nhau gỗ buồn thiệt. Anh Tứ Hải bảo, ngói trên mái nhà lăn lóc cóc xuống máng xối kìa. Anh Tứ Phương chắc lưỡi, anh mới kiểm tra chừng một chục cây cột, thấy vậy chớ mấy cái ngàm mục hết rồi, chắc là không chịu được bao lâu nữa. Rồi nghĩ, mai mốt không còn căn nhà cũ kĩ này, biết lấy gì mà nói với nhau. [...]
Lụi hụi rồi gió lại đổi mùa. Tôi gà gật ngồi cho bé Tho giết trứng tóc. Nó kêu trời ơi, cô Út Nhỏ, cô có tóc bạc rồi nè. Chú Út con cũng có, nhiều lắm. Mà, chú út con sắp cưới vợ rồi. Tôi hỏi, vậy hả, vậy hả, vậy sao. Dạ, con bé nhỏ nhẻ, con chưa biết mặt, con hỏi giống ai, chú nhìn vòng vòng một hồi rồi mới nói, cổ hơi giống má.
Tôi bảo, ờ, giống má con cũng được, vừa đẹp vừa hiền. Rồi nghĩ, sao mình không có gì giống chị Thể hết vậy ta, tệ thiệt.
(Nhà cổ) Một chị nọ bỗng ngó tôi, cất giọng thảng thốt, không hiểu sao người ở đây ai cũng buồn buồn hết. Làm du lịch phải vui chớ. (Thổ Sầu)
Người ở chợ quen với cảnh tượng này, ai cũng khen vợ lãnh đạo mà chịu cực giỏi, chớ vợ mấy ông kia, giờ này còn ngoài sân quần vợt. Chị Băng cười, ngồi không trông vào đồng lương của ổng, thì chịu không nổi. (Gió lẻ)
Trang Thế Hy, một nhà văn Nam Bộ, cũng có lối viết với nhiều câu văn dài, rất dài. Nhiều người cho rằng, đọc Trang Thế Hy, nhiều câu văn dài, rất dài đã làm cho giọng văn chùng lại, muốn đọc nhanh rất khó. Cũng không lạ, bởi nhà văn đang hồi tưởng, đang sống cùng kỉ niệm hoặc là đang tâm sự, sẻ chia một nỗi niềm gì đó. Câu văn dài để chở hết ý tứ, những suy tưởng, những hồi ức đang đua nhau tràn về trong lòng người. Hoàng Đình Quang trong bài viết “Trang Thế Hy – thầy tôi” đã cho rằng:
đọc truyện ngắn của Trang Thế Hy thấy câu văn dài mướt như cả truyện chỉ có một câu văn mà thôi. Cái lạ của câu văn ông là dài mà không khó hiểu, những mệnh đề rất rạch ròi, đọc hết câu, ngẩn ra, đọc lại thấy hay hơn. Chúng tôi xin trích dẫn một số câu văn dài của ông (trích trong Truyện ngắn Trang Thế Hy, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006):
“Đêm ấy, trên căn gác chật chội tối tăm, bên cạnh người bạn nghèo trăn trở hoài không ngủ được vì xót ruột, tôi đã gặp trong mơ một vật thể gì đó hình thù không rừ nột nhưng mềm mại mong manh đang nhố nhẹ đong đưa theo giú thoảng chỗ sợi dây kẽm căng ngang gian gác để treo áo.”
“Tôi sẽ viết như vậy với lương tri yên ổn của người cầm bút biết rằng câu chuyện có thật hơi khó tin giữa cái xã hội rác rưởi đầy bọt bèo nầy đã được chắt lọc bằng sự trải nghiệm đau buồn của lớp người cùng khổ chứ không phải là điều bịa đặc hoang đường.”
“Cho nên trong những lúc tình yêu của em làm cho tôi quên hết tất cả những đau xót chua cay của cuộc đời lận đận, ngay trong những lúc tôi viết tên em để chia sớt niềm vui cùng trang giấy hay kêu tên em để xua đuổi cô đơn, tôi cũng không hề có ý nghĩ so sánh em với loài hoa Phượng và tìm đến nhìn vào màu đỏ thắm của nó cho nhẹ bớt đi những niềm thương nỗi nhớ.”
“Vũ muốn biết cảm nghĩ của bất cứ một người nào về những trận mưa đêm nho nhỏ mà dai dẳng, từng chập tạnh rồi từng chập lại trút xuống, dầm dề liên tiếp hơn tuần này làm cho cái không khí ẩm ướt của xóm nghèo càng thêm u thảm, đìu hiu.”
Có thể thấy, cũng viết những câu văn dài, nhưng nét khác biệt giữa Nguyễn Ngọc Tư với Trang Thế Hy là câu văn của Trang Thế Hy dài nhưng bản chất vẫn là
câu đơn, ông đã mở rộng thành phần câu để tạo nên độ dài. Còn Nguyễn Ngọc Tư, bên cạnh những câu mở rộng thành phần như vậy, chị còn có kiểu câu ghép, câu nhiều vị ngữ. Câu dài trong văn Nguyễn Ngọc Tư phong phú và đa dạng hơn.