ĐẶC ĐIỂM CÂU VĂN TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ
1. Bảng thống kê các kiểu câu giàu màu sắc tu từ cú pháp và các biện pháp tu từ cú pháp
1.1. Một số điều lưu ý
Theo Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (Phong cách học Tiếng Việt, Giáo dục, 2006), các kiểu câu giàu màu sắc tu từ thường gặp trong ngôn ngữ nghệ thuật gồm:
− Câu đơn đặc biệt
− Kiểu câu lược chủ ngữ
− Kiểu câu ẩn chủ ngữ, có màu sắc tu từ
− Những kiểu câu chuyển đổi tình thái: câu hỏi tu từ, câu hỏi – cảm thán, câu hỏi – phủ định, câu hỏi gợi ý, câu khẳng đinh – nghi vấn
− Kiểu câu đẳng thức
Trong truyện Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy chị sử dụng nhiều câu đơn đặc biệt, câu lược chủ ngữ, câu ẩn chủ ngữ, câu hỏi tu từ. Những kiểu câu này có những giá trị riêng trong các trang viết của chị. Do đó, chúng tôi tiến hành khảo sát các kiểu câu này, những kiểu câu còn lại có mật độ xuất hiện rất ít ỏi nên chúng tôi không khảo sát. Tuy nhiên, câu đơn đặc biệt chúng tôi đã trình bày ở phần trước nên chúng tôi không nói ở đây nữa. Chúng tôi cũng gộp câu lược chủ ngữ với câu ẩn chủ ngữ có màu sắc tu từ thành một kiểu câu, gọi chung là câu lược, ẩn chủ ngữ. Như vậy các kiểu câu giàu màu sắc tu từ trong truyện Nguyễn Ngọc Tư gồm: câu lược, ẩn chủ ngữ và câu hỏi tu từ.
Cũng theo hai tác giả trên, các biện pháp tu từ cú pháp gồm:
− Phép dùng các cú pháp sóng đôi (điệp cú pháp)
− Phép nhấn mạnh các thành phần câu: dùng các tiểu từ thì, là, mà; đảo ngữ
− Phép tách các thành phần câu
− Biện pháp dùng giải ngữ
− Phép thể hiện tình thái của câu bằng các phụ ngữ (hay tiểu từ)
− Phép dùng các kết từ (quan hệ từ) trong câu ghép
Trong truyện Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy chị thường sử dụng các biện pháp tu từ cú pháp gồm phép điệp, dùng giải ngữ, dùng các quan hệ từ trong câu ghép, phép nhấn mạnh các thành phần câu, phép tách các thành phần câu. Tuy nhiên, phép tách các thành phần câu để tạo nên những câu đặc biệt chúng tôi đã trình bày trong phần trước, chúng tôi không khảo sát và phân tích ở đây nữa. Chúng tôi khảo sát các kiểu câu có dùng các biện pháp tu từ cú pháp là điệp cú pháp, dùng giải ngữ, dùng các quan hệ từ, nhấn mạnh các thành phần câu bằng các tiểu từ. Chúng tôi cũng nhận thấy đối với câu có dùng quan hệ từ, Nguyễn Ngọc Tư thường đặt quan hệ từ ở đầu, và trong số những quan hệ từ ấy, Nguyễn Ngọc Tư thường sử dụng từ “mà” vừa để liên kết câu vừa nhấn mạnh nội dung được nói đến. Do đó, chúng tôi tiến hành khảo sát kiểu câu này, gọi là câu bắt đầu bằng liên từ. Bên cạnh đó, câu văn của Nguyễn Ngọc Tư thường có rất nhiều trạng ngữ. Cách viết này mang những giá trị riêng, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát và phân tích. Như vậy, các kiểu câu sử dụng biện pháp tu từ cú pháp của Nguyễn Ngọc Tư mà chúng tôi khảo sát gồm: câu sử dụng phụ chú ngữ, câu có nhiều trạng ngữ, câu có liên từ đứng đầu và phép lặp cấu trúc câu (khi khảo sát phép lặp cấu trúc câu, chúng tôi thống kê số lần lặp lại của từ, cụm từ, câu được lặp).
Như vậy, tổng hợp lại chúng tôi có bảng thống kê các kiểu câu giàu màu sắc tu từ và các biện pháp tu từ dưới đây.
