THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỆT - MAY VIỆT NAM TỪ NĂM 1995 ĐẾN NĂM 2000
I. GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010
2. Giải pháp về đầu tư
Đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Có đầu tư thì có đổi mới. Không đầu tư thì không bao giờ có đổi mới. Do vậy, chủ các doanh nghiệp Dệt May cần sớm xây dựng các dự án đầu tư, trình các cấp có thầm quyền phê duyệt. Các dự án đã được phê cần được triển khai thực hiện bởi nhiều đối tác khác nhau, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngay cả việc kêu
gọi đầu tư nước ngoài cũng cần các dự án đã được phê duyệt. Do đó, ngành Dệt May cần đầu tư vào các lĩnh vực sau:
Đầu tư phát triển nguyên phụ liệu cho Ngành, đặc biệt là cây bông vải, các hoá chất, thuốc nhuộm, chất trợ cho ngành Dệt, phụ liệu cho ngành May, các sản phẩm Dệt sử dụng cho các ngành công nghiệp, các sản phẩm Dệt hiện chưa sản xuất được như xơ sợi tổng hợp, vải không dệt, vải địa kỹ thuật…
Hiện nay, phần lớn nguyên phụ liệu của ngành Dệt May như bông, xơ sợi tổng hợp, hoá chất thuốc nhuộm, vải chất lượng cao may hàng xuất khẩu, phụ liệu cho ngành May vẫn phải nhập khẩu. Nếu các nguyên phụ liệu này được trong nước cung cấp thì ngành Dệt May có thể chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, giá hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao hơn, thời gian giao hàng sớm hơn và nhờ vậy ngành Dệt May sẽ thu được lợi nhuận cao hơn, tăng trưởng nhanh hơn. Mặt khác, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để xây dựng và phát triển vùng trồng bông vì hiện hầu hết các vùng có khả năng trồng bông lại đang trồng trọt các loại cây khác, do đó lượng bông cung cấp quá ít ỏi (khoảng 10% nhu cầu nhập khẩu) không đủ để hỗ trợ cho ngành Dệt, khiến ngành Dệt Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.
Để giải quyết được khó khăn này, cần mở rộng diện tích trồng bông và tăng năng suất cây bông hạt. Mở rộng diện tích trồng bông bằng cách: trồng xen canh với các loại cây khác; khuyến khích nông dân chuyển sang trồng bông vì đầu tư vào việc này thấp, nhanh được thu hoạch, được ngành Dệt May lo đầu ra, hơn nữa lại có sự trợ giúp của Chính phủ để ổn định sản xuất, ổn định lợi nhuận cho nông dân; hình thành các khu trồng bông lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, áp dụng mô hình trang trại trồng bông; quy hoạch một số vùng trồng bông mới như Sơn La - Thanh Hoá, Đồng bằng sông Cửu Long,
Duyên hải miền Trung. Tăng năng suất cây bông hạt bằng cách: lai tạo các giống bông cho năng suất cao; áp dụng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh mới, hiệu quả cao hơn; đầu tư vào hệ thống bảo quản để tránh bông bị hư hỏng do thời tiết.
Đầu tư phát triển ngành Dệt tập trung theo cụm, nằm trong khu công nghiệp nhằm giảm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết xử lý môi trường tập trung.
Ngành Dệt là ngành cần có vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp; yêu cầu lao động có trình độ cao; nhu cầu đầu vào và hạ tầng cơ sở lớn; quản lý lại khó khăn; giải quyết xử lý môi trường tập trung.
Hiện nay, ngành Dệt đang có chủ trương đầu tư tập trung vào 10 cụm công nghiệp Dệt (phía Bắc 5 cụm, miền Trung 1 cụm và phía Nam 4 cụm) với nhu cầu vốn đầu tư cho mỗi cụm là 2.018 tỷ đồng và đầu tư toàn cụm ước tính: 1.684 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn là 10 năm. Bao gồm :
- Cụm công nghiệp Dệt May Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên.
- Cụm công nghiệp Dệt May Thái Bình.
- Cụm công nghiệp Dệt May Hải Phòng.
- Cụm công nghiệp Dệt May tại KCN Lễ Môn, Thanh Hoá.
- Cụm công nghiệp Dệt May Đà Nẵng.
- Cụm công nghiệp Dệt May Nhơn Trạch, Đồng Nai.
- Cụm công nghiệp Dệt May Bình An, Bình Dương.
- Cụm công nghiệp Dệt May Bến Lức, Long An.
- Cụm công nghiệp Dệt May Cần Thơ.
- Cụm công nghiệp Dệt May Tiên Sơn, Bắc Ninh.
Đầu tư phát triển ngành May rộng khắp đến tận các vùng thị trấn, những khu dân cư nhằm kết hợp phát triển ngành với công nghiệp hoá ở nông thôn.
Khác với ngành Dệt, ngành May chỉ cần vốn đầu tư ít với công nghệ đơn giản; lao động giản đơn; sử dụng lao động nhiều (có thể từ nông thôn và miền núi).
Hiện các sản phẩm May có chất lượng cao, xuất khẩu FOB được tập trung may tại các thành phố lớn (Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng).
Các sản phẩm may trung bình và cấp thấp , là các đơn vị vệ tinh, may da công tập trung may chủ yếu ở các tỉnh, huyện và xã.
Để có thể xây dựng và triển khai nhanh các dự án đầu tư, cần khuyến khích và mở rộng việc sử dụng các công ty tư vấn chuyên ngành hoặc thành lập các trung tâm tư vấn Dệt May có đủ chuyên gia Dệt May, chuyên gia thiết bị động lực, chuyên gia xây dựng và chuyên gia tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng nhanh các dự án đầu tư.