Trao đổi các văn thư với Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA TRANH TỤNG TRONG CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI (Trang 26 - 27)

Trong quá trình chuẩn bị cho phiên tòa sơ thẩm, nhiều khi Luật sư sẽ phải là người chủ động co những đề xuất đối với Tòa án. Khi đưa ra những đề xuất này, Luật sư phải xuất phát từ lợi ích của khách hàng mà mình bảo vệ. Tùy vào từng vụ án cụ thể, Luật sư sẽ có những đề xuất phù hợp với Tòa án.

Theo quy định của Bộ luật tố dân sự, trong giai đoạn này Luật sư có thể đề xuất những vấn đề sau:

Đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Đề nghị Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Đề nghị Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đề nghị Tòa án chuyển vụ án cho đúng thẩm quyền. Đề nghị Tòa án điều tra xác minh thêm các chứng cứ.

Khi đưa ra những đề xuất đối với Tòa án, Luật sư phải căn cứ vào các quy định của pháp luật đối với từng loại đề xuất và phải viện dẫn, chứng minh hoặc đưa ra được các căn cứ cho phù hợp với quy định chung.

Trong quá trình tiếp xúc với hồ sơ, khi thấy có những nội dung cần có sự can thiệp kịp thời của Tòa án, Luật sư hoàn toàn có thể đề nghị Tòa án, cụ thể là đề nghị với Thẩm phán trực tiếp thụ lý vụ án ra các quyết định theo quy định chung. Việc đề xuất có thể trực tiếp với thẩm phán hoặc thông qua văn bản. Tuy nhiên, để thuận lợi cho quá trình bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đương sự, đồng thời để những đề xuất của Luật sư mang tính chính thức, là tài liệu được lưu vào trong vụ án, khi đưa ra các đề xuất tốt nhất là nên thể hiện bằng văn bản. Các văn bản này sẽ được lưu trong hồ sơ của Tòa án, và đó sẽ là căn cứ cho các hoạt động về sau này của Luật sư khi cần thiết.

Trường hợp các đề xuất trên của Luật sư không được Tòa án chấp nhận, thì điều này không hề hạn chế việc Luật sư đưa ra các vấn đề này ra trình bày tại phiên tòa. Thậm chí Luật sư có thể tiếp tục khiếu nại việc Toà án không ra các quyết định cần thiết trong quá trình giải quyết vụ kiện trong đơn kháng cáo, trong các đề nghị khác theo thủ tụ tố tụng chung.

Ngoài ra, những trường hợp cần đề xuất với Tòa án bằng văn thư có thể là các giải trình của khách hang của mình gửi cho Tòa án trong trường hợp cần trả lời một yêu cầu của Tòa án hoặc cần giải trình một vấn đề nào đó liên quan đến một vấn đề mà đương sự khác nêu ra trái với quan điểm của mình. Các giải trình này còn có thể được thể hiện dưới dạng các sửa đổi, bổ sung các tài liệu đã cung cấp cho Tòa án trước đó nhưng bị hiểu nhầm, hiểu không đúng hoặc bị xuyên tạc.

Nhiều khi chỉ là một văn bản giải thích một văn bản pháp luật mà theo đó đang tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Mục đích của các giải trình này được trao đổi giữa khách hang với Tòa án là để thuyết phục Tòa án theo quan điểm của mình. Vì vậy, dù giải trình do khách hàng ký tên thì Luật sư cũng phải giúp khách hàng soạn thảo hoặc giúp khách hàng xem lại lần cuối cùng trước khi gửi cho Tòa án.

Các văn thư này trở thành các nguồn chứng cứ rất quan trọng mà Tòa án, Viện kiểm soát và các đương sự khác có thể sử dụng trong vụ án. Vì vậy, khi soạn văn thư cần hết sức thận trọng cả về hình thức và nội dung. Về hình thức, các văn thư cần viết ngắn gọn, dễ hiểu, trong sang và tuân theo quy định chung về soạn thảo văn bản hành chính-tố tụng.

Về nội dung phải là các văn thư bổ sung và khẳng định lại các quan điểm mà Luật sư hoặc khách hang đã trình bày trước đó. Tuyệt đối không đưa ra các quan điểm trái ngược với các quan điểm đã đưa ra trước đó trong cùng một vụ án.

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA TRANH TỤNG TRONG CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI (Trang 26 - 27)