1.2. Bảng thống kê các kiểu câu giàu màu sắc tu từ và các biện pháp tu từ
STT Tên
truyện
Câu lược, ẩn chủ ngữ
Câu hỏi tu
từ
Câu mở rộng thành
phần Câu có liên
từ đứng đầu
Lặp cấu trúc câu Phụ
chú Trạng ngữ
1 Cải ơi 6 1 6 23 7 5
2
Thương quá rau
răm
8 2 9 20 15 5
3 Hiu hiu
gió bấc 14 2 0 28 12 8
4 Huệ lấy
chồng 10 5 2 35 12 2
5
Cái nhìn khắc khoải
10 2 2 17 10 6
6 Nhà cổ 6 1 5 28 10 11
7 Mối tình
năm cũ 4 1 5 24 8 7
8 Cuối mùa
nhan sắc 13 1 3 31 3 12
9
Biển người mênh mông
15 5 1 38 27 8
10 Nhớ sông 3 1 1 33 8 16
11 Dòng nhớ 13 2 6 38 20 2
12 Duyên
phận so le 16 3 17 33 14 12
13 Một trái
tim khô... 9 1 10 21 8 13
14
Cánh đồng bất
tận
29 8 62 202 92 96
15 Ngọn đèn
không tắt 7 2 5 12 14 9
16 Cỏ xanh 16 10 5 28 17 8
17 Nỗi buồn
rất lạ 17 7 2 18 8 7
18 Chuyện
của Điệp 14 2 3 34 9 19
19 Ngổn
ngang 6 4 2 24 9 5
20 Lí con sáo
sang sông 22 3 1 20 9 2
21 Vết chim
trời 6 7 1 28 19 23
22
Chuồn chuồn đạp
nước
6 2 1 22 9 10
23 Tình thầm 7 0 2 26 19 4
24
Sầu trên đỉnh Puvan
11 4 7 36 19 22
25 Ấu thơ
tươi đẹp 14 1 1 27 12 4
26 Núi lở 3 4 5 24 10 11
27 Thổ Sầu 5 0 3 18 5 6
28 Của ngày
đã mất 4 1 1 34 14 3
29
Một chuyện
hẹn hò
2 6 2 21 12 8
30 Gió lẻ 33 3 3 127 32 38
Tổng số câu 329 91 173 964 463 382
Tỷ lệ trong 5081
câu khảo sát 6,5% 1,8% 3,4% 19,0% 9,1% 7,5%
Về các kiểu câu mang màu sắc tu từ cú pháp, ta nhận thấy Nguyễn Ngọc Tư sử dụng rất đa dạng các kiểu câu này. Trong đó, những kiểu câu được sử dụng nhiều hơn cả là kiểu câu mở rộng thành phần (phụ chú, trạng ngữ, bổ ngữ) và kiểu câu có liên từ đứng đầu. Việc sử dụng các kiểu câu này đã mang lại nhiều tác dụng trong việc thể hiện nội dung câu chuyện, diễn tả những suy nghĩ nội tâm nhân vật cũng như bày tỏ được thái độ, suy nghĩ và tình cảm của nhà văn. Những trang truyện đầy ắp những kiểu câu dùng phụ chú, những kiểu câu dài dường như bất tận, những kiểu câu không hề tuân theo quy luật của dấu câu, những kiểu câu có liên từ đứng đầu... đã làm nên một phong cách rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư, khó lẫn với những tác giả khác.
Có thể khái quát đặc điểm câu văn giàu màu sắc tu từ trong văn Nguyễn Ngọc Tư như sau:
− Nguyễn Ngọc Tư sử dụng rất nhiều câu văn dùng phụ chú ngữ với những dụng ý nghệ thuật rất phong phú. Đây là một đặc điểm nổi bật của câu văn trong truyện Nguyễn Ngọc Tư.
− Câu văn của Nguyễn Ngọc Tư thường có nhiều trạng ngữ, có khi trong một câu mà có rất nhiều thành phần trạng ngữ liên tiếp nhau cả về không gian, thời gian, cách thức...
− Nguyễn Ngọc Tư thường sử dụng kiểu câu có một liên từ đứng đầu, rồi có hoặc không có dấu phẩy, sau đó là nội dung câu. Chúng tôi nhận thấy, đây là kiểu câu khá đặc trưng cho văn phong Nguyễn Ngọc Tư. Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng triệt để và sáng tạo kiểu câu này.
