Đề xuất một số loại hình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu 1. Nuôi xen ghép nhiều đối tượng thủy sản trong cùng một ao nuôi

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đất nuôi trồng thủy sản và giải pháp thích ứng trên địa bàn xã hương phong thị xã hương trà tỉnh thừa thiên huế (Trang 80 - 84)

Nuôi xen ghép là một hình thức nuôi mới, phát triển trong khoảng 4 năm trở lại đây nhưng đã bước chuyển quan trọng trong cơ cấu nuôi trồng của người dân, tỷ lệ nuôi xen ghép ngày càng gia tăng và góp phần gải quyết những khó khăn trong trong sản xuất do môi trường nuôi bị ô nhiễm, thời tiết khí hậu thay đổi thất thường, thiên tai mưa bão thường xuyên xảy ra,…

Bảng 4.17. Hình thức nuôi trồng thủy sản qua các năm từ 2011 – 2014 xã Hương Phong

Năm 2011 2012 2013 2014

Số hộ Tỷ lệ Số hộ Tỷ lệ Số hộ Tỷ lệ Số hộ Tỷ lệ

Nuôi xen ghép 39 55,7 48 68,6 56 80,0 60 85,7

Nuôi chuyên tôm 24 34,3 16 22,9 9 12,9 7 10,0

Hình thức khác 7 10,0 6 8,6 5 7,1 3 4,3

(Nguồn: Số liệu điều tra thu thập) Biểu đồ thể hiện hình thức nuôi trồng thủy sản qua các năm ở Hương Phong từ 2011 – 2014, đây là giai đoạn mà hình thức nuôi tôm sú gặp nhiều khó khăn, hình thức nuôi xen ghép được chú trọng hơn.

Biểu đồ 4.9. Biểu đồ thể hiện hình thức nuôi trồng thủy sản ở xã Hương Phong qua các năm từ 2011 – 2014

Theo kết quả điều tra, nhiều hộ dân cho biết việc nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trong cùng một ao nuôi tuy không đem lại lợi nhuận cao bằng việc nuôi chuyên tôm sú như trước đây nhưng nó có tính bền vững hơn. Việc nuôi nhiều đối tượng thủy sản trong một ao như nuôi xen ghép tôm sú – cua - cá có thể tận dụng tối đa diện tích mặt nước do tận dụng được sự phân tầng trong ao nuôi, tiết kiệm được thức ăn và làm sạch ao. Chất thải của loài này có thể trở thành thức ăn cho loài khác nên có thể giảm thiểu chi phí đầu tư. Ngoài ra, việc nuôi nhiều đối tượng thủy sản xen ghép còn góp phần cải thiện môi trường trong ao, làm nước sạch hơn và ổn định các yếu tố môi trường khác như pH, độ kiềm, độ trong, nhiệt độ,… Khi dịch bệnh xảy, do nuôi cùng một lúc nhiều loài nên bà con sẽ không bị mất trắng, những loài còn lại trong ao có thể giúp bà con thu hồi vốn tránh bị thua lỗ.

Trong năm 2011 – 2012, trong khuôn khổ của dự án “ Xây dựng mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững và tổng hợp tài nguyên thiên nhiên ở xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam”. Phòng kinh tế thị xã Hương Trà cũng đã tiến hành triển khai mô hình “ Nuôi hỗn hợp một số loài thủy sản có giá trị cao và có khả năng cải thiện chất lượng môi trường nước” trên dện tích 2 ha với sự tham gia của 4 hộ dân/năm. Qua 2 năm triển khai mô hình, kết quả thu được rất khả quan khi tất cả các hộ tham gia mô hình đều có lãi trung bình từ 40.000.000 – 50.000.000 đồng/ha. Kết quả hạch toán kinh tế của mô hình được thể hiện qua bảng sau:

Bảng 4.18. Hạch toán kinh tế các hộ tham gia mô hình nuôi xen ghép qua các năm 2012 – 2013 xã Hương Phong.

