Thể thao đỉnh cao là một thực tại xã hội khách quan, nó xuất hiện và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Nhưng TTTTC không phải là toàn bộ hoạt động TDTT, nó chỉ là một bộ phận, một yếu tố cấu thành vô cùng quan trọng và không thể thiếu được của hoạt động TDTT nói chung. Nói đến TTTTC là nói đến lĩnh vực hoạt động của một số ít người có năng khiếu và tài năng thể thao đặc biệt, đòi hỏi những điều kiện đặc biệt về tổ chức, quản lý, cũng như giáo dục, đào tạo, huấn luyện và cơ sở vật chất kỹ thuật. Nói đến TTTTC là nói đến thi đấu, đến kỷ lục. Tóm lại,sản phẩm cuối cùng của TTTTC là thành tích, là kỷ lục trong hoạt động TDTT [33, tr.35].
Trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các nhà chuyên môn đều cho rằng, thể thao hiện đại nói chung được chia ra thành hai khuynh hướng phát triển chính. Thứ nhất là thể thao quần chúng (thể thao cho mọi người). Chủ thể hoạt động của thể thao quần chúng bao gồm tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn ... miễn là có nhu cầu, có sở thích hoạt động thể thao. Thứ hai, TTTC là lĩnh vực hoạt động của một số người có năng khiếu thể thao, năng lực thể lực, năng lực tâm lý và tố chất vận động đặc biệt. Quan điểm trên đã được tất cả các chuyên gia, các nhà lý luận cũng như các nhà hoạt động thực tiễn về TDTT trên khắp thế giới thống nhất. Trong
khi đó, khi bàn về cấu trúc của TTTTC lại gây nên sự bất đồng khá lớn giữa các nhà khoa học, giữa các trường phái khoa học khác nhau.
Quan điểm thứ nhất phân chia TTTTC thành hai khuynh hướng: TT nhà nghề siêu hạng và TT nhà nghề thương mại (các trận thi đấu thể thao thương mại là những trận đấu quốc tế, được tổ chức thi đấu cho một môn thể thao nhất định nào đó, các nhà tổ chức chỉ mời tham dự những VĐV, hay những đội thật sự nổi tiếng và trả tiền thù lao rất cao cho những VĐV, những đội giành được chiến thắng, bên cạnh đó các nhà tổ chức cũng phải trả mức thù lao hợp lý, hay mức đã thoả thuận với những VĐV, những đội được mời tham dự giải đấu). Theo quan điểm của chúng tôi, sự phân chia trên hoàn toàn không thoả đáng. Bởi thuật ngữ “supe” theo tiếng La tinh có nghĩa là “trên” hay “quan trọng”, “chính yếu”, tóm lại là ở phía trên. Trong khi đó, khái niệm TTTC tự nó đã nói lên đẳng cấp tột đỉnh của hoạt động thể thao rồi. Chúng ta hoàn toàn không có đủ cơ sở thực tiễn để có thể nói rằng, nhóm VĐV thuộc “TT chuyên nghiệp supe (TT nhà nghề siêu hạng)” có kết quả thi đấu cao hơn nhóm VĐV
“TT chuyên nghiệp thương mại (TT nhà nghề thương mại)” hay ngược lại. Chúng ta có thể lấy ví dụ minh chứng ở một số giải thi đấu “TT chuyên nghiệp supe”, nơi quy tụ hầu hết những ngôi sao thể thao thế giới và cũng tại đấu trường lớn này, những VĐV chuyên nghiệp đã lập được không ít những kỷ lục thế giới mới. Bên cạnh đó, trong những thập kỷ gần đây, thành tích thế giới trong môn chạy maratong đã tăng tiến một cách đáng kể, nếu như không muốn nói là đã tăng lên gấp nhiều lần và những kỷ lục đó lại chỉ được lập trong những giải TT nhà nghề thương mại. Tóm lại, giữa cái được gọi là TT nhà nghề siêu hạng và cái được gọi là TT nhà nghề - thương mại, nếu xét trên bình diện thành tích thi đấu của VĐV thì tại thời điểm hiện tại không có sự khác nhau nào.
