Chào bán cổ phần riêng lẻ của các công ty Nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay (Trang 24 - 29)

2.1 Chào bán cổ phiếu riêng lẻ

2.1.2. Chào bán cổ phần riêng lẻ của các công ty Nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần

DNNN có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp này chưa cao, phần lớn kinh doanh không hiệu quả. Nhà nước hàng năm vẫn phải bù lỗ cho những doanh nghiệp này, gây mất cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Nhiều phương thức được áp dụng để đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp này như CPH, giao, bán, khoán cho thuê, giải thể, phá sản... trong đó CPH được coi là trọng tâm.

CPH thực chất là việc chuyển doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu bao gồm các pháp nhân, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Quá trình CPH được bắt đầu từ những năm 90 và trải qua nhiều thăng trầm.

Giai đoạn đầu tiên (1992 – 1996) chỉ CPH được 5 doanh nghiệp đó là Công ty cổ phần giày Hiệp An thuộc Bộ Công nghiệp, Công ty cổ phần chế biến thức ăn gia súc thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh... [4, tr.58]

Sau hơn 15 năm, quá trình CPH DNNN thu được nhiều thành quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 8/2006, cả nước đã sắp xếp được 4.447 DNNN, trong đó CPH là 3.060 doanh nghiệp [20, tr.24], các hình thức khác như giao, bán, khoán, cho thuê... chiếm khoảng 31,1% trong tổng số các doanh nghiệp được sắp xếp lại. Tuy nhiên, kết quả này đã tương xứng với tiềm năng và công sức mà chúng ta bỏ ra? Tại sao tốc độ CPH chậm, nhiều mục tiêu CPH không đạt được?

Có rất nhiều nguyên nhân bởi đây là một hoạt động phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều chủ thể.

Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP là những văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động này còn tồn tại nhiều bất cập, cần sửa đổi, bổ sung.

* Đối tượng và điều kiện cổ phần hoá:

Theo quy định tại Nghị định 187/2004/NĐ-CP, đối tượng CPH là các công ty không thuộc diện nhà nước phải nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm: Tổng công ty nhà nước (kể cả các ngân hàng thương mại nhà nước, tổ chức tài chính nhà nước), công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư thành lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty nhà nước. So với Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19/06/2002 của Chính phủ thì đối tượng CPH mở rộng hơn, bao gồm những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như tài chính – ngân hàng.

Trước đây, Nhà nước khuyến khích các DNNN CPH nhưng đến nay chúng ta đã chủ động và đẩy mạnh hoạt động này. Những doanh nghiệp nào thuộc diện CPH phải tiến hành CPH. Điều kiện CPH chỉ yêu cầu các doanh nghiệp này phải còn vốn nhà nước (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) sau khi trừ đi giá trị tài sản không cần dùng, tài sản chờ thanh lý, các khoản tổn thất do lỗ, giảm giá tài sản, công nợ không có khả năng thu hồi và chi phí CPH. Quy định như vậy tạo điều kiện cho các DNNN CPH thuận lợi, dễ dàng hơn.

* Hình thức cổ phần hoá:

Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP quy định bốn hình thức CPH. Với quy định này, Nghị định 187/2004/NĐ-CP đã kế thừa quy định về hình thức CPH tại Nghị định 64/2002/NĐ-CP. Trên thực tế các doanh nghiệp sử dụng các hình thức này không giống nhau. Theo thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trong số hơn 3000 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp CPH tính đến thời điểm tháng 12/2006: có 43,4% doanh nghiệp chọn hình thức bán một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết hợp phát hành thêm cổ phiếu mới; 26%

doanh nghiệp CPH theo hình thức bán một phần vốn nhà nước hiện có; 15,5%

doanh nghiệp chọn hình thức bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp; chỉ có 15,1% doanh nghiệp vẫn giữ nguyên vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu mới. [19, tr.6-7]

* Đối tượng và điều kiện mua cổ phần:

Tuỳ thuộc vào đối tượng mà số lượng cổ phần được phép mua khác nhau, thể hiện sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư trong nước được mua với số lượng không hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần theo quy định của pháp luật (không quá 49% theo Quyết định 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam).

* Xác định giá trị doanh nghiệp:

Giá trị doanh nghiệp là vấn đề quan trọng được các doanh nghiệp khi chuyển đổi quan tâm. Hoạt động này có ý nghĩa quyết định đến giá bán cổ phần lần đầu. Trước đây, theo Nghị định 28/1996/NĐ-CP ngày 07/05/1996, Nghị định 44/1998/NĐ-CP ngày 29/06/1998 của Chính phủ giá trị doanh nghiệp được xác định thường không phản ánh đúng với giá trị thực tế. Giá trị doanh nghiệp có thể là giá thực tế người mua và người bán có thể chấp nhận được hoặc căn cứ vào hiện trạng về tính năng, kĩ thuật, phẩm chất, giá trị của tài sản và tình hình kinh doanh trong 03 năm cuối.

Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ đã đưa thêm giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp góp phần xác định giá trị doanh nghiệp khách quan hơn. Nhưng quá trình thực hiện nghị định này có nhiều bất cập. Ngày16/11/2004 Chính phủ ban hành Nghị định 187/2004/NĐ-CP quy định cụ thể hơn về giá trị quyền sử dụng đất và giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp được định giá phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp, hạn chế thất thoát vốn nhà nước. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp là những cơ quan chủ quản của doanh nghiệp ảnh hưởng đến tính minh bạch trong hoạt động này.

* Giá bán cổ phần lần đầu:

Theo quy định tại Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Thông tư 126/2004/TT- BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/TT-BTC, giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp giảm 40% so với giá đấu thành công bình quân thực tế, các nhà đầu tư chiến lược giảm 20% so với giá đấu thành

công bình quân thực tế, đối với nhà đầu tư khác thì thực hiện theo giá thành công của từng nhà đầu tư. Những quy định này giúp doanh nghiệp vừa tận dụng được tối đa các nguồn vốn, giảm chi phí giải quyết quyền lợi cho người lao động vừa duy trì quan hệ bạn hàng với những đối tác quan trọng.

Tuy nhiên, việc chỉ quy định nhà đầu tư chiến lược do cơ quan quyết định CPH phê duyệt dẫn đến hiện tượng mỗi cơ quan đưa ra những cách thức xác định khác nhau. Ngày 19/12/2006 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 95/2006/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thụng tư 126/2004/TT-BTC quy định rừ hơn: người lao động trong doanh nghiệp CPH, các pháp nhân trong cùng Tổng công ty không được xác định là nhà đầu tư chiến lược. Quy định này góp phần hạn chế sự tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật của các cơ quan quyết định CPH.

Thông tư 95/2006/TT-BTC đã giới hạn tỷ lệ mua tối đa của người lao động trong doanh nghiệp là 100 cổ phần/năm công tác, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua tối đa là 20% số cổ phần bán ra.

* Phương thức tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu:

Điều 30 Nghị định 187/2004/NĐ-CP chỉ quy định một hình thức chào bán cổ phần lần đầu thông qua bán đấu giá: đấu giá trực tiếp tại doanh nghiệp nếu khối lượng cổ phần bán ra từ 01 tỷ đồng trở xuống hoặc đấu giá tại tổ chức tài chính trung gian nếu số lượng cổ phần bán ra trên 01 tỷ đồng, nếu khối lượng cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng sẽ tổ chức đấu giá tại trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK).

Quy định này góp phần gắn kết quá trình CPH và TTCK. Đối với những doanh nghiệp có tên tuổi khi CPH việc chào bán trên thị trường tập trung với lượng vốn huy động trên 10 tỷ đồng không quá khó khăn. Những doanh nghiệp ít tiếng tăm, chưa đủ điều kiện về kế toán, kiểm toán, minh bạch hoá thông tin, bán đấu giá trên TTCK có bảo đảm thành công cho đợt chào bán hay không?

Hơn nữa, các DNNN hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có những đặc thù riêng trong khi đó pháp luật chỉ quy định một hình thức duy nhất để chào bán cổ phần là bán đấu giá.

Trình tự tổ chức bán đấu giá lần đầu được quy định cụ thể. Trước khi bán đấu giá tối thiểu 20 ngày, cơ quan thực hiện bán đấu giá phải thông báo công khai các thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức bán cổ phần, điều kiện tham gia, số lượng cổ phần dự kiến bán trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời hạn thực hiện chào bán cổ phần là 04 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tuy nhiên, Nghị định 187/2004/NĐ-CP chưa đưa ra cách xác định giá đấu bình quân, xử lý trường hợp cổ phần không phân phối hết... Những bất cập trên đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 95/2006/TT-BTC ngày 19/12/2006 của Bộ Tài chính. Nếu số lượng cổ phần không bán hết còn lại dưới 50% thì điều chỉnh quy mô vốn điều lệ, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu trên 50% thì xem xét điều chỉnh giá khởi điểm và tổ chức bán đấu giá tiếp số cổ phần còn lại.

* Phí cổ phần hoá:

Chi phí cổ phần hoá được trừ vào vốn nhà nước tại doanh nghiệp và không vượt quá 10% tổng chi phí cổ phần hoá (điểm 8 mục B phần V Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP). Quy định này không đảm bảo các chí phí cho các hoạt động liên quan đến CPH. Bộ Tài chính đã điều chỉnh: nếu do Ban chỉ đạo của doanh nghiệp thực hiện, chi phí tối đa không qua 10% tổng chi phí CPH;

nếu do tổ chức tài chính trung gian thực hiện tối đa không quá 15%; trường hợp doanh nghiệp thực hiện đấu giá qua TTGDCK, tối đa không quá 20% tổng chi phí CPH (mục 12 Thông tư 95/2006/TT-BTC ngày 19/12/2006). Doanh nghiệp khi tổ chức bán cổ phần không phải “đau đầu” cho “bài toán” chi phí CPH.

Với những quy định hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động chào bán cổ phần của DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần. Có thể những quy định này chưa hoàn thiện nhưng với nỗ lực và quyết tâm, quá trình CPH mà Đảng và nhân dân ta theo đuổi trong suốt thời gian qua sẽ thành công.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w