Đơn vị tính: triệu đồng Hộ Diện tích (ha) Tổng thu Tổng chi Lãi ròng

Nguyễn Lương 0,6 79,950 50,185 29,765

Nguyễn Văn Tân 0,4 57,385 36,200 21,185

Tôn Thất Luyện 0,6 54,550 30,000 29,400

Nguyễn Văn Hữu 0,6 58,540 35,400 23,140

Đặng Thị Thêm 0,4 51,140 31,665 19,475

(Nguồn: Báo cáo mô hình nuôi xen ghép năm 2011 – 2012 xã Hương Phong) Do nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trong cùng một ao nuôi nên góp phần cải thiện và ổn định môi trường giúp giảm thiểu rủi ro cho người nông dân khi có sự thay đổi của khí hậu như nhiệt độ tăng cao, mưa trái mùa xảy ra,… Vì vậy đây có thể xem là một hướng đi chủ đạo của bà con tại địa phương trong việc thích ứng và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

4.5.2. Nuôi cá lồng

Hương Phong có 3 mặt giáp sông và phá Tam Giang là một trong những lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng. Tuy nhiên, trong những năm qua, nghề nuôi cá, đặc biệt là nuôi cá lồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Mực nước biển dâng làm mất một số diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài đê và cản trở việc nuôi trồng của bà con. Sự dâng lên của mực nước biển cùng với môi trường ô nhiễm đang gây ra nhiều khó khăn trong việc nuôi thủy sản theo kiểu truyền thống mà chủ yếu là hình thức nuôi tôm sú trong các ao nuôi hạ triều. Hình thức nuôi này dễ gặp rủi ro do dịch bệnh dẫn tới nguy cơ mất trắng.

Mặt khác, nước biển dâng cao, đặc biệt là lúc triều cường sẽ góp phần tạo lưu thông cho dòng chảy và tăng chiều sâu mực nước là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc nuôi cá lồng ở ven phá. Nuôi cá ở đây có rất nhiều lợi thế do có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ như các loại rong rêu, các loại cá nhỏ đánh bắt từ đầm phá, cá nuôi gần tự nhiên nên chất lượng thơm ngon hơn, đầu ra ổn định do ở đây dịch vụ ăn uống đang khá phát triển nhất là khu vực Cồn Tè.

Nuôi cá lồng là hình thức nuôi khá phù hợp với điều kiện của người dân ven phá do chi phí đầu tư không quá lớn, cá dễ nuôi, ít dịch bệnh. Các loại cá được thả nuôi chủ yếu là các giống cá có giá trị kinh tế cao, thi trường ưa chuộng như cá

Hồng, cá Mú, cá Dìa, cá Chẽm,… Các loại cá được thả nuôi hầu hết là các giống cá có sẵn tại địa phương, nguồn giống được đánh bắt trực tiếp ở đầm phá đưa vào thả nuôi chỉ có cá Chẽm là phải mua ở nơi khác nên ít nguy cơ bị dịch bệnh, cá lớn nhanh, sinh trưởng, phát triển tốt. Nuôi cá lồng không đòi hỏi công chăm sóc lớn như nuôi tôm sú nên người dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm các công việc phụ khác tăng thu nhập cho gia đình.

Ngoài ra, với lợi thể giáp các con sông lớn như sông Hương, sông Bồ, sông Kim Đôi, Hương Phong có nhiều tiềm năng trong phát triển nuôi cá lồng ven sông. Do ở đây, nghề nuôi cá nước ngọt không được chú trọng nên nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm này là khá lớn. Nuôi cá lồng ven sông, đặc biệt là các giống cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá Trắm cỏ, cá Rô phi, cá Chép, cá Mè, cá Lóc,… vừa tận dụng được diện tích mặt nước, giải quyết nhu cầu thực phẩm ở địa phương, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân là một hướng đi thích hợp cần được quan tâm đầu tư phát triển.

Nuôi các lồng đang là một hướng đi mới giúp tháo gỡ khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra cho bà con ngư dân, khai thác tốt những tiềm năng lợi thế ở Hương Phong nói riêng và thị xã Hương Trà nói chung. Góp phần phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.

