3.2. Phân tích nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh
3.2.2. Nhu cầu đào tạo theo kỹ năng
Đào tạo kỹ năng là loại hình đào tạo thực hành các kỹ năng nghề nghiệp; đây là hình thức phù hợp để đào tạo các kỹ năng vận hành máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng, bán hàng, chăm sóc khách hàng cũng như công nghệ thông tin. Quảng Ninh luôn có nhu cầu cao về đào tạo bồi dưỡng kỹ năng. Các chủ doanh nghiệp ở Quảng Ninh nhận thấy kỹ năng và kiến thức của người lao động thường xuyên bị lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu công việc thay đổi liên tục.
Công việc trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu liên quan tới sử dụng máy móc và thiết bị. Vì vậy, các kỹ năng vận hành máy móc và sửa chữa, bảo dưỡng cần thiết hơn so với các kỹ năng còn lại. Tương tự, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng liên quan nhiều tới quy trình sử dụng máy móc, thiết bị, nên các ngành thuộc lĩnh vực này đòi hỏi người lao động phải có các kỹ năng tốt về vận hành máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng;
lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cần nhiều kiến thức đặc thù về ngành và các kỹ năng công nghệ thông tin hơn lĩnh vực nông nghiệp. Đối với lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi nhiều kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, các kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, kiến thức đặc thù về dịch vụ và các kỹ năng công nghệ thông tin. Để thực hiện được những định
hướng phát triển kinh tế của địa phương, Quảng Ninh cần phải đảm bảo giải quyết các hạn chế về kỹ năng của nhân lực, đáp ứng những yêu cầu công việc của các ngành kinh tế trọng điểm ở tỉnh. Có 8 kỹ năng và kiến thức quan trọng và có thể áp dụng được trong các ngành kinh tế ở tỉnh Quảng Ninh.
Bảng2: Các kỹ năng và hiểu biết cần thiết của người lao động trong từng ngành kinh tế trọng điểm
Nguồn: Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Theo dự báo, đến năm 2020, mức tăng nhu cầu lao động so với năm 2013 là khoảng 220.000 người, lên mức khoảng 870.000 lao động. So sánh với nguồn cung lao động theo ngành và trình độ đào tạo (theo tính toán chỉ khoảng 490.000 lao động có trình độ đào tạo và ngành phù hợp), tỉnh sẽ thiếu hụt khoảng 380.000 lao động. Những ngành và lĩnh vực hạn chế về nhân lực gồm có: chế biến, chế tạo (80.000); dịch vụ lưu trú và ăn uống (50.100) và bán buôn – bán lẻ, các ngành kỹ thuật khác (40.000).
Ngược lại, những lĩnh vực sẽ dư thừa lao động là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (88.900) và công nghiệp khai khoáng (55.200). Xét theo các cấp độ đào tạo, thiếu hụt lớn nhất là ở cấp cao đẳng/trung cấp nghề (156.500) trong khi đào tạo sơ cấp nghề sẽ dư thừa lớn (94.000). Như vậy, cần ưu tiên tập trung đào tạo ở bậc cao đẳng/trung cấp nghề và bố trí lại số lượng đào tạo giữa các ngành hoặc nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu về lực lượng lao động đã đặt ra.
Đến năm 2020, lực lượng lao động ở Quảng Ninh cần được nâng cao tay nghề đối với khoảng 100.000 lao động và chuyển dịch khoảng 130.000 lao động hiện có từ ngành này sang các ngành khác. Phần lớn số lượng lao động thiếu hụt sẽ được đáp ứng thông qua số học viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo tại các cơ sở hiện có cần cải tiến chất lượng người lao động; việc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động hiện tại có thể được tổ chức thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng và phát triển tại chỗ. Một trong các phương pháp chính nhằm cải thiện chất lượng của lực lượng lao động sẵn có tại Quảng Ninh thông qua những thay đổi tại cơ sở làm việc, đó là: đào tạo bồi dưỡng kỹ năng liên tục.
Đào tạo kỹ năng liên quan đến công việc cho các ngành kinh tế trọng điểm với mục tiêu đến năm 2017, đội ngũ lao động sẽ được trang bị những kỹ năng cụ thể phục vụ cho công việc, được đào tạo bằng những chương trình giảng dạy thiết thực, đáp ứng với những yêu cầu, đòi hỏi của các doanh nghiệp hiện đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng như các công ty FDI mà tỉnh Quảng Ninh đang hợp tác.