CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP QUỐC TẾ VIỆT NAM
3.2. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng tại ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam
3.2.1. Xây dựng một chính sách tín dụng phù hợp với từng giai đoạn
Có thể nói chính sách tín dụng là nhân tố đầu tiên quyết định hướng chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng. Một chính sách tín dụng hợp lý sẽ giúp tăng trưởng tín dụng một cách bền vững cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Để xây dựng một chính sách tín dụng phù hợp, VIB cần xem các vấn đề sau.
Thứ nhất: về chính sách khách hàng
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, đặc biệt có nhiều ngân hàng nước ngoài bắt đầu hoạt động tại Việt Nam thì khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn rộng hơn, đòi hỏi chất lượng cao hơn và mong muốn tìm được nguồn vốn vay có chi phí rẻ hơn, nhanh chóng hơn. Chính vì vậy, VIB phải ngày càng quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ với khách hàng. Ngân hàng không
chờ khách hàng tìm đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm khách hàng thông qua các hoạt động marketing, quảng bá hình ảnh, xây dựng niềm tin đối với khách hàng.
Một điều quan trọng là VIB phải quan tâm khách hàng cần gì, có nhu cầu gì trong hoạt động sản xuất kinh doanh để có những gói sản phẩm, dịch vụ tương ứng phù hợp. Ví dụ như VIB có thể tổ chức hội nghị khách hàng là các doanh nghiệp trên địa bàn, hội nghị khách hàng truyền thống. Qua đó ngân hàng có thể rút ra được kinh nghiệm từ những ý kiến đóng góp của khách hàng, đồng thời tuyên truyền sâu rộng về bản thân VIB và lợi ích của khách hàng khi đến vay vốn tại ngân hàng, cũng như tiếp cận các khách hàng mới.
Trong quy trình tín dụng của mình, VIB cần làm gọn nhẹ hơn nữa thủ tục hồ sơ của khách hàng để tạo sự thoải mái cho khách hàng. Cán bộ tín dụng nên có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ khách hàng hoàn thiện hồ sơ xin vay vốn. Ngoài ra để nâng cao khả năng trả nợ của khách hàng, ngân hàng không những giám sát quá trình sử dụng vốn của khách hàng mà cần phải có những tư vấn, giúp đỡ khách hàng khi khách hàng gặp khó khăn. Việc làm đó không những nâng cao chất lượng tín dụng của chính khoản vay đó mà tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa ngân hàng và khách hàng cũng như góp phần quảng bá hình ảnh của ngân hàng.
Đa dạng hóa hơn nữa đối tượng khách hàng cũng là một chính sách giúp VIB quản lý tốt hơn rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng. Công tác đa dạng hóa khách hàng cũng đi kèm với phát triển những gói sản phẩm mới. Trong giai đoạn vừa qua, nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI luôn thực hiện các nghĩa vụ tín dụng đúng hạn.
Đây được xem là hướng đi hợp lý của VIB; do đó VIB cần phải có những chính sách khuyến khích để mở rộng hơn nữa hoạt động tín dụng với khối doanh nghiệp này.
Thứ hai: Chính sách lãi suất.
Lãi suất là một yếu tố quan trọng trong mỗi hợp đồng tín dụng. Một chính sách lãi suất phù hợp sẽ giúp VIB tăng khả năng cạnh tranh, thu hút được khách hàng và tăng dư nợ tín dụng, tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Để xây dựng được một chính sách lãi suất cho vay có hiệu quả, VIB phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo
kinh tế vĩ mô, khả năng phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn tới từ đó có những nhận định về rủi ro và lãi suất một cách hợp lý. Trong những năm qua, VIB đã và đang áp dụng chính sách lãi suất một cách linh hoạt đối với các đối tượng khách hàng vay vốn tùy theo năng lực kinh doanh và năng lực tài chính của khách hàng, tùy theo quy mô và thời hạn của các khoản cho vay. Tuy nhiên, chính sách lãi suất sẽ hợp lý hơn nữa nếu VIB làm tốt công tác dự báo của mình. Ví dụ VIB dự đoán rằng khả năng trong những năm tới ngành dệt may sẽ phát triển mạnh, khả năng tăng trưởng xuất khẩu lớn, thì VIB sẽ có những ưu đãi đối với ngành dệt may để từ đó nâng cao tăng trưởng và chất lượng tín dụng. Ngược lại đối với ngành lắp ráp ô tô của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh trong thời kì hậu gia nhập WTO do đó VIB không khuyến khích cho vay đối với ngành này, từ đó sẽ hạn chế tín dụng và điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.
Thứ ba : Chính sách về tài sản đảm bảo.
Hiện nay VIB đang thực hiện cho vay dưới cả 2 dạng có và không có tài sản đảm bảo. Hình thức vay có tài sản đảm bảo vẫn chiếm phần lớn số lượng các khoản vay. Các loại tài mà VIB chấp nhận làm tài sản đảm bảo bao gồm: các loại giấy tờ có giá như: Trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi; các loại tài sản cố định như bất động sản, máy móc thiết bị sản xuất, hoặc chính tài sản mà khách hàng xin vay vốn để mua.... Điều đáng nói ở đây chính là việc định giá tài sản đảm bảo. Công tác định giá tài sản đảm thực sự là một công tác khó khăn đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt đối với tài sản cố định như bất động sản, máy móc thiết bị. Mỗi tài sản loại này đều có đặc trưng riêng do đó định giá chính xác là tương đối khó khăn. Hơn thế nữa là việc một số trường hợp cán bộ tín dụng nhận tiền của khách hàng để định giá tăng giá trị của tài sản đảm bảo dẫn đến nhiều hệ quả xấu về sau. VIB cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác định giá và tái thẩm định. Cần có cơ chế giám sát, quản lý việc định giá tài sản đảm bảo để tránh những trường hợp khai khống giá trị tài sản đảm bảo. Công tác xác định sở hữu và tình trạng thế chấp tài sản đảm bảo cũng phải hết sức chú ý. Một vấn đề khác liên quan đế tài sản đảm bảo đó là tỷ lệ cho vay tối đa so với giá trị tài sản đảm bảo. VIB cần phải thực hiện một tỷ lệ linh
hoạt trong từng hoàn cảnh, giai đoạn, điều kiện của nền kinh tế. Trong nền kinh tế khó khăn như hiện nay, tỷ lệ này cần giảm xuống đối với một số loại tài sản đảm bảo như bất động sản, thiết bị máy móc.... nhằm giảm thiểu rủi ro và hạn chế phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Ngược lại khi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh thì có thể nâng tỷ lệ này lên để nâng cao tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.