Quan điểm thứ hai cho rằng, TTTTC hiện đại được phân ra thành:“TT chuyên nghiệp” và “TT Olympic”. Theo chúng tôi, sự phân chia đó vẫn chưa hợp lý. Bởi vì,
trong xu thế phát triển của thể thao hiện đại, các VĐV chuyên nghiệp tham gia ngày một đông hơn vào các kỳ Olympic.
Tóm lại, những ý kiến nêu trên đều chưa thật sự hợp lý. Ý kiến sau đây của C.B. Guba (người Nga), một trong những nhà lý luận thể thao hiện đại hàng đầu thế giới, theo chúng tôi mới là hợp lý hơn cả. Theo ông, cấu trúc của thể thao hiện đại thể hiện như sau [49, tr. 8]:
1.2.3. Những bộ phận cấu thành hoạt động TTTTC
Thể thao hiện đại
Thể thao quần chúng
Mục đích: rèn luyện, tăng cường sức khoẻ; nâng cao trình độ thể thao
Chủ thể hoạt động: tất cả những ai yêu thích hoạt động thể thao
Thể thao thành tích cao
Thể thao nghiệp dư
Mục đích: tự khẳng định bản thân; hoàn thiện trình độ thể thao; sự công nhận của xã hội
Chủ thể hoạt động: VĐV nghiệp dư
Thể thao chuyên nghiệp
Mục đích: phần thưởng vật chất và tinh thần; hoàn thiện và nâng cao trình độ thể thao
Chủ thể hoạt động: VĐV chuyên nghiệp Thể thao Olympic
Mục đích: tự khẳng định bản thân; sự công nhận của xã hội; phần thưởng vật chất
Chủ thể hoạt động: VĐV nghiệp dư, VĐV chuyên nghiệp
Nói đến các bộ phận cấu thành nên hoạt động TTTTC là trước hết nói đến đội ngũ VĐV đỉnh cao, huấn luyện viên, trọng tài và lực lượng cổ động viên ... Bởi không thể có lực lượng VĐV đỉnh cao nếu như không có được sự chăm sóc, dạy bảo tận tình của đội ngũ huấn luyện viên có năng lực, dầy dạn kinh nghiệm và hết lòng yêu thương học trò. Cũng như vậy, trong các trận đấu thể thao trung thực, để đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, không thể không có vai trò cầm cân nẩy mực của đội ngũ trọng tài. Và cuối cùng, một vế tối quan trọng mà nếu thiếu nó sẽ không thể có thể thao đỉnh cao, đó là đội ngũ cổ động viên. Điều chắc chắn ai cũng đều nhận thấy rằng, không có sự cổ động, khích lệ về vật chất cũng như về tinh thần của các cổ động viên, thể thao đỉnh cao không thể có được những thành tựu vĩ đại như ngày nay.
Đương nhiên trong cấu trúc TTTTC, ngoài bốn bộ phận quan trọng nêu trên, còn có rất nhiều bộ phận có liên quan hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp tới các hoạt động thể thao đỉnh cao. Song với khuôn khổ của luận văn, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu một số bộ phận cơ bản và quan trọng nhất, trong đó bộ phận VĐV đỉnh cao được tập trung nghiên cứu tỷ mỷ; còn đối với huấn luyện viên, trọng tài và đội ngũ cổ động viên và một số bộ phận hợp thành khác, chúng tôi hoặc không đề cập, hoặc chỉ hệ thống hoá một cách tổng thể với tính cách là những yếu tố cấu thành, mà không xem xét một cách chi tiết.
