4.2. Các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng
4.2.1. Các biểu hiện lâm sàng
4.2.1.1. Các biểu hiện lâm sàng chung
* Tổn thương da và niêm mạc.
Các biểu hiện ở da xuất hiện ở hầu hết các bệnh nhân, hay gặp nhất là da nhạy cảm ánh sáng là 90.2%, tiếp theo là ban hình cánh bướm ở mặt 85.4% (Bảng 3.1). Đây là hình thái tổn thương điển hình của SLE, thường gặp ở giai đoạn khởi phát bệnh. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của nhiều tác giả khác như N.N.An (78.7%) [1], Đ.K.Chiến (83.7%) [3], T.N.Duy (76.3%) [7], Đ.T. Liệu (79.3%) [12].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, những trẻ có độ tuổi trên 10 tuổi 100% có biểu hiện ban nhạy cảm ánh sáng, 93.8% trẻ ở độ tuổi này có ban cánh bướm trong khi trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi thì chỉ có khoảng một nửa số trẻ là có ban nhạy cảm ánh sáng (55.6%) và ban cánh bướm (55.6%) (Bảng 3.2). Theo nghiên cứu của Lalani và cs thì tuổi càng cao thì tỷ lệ gặp ban càng nhiều [60].
Tổn thương niêm mạc miệng gây loét niêm mạc miệng gặp 53.7% bệnh nhân (Bảng 3.1). Hậu quả của nó là dẫn đến nhiều khó khăn trong việc ăn uống của bệnh nhân, có thể làm giảm chế độ dinh dưỡng của người bệnh.
Triệu chứng loét niêm mạc miệng và niêm mạc mũi, đi kèm với hiện tượng giảm bạch cầu nên rất dễ bị nhiễm trùng, các vết loét rất lâu khỏi.
* Tổn thương hệ cơ, xương, khớp.
Viêm đa khớp chúng tôi gặp 73.2% (Bảng 3.1), tổn thương khớp trong nghiên cứu của chúng tôi gặp không có tổn thương và biến dạng khớp, thường gặp là viêm nhiều khớp với biểu hiện ban đầu và hay gặp là đau khớp. Tỉ lệ này cũng tương tự với các nghiên cứu khác như Đ.K.Chiến (77.5%) [3], N.T.T. Hồng (62.5%) [9], Ataei N. (81%) [29], Gomez R.(83%) [48]. Chúng tôi không gặp trường hợp nào bị hoại tử xương vô khuẩn, tỷ lệ này theo y văn gặp tới 15% [31] có lẽ ở đây bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi chỉ trên bệnh nhân viêm thận lupus chứ không phải bệnh nhân lupus chung nên triệu chứng ngoài thận không được phong phú và nhiều như bệnh nhân lupus chung.
* Tổn thương tâm thần kinh
Trong nghiên cứu của chúng tôi, các biểu hiện ở hệ thần kinh gặp ít và chủ yếu là rối loạn tâm thần (14.6%) và động kinh (7.3%) (Bảng 3.1). Kết quả này cũng tương tự một số tác giả khác như T.N.Duy [7], N.T.T.Hồng [9], Đ.T.Liệu [12]. Theo một số nghiên cứu thì động kinh có thể gặp cơn động kinh toàn thể hoặc động kinh cục bộ [2], [31]. Cả 3 bệnh nhân của chúng tôi gặp là cơn động kinh toàn thể.
Tổn thương hệ thần kinh là do hệ quả của viêm mạch, xuất huyết, xuất huyết não đại thể, vi thể, có thể gặp hội chứng màng não, hội chứng tăng áp
lực nội sọ, liệt nửa người [2], [23], [31]. Tuy nhiên ở đây chúng tôi không gặp bệnh nhân nào bị hội chứng màng não, hội chứng tăng áp lực nội sọ hay liệt nửa người.
Theo y văn, rối loạn tâm căn gặp 10%, thường thể hiện ở các dạng: lo lắng, ngơ ngẩn, hiếm hơn là trầm cảm, hưng cảm, hoang tưởng, ảo giác, hoặc biểu hiện tâm thần phân liệt…. [31]. Cả 6 bệnh nhân của chúng tôi chủ yếu là ngơ ngẩn, gọi hỏi không trả lời, có bệnh nhân biểu hiện bằng cơn khóc vô cớ.
Tỷ lệ xuất hiện các tổn thương tâm thần kinh trong nghiên cứu của chúng tôi thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi (Fisher test - p>0.05) (Bảng 3.3) mặc dù theo nghiên cứu của Descloux E và cs thì thấy tần xuất xuất hiện các biểu hiện tâm thần kinh giảm dần theo tuổi có lẽ có sự khác biệt này là do nghiên cứu của chúng tôi chỉ có 6 bệnh nhân nên số lượng mẫu chưa đủ lớn để có thể kết luận điều này [43].
4.2.1.2. Các biểu hiện lâm sàng của viêm thận
Biểu hiện lâm sàng của viêm thận hay gặp nhất là phù với các mức độ khác nhau chiếm tới 78.0% (Bảng 3.4) kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Đ.V. Công (67.8%) [4], N.T.T. Hồng (70%) [9] (Bảng 4.1).
Bảng 4.1: So sánh với một số nghiên cứu khác về lâm sàng của viêm thận.
Tác giả Biểu hiện Nghiên cứu của
chúng tôi
N.T.T.Hồng [9]
T.V. Vũ [19]
Phù 78.0% 70.0% 82.9%
Cổ chướng 51.2% 25.0%
Tăng huyết áp 78.0% 35% 31.76%
Đái máu 75.6% 67.5% 89.35%
Phù to kèm theo cổ chướng chúng tôi gặp 51.2%. Theo y văn cổ chướng do giảm protid máu, albumin máu trong những dạng tổn thương mô bệnh học nặng của thận [44] điều này cho thấy bệnh nhân đến với chúng tôi có thể đã bị tổn thương nặng trên mô bệnh học. Tỉ lệ phù trong nghiên cứu của chúng tôi gặp nhiều ở nhóm bệnh nhân trên 10 tuổi (Fisher test – p<0.05) (Bảng 3.5). Tuy nhiên phù kèm theo cổ chướng trong nghiên cứu của chúng tôi thì lại không có mối liên quan với nhóm tuổi (Fisher test – p>0.05) (Bảng 3.5).
Tăng huyết áp cũng gặp với tỉ lệ khá cao 78.0 % (Bảng 3.4), cao hơn Đ.V.Công (19.34 %) [4], H.Đ. Cường (17.44 %) [5], có thể do chúng tôi chỉ nghiên cứu những bệnh nhân lupus có viêm thận còn các tác giả khác nghiên cứu triệu chứng lâm sàng của SLE chung. Tỷ lệ xuất hiện tăng huyết áp trong nghiên cứu của chúng tôi không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi (Fisher test - p>0.05) (Bảng 3.5).
Đái máu cũng chiếm tỉ lệ cao tới 75.6% (Bảng 3.4), đa số là đái máu đại thể (46.4%). Kết quả này tương tự của T.N.Duy (86.8%) [7], N.T.T.Hồng (67.5%) [9], Cameron J.S (80%) [36], Gan H.C (74%) [47]. Tỷ lệ xuất hiện đái máu trong nghiên cứu của chúng tôi cũng không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi (Fisher test - p>0.05) (Bảng 3.5).