4.5.3. Chuyển đổi một phần diện tích nuôi kém hiệu quả sang các hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

Trong những năm trở lại đây, một số diện tích nuôi thủy sản đã phải bỏ hoang do ko có đủ nước cung cấp vào mùa khô hoặc do nguồn nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng không thể sản xuất được, nếu tiếp tục sản xuất thì phải đầu tư với chi phí rất lớn vượt ra khỏi khả năng của người dân. Nhiệt độ tăng cao vào mùa hè cùng với mưa thường xảy ra đột ngột làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi mạnh nhất là pH. Trong nuôi trồng thủy sản, pH môi trường nước thay đổi sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố lý, hóa, sinh của môi trường và sức khỏe của thủy sản, pH thích hợp cho nước trong ao hồ nuôi tôm sú là pH từ 7,2 - 8,8. Tốt nhất là trong khoảng 7,8 - 8,5, pH trong ngày không nên biến động quá 0.5/ngày. Nếu pH biến động lớn có thể làm tôm, cá bị sốc, yếu và bỏ ăn. Nếu pH cao hay thấp kéo dài sẽ làm tôm chậm tăng trưởng, còi cọc, dễ nhiễm bệnh, hao hụt.

Nước biển dâng và sự gia tăng về tần suất cũng như cường độ của bão lũ làm cho một phần diện tích ở các vùng ven phá bị mất đi do bị ngập sâu, khó khăn trong nuôi trồng và chi phí xây dựng đê đập lớn gây cản trở sản xuất của khu vực này.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng khó khăn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản ở những khu vực này, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khai thác tốt tiềm năng đất đai tránh để tình trạng bỏ hoang đất thì cần có những đầu tư thích hợp và có những hướng đi mới. Trong những năm qua, do chú trọng phát triển nghề nuôi thủy sản mà đặc biệt là nghề nuôi tôm nên nhiều hộ dân không chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực khác có tiềm năng tại địa phương trong đó đặc biệt là dịch vụ - du lịch.

Ở Hương Phong có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển dịch vụ ăn uống và du lịch. Ở đây có cảnh quan đẹp, có phá Tam Giang với cảnh quan sông nước đặc trưng, có rừng ngập mặn Rú Chá, khu vực Cồn Tè… đây là những tiền đề để phát triển ngành dịch vụ - du lịch tại địa phương. Việc chuyển đổi một phần diện tích nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả và khó khăn trong sản xuất sang các ngành dịch vụ - du lịch là một hướng đi cần thiết, hứa hẹn nhiều triển vọng cũng như phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của xã Hương Phong và thị xã Hương Trà.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây (2010 -2014), ngành dịch vụ ăn uống ở địa phương đã có bước phát triển nhanh đặc biệt là ở khu vực Cồn Tè. Khu vực này trước đây là các ao do người dân tự đào để ương tôm giống trước khi nuôi và để nuôi trồng thủy sản nhưng không hiệu quả. Từ năm 2010, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển từ nuôi trồng thủy sản sang kinh doanh dịch vụ, bước đầu đem lại hiệu quả khả quan nên đã thu hút nhiều hộ khác tham gia. Đến nay, ở khu vực này đã hình thành nên một chuỗi các quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, câu cá thư giản đem lại nguồn thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đây hứa hẹn là một hướng đi mới góp phần giải quyết ảnh hưởng trong nuôi trồng thủy sản do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện tại, ở Hương Phong còn rất nhiều khu vực nuôi trồng không hiệu quả có tiềm năng trong phát triển dịch vụ - du lịch như ở khu vực Rú Chá, Cồn Miếu, Cồn Sáo,… cần được qua tâm đầu tư phát triển.

4.6. Các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đất nuôi trồng thủy sản và giải pháp thích ứng trên địa bàn xã hương phong thị xã hương trà tỉnh thừa thiên huế (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w