Quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay (Trang 45 - 48)

2.3.1 Cơ quan quản lý Nhà nước.

Nếu như hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng chịu sự quản lý thống nhất của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thì hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ có sự tham gia quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau, không có cơ quan quản lý chung. Mỗi cơ quan quản lý hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của chủ thể nhất định dưới những góc độ khác nhau.

Theo quy định tại Chương IX Luật doanh nghiệp 2005, Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương. Do đó, những cơ quan này có thẩm quyền quản lý nhất định đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Đối với các doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 52/2006/NĐ-CP, Bộ Tài chính thống nhất quản lý và có quyền đình chỉ việc chào bán trái phiếu của các doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của các tổ chức tín dụng thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với hoạt động phát hành chứng khoán riêng lẻ của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có trách nhiệm chính trong việc xem xét và quyết định việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của các tổ chức này. Ngân hàng Nhà nước quản lý việc sử dụng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường tiền tệ;

chiết khấu, thế chấp cầm cố chứng khoán trong các quan hệ tín dụng theo quy định pháp luật. Sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với các chủ thể này khá chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và tín dụng Việt Nam.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP chịu sự quản lý chủ yếu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xin phép chuyển đổi, lập hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ là người quyết định cho phép chuyển đổi.

Các DNNN thực hiện chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP, hoạt động quản lý nhà nước thuộc về rất nhiều Bộ, ngành, địa phương khác nhau, chủ yếu theo cơ quan chủ quản của doanh nghiệp.

Theo Điều 40 Nghị định 187/2004/NĐ-CP thì Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính Phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổng công ty thực hiện công tác cổ phần hoá theo quy định của pháp luật.

2.3.2 Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu quản lý hoạt động chào bán chứng khoán của chủ thể chào bán, tổ chức trung gian và các nhà đầu tư.

* Đối với chủ thể chào bán chứng khoán riêng lẻ:

Doanh nghiệp khi thực hiện chào bán chứng khoán riêng lẻ để huy động vốn phải bảo đảm khả năng thanh toán, công khai, công bằng giữa các nhà đầu tư và tuân thủ những quy định của pháp luật về công bố thông tin.

Nghị định 52/2006/NĐ-CP và một số văn bản khác quy định khá cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp khi chào bán trái phiếu. Doanh nghiệp sử dụng lượng vốn thu được theo mục đích đã cam kết với nhà đầu tư, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán, cam kết với tổ chức đại lý phát hành, bảo lãnh phát hành.

Ngoài ra, pháp luật còn yêu cầu các doanh nghiệp khi chào bán chứng khoán riêng lẻ thực hiện công bố thông tin. Tuy mức độ công khai thông tin không chặt chẽ, đầy đủ như chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng chủ thể

chào bán phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư và chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin.

Theo Điều 42 Nghị định 52/2006/NĐ-CP, nội dung công bố thông tin bao gồm: các báo cáo tài chính, phương án phát hành đã được thông qua, kết quả xếp loại định mức tín nhiệm (nếu có), quyền lợi của người mua và cam kết đối của tổ chức chào bán. Những nội dung này phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở của tổ chức phát hành. Những quy định này đã hạn chế tình trạng doanh nghiệp không muốn công khai thông tin, bảo đảm thị trường vận hành an toàn.

Nghị định 187/2004/NĐ-CP đã có những quy định về công bố thông tin của các DNNN CPH. Công ty cổ phần mới thành lập phải thực hiện báo cáo tài chính công khai cho các cổ đông và cơ quan quản lý theo Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật. Quy định này cần cụ thể hơn nâng cao chất lượng thông tin, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện công bố thông tin.

Nghị định 38/2003/NĐ-CP và những văn bản pháp luật khác điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đề cập đến vấn đề này ở những mức độ khác nhau.

* Đối với tổ chức trung gian và nhà đầu tư:

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật đề cập chính thức đến trách nhiệm của tổ chức trung gian và quản lý nhà nước đối với chủ thể này trong hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ. Với vai trò bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành... tổ chức trung gian phải bảo đảm thực hiện đúng cam kết với chủ thể phát hành và tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán chứng khoán riêng lẻ.

TTCK Việt Nam những năm qua thu hút sự tham gia đông đảo của công chúng đầu tư. Số lượng tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư tính đến tháng 12/2006 là 95.000 tài khoản, gấp 3 lần so với cuối năm 2005. [18, tr.37] Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định điều chỉnh hoạt động của các nhà đầu tư khi tham gia mua bán chứng khoán được chào bán riêng lẻ.

Như vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn những tồn tại và hạn chế cần được hoàn thiện.

Chương 3

Phương hướng hoàn thiện pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp

Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w