Các loại giống ngô

Một phần của tài liệu Đề tài nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống ngô lai có triển vọng trong vụ xuân và vụ thu đông 2009 tại thái nguyên (Trang 21 - 24)

Giống ngô đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất, nhờ những thành tựu trong công tác giống mà năng suất và sản lượng ngô thế giới cũng tăng lên liên tục trong những năm qua. Giống ngô được chia làm 2 nhóm chính là nhóm ngô thụ phấn tự do và nhóm ngô lai.

* Giống ngô thụ phấn tự do (Maize open pollinated variety - OPV) Là danh từ chung để chỉ loại giống mà trong quá trình sản xuất hạt giống con người không cần can thiệp vào quá trình thụ phấn. Đây là khái niệm tương đối để phân biệt với loại giống lai. Giống thụ phấn tự do được chia làm 2 loại:

- Giống địa phương (local variety): Là những giống ngô đã được trồng lâu đời ở vùng, được chọn lọc qua quá trình sản xuất. Giống địa phương là vật liệu quan trọng trong quá trình sản xuất. Phần lớn các giống ngô được tạo ra từ vật liệu địa phương có tính thích nghi, cấu trúc bắp tốt, chống chịu sâu đục thân khá.

- Giống thụ phấn tự do cải tiến (improved variety): Giống thụ phấn tự do cải tiến có một số đặc điểm chính như hiệu ứng gen cộng được khai thác trong chọn tạo, có nền di truyền rộng nên thích ứng rộng, có tiềm năng năng suất cao hơn các giống địa phương, độ đồng đều chấp nhận được, dễ sản xuất, giá rẻ, giống sử dụng được 2-3 đời (Mai Xuân Triệu, 1998) [23].

- Giống tổng hợp (Synthetic variety): Là giống lai nhiều dòng qua con đường đánh giá khả năng kết hợp chung của các dòng, thường là trên 6 dòng như TH2A,TSB1, TSB2,VN1, MSB49, Q2, VN2, CV1. Giống tổng hợp được sử dụng đầu tiên trong sản xuất nhờ đề suất của Hayse và Garber năm 1919 (Ngô Hữu Tình, 1997) [18]. Các tác giả này cho rằng sản xuất hạt giống ngô cải tiến bằng cách tái hợp nhiều dòng tự phối có ưu điểm hơn so với lai đơn, lai kép vì nông dân có thể giữ được giống từ 2-3 vụ.

Giống tổng hợp ngoài việc sử dụng trực tiếp vào sản xuất còn là nguồn nguyên liệu tốt cho công tác rút dòng để tạo giống lai và được coi là giống ngô ưu tú của thời kì quá độ trước khi sử dụng giống lai (Ngô Hữu Tình, 1997) [18]. Ở nước ta đã có một số giống ngô tổng hợp nổi tiếng như giống ngô TH2A, TH nếp trắng, HSB1...

- Giống hỗn hợp (compsite variety): Là thế hệ tiến triển của tổ hợp các nguồn vật liệu ưu tú có nền di truyền khác nhau. Nguồn vật liệu này bao gồm các giống thụ phấn tự do, giống tổng hợp, giống lai kép... được chọn theo một số chỉ tiêu như năng suất hạt, thời gian sinh trưởng, dạng và màu hạt, tính chống chịu với điều kiện ngoại cảnh. Những giống ngô thụ phấn tự do cải tiến đầu tiên ra đời vào những năm 70 của thế kỉ 19, khi các nhà chọn giống tiến hành lai giữa các quần thể với nhau và áp dụng phương pháp chọn lọc đối với quần thể mới.

Tuy nhiên sử dụng giống hỗn hợp vẫn có một vài nhược điểm, theo Mai Xuân Triệu (1998) [22] giống hỗn hợp có nền di truyền rộng và không thể kiểm soát được chặt chẽ khả năng kết hợp của các vật liệu tạo giống.

* Giống ngô lai (Hybrid maize)

Ngô lai là kết quả của ứng dụng ưu thế lai trong tạo giống ngô. Giống ngô lai được chia làm hai nhóm: Giống ngô không quy ước (Nonconventional hybrid) và giống lai quy ước (Conventional hybrid).

- Các giống ngô lai quy ước: Là giống ngô tạo ra bằng cách lai các dòng thuần với nhau, loại giống lai phụ thuộc số dòng thuần tham gia. Đây là phương thức sử dụng có hiệu quả nhất hiện tượng ưu thế lai do lợi dụng được hiệu ứng trội và hiệu ứng siêu trội khi lai các dòng tự phối đời cao với nhau, hiện nay giống ngô lai quy ước được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các nước trên thế giới đặc biệt ở Mỹ và Châu Âu. Dựa vào số dòng thuần tham gia, giống ngô lai quy ước có các loại chính là: Lai đơn, lai đơn cải tiến, lai ba, lai ba cải tiến, lai kép.

- Giống ngô lai không quy ước: Giống lai không quy ước là giống lai, trong đó ít nhất có bố hoặc mẹ không phải là dòng thuần. Giống ngô lai không quy ước có năng suất và các đặc điểm nông sinh học cao hơn giống TPTD, song có giá thành thấp hơn giống ngô lai quy ước. Các giống lai không quy ước có thể là:

+ Giống x giống: Là lai giữa hai giống TPTD

+ Dòng x giống hoặc dòng x giống(lai đỉnh): Là giống lai giữa một dòng thuần và một giống. Các tổ hợp lai đỉnh cho năng suất cao hơn 25 - 30%

so với giống thụ phấn tự do có cùng thời gian sinh trưởng.

+ Lai đơn x giống (lai đỉnh kép): Là giống lai giữa một lai đơn và một giống. Lai đỉnh kép cho năng suất cao hơn 20 -30% so với giống thụ phấn tự do có cùng thời gian sinh trưởng,

+ Gia đình x gia đình

Hai loại giống lai không quy ước được sử dụng nhiều nhất là giống lai đỉnh và lai đỉnh kép, vì sản xuất hạt giống dễ dàng và có tiềm năng năng suất cao hơn. Một số giống ngô lai không quy ước phổ biến như: LS4, LS5, LS6…

Một phần của tài liệu Đề tài nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống ngô lai có triển vọng trong vụ xuân và vụ thu đông 2009 tại thái nguyên (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w