Trình bày Bản luận cứ của luật sư:

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA TRANH TỤNG TRONG CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI (Trang 37 - 40)

Như đã nêu, Bản luận cứ của Luật sư đã được chuẩn bị trước đó. Luật sư đã có sự trao đổi với thân chủ của mình và thống nhất với nhau về các yêu cầu cũng như các phương án mà luật sư đề xuất với HĐXX. Bản luận cứ cũng đã được luật sư hoàn chỉnh, cập nhật những ý mới và bổ sung thông qua quá trình xét hỏi tại phiên tòa. Trong phần tranh luận luật sư trình bày bản luận cứ của mình công khai trước tòa để HĐXX và những người tham gia tố tụng khác nắm bắt được quan điểm của luật sư về nhận định và đánh giá chứng cứ cũng như những kết luận và các đề xuất của luật sư nhằm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Bản luận cứ luật sư là một tài liệu tố tụng rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa giúp HĐXX có thêm các dữ liệu quan trọng trong khi nghị án mà còn có giá trị trong các giai đoạn xét xử tiếp theo nếu

bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Cần sử dụng phương pháp trình bày của Bản luận cứ thích hợp đối với từng vụ án riêng biệt. Có thể vừa kết hợp đọc, nói hoặc trình bày có giải thích trên cơ sở những tình tiết chính trong Bản luận cứ. Dù luật sư trình bày Bản luận cứ dưới dạng đọc hay dạng nói thì Bản luận cứ cũng phải được đánh máy rõ ràng, khúc chiết. Đối với những phần mà cần thiết phải bổ sung trong phần hỏi Luật sư nên dành những khoảng trống trong Bản luận cứ để cập nhật những tư liệu một cách rõ ràng mà HĐXX có thể chấp nhận được. Như trên đã nêu, ngoài việc viện dẫn các văn bản pháp luật khi nhận định và đánh giá chứng cứ cũng như là việc kết luận những tình tiết của vụ án, luật sư cần đính kèm theo Bản luận cứ của mình các phần trích dẫn của các tài liệu văn bản đó. Toàn bộ Bản luận cứ đã được bổ sung, sửa chữa kèm theo các tài liệu văn bản trích dẫn, luật sư phải gửi ngay cho HĐXX ngay sau khi trình bày xong. Bản đề cương luận cứ của luật sư trong những trường hợp cần thiết có thể được gửi trước cho các thành viên của HĐXX và đại diện của VKS để họ nghiên cứu trước. Thực tiễn hành nghề cho thấy một Luật sư thu hút được sự quan tâm của HĐXX hoặc những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa không phải bằng một bài phát biểu đánh máy sẵn, dài dòng mà là nội dung của bài phát biểu đó đề cập được đến những vấn đề gì, có thực sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng hay không? Có đề xuất được với Toà án những biện pháp có căn cứ, đúng pháp luật, giúp Toà án ra được một bản án có rất thuyết phục hay không?

Thông thường Luật sư nên tận dụng các cơ hội để nói hoặc trình bày hơn là đọc Bài luận cứ . Trong quá trình trình bày, luật sư nên viện dẫn các chứng cứ viết sẵn, đưa ra trước Toà án các tài liệu chứng minh cho những gì mình đang nói. Kết hợp so sánh, phân tích, đối chiếu với các tình tiết vừa được kiểm tra công khai tại phiên toà, không nên lệ thuộc quá nhiều vào bài luận cứ đã viết sẵn. Tốt nhất nên kết hợp giữa kết quả hỏi tại phiên toà với phần chuẩn bị trước trong bản luận cứ. Các lập luận phải chặt chẽ trên cơ sở quy định của pháp luật, các văn bản pháp luật phải được sử dụng và sử dụng chính xác. Tránh dùng những lời lẽ nặng về mô tả văn phong hoặc mang nặng tính ngôn ngữ, khó hiểu, trừu tượng. Không nói dài, vô nghĩa .

Cách tranh luận

- Dựa vào kết quả hỏi phiên toà, vậy nên luật sư phải ghi chép lại không chỉ những câu hỏi mà còn ghi lại những câu trả lời trong phiên toà;

- Dựa vào bản luận cứ và phương án bảo vệ đã được chuẩn bị trước;

- Các lập luận phải chặt chẽ trên cơ sở quy định của pháp luật, các văn bản pháp luật phải được sử dụng và sử dụng chính xác.

- Cần trình bày rõ ràng, lời lẽ từ tốn và đặc biệt phải chọn những thuật ngữ pháp lý chuẩn xác theo pháp luật hiện hành. Tránh dùng những lời lẽ nặng

nề về mô tả văn phong hoặc mang nặng tính ngôn ngữ , khó hiểu hoặc trừu tượng;

- Tránh nói dài, nói vô nghĩa.

Cách đối đáp với phía bên kia

- Cũng giống như phần trình bày quan điểm của mình, khi đối đáp với phía đối phương , cần đưa ra những luận cứ để phản bác lại từng luận điểm của đối phương với một thái độ bình tĩnh.

- Tránh bị kích động, tránh dùng lời lẽ nặng nề mang tính nhục mạ đối phương.

