II) Thực trạng về các nguồn lực sản xuất của ngành công nghiệp Dệt
4. Về nguyên liệu sản xuất ngành Dệt May
Trong sản xuất, nguyên liệu ngành Dệt May đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng và hiệu quả sản xuất toàn ngành Dệt May. Nguyên liệu chính và được sử dụng nhiều nhất của ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam là bông xơ và xơ sợi tổng hợp.
a) Nguyên liệu cho ngành Dệt:
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nguyên liệu chính như bông xơ và tơ tằm nhưng với số lượng nhỏ, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của Ngành. Phần lớn nguyên liệu phải nhập ngoại, riêng xơ sợi tổng hợp và thuốc nhuộm phải nhập gần như 100%, bông xơ phải nhập đến 90%, còn các hoá chất khác cũng phải nhập tới 80%.
Bảng 5 : Tình hình nhập khẩu các nguyên liệu chủ yếu cho ngành Dệt (1996 -2000)
Nguyên liệu Đơn vị 1996 1997 1998 1999 2000
Bông xơ Nghìn
tấn 37,4 73,9 67,9 77,4 83,9
Sợi tổng hợp Nghìn
tấn 74,3 76,6 129,9 159,9 176,4
Nguồn : Tổng cục hải quan
Trên 80% giá trị thành phẩm ngành Dệt nằm ở giá trị nguyên liệu, giá trị gia tăng chỉ chiếm từ 20 - 30%. Trong khi đó ngành Dệt Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguyên liệu cho mình. Đây chính là nguyên nhân làm cho ngành Dệt của Việt Nam chưa phát triển.
b) Nguyên liệu cho ngành May:
Sản phẩm đầu ra của ngành Dệt chính là nguyên liệu cho ngành May. Do sự yếu kém của ngành Dệt trong nước, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành May, trên 85% lượng vải cung cấp cho May xuất khẩu là phải nhập khẩu. Hàng năm, ngành May phải nhập khẩu một lượng nguyên phụ liệu rất lớn : Năm 1997 là 18,6 triệu USD; năm 1998 là 16,5 triệu USD; năm 1999 là 10,5 triệu USD và năm 2000 là 8,7 triệu USD. Thế nên mặc dù giá trị xuất khẩu của ngành May đã tăng lên đáng kể qua các năm nhưng hiệu quả thực tế thu được lại không đáng là bao.
Mong muốn thoát khỏi cảnh làm thuê phụ thuộc vào nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vừa là mong muốn chủ quan, vừa là đòi hỏi khách quan của ngành May Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Dệt và các doanh nghiệp May đều muốn hợp tác với nhau vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn cho sự hợp tác này đó là chất lượng và giá cả của các sản phẩm Dệt trong nước hiện đang làm cho các doanh nghiệp May lo ngại. Để tháo gỡ khó khăn này, không chỉ là một vấn đề để giải quyết mà đó là cả một quá trình phối hợp đầu tư giữa các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam dưới sự quản lý của các cấp, các ngành.