1.2.3.1. Vận động viên đỉnh cao
Theo chúng tôi, một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất cấu thành nên nhân tố con người trong hoạt động TTTTC và cũng là những yếu tố được chúng tôi tiến hành phân tích, đánh giá một cách tỷ mỷ trong phần sau của luận văn bao gồm: yếu tố thể lực; yếu tố trí lực và yếu tố tâm lực của VĐV đỉnh cao.
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, nhân tố con người bao hàm hai nội dung chính: thứ nhất, con người với tổng hoà những khả năng, năng khiếu, trí tuệ, tình cảm, lý tưởng, đạo đức của họ; thứ hai, là sự thể hiện những phẩm chất đó và sự phát triển những phẩm chất đó thông qua quá trình hoạt động thực tiễn. Vậy
nên, đối với VĐV đỉnh cao, những yếu tố quan trọng cấu thành nên nhân tố con người trong TTTTC không có gì khác, đó chính là yếu tố thể lực, yếu tố trí lực và yếu tố tâm lực. Nhưng tự bản thân những yếu tố đó chưa thể được coi là nhân tố con người nếu như chúng không được phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất để thể hiện và phát triển.Và hơn hết, nếu thiếu những điều kiện xã hội cần thiết, thì những nhân tố đó không thể được bộc lộ để tạo nên những giá trị tinh thần và vật chất nhất định cho bản thân và cho toàn xã hội nói chung.
Đã là con người với tính cách một chủ thể hoạt động và nhận thức thì không thể thiếu được hai mặt: thể lực và tinh thần, nhưng vấn đề mà chúng tôi muốn quan tâm xem xét ở đây chính là: Những tiêu chí đánh giá, những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe về thể lực cũng như tinh thần của VĐV đỉnh cao khác với những yêu cầu và đòi hỏi của con người ở những lĩnh vực hoạt động khác như thế nào ?
1.2.3.1.1. Yếu tố thể lực của VĐV đỉnh cao
Trong các hoạt động TT, đặc biệt trong tập luyện và thi đấu TTTTC, yếu tố thể lực giữ một vị trí không thể thay thế và cực kỳ quan trọng. Để trở thành một VĐV có đẳng cấp thì khía cạnh đầu tiên phải kể đến đó chính là yếu tố thể lực. Nếu không có những tố chất bẩm sinh, một hình thể phát triển cân đối, hợp lý, thì dù khát vọng chiến thắng có cháy bỏng cùng với những mục đích và lý tưởng có được xây dựng vô cùng cao đẹp như thế nào đi chăng nữa, hay với những điều kiện tập luyện hết sức lý tưởng, chúng ta cũng không thể đào luyện ra những nhà vô địch. Chính vì lẽ đó, khi nghiên cứu các yếu tố cấu thành nhân tố con người trong hoạt động TTTTC, chúng tôi quyết định bắt đầu từ yếu tố thể lực (hình thể, tố chất thể lực) của VĐV.
Các tố chất thể lực của VĐV bao gồm: hình thể, sức mạnh, tốc độ, sức bền, mềm dẻo và khả năng phối hợp vận động. Tố chất sức mạnh có rất nhiều loại hình biểu hiện, do đó nếu chỉ dùng một định nghĩa để biểu đạt khái niệm sức mạnh là hoàn toàn không xác thực. Người ta thường nói đến các loại hình biểu hiện của tố chất sức mạnh như: sức mạnh tối đa (chỉ năng lực của cơ thể, hay một bộ phận của cơ thể có
thể khắc phục được một lực cản lớn nhất); sức mạnh tương đối (phản ánh mối quan hệ giữa trọng lượng cơ thể với sức mạnh tối đa của VĐV); sức mạnh tốc độ (là sự hoà trộn giữa sức mạnh và tốc độ, trên thực tế sức mạnh tốc độ là năng lực tăng tốc độ được biểu hiện khi khắc phục một lực cản nhất định nào đó của VĐV); sức mạnh bền (khả năng của VĐV để có thể duy trì thời gian dài nhất hoặc có thể lặp lại số lần nhiều nhất khi khắc phục một lực cản nhất định từ bên ngoài).