Lưu ý:

- Khi trình bày Bản luận cứ của mình, luật sư đang gửi đến cho HĐXX và những người tham gia tố tụng một bản thông điệp. Như vậy, không phải nói những gì mà mình thích mà nói những gì Toà án có thể chấp nhận được. - Bản luận cứ là cách thực tế để chuyển tải ý nghĩ, vì vậy, để việc chuyển tải thông tin có hiệu quả, Bản luận cứ cũng phải tuân theo những quy định nhất định.

- Việc truyền đạt thông tin không chỉ là trên giấy tờ và lời nói, mà còn thể hiện ở cử chỉ và điệu bộ.

- Cần phải tránh sự thái quá trong lời nói lẫn trong cử chỉ; điều này nhiều khi làm cho Thẩm phán khó chịu và có thể nội cáu.

- Không diễn thuyết một cách cao hứng, hơi khoa trương pha lẫn giọng kịch: giả vờ run lên xuống giọng quá điệu đà, trầm bổng không đúng chỗ.

Nhiều cử chỉ không được thiện cảm như khoa trương cánh tay, đi lại mất trật tự khi chưa được phép của chủ tọa phiên tòa, chỉ tay vào người này, người khác khi nói, kể cả chỉ tay vào thân chủ của Luật sư. Điều này chỉ làm trò cười cho phòng xử án và không có hiệu quả.

- Phải bình tĩnh và nhẹ nhàng. Giọng nói cũng phải ung dung: nói đủ to để có thể nghe được, không nên bắt chước theo giọng nói (thường là rắn rõ) của các Thẩm phán. Phải tạo điều kiện dễ dàng để mọi người có thể nghe được. Luật sư nên nhớ rằng nếu Bản luận cứ chỉ kéo dài trong ba mươi phút, nhưng các Thẩm phán phải lắng nghe không phải chỉ một Bản luận cứ mà họ còn phải lắng nghe những người tranh tụng nói và diễn thuyết trong suốt cả ngày.

- Tất nhiên Luật sư hoàn toàn có thể điều chỉnh giọng nói của mình để nhấn mạnh khi cần thiết, ngoài ra giọng nói còn có thể trở nên cương quyết, phẫn nộ, nghi ngờ, v.v.. nếu cần phải như vậy.

- Nhịp đọc hoặc nói phải được điều chỉnh cho phù hợp với ngữ cảnh, không nhanh quá nhưng cũng không được chậm quá.

- Trong khi trình bày, nếu Luật sư nhận thấy rằng Tòa án đã hiểu được vấn đề mình trình bày và lập luận đã được Tòa án chấp nhận thì không nên triển khai thêm nữa, lúc đó phải kịp thời chuyển sang vấn đề khác.

- Không nên quá thận trọng với Bản luận cứ của mình, nhất là không nên đọc từng chữ. Trong khi trình bày phải chú ý để việc trình bày không quá đơn điệu: như thỉnh thoảng ngắc ngứ, không nhận ra chữ gì, lúng túng vì một từ không rõ nghĩa, dừng lại để tìm câu thích hợp do việc chuyển từ đọc sang nói hoặc ngược lại…

- Một vài Luật sư nghĩ rằng việc công kích đối phương của mình bằng những lời bóng gió có ác ý làm cho đối phương phải bẽ mặt và điều đó làm cho vụ án tiến triển nhanh hơn. Điều này hoàn toàn không phải như vậy. Việc này không chỉ chọc tức các đối phương mà còn chọc tức cả các thẩm phán ghi nhận vào bản án. Điều đó có nghĩa là một Luật sư có nhân cách xấu thì không vì thế mà Luật sư kia thắng thế trong vụ án. Vì vậy, Luật sư không bao giờ công kích những phẩm chất và tính cách của đối phương khi trình bày Bản luận cứ.

- Khi các thẩm phán đặt những câu hỏi dựa trên những sự kiện liên quan đến vụ án mà Tòa án đang xem xét giải quyết cũng như dựa vào pháp luật, Luật sư luôn luôn thành kiến rằng thẩm phán lúc đó đang cố tình gây bất lợi cho mình. Hoàn toàn không phải như vậy. Thẩm phán đặt câu hỏi có thể bất lợi cho người có liên quan, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, Luật sư cũng phải bình tĩnh trả lời.

Để đạt được mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, trước hết Luật sư phải tuân thủ những quy định, thủ tục của phiên tòa. Luật sư phải tôn trọng pháp luật cho phép để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Khi tham gia phiên tòa, Luật sư cần chứng tỏ mình là người có văn hóa pháp đình; phẩm chất đó được thể hiện một cách cụ thể trong tác phong đi, đứng, tư thế ngồi, trong lời ăn tiếng nói, thậm chí từ ánh mắt nhìn. Luật sư cần nhã nhặn, khiêm nhường nhưng không khúm núm, kiên định giữ nguyên tắc nhưng không kiêu căng, ngạo mạn; lập luận hùng hồn có sức thuyết phục, phủ định những ý kiến khác, nhưng không gây căng thẳng.

Tóm lại, khi ở phiên tòa, Luật sư trình bày Bản luận cứ của mình sẽ giúp Tòa án hiểu được các quan điểm của mình, do đó phải lựa chọn một hình thức phù hợp để đạt được kết quả. Sau khi trình bày xong nhất thiết phải cung cấp cho mỗi thẩm phán một bản sao và có thể gửi một bản cho đối phương của mình.

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA TRANH TỤNG TRONG CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI (Trang 37 - 40)