− Câu hỏi tu từ cũng thường được sử dụng nhằm tạo ra những dụng ý nghệ thuật cao, tạo ra nhiều cảm xúc ở người đọc.
− Phép điệp cú pháp cũng được Nguyễn Ngọc Tư sử dụng khá thường xuyên.
Nhờ đó, cách kể chuyện của nhà văn thêm sinh động, hấp dẫn và chuyển tải được nhiều điều đến bạn đọc.
− Ngôn ngữ đối thoại, thậm chí là lời văn của người viết cũng thường sử dụng kiểu câu tỉnh lược. Đây là dấu ấn của ngôn ngữ ngắn gọn, mộc mạc của người Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư cũng sử dụng khá nhiều câu tỉnh lược trong các tác phẩm của mình. Câu tỉnh lược trong văn của chị có hai kiểu: một là lời tỉnh lược trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, hai là câu tỉnh lược trong lời kể chuyện của nhà văn. Về kiểu thứ nhất, có thể thấy đây là một đặc điểm chung của ngôn ngữ giao tiếp. Không chỉ Nguyễn Ngọc Tư mà nhiều nhà văn khác đều sử dụng lối giao tiếp ngắn gọn này (như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan…). Đặc biệt, các nhà văn Nam Bộ thường sử dụng kiểu câu này nhiều hơn cả (như Sơn Nam, Trang Thế Hy...). Lối nói ngắn gọn vốn đặc trưng cho chất mộc mạc, chân chất và giản dị của người Nam Bộ. Họ phóng khoáng, tự do, không thích những thứ rườm rà. Có lẽ vì thế mà trong giao tiếp họ cũng bớt đi
“phần thủ tục”, cốt nói sao cho ngắn gọn mà vẫn hiểu nhau là được. Đối với kiểu câu thứ hai, không phải nhà văn nào cũng có lối viết này. Trước Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta có một Nam Cao với những câu văn đầy tính triết lí thường viết theo kiểu ẩn chủ ngữ. Chẳng hạn:
− Cái nghề làm quan, nếu nhất nhất cái gì cũng đè đầu ấn cổ thì lại bán nhà đi cho sớm.
− Tiếng vậy, làm tổng lí không phải việc dễ.
− Cái nghề quan, bám thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu.
(Chí Phèo) Riêng Nguyễn Ngọc Tư, chị cũng thường sử dụng kiểu câu tỉnh lược trong lời văn của mình. Lối tỉnh lược của chị, người đọc có khi xác định được chủ thể, có khi không (vì lời văn của nhà văn và lời của nhân vật thường hòa vào nhau khó phân biệt).
Thường thì đó là những câu văn tỉnh lược chủ ngữ, dùng để diễn tả lời độc thoại nội tâm, suy nghĩ của nhân vật. Đây chính là cách nói, cách nghĩ của người Nam Bộ.
Ví dụ:
− Trời mát rượi, đi trong nhà mà phải chụp cái nón lá sùm sụp lên đầu, đề phòng ngói rớt. (Nhà cổ)
− Lá dừa khô bó láng vo, tề đầu tề đít chất đầy giàn bếp, dựng qua tới bồ lúa. Củi phơi từ lúc chớm hết mưa, lổn nhổn ngoài sân. (Huệ lấy chồng)
Có thể nói, với những kiểu câu văn này, những trang viết của chị trở nên phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn. Những dụng ý nghệ thuật, nhờ hình thức câu văn, đã được chuyển tải thành công hơn đến với người đọc. Làm nên phong cách Nguyễn Ngọc Tư, ngoài nội dung, ngoài cái duyên kể chuyện thiên phú, thì cách viết, cách diễn đạt văn chương của chị cũng chiếm một phần không nhỏ. Chúng ta sẽ cùng đi phân tích để chỉ ra những đặc điểm, những thành công trong việc sử dụng và kiến tạo câu văn của Nguyễn Ngọc Tư. Trong phần này, chúng tôi xin trình bày về những kiểu câu tiêu biểu cho văn phong Nguyễn Ngọc Tư, những kiểu câu khác không đặc sắc lắm chúng tôi chỉ xin điểm qua.