1.2.1. Tổng quan về nguyên liệu thanh trà.
1.2.1.1.Giới thiệu về thanh trà:
Thanh Trà còn gọi là xoài hoang dại (Wild Mango) tên khoa học Bouea Oppsitifolia (Roxb) Meissn tên cũ Mangifera Oppsitifolia Roxb cùng họ Anacardiaceae với cây xoài. Trái thanh trà giống trái xoài thu nhỏ có hột to hay gọi là xoài mút hay xoài hột. [5]
Hiện nay thanh trà được trồng nhiều, tập trung ở các ấp Đông Hưng I, Đông Hưng II, Đông Hòa (Xã Đông Thành, Vĩnh Long [5]
1.2.1.2. Phân loại thanh trà: [5]
Thanh trà có hai loại là thanh trà chua và thanh trà ngọt.
Thanh trà chua có vỏ cứng ăn giòn, thường được ăn sống với muối ớt.
Thanh trà ngọt có vỏ mềm. Trước khi thưởng thức thanh trà người ta phải nắn hoặc xoa đều tay cho mềm để dễ lột bỏ vỏ.
1.2.1.3. Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản [5]
Thanh trà cho trái ba đợt:”tháng 9 âm lịch, lá già trổ bông xuống nhụy, 2 tháng rưỡi là thu hoạch. Đợt đầu thường bắt đầu từ rằm tháng giêng âm lịch. Sau đó thanh trà cho thu hoạch liên tiếp 2 đợt. Thanh trà chín được nhà vườn thu hái rất cẩn thận thường kèm cả lá cho đẹp. Sau khi chọn lựa, phân loại trái thanh trà được đóng thùng đưa đi các nơi tiêu thụ. Tùy theo loại thanh trà chua hay ngọt mà định giá bán rất chênh lệch nhau.
1.2.1.4. Giá trị của thanh trà:
1.2.1.4.1. Giá trị kinh tế: [5]
Thanh trà là loại cây ít tốn kém về giống (ương hột về sau mới chiết nhánh vì cây mau phát triển), phân bón, điều kiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Mặt khác cây thanh trà nếu chăm sóc đúng kĩ thuật sẽ cho năng suất cao và phẩm chất trái tốt.
Giá của trái thanh trà chua, đẹp cân cho lái được 10.000 đ/1kg, ít chua 15.000 đ/1kg, thanh trà ngọt 30.000-35.000 đ/1kg. Còn nếu có trái bán vào dịp tết Nguyên Đán thì giá gấp đôi do nhiều người thích mua về trưng.
Giá của trái thanh trà tuy không cao vào chính vụ nhưng nếu so sánh với vốn đầu tư thì nó mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người trồng.
Ngoài ra cần nghĩ đến việc xuất khẩu quả tươi và các sản phẩm chế biến từ thanh trà.
1.2.1.4.2. Giá trị thực phẩm:
Quả thanh trà chứa nhiều vitamin (đặc biệt là vitamin C) và khoáng chất nên thanh trà thực sự có giá trị về mặt dinh dưỡng. Thêm vào đó tỷ lệ đường/acid trong thịt quả thanh trà chín hài hòa nên có vị dễ chịu kích thích tiêu hóa. Mùi thơm của thanh trà chín đặc trưng dễ chịu. Trong phần ăn được của trái thanh trà ăn nhiều nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa. Khi thanh trà chín gọt vỏ dằm đường cùng nước đá là có thứ nước giải khát ngon lành vào mùa nắng nóng.
1.2.1.4.3. Giá trị dược phẩm: [5]
Trái thanh trà có vị chua, ngọt, tính mát, có tác dụng bổ, giải khát, giải nhiệt, sinh tân dịch, ăn nhiều nhuận tràng.
Quả còn xanh gọt bỏ vỏ, bỏ hột nấu canh chua ăn cho mát trong mùa nắng nóng. Lá thanh trà cũng tương tự lá xoài chứa nhiều hoạt chất có tính kháng sinh (mangilferin quercetin, acid galic..) dùng nấu cao (1kg lá khô bằm nhỏ thêm 2 lít nước sắc còn nửa lít rồi cô thành 100 ml cao sền sệt) để thoa trị phỏng, rôm sẩy, hăm lở.
1.2.1.5. Vị trí trái thanh trà so với các loại quả khác:
Ở Việt Nam thanh trà được coi là loại quả bình dân và bị đánh giá thấp trong các loại cây ăn quả. Nó chưa được xem là một trong các loại cây ăn quả chính thống và có vị trí rất khiêm tốn bên cạnh các loại cây trong vườn quả. Thanh trà được trồng để lấy bóng mát và những mùa trái đẹp làm “kiểng” vì không ai biết ăn nhưng khi vào mùa vụ thanh trà mang lại một khoản thu không nhỏ cho nhà vườn.
Trong khi các loại quả cam, dứa, táo…chế biến ở quy mô công nghiệp thì các sản phẩm chế biến từ thanh trà hầu như chưa có và chưa
được quan tâm. Do đó chưa tạo được sự khuyến khích nhà vườn phát triển loại cây này, cũng chưa tạo động lực cho các cơ sở nghiên cứu.
1.2.1.6. Những thuận lợi và khó khăn cho việc phát triển cây thanh trà ở Việt Nam: [5]
1.2.1.6.1. Thuận lợi:
Việt Nam có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp để phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới trong đó có cây thanh trà.
Thanh trà là loại quả phổ biến ở miền Nam, bình dân tuy nhiên chưa được nhiều người biết đến.
Điều kiện trồng trọt không quá nghiêm ngặt.
Trái thanh trà có giá rẻ, dễ bán là loại quả có giá trị dinh dưỡng khá.
1.2.1.6.2. Khó khăn:
Hiện tại trái thanh trà chưa có được sự quan tâm đúng mức của các nhà khoa học cũng như cả nhà vườn do chưa có những sản phẩm hấp dẫn được chế biến từ nó.
Chưa có những nghiên cứu có hệ thống về giống, kĩ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất và phẩm chất trái thanh trà từ đó nâng cao giá trị thương phẩm để kích thích sự quan tâm của nhà vườn.
Chưa có được những vùng trồng tập trung với quy mô lớn để có thể cung cấp đầy đủ về trái tươi và các sản phẩm chế biến cho thị trường trong nước và xuất khẩu.