Tố chất tốc độ là tên gọi chung của năng lực cơ thể hoàn thành nhanh động tác và thời gian phản ứng động tác. Tố chất tốc độ bao gồm ba bộ phận: tốc độ phản ứng, tốc độ đơn giản, tốc độ phức tạp. Ba bộ phận hợp thành của tố chất tốc độ có sự liên hệ với nhau một cách rất hữu cơ, mật thiết và không thể tách rời trong một thể thống nhất. Tố chất tốc độ, đặc biệt là tốc độ trong lúc biểu hiện tần số động tác cao nhất, đứng trên quan điểm sinh hoá được quy định bởi hàm lượng ATP trong cơ bắp và tốc độ phân giải và tái hợp ATP dưới tác dụng của xung động thần kinh. Nhìn từ góc độ thành phần cấu tạo sợi cơ, người có tố chất tốc độ thì ở họ tốc độ truyền dẫn xung động thần kinh và khả năng trao đổi chất yếm khí của những sợi cơ màu sáng diễn ra mạnh hơn. Do vậy, người có tỷ lệ thành phần sợi cơ màu sáng nhiều thì thích ứng với những môn thể thao mang tính tốc độ. Do vậy, trong công tác tuyển chọn, phát hiện và đào tạo VĐV ở các nội dung chạy tốc độ, thành phần cấu tạo sợi cơ phải được đặc biệt quan tâm và được đưa lên thành một trong những tiêu chí tuyển chọn hàng đầu.
Tố chất sức bền là năng lực của cơ thể khắc phục trạng thái mệt mỏi sản sinh trong quá trình hoạt động. Trong thực tiễn, tố chất sức bền có thể phân thành: sức bền ưu khí (aerobic) và sức bền yếm khí (anaerobic). Từ góc độ chuyên môn, tố chất sức bền lại có thể chia thành sức bền chung và sức bền chuyên môn. Trong bất kỳ môn thể thao nào, tố chất sức bền là một năng lực đa nhân tố. Nhìn chung nó có những đặc điểm sau đây: thời gian duy trì hoạt động dài, hoạt động liên tục, cường độ không lớn lắm, các nhóm cơ lớn đều tham gia hoạt động, hệ thống tim mạch có sự đảm bảo tương đối tốt. Trong năng lực thi đấu của bất kỳ VĐV nào, yếu tố sức bền thể lực là
một trong những yếu tố đóng góp rất lớn tới thành tích TT. Tố chất sức bền, cũng như các tố chất thể lực khác, chúng đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, cái này là tiền đề quy định và chi phối cái kia và ngược lại.
Tố chất mềm dẻo là sự biểu hiện biên độ hoạt động của các khớp xương và khả năng vươn duỗi của gân, dây chằng, cơ bắp trong thực hiện các động tác kỹ thuật.
Tố chất mềm dẻo có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong hoạt động thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Người ta thể phân chia tố chất mềm dẻo ra hai loại sau: Tố chất mềm dẻo chung nhằm thích ứng và đảm bảo yêu cầu của công tác huấn luyện. Tố chất mềm dẻo chuyên môn là sự mềm dẻo đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của một môn thể thao nhất định nào đó. Cũng như tố chất sức bền, tố chất mềm dẻo chịu sự ảnh hưởng và quy định của rất nhiều các yếu tố khác như: tính đàn hồi của tổ chức cơ và dây chằng, cấu trúc của khớp xương, thể tích lớn, nhỏ của các tổ chức xung quanh các khớp xương, tính linh hoạt của sự chuyển đổi quá trình thần kinh, mức độ căng thẳng tâm lý, nhiệt độ môi trường bên ngoài và thời gian trong ngày, tính mềm dẻo chủ động có quan hệ trực tiếp với sức mạnh của cơ bắp và cuối cùng là mức độ mệt mỏi của bản thân VĐV.
Tố chất phối hợp vận động, hay năng lực phối hợp vận động, “là một phức hợp các tiền đề của VĐV để thực hiện thắng lợi một loại hình hoạt động thể thao nhất định” [33, tr. 359]. Nếu như tố chất sức mạnh, tố chất tốc độ, tố chất sức bền và tố chất mềm dẻo dựa trên cơ sở của hệ thống thích ứng về mặt năng lượng thì tố chất phối hợp vận động lại phụ thuộc chủ yếu vào các quá trình điều khiển hành động vận động.Trong thực tế hoạt động thể thao, các nhà chuyên môn đã phân chia tố chất phối hợp vận động thành bảy loại khác nhau: tố chất liên kết vận động, tố chất định hướng, tố chất thăng bằng, tố chất nhịp điệu, tố chất phản ứng, tố chất phân biệt vận động, tố chất thích ứng. Việc phân chia tố chất phối hợp vận động mang những đặc thù khác nhau, điều đó không có nghĩa là chúng tách rời nhau, mà ngược lại các năng lực này
luôn có mối quan hệ khăng khít, thống nhất, là một tập hợp các tiền đề cho các hoạt động thể thao khác nhau.
1.2.3.1.2. Yếu tố trí tuệ của VĐV đỉnh cao
Một VĐV có thể hình cân đối và các tố chất sức mạnh, sức bền, tốc độ, mềm dẻo, năng lực phối hợp thiên phú ... nghĩa là có đủ những tiêu chí thể chất (thể lực) của một nhà vô địch, nhưng lại không có trình độ kỹ - chiến thuật điêu luyện, không có trạng thái tâm lý vững vàng trong thi đấu, không có ý chí ngoan cường biết khắc phục khó khăn để chiến thắng chính mình, chiến thắng đối thủ, không có quá trình hăng say tập luyện miệt mài, không có bản lĩnh “thắng không kiêu ngạo tự mãn, thua không bi quan chán nản, ...”, thì cũng sẽ không thể trở thành nhà vô địch. Vì thế, yếu tố thứ hai, yếu tố trí tuệ cũng là một phần không thể thiếu được của các VĐV đỉnh cao. Theo quan điểm của chúng tôi, nó là một bộ phận vô cùng quan trọng cấu thành nhân tố con người trong hoạt động thể thao đỉnh cao. Yếu tố trí tuệ bao gồm trong đó kỹ thuật, trình độ chiến thuật, trình độ tập luyện thể thao, và tiêu chí cuối cùng để đánh giá trí tuệ VĐV chính là năng lực thể thao.
Trình độ kỹ thuật: Khi đã được chuẩn bị tốt về thể lực, VĐV sẽ có một tiền đề vững chắc cho quá trình tiếp thu và hoàn thiện các động tác kỹ thuật. Kỹ thuật của bài tập là cách thức “sắp xếp, tổ chức và thực hiện hệ thống các động tác để giải quyết nhiệm vụ vận động, hoặc nói gọn hơn, đó là những cách thức để giải quyết nhiệm vụ vận động” [33, tr.117]. Mỗi loại hình hoạt động thể thao lại có những yêu cầu chuyên biệt về mặt kỹ thuật khác nhau. Hay nói một cách khác, kỹ thuật trong TT là kỹ thuật vận động, là cách thức VĐV thực hiện động tác có hiệu quả, hợp lý, chính xác, phát huy được năng lực, chức năng của cơ thể của mình trong hoạt động thể thao. Trình độ kỹ thuật là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần tạo nên thành tích thể thao. Không có một chuẩn mực chung để đánh giá trình độ kỹ thuật thể thao một cách chung chung, mà ở mỗi một môn thể thao sẽ có những test nhất định để đánh giá trình độ chuyên môn, kỹ thuật của môn thể thao đó. Kỹ thuật là cơ sở của chiến