THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỆT - MAY VIỆT NAM TỪ NĂM 1995 ĐẾN NĂM 2000
II) THỰC TRẠNG VỀ CÁC NGUỒN LỰC SẢN XUẤT CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỆT MAY
2. Về lao động và công tác đào tạo lao động của ngành công nghiệp Dệt May
Mặc dù lao động ngành công nghiệp Dệt May không đòi hỏi phải có trình độ quá cao nhưng nếu người công nhân không được đào tạo các kiến thức cơ bản về ngành Dệt May và người quản lý, điều hành của các nhà máy sản xuất Dệt May không được đào tạo chuyên sâu các kỹ năng về nghề nghiệp thì sẽ có nguy cơ không bắt kịp trình độ công nghệ ngày càng hiện đại, cường độ làm việc ngày càng căng thẳng của ngành Dệt May Việt Nam.
a) Lao động của ngành Dệt May Việt Nam a1) Lao động trong ngành Dệt:
Lao động ngành Dệt trong cả nước chiếm tỷ trọng rất lớn so với lao động công nghiệp . Tuy nhiên, số lượng lao động trong ngành Dệt trong những năm gần đây đang có xu hướng giảm. Đây là một hiện tượng thực tế khách quan, bởi vì nhiều xí nghiệp có thiết bị thủ công, lạc hậu, sản xuất không còn hiệu quả đã bị giải thể, nhiều nhà máy đầu tư phát triển ngành Dệt đang được tăng dần làm cho lao động thủ công nửa cơ khí giảm dần. Đối với khu vực quốc doanh trung ương, lao động có tăng nhưng không nhiều. Chính vì vậy, năng suất lao động tính bằng tiền công cũng không tăng bao nhiêu, từ năm 1995 đến nay cũng chỉ biến động trong khoảng 10 – 14 triệu đồng/người/năm. Song đây chỉ là con số thông kê được ở khu vực Trung ương, còn khu vực địa phương không thể phản ánh được chỉ tiêu năng suất lao động tính bằng tiền.
a2) Lao động trong ngành May:
Theo điều tra lao động toàn ngành May hiện nay có khoảng 130 nghìn người, trong đó khu vực trung ương có khoảng 34 nghìn người và khu vực công nghiệp địa phương hiện có khoảng 96 nghìn người. Khác với ngành Dệt một công nhân phải quản lý nhiều máy, công nhân trong ngành May sử dụng mỗi người một máy. Lao động của công nhân trong ngành May chủ yếu là nữ (chiếm tới 80%), công việc của họ chủ yếu là ngồi một chỗ và thao tác nhanh một phần công việc trong dây chuyền sản xuất một sản phẩm. Điều này dẫn đến có rất nhiều công nhân bị mắc bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của họ.
Tóm lại, trong cơ chế thị trường hiện nay, do yêu cầu của công việc nên lao động trong ngành Dệt May phải làm việc với cường độ cao, thời gian làm việc căng thẳng, số lượng lớn với tỷ lệ nữ cao (chiếm 72 – 77%). Do tính đặc thù của công việc (công nhân Dệt phải đứng một lúc nhiều giờ liên tục) đã ảnh
hưởng đến sức khoẻ của người lao động, số công nhân mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp không có việc làm, không tiêu thụ được sản phẩm, do đó dẫn đến nghỉ việc tràn lan. Cơ sở vật chất, vốn tự có của doanh nghiệp Dệt May thấp, việc giải quyết các chế độ phúc lợi xã hội như nhà ở, bảo hiểm... chưa tốt. Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ, năng suất lao động đời sống của công nhân.
Lao động trong ngành Dệt May ít được qua đào tạo và đào tạo lại.
Thông thường các khoá đào tạo tiến hành ngắn trong khoảng hai đến ba tháng.
Tay nghề công nhân không cao, do đó kéo theo năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thấp.
Trong điều kiện làm việc như vậy nhưng nhìn chung tiền lương không cao nên người lao động không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đó là nguy cơ trầm trọng dẫn đến sự khan hiếm lao động có tay nghề giỏi trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp tình trạng ngày càng giảm số lượng công nhân có đủ khả năng làm việc. Để đổi lại cho việc tìm kiếm thu nhập tốt hơn, nhiều công nhân đã chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp sản xuất có lãi, thu nhập cao và ổn định hơn. Do đó, tình trạng thừa lao động thủ công, thiếu lao động tay nghề giỏi đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam hiện nay.
b)Công tác đào tạo lao động quản lý ngành Dệt May
b.1) Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý:
Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý là lực lượng rất quan trọng cho sự phát triển của ngành Dệt May. Hiện nay, ngành Dệt May đang ở trong tình trạng thiếu cán bộ quản lý giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao. Hầu hết cán bộ chủ chốt trong ngành đều có trình độ đại học với
chuyên môn nghiệp vụ khá nhưng trình độ tổ chức sản xuất theo phong cách công nghiệp còn yếu, tiếp cận với phương thức quản lý hiện đại còn ít. Đó là một trở ngại lớn cho việc tổ chức sản xuất, sắp xếp dây chuyền tại các doanh nghiệp. Cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp phần lớn đều trưởng thành từ công nhân bậc cao nên chỉ giỏi và thành thạo về công nghệ của những sản phẩm cụ thể. Đây là một sự cảnh báo cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Dệt May.
b.2) Công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật:
So sánh công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia của ngành Dệt May hiện nay so với yêu cầu đặt ra cho sự phát triển của Ngành trước mắt cũng như lâu dài ta thấy có một sự chênh lệch quá lớn giữa một bên có khả năng đào tạo quá nhỏ bé và một bên là nhu cầu về cán bộ kỹ thuật, chuyên gia giỏi rất lớn. Nguyên nhân của sự chênh lệch quá lớn này là do:
- Mục tiêu đào tạo chưa chuyển biến kịp, thực chất vẫn theo mục tiêu đào tạo đã tiếp thu từ một số nước XHCN cũ.
- Hai trung tâm lớn nhất cả nước đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật Dệt May là trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Bách khoa TP.HCM đều có rất ít sinh viên theo học ngành Dệt May, một số trường có đào tạo chuyên ngành thời trang như trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Viện mở Hà nội nhưng số lượng sinh viên theo học cũng không nhiều. Trong khi đó, kiến thức chuyên ngành cung cấp cho sinh viên còn thiếu và không theo kịp sự phát triển của trình độ sản xuất. Do đó, các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật ra trường chậm phát huy năng lực do trình độ thực hành kém, trình độ ngoại ngữ lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn chưa được quan tâm.
- Quy mô đào tạo còn nhỏ bé, mỗi năm có khoảng 50 kỹ sư, bậc trên đại học chỉ có ở hai trường đại học là Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Bách khoa TP.HCM được phép đào tạo do số lượng Thạc sỹ, Tiến sỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
- Chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu, đơn vị đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thực trạng về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật cho thấy số lượng cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có rất ít, trong khi đó chất lượng đào tạo lại thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành Dệt May. Các doanh nghiệp Dệt May, trong cơ chế hiện nay, yêu cầu đối với người làm công tác quản lý, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật phải là những người nắm bắt được công nghệ hiện đại, cập nhật thông tin hàng ngày.
3. Về thiết bị công nghệ của ngành Dệt